top-banner-2

Thứ tư, 01/07/2015, 15:11 GMT+7

Toy Story - phim hoạt hình dài đầu tiên thực hiện hoàn toàn bằng máy tính

Toy Story đã được ghi nhận là bộ phim hoạt hình dài đầu tiên được thực hiện hoàn toàn bằng máy tính và đây cũng là bộ phim dài đầu tiên mà Pixar thực hiện

Cách đây gần 20 năm, lịch sử của ngày công nghiệp hoạt hình được mở ra một trang mới khi bộ phim hoạt hình Toy Story chính thức ra mắt khán giả. Sự kiện này đặc biệt còn thu hút nhiều sự chú ý hơn khi Toy Story là sản phẩm của một công ty còn chưa được người hâm mộ biết đến nhiều là Pixar. 

Sức công phá khủng khiếp từ Toy Story

Không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ nhờ là phim hoạt hình đầu tiên làm bằng máy tính, Toy Story còn để lại dấu ấn của mình ở rất nhiều khía cạnh khác nhau.

Trên trang web phê bình điện ảnh nổi tiếng Rotten Tomatoes, Toy Story nhận được số điểm tuyệt đối 100% và tạo cho Pixar một vị trí vững chắc như là hãng phim hoạt hình của tương lai. Toy Story cũng là bộ phim hoạt hình đầu tiên trong lịch sử nhận được đề cử Oscar Kịch bản gốc xuất sắc nhất.

Không chỉ có vậy, dù chỉ ra mắt vào gần cuối tháng 11–1995, Toy Story vẫn xuất sắc vượt mặt hàng loạt bộ phim bom tấn như Batman Forever, Apollo 13, Goldeneye và Pocahontas để đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu phòng vé tại Mỹ năm 1995 (191.796.233 đô-la Mỹ). Tổng doanh thu phòng vé trên toàn cầu của bộ phim là hơn 358 triệu đô-la và đứng thứ ba trong danh sách phim hoạt hình có doanh thu cao nhất tính đến thời điểm đó (sau The Lion King năm 1994 và Aladdin năm 1992).

Toy Story - Pixar

Việc thực hiện thành công Toy Story – phim hoạt hình dài đầu tiên được thực hiện trên máy tính của Pixar đã mở đường cho hàng loạt siêu phẩm hoạt hình và sự ra đời của các công ty làm phim hoạt hình như Dreamworks…

 

Đưa khán giả vào thế giới quen thuộc

Sự thành công của Toy Story không hoàn toàn xuất phát từ việc ứng dụng công nghệ máy tính, nó còn đến từ việc đạo diễn John Lasseter và ê-kíp của Pixar thể hiện hết sức hoàn hảo tính cách con người cùng những cảm xúc chân thực vào các nhân vật.

Trong thế giới của Toy Story, những món đồ chơi quen thuộc với con người hóa ra lại có một cuộc sống riêng bí mật đầy thú vị. Bộ phim đưa khán giả đến với một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ, nơi những món đồ chơi yêu mến chủ nhân của mình và luôn mong muốn được chủ nhân yêu thương và lấy ra chơi thường xuyên.

Dựa trên câu chuyện của nhân vật chính là chàng cao bồi đồ chơi Woody, khán giả có thể cảm nhận được thế giới đồ chơi như những con người thực thụ. Woody cũng thể hiện rõ nét những bản chất của con người với đủ những tham vọng, ước mơ và cả việc có thể thực hiện nhiều thủ đoạn ghê gớm để đạt được mục tiêu. Dù khát vọng được chủ nhân yêu quý và chơi cùng không phải là chuyện quen thuộc với con người nhưng ê-kíp làm phim đã dựng nên một thế giới đồ chơi đầy thuyết phục và qua đó đã làm cho chuyện đó trở nên dể hiểu với khán giả.

Thế giới đồ chơi trong Toy Story rất quen thuộc với khán giả

Toy Story được thực hiện với kinh phí 30 triệu đô-la Mỹ và ê-kíp 110 người

 

Điểm nhấn làm nên sức mạnh cho câu chuyện của Toy Story chính là việc ê-kíp làm phim đã không dừng ở việc trả lời câu hỏi: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như món đồ chơi yêu thích của bạn có một cuộc sống riêng?”. Họ đi xa hơn bằng việc tìm cách đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra khi món đồ chơi của bạn tha thiết muốn được bạn yêu thương và chơi với nó?”. Nếu như câu hỏi đầu chỉ giúp vẽ ra một thế giới tưởng tượng kỳ thú, câu hỏi thứ hai đã giúp đưa khán giả có sự cảm thông với các nhân vật trong phim.

Bên cạnh đó, việc xây dựng hình ảnh, tính cách nhân vật Buzz Lightyear cũng là điều góp phần tạo nên kịch tính cho bộ phim. Nếu như Woody và các đồ chơi khác hiểu rõ thân phận đồ chơi của mình thì ê-kíp đã để Buzz Lightyear hoàn toàn mơ hồ về điều đó. Trong khoảng một nửa bộ phim, Buzz Lightyear luôn nghĩ mình là một phi hành gia có con tàu vũ trụ bị hỏng và chính điều đó đã góp phần mang lại nhiều tình huống hài hước đáng nhớ của Toy Story.

Tính cách nhân vật Buzz Lightyear cũng là điều góp phần tạo nên kịch tính cho Toy Story

Tính cách nhân vật Buzz Lightyear cũng là điều góp phần tạo nên kịch tính cho Toy Story

 

Dấu ấn của đạo diễn tài năng John Lasseter

Về mặt kỹ thuật, Toy Story thể hiện mức độ chi tiết chưa ai từng chứng kiến trên màn ảnh rộng trước khi bộ phim này ra đời. Nó thiết lập nên một quy chuẩn mới cho công nghệ hoạt hình 3D. Tổng số nhân vật xuất hiện trong phim là khoảng 76 với rất nhiều vai có thoại. Bối cảnh của Toy Story cũng đặc biệt khi có rất nhiều cảnh trong nhà và ngoại cảnh khác nhau. Mỗi bối cảnh phim lại có thể xuất hiện trong các điều kiện ánh sáng khác nhau như đêm, ngày, mưa gió, dưới ánh đèn…

Tổng cộng, Toy Story có khoảng 1.700 cảnh quay với mỗi cảnh quay được xử lý đồ họa 3D, hiệu ứng ánh sáng, bóng đổ… hoàn toàn bằng máy tính. Ê-kíp của Pixar sử dụng những cỗ máy tính “siêu khủng” của thời kỳ đó là hệ thống máy SUN SPARC với tổng cộng 294 bộ vi xử lý. Với những thành quả đã thực hiện được cho Toy Story, ở lễ trao giải Oscar năm 1996, đạo diễn John Lasseter đã vinh dự được trao giải Oscar Thành tựu đặc biệt vì: “Sự phát triển và tạo nên cảm hứng cho việc ứng dụng các kỹ thuật tạo nên bộ phim hoạt hình dài đầu tiên hoàn toàn bằng máy tính”.

Đạo diễn John Lasseter

Đạo diễn John Lasseter

Đạo diễn John Lasseter còn để lại dấu ấn ở việc chọn nhạc cho Toy Story. Ông cương quyết loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhạc phim theo phong cách truyền thống của hoạt hình Disney (dạng phim musical – âm nhạc chiếm một thời lượng lớn). Và phần nhạc phim của nhạc sĩ Randy Newman đã thể hiện xuất sắc những điểm nhấn chính trong truyện phim. Nhiều nhà phê bình đã nhận xét rằng ca khúc You’ve Got a Friend in Me của Toy Story có một sự tác động lớn không kém gì ca khúc lừng danh trong phim Casablanca (1942): As Time Goes By.

 

 

Các diễn viên lồng tiếng

 

Tom Hanks: Đạo diễn John Lasseter tìm mọi cách để mời bằng được Tom Hanks lồng tiếng chàng cao bồi đồ chơi Woody. Vị đạo diễn cho biết ông nhìn thấy được ở Tom Hanks một năng lực có thể biến mọi kiểu biểu cảm trở nên dễ thương. Ông nhận xét điều này sau khi xem bộ phim A League of Their Own (1992), trong đó Tom Hanks giận dữ quát mắng một nữ vận động viên bóng chày: “Không có nước mắt trong bóng chày!” nhưng vẫn thể hiện được sự hài hước. Và Tom Hanks chính là người đã góp phần giúp khán giả vẫn yêu mến Woody dù anh chàng này có lúc hành xử rất tệ khi sợ mất vị trí đồ chơi số một của cậu chủ Andy.

toy story 2

Tom Hanks và Tim Allen, người thổi hồn cho nhân vật Woody và Buzz Lightyear trong Toy Story

Tim Allen: Trước khi được mời vào vai Buzz Lightyear, Tim Allen đã từng thể hiện rất xuất sắc sự tự tin cao độ tương tự nhân vật này trong show truyền hình Home Improvement ông thực hiện cho hãng Disney. Nam diễn viên này đã đáp ứng kỳ vọng của đạo diễn John Lasseter khi không chỉ thể hiện sự tự tin đó trong phòng thu mà còn góp ý giúp chuyển hóa nhân vật này từ siêu anh hùng trong kịch bản thành một nhân viên công lực mẫn cán như trong phim.

Theo thegioivanhoa.com

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Toy Story - phim hoạt hình dài đầu tiên thực hiện hoàn toàn bằng máy tính

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn