top-banner-2

Thứ hai, 01/04/2024, 14:15 GMT+7

Đạo diễn Lê Hoàng và nhà thơ Phong Việt khẳng định danh xưng “nhà thơ” rất dễ dãi

Sau khi phân tích lý do các tập thơ ngày nay ít được độc giả đón nhận trong tập 43 chương trình Kính Đa Chiều, nhà thơ Phong Việt trở lại cùng host Lê Hoàng trong tập 53 để phân tích “mổ xẻ” chủ đề Dễ dàng trong danh hiệu nhà thơ.

dao-dien-le-hoang-va-nha-tho-phong-viet-khang-dinh-danh-xung-nha-tho-rat-de-dai

Mở đầu chương trình Kính Đa Chiều, đạo diễn Lê Hoàng đặt vấn đề vì sao tỷ lệ nhà thơ trong Hội nhà văn Việt Nam rất đông nhưng số lượng thơ bán ra lại rất thấp? Đồng thời đạo diễn cũng khẳng định thơ rất cao quý nhưng dường như để trở thành nhà thơ lại rất dễ dàng?

Nhà thơ Phong Việt giải thích: “Nếu như nói về các loại hình văn học như thơ, truyện ngắn, hồi ký, tản văn,… thì mọi người nghĩ rằng thơ đơn giản và đó là con đường dễ nhất để trở thành một nhà thơ hay nhà văn. Chính hình dung ban đầu này khiến mọi người nghĩ nếu bản thân không có khả năng viết những thể loại khác thì đi làm nhà thơ, để được định danh trong mắt mọi người”.

Đạo diễn Lê Hoàng đồng tình cho rằng trong khi nhà văn viết tiểu thuyết ít nhất cũng vài trăm trang thì nhà thơ chỉ cần viết một bài vài dòng cũng được gọi là thi nhân. “Không thể nói rằng tôi chỉ làm một bài nên tôi không phải nhà thơ và cũng không thể nói rằng vì tôi làm một triệu bài nên tôi là nhà thơ. Nhưng mà rõ ràng là cái danh hiệu nhà thơ là hơi dễ dãi”, đạo diễn Lê Hoàng bày tỏ.

Theo Lê Hoàng, sự dễ dãi này đến từ cá nhân mỗi nhà thơ. Một người viết 5 – 7 bài cũng là nhà thơ, thậm chí khi tác phẩm không có ai đọc thì cũng vẫn có thể gọi là nhà thơ. Nhà thơ Phong Việt đồng quan điểm: “Chúng ta dễ dàng với bản thân, sau đó dẫn đến tình huống chúng ta dễ dàng với tác phẩm”. Từ đây, đạo diễn Lê Hoàng bất bình: “Chúng ta đã dễ dãi rồi, chúng ta lại còn kiêu hãnh với cái dễ dãi đấy. Chúng ta viết thơ mới, thơ hiện đại bất chấp vần điệu, bất chấp tất cả mọi thứ. Sau đó chúng ta tự phụ, ai không hiểu thì chúng ta mắng lại họ”.

Tác giả tập thơ Sinh ra để cô đơn lý giải việc sáng tác không được chuẩn mực đôi khi đến từ sự háo danh của nhiều người làm thơ. Chính điều này làm cho giá trị thơ ca trong mắt công chúng ngày càng suy giảm theo thời gian.

Ngoài ra, việc đưa tập thơ đến tay người đọc lại là một câu chuyện khác. “Một số nhà sách không đồng ý bán tập thơ đó trong nhà sách của họ. Vì khi họ trưng một cuốn thơ thì họ mất đi một chỗ không gian, dù cho không gian ấy nhỏ đến mấy. Vì họ làm kinh doanh và cần không gian để bày bán các món hàng. Không gian ấy chính là tiền”, nhà thơ Phong Việt chia sẻ.

Do đó, tác giả tập thơ Từ yêu đến thương khẳng định lỗi lớn nhất thuộc về các nhà thơ. Đạo diễn Lê Hoàng phân tích thêm về sự dễ dãi trong danh xưng nhà thơ: “Các nhà thơ có người nghèo và cũng có người giàu. Với những người có tiền, họ tự in rồi tặng, chỉ với chi phí khoảng vài chục triệu thì đã có bìa đẹp, giấy tốt. Họ không có áp lực phải bán được nhiều. Như vậy, thơ trở nên dễ dãi và là thứ giả danh phù phiếm chứ không có giá trị. Nhà thơ cũng có thể tự phong mà xã hội chẳng ai buồn nói”.

Để sự dễ dãi không giết chết thơ ca, Lê Hoàng và nhà thơ Phong Việt cùng kết luận rằng các nhà thơ phải làm sao để nói lên cảm xúc của xã hội. Cụ thể, các thi nhân chỉ cần làm đúng một việc chính là để độc giả thấy được hình ảnh và câu chuyện của họ trong từng câu chữ của mình.

Là một nhà thơ trẻ nổi tiếng và từng bán ra rất nhiều sách nhưng đến hiện tại Phong Việt không còn giữ được thành tích như trước. Giải thích về điều này, nam nhà thơ cho biết: “Đôi khi trong cuộc đời có những thời điểm xuất hiện đúng lúc và qua thời điểm xu hướng đó. Năm 2012, khi quyển Đi qua thương nhớ xuất hiện, đó là lúc tất cả mọi người đang chờ đợi một điều gì đó về thơ ca nên quyển sách đó thành công. Còn những tập thơ sau này không phải tệ hơn nhưng xu hướng đón nhận không còn như trước”.

Tuy những tập thơ sau này của Phong Việt vẫn bán chạy với mức độ từ 15.000 – 20.000 bản nhưng không thể tạo ra kỳ tích như tập thơ Đi qua thương nhớ ra mắt vào năm 2012. Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng không có thành công nào nhờ toàn bộ vào may mắn và không có thất bại nào cũng do thời cuộc mà một phần do chính bản thân mỗi người.

Kính Đa Chiều là chương trình talkshow sở hữu format mới lạ và đầy hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng của Kính Đa Chiều sẽ cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.

Kính Đa Chiều – chủ đề tiếp theo Khăn rằn Nam Bộ – Nón lá Nam Bộ với sự tham gia của host Lê Hoàng và diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 1/4 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.

Hà Phương

*Theo Ấn phẩm Lăg kính Người nổi tiếng


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đạo diễn Lê Hoàng và nhà thơ Phong Việt khẳng định danh xưng “nhà thơ” rất dễ dãi

 

bhql

kndn

dai-lam-moc

hoa-moc-thien