top-banner-2

Thứ bảy, 31/01/2015, 23:20 GMT+7

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh - 'Con thuyền' chông chênh giữa 'cơn bão thị trường'

Trong khi các sân khấu kịch đang dần chuyển mình sang thể loại "thị trường" mang tính giải trí cao để thu hút khán giả như hài kịch, kịch kinh dị... thì Hoàng Thái Thanh được coi là một hiện tượng hiếm hoi còn "giữ mình" với những vở chính kịnh càng xem càng thắt nghẹn.

Có thể thấy, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã phải trải qua nhiều thử thách, nhiều thăng trầm để sống được đến ngày hôm nay là nhờ rất lớn vào sự yêu mến của khán giả trung thành với chính kịch kén người xem nhưng chứa đựng chiều sâu này. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng với nhu cầu khán giả hiện nay, ngày càng xuất hiện dày đặc các tác phẩm hài kịch và kịch ma, chiếm nhiều lợi thế ở các hàng ghế, trong khi đó, sân khấu Hoàng Thái Thanh đang phải chống chọi với "cơn bão thị trường" - kiên cường đến chạnh lòng.

kichhoangthaithanh01

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh: http://www.hoangthaithanh.com/

Dưới đây là những tâm sự chân thành của độc giả Phạm Minh Mẫn, mà trong đó, anh đã nêu lên cái nhìn rất sâu sắc về một sân khấu kịch đã và luôn gây được ấn tượng tốt đẹp, hằn sâu trong tâm trí khán giả đáng quý đến thế nào!

Những cảm xúc và ấn tượng ban đầu...

"Tôi viết những dòng dưới đây bằng tất cả tình cảm dành cho sân khấu kịch này, bằng suy nghĩ cá nhân chủ quan của mình và bằng một sự kì vọng sẽ có thật nhiều người đọc nó. Tôi không viết với mục đích tán dương hay ca tụng, tôi viết với tất cả hiện thực và cả sự lo lắng, mong mỏi. Để những giá trị nghệ thuật chân chính ngoài việc được công nhận còn được đón nhận nhiệt tình.

Tôi biết đến Sân Khấu Kịch HOÀNG THÁI THANH (HTT) đã 4 năm và cũng chừng đó thời gian trở thành một khán giả trung thành của sân khấu. Kịch HTT rất nhiều vở diễn sâu sắc, được giới chuyên môn đánh giá cao, luôn được dàn dựng một cách công phu và đầy tâm huyết. Có thể sau khi xem một vở diễn ở đây, bạn thấy rằng nó không phải style yêu thích của mình nhưng chắc chắn bạn sẽ không thể phủ nhận điều tôi nói. Một vở kịch HTT luôn được trau chuốt kĩ càng từ cảnh trí, đạo cụ sân khấu, phục trang bám sát bối cảnh câu chuyện. Diễn viên luôn hết mình và hóa thân trọn vẹn cho vai diễn dẫu là chính hay phụ.

kichhoangthaithanh-02

Poter vở "Chuyện bây giờ mới kể".

Nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như bằng tài năng và tình yêu của mình dường như rút ruột rút gan cho từng vở diễn, trăn trở và đau đáu từng cảnh diễn. Những vở kịch như "Nửa đời ngơ ngác", "Hãy khóc đi em", "29 anh về", "Chuyện bây giờ mới kể", "Cảm ơn mình đã yêu em",... đã lấy đi biết bao nước mắt của khán giả. Đó không chỉ là tiếng khóc bi lụy của một tấn bi kịch không lối thoát mà những khán giả chưa từng xem kịch ở đây sẽ ngại ngần và lo sợ với suy nghĩ: "đời chưa đủ khổ, đủ buồn sao, còn đến đây để mà khóc. Thà đi xem hài rồi cười cho khỏe...". Không phải đâu, tác phẩm nào của HTT cũng được gửi gắm những giá trị nhân văn sâu sắc và những thông điệp tích cực về cuộc sống, là niềm tin và sự lạc quan sau những tiếng khóc nghẹn ngào.

Chưa ở sân khấu nào cho tôi cảm giác được trân trọng như ở HTT khi từ đội ngũ nhân viên bán vé, khánh tiết, cho đến diễn viên đều rất thân thiện, lịch sự và trân trọng khán giả.

Bạn sẽ được ân cần hướng dẫn từng chút một từ cách thức mua vé, địa điểm, thời gian, cho đến từng chỗ ngồi trong rạp. Bạn sẽ được thưởng thức kịch cùng với hương tinh dầu thoang thoảng, dễ chịu. Bạn được tặng những món quà nho nhỏ vào những dịp đặc biệt của sân khấu. Và tâm tư đó, tôi còn cảm nhận đặc biệt qua những tờ rơi của sân khấu cho từng vở kịch.

 kichhoangthaithanh-1

Tờ rơi cho vở kịch Tết mới nhất sắp sửa ra mắt của Hoàng Thái Thanh "Nủa đời hương phấn" đầy nghệ thuật và tâm huyết.

Tiếc thay sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh chưa được đặt ở vị trí xứng đáng...

Ở một giai đoạn mà cuộc sống đầy phức tạp, mệt mỏi, người ta - ý tôi nói là số đông khán giả - lại thích và dễ dàng tiếp nhận hơn những giá trị nghệ thuật mang tính giải trí.

Cùng một thời điểm nhưng ở các sân khấu kịch khác, những vở hài kịch, kịch ma - kinh dị thu hút đông đảo khán giả đến theo dõi, chật kín ghế ngồi dẫu nội dung rất nhạt nhẽo, dàn dựng rời rạc, phi logic và hoàn toàn không có chiều sâu. Nhưng đó chẳng phải vấn đề, vì khán giả hiện nay chỉ cần đến sân khấu cười cho thật đã đời, hoặc hú hét bở những trò dọa ma rồi về là cảm thấy đủ nhu cầu giải trí, lúc này giá trị nghệ thuật trở thành thứ yếu.

Tôi không lạm bàn quá nhiều vì rõ ràng gu thưởng thức nghệ thuật của mỗi người khác nhau. Người ta nói, nhu cầu tạo ra giá trị, thành thử nhu cầu nào tạo ra giá trị đó và ngược lại. Cán cân cung - cầu của nghệ thuật kịch nói hiện nay thật khó đoán. Chỉ có điều, bạn biết không, tôi đến HTT xem kịch luôn trong tình trạng thoải mái vì chẳng bao giờ sợ... hết vé. Các suất diễn của HTT rất ít khi được lấp đầy. Thông thường mỗi vở diễn theo tôi quan sát, con số khán giả án chừng chỉ chiếm 1 vị trí rất khiêm tốn (khoảng trên dưới 100 người) so với một sân khấu với sức chứa trên dưới 400 chỗ ngồi. Thời kì HTT còn hoạt động tại 36 Lê Quý Đôn - vị trí trung tâm thuận lợi cho khán giả, thì nay đoàn phải dời ra đến tận 139 Bắc Hải và số lượng khán giả cũng vì thế vơi dần.

kichhoangthaithanh-05

Tập thể nghệ sĩ sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.

Với tư cách một khán giả "ruột thịt", tôi còn cảm thấy nhói mỗi khi bước vào sân khấu chỉ vỏn vẹn một nhúm khán giả. Có lẽ chính những người nghệ sĩ ở đây còn đau lòng hơn khi tâm huyết nghệ thuật của mình chỉ được công nhận thế này.

Ở những sân khấu khác dưới 100 vé họ sẽ hủy diễn vì không đảm bảo doanh thu. Sân khấu HTT vẫn diễn, diễn như một cách trân trọng những khán giả đã mua vé và trân trọng chính công sức lao động nghệ thuật của mình. Dẫu biết chắc diễn thì sẽ lỗ. Và thực tế họ vẫn phải bù lỗ hàng tháng cho đến tận hôm nay, như lời nghệ sĩ Ái Như từng chia sẻ. Song chính cô cũng đã từng nói rằng, nếu cứ tính lời lỗ và đeo mang mãi tâm niệm ấy thì HTT có lẽ đã chẳng tồn tại đến hôm nay với những vở diễn đầy thổn thức, thôi thì cứ cố gắng, cứ tâm huyết đến khi nào không còn có thể nữa thì thôi vậy...

Nhưng Hoàng Thái Thanh vẫn sống vì khán giả...

Đó là tâm niệm của nghệ sĩ Ái Như, còn tôi - một khán giả đã trót yêu nghệ thuật kịch nói và trân trọng những tâm huyết của sân khấu này, cảm thấy nên làm một điều gì đó, lên tiếng - dẫu có thể cũng chỉ là một tiếng nói nhỏ bé giữa đông đảo cộng đồng khán giả. Tôi muốn nói rằng, quý vị, những người mộ điệu kịch nói hãy trân trọng và tưởng thưởng xứng đáng hơn với những giá trị nghệ thuật chân chính ở sân khấu này.

kichhoangthaithanh-04

Anh chị em nghệ sĩ sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vui mừng ngày giỗ Tổ cầu được thành công trong nghề.

Tôi tin rằng, nếu đã một lần đến HTT để thưởng thức, bạn cũng sẽ yêu nó giống như tôi hay chí ít cũng sẽ có một cách nhìn khác về kịch nói so với những vở diễn ở các sân khấu hiện nay. Nghệ thuật muốn phát triển, trước hết nghệ thuật ấy phải sống. Một ca sĩ hạng B, C chỉ diễn 5 - 10 phút cho một event nhỏ cũng có thể kiếm vài triệu đồng, nhưng một nghệ sĩ kịch nói đổ mồ hôi và nước mắt trên sân khấu suốt 3 tiếng đồng hồ nhận được có khi chỉ vài trăm ngàn đồng. Và 3 tiếng đó còn phải được đánh đổi bằng hàng tháng trời tập luyện vất vả. Đó là thực tế đau lòng và bất cập của các loại hình nghệ thuật chân chính.

Và sau khi nghệ thuật được sống, nó còn và nên được đón nhận xứng đáng với những con người vì nó mà họ đã bỏ ra tâm sức...

Tết 2015 này, HTT lại đạp lên những khó khăn hiện tại, cống hiến đến khán giả 3 vở kịch Tết đầy nhân văn, chỉn chu và tâm huyết: "Buồn ơi chào mi", "Tình như trang giấy trắng" và "Nửa đời hương phấn". Mong sao khán giả sẽ đến thật đông, lấp đầy mọi chỗ ngồi ở đây. Trước hết là để thưởng thức một vở kịch nói xứng đáng. Sau đó sẽ trở thành một nhịp cầu, kết nối nhiều hơn nữa những trái tim đồng điệu cùng đến sân khấu sẻ chia.

kichhoangthaithanh-5

"Buồn ơi chào mi" sẽ mang đến cho khán giả nhiều nỗi thổn thức, nghẹn ngào.

kichhoangthaithanh-2

Vở kịch "Tình như trang giấy trắng" hứa hẹn mang đến khán giả nhiều dư vị bất ngờ.

Tôi không muốn một sân khấu kịch như HTT cứ èo uột khán giả và rồi một ngày nào đó nghệ thuật phải dừng lại. Sẽ buồn lắm, nếu một ngày nào đó bạn sẽ không còn tìm thấy được những vở kịch thế này ở bất kì đâu khác. Khi ấy, bạn sẽ chỉ còn đến sân khấu kịch để cười và thót tim với ma quỷ rồi thôi, bước ra khỏi rạp, vở kịch trôi tuột ra khỏi bạn như chưa từng hiện diện. Nếu bạn yêu HTT, yêu kịch và yêu nghệ thuật, bạn hãy làm một điều gì đó. Trước hết là hãy đến một lần để xem nhé! Tin tôi đi, bạn sẽ thấy xứng đáng và thương quý!

Ý Nhi (Nguoinoitieng.net.vn) - Theo Phạm Minh Mẫn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh - 'Con thuyền' chông chênh giữa 'cơn bão thị trường'

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn