top-banner-2

Thứ ba, 27/01/2015, 10:17 GMT+7

Để hút khán giả, sân khấu kịch càng nhiều... kinh dị

10 năm trở lại đây, kịch kinh dị, từ chỗ là một thể nghiệm, dần trở thành xu hướng được các sân khấu kịch TP HCM khai thác triệt để. Trừ Hoàng Thái Thanh và Idecaf, các sân khấu còn lại tràn ngập kịch ma, kịch mang yếu tố kinh dị. Sự xuất hiện ngày càng nhiều vở diễn có yếu tố kinh dị đem lại doanh thu cho nhà sản xuất, nhưng khiến sàn kịch nói TP HCM đi vào lối mòn và khan hiếm các vở chính kịch.

Thành công hơn cả ở lĩnh vực này là sân khấu Phú Nhuận, bắt đầu từ vở Người vợ ma. Ra mắt năm 2006, sau gần 10 năm, Người vợ ma đã công diễn trên 5.000 suất, phục vụ hàng trăm lượt khán giả. Vở kịch có sức hút đến mức êkíp tiếp tục dàn dựng phần 2 và 3. Hiện lịch diễn Tết 2015 của sân khấu này có 7 vở thì tới 4 vở là kịch kinh dị.

Tương tự Phú Nhuận, Nhà hát Thế Giới Trẻ cũng theo xu hướng kịch kinh dị khá sớm với thành công vang dội của Lầu hoang, Họa hồn, Giếng oan hồn, Bí mật nhà xác... Trong đó, Lầu hoang là vở kịch kinh dị thứ hai làm nên hiện tượng cháy vé sau Người vợ ma của sân khấu Phú Nhuận. Cho đến nay, Lầu hoang đã diễn hơn 100 suất kể từ khi ra mắt năm 2012. Những vở diễn này không chỉ đem đến sự nổi tiếng cho biên kịch, đạo diễn Bùi Quốc Bảo mà còn trở thành động lực để Thế Giới Trẻ cho ra đời hàng loạt kịch kinh dị khác như: Điện thoại lúc nửa đêm, Xác trôi sông, Am khuya, Di chúc máu…

0

Sân khấu kịch Sài Gòn treo kín poster những vở kịch kinh dị: Áo cho người chết, Hồn ma báo oán, Biệt thự ma..

Chính vì thấy độ hút khán giả của mảng kịch này nên nhiều đơn vị sân khấu chọn kịch kinh dị như cách để “duy trì sự sống” cho điểm diễn của mình.

Sân khấu kịch Sài Gòn vẫn thường xuyên sáng đèn nhờ “cái phao” là kịch kinh dị. Lịch diễn trong tuần của điểm diễn này treo đầy mặt tiền của nhà hát bằng những poster rùng rợn: Quỷ ám, Hồn ma báo oán, Áo cho người chết... Khởi điểm với mô hình sân khấu kịch cà phê năm 2012, sau hai năm hoạt động, sân khấu kịch Tâm Ngọc đã tạo được chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả nhờ những vở kịch kinh dị. Nơi này công diễn luân phiên gần 10 vở kịch ma trong tuần với những cái tên đủ gây tò mò cho khán giả: Hồn về từ đáy mộ, Giếng oan hồn… với mức giá chỉ 30- 40 nghìn đồng một vé. Trên website, sân khấu Tâm Ngọc cũng khẳng định sự khác biệt ở phong cách kinh dị với giao diện có hình ảnh và âm thanh gợi cảm giác u ám, lạnh gáy. Gần đây sân khấu Sao Minh Béo cũng tập trung dựng kinh dị với những cái tên hấp dẫn: Hồn ma phá án, Người tình trong đêm, Một xác hai mạng, Lụa máu… Sân khấu 5B, vốn được coi là mảnh đất của chính kịch, mới đây cũng thử nghiệm yếu tố kinh dị trong kịch Đêm vượn hú.

Đạo diễn, biên kịch Quốc Bảo cho hay, sân khấu nào cũng cần kịch kinh dị. “Chỉ cần kịch bản gửi đến phù hợp, họ sẽ dựng vở ngay mà không phải suy tính nhiều”, anh nói.

Với thể loại này, nhiều đơn vị tìm được hướng đi khi vừa giải quyết được bài toán thu chi của sân khấu, vừa đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Đạo diễn Quốc Bảo cho rằng, nhiều khi bản thân nhà sản xuất muốn “đổi món” bằng những thể loại khác nhưng: “Những gì sân khấu muốn chào bán, khán giả lại không mua. Hầu như khán giả nào đến cũng hỏi vé xem kịch ma”, anh cho biết.

01

Một lớp diễn  trong kịch Người vợ ma 2 của sân khấu Phú Nhuận.

Tính giải trí tức thì, sự hồi hộp, tò mò về những tình tiết không biết trước cùng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng trên sân khấu là điều kích thích nhiều khán giả trẻ. “Khán giả luôn tò mò về những cái chưa biết, mà ma thì mãi là bí ẩn kích thích những người ưa trải nghiệm cảm giác mạnh”, Thiên Ân, khản giả ruột của sân khấu Phú Nhuận cho biết. Một khán giả cao tuổi khác cho rằng, các vở chính kịch ngày nay xa rời thực tế với toàn cái kết có hậu. Trong khi kịch ma luôn lật ngược vấn đề, thật giả, xấu tốt lẫn lộn. “Yếu tố bất ngờ là điều tôi thích ở kịch kinh dị”, khán giả này cho biết.

Ngoài nhu cầu của người xem, sự thể nghiệm kịch ma thành công của sân khấu Phú Nhuận chính là gợi ý cho những đơn vị khác trong việc giải bài toán kinh tế và tình trạng thiếu kịch bản hay. “Kịch bản hiện nay khan hiếm đề tài nên kịch kinh dị là một giải pháp”, nghệ sĩ Minh Béo khẳng định.

Một diễn viên của sân khấu Sao Minh Béo cho hay, mỗi đêm công diễn kịch kinh dị, khán phòng 500 chỗ hầu như rất ít ghế trống. Còn NSND Hồng Vân tâm sự, sân khấu chị thường xuyên phải dùng kịch kinh dị để “lấy ngắn nuôi dài” khi so sánh doanh thu của thể loại này với những vở chính kịch đoạt nhiều giải thưởng, được giới chuyên môn đánh giá cao.

Tuy nhiên, việc lạm dụng đề tài kinh dị, ở mức độ nào đó, khiến sự sáng tạo của người làm nghề đi vào lối mòn, đồng thời đem lại sự hoang mang trong xu hướng thưởng thức nghệ thuật của khán giả.

“Bạn bè tôi thấy hoang mang khi xem 5-6 vở mà cứ ngỡ mới xem một vở vì vở nào cũng na ná giống nhau”, một diễn viên thuộc lò đào tạo sân khấu kịch Học đường của ông bầu Minh Nhí cho biết.

1

Cảnh trong vở Cõi u mê của sân khấu kịch Tâm Ngọc.

Mải mê chạy theo thị hiếu của khán giả, các sân khấu vô tình tạo ra sự chênh lệch lớn trong nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Bên cạnh những vở kịch dùng yếu tố kinh dị để phản ánh những bất cập của xã hội, đưa thông điệp nhân văn đến với người xem, nhiều sân khấu chỉ dùng những chiêu trò dọa ma để hút khách mà không chú ý đến chất lượng vở diễn. “Những vở diễn hời hợt, quá lạm dụng yếu tố kinh dị để câu khách mà không đọng lại trong khán giả bất cứ thông điệp gì sau khi rời rạp sẽ dần khiến họ mất lòng tin vào thể loại kịch này”, đạo diễn Quốc Bảo nhận định. Từ trăn trở đó, nam đạo diễn cho biết vài năm trở lại đây anh chỉ nhận làm tối đa 2 kịch bản kinh dị trong một năm, xem như là cách "tránh cho mình rơi vào lối mòn".

Muốn kịch kinh dị sống được, các sân khấu phải làm mới và làm khác đi. Không thể chiêu đãi mãi khán giả một món ăn mà họ đã đọc vị được công thức và hương vị”, đạo diễn Hạnh Thúy cho hay.

Theo VnExpress


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Để hút khán giả, sân khấu kịch càng nhiều... kinh dị

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn