top-banner-2

Thứ năm, 11/05/2017, 15:57 GMT+7

Sao Việt bị ném đồ lên sân khấu: Văn hóa nghe nhìn là số 0?

Những năm trước đây, thi thoảng vẫn nổi lên những vụ khán giả quá khích, nhưng mức độ thô lỗ thì chưa bao giờ nhiều vụ việc người xem “tấn công” ca sĩ bằng chai, lọ như hiện tại. Đây là lúc cần xem lại văn hóa của lớp công chúng trẻ.

Thiếu tôn trọng nghệ sĩ

Tối 27.4, Phương Thanh đang say sưa hát thì bị khán giả ném thẳng chai nước lên sân khấu, may mà cô né kịp. Là người có kinh nghiệm biểu diễn, cô lấy lại bình tĩnh ngay sau đó và hát tiếp. Cùng ngày, tại một show diễn ở Buôn Ma Thuột, Only C khá bất bình khi bị ném thẳng... dưa hấu vào mặt, kính vẫn còn vương cả vụn dưa. Và chỉ sau đó hai ngày, Sơn Tùng M-TP đang nói lời chào tạm biệt trên sân khấu, thì một đồ vật từ phía khán giả được ném lên nhưng không trúng người nam ca sĩ. Anh vẫn giữ bình tĩnh tiếp tục trò chuyện với người hâm mộ. Trên đường đi vào cánh gà, anh còn cúi xuống nhặt món đồ này và mang theo. Tương tự, ngày 30.4, Trường Giang bị khán giả ném chai khi đang diễn ở Bình Dương.

van-nghe-hoa-nhin-nguoinoitieng

Only C bị ai đó ném dưa hấu vào mặt. Ảnh: T.L

Nhiều sao Việt xác định “phải sống chung” với nạn ném chai lọ nên cố cư xử sao cho thật tự nhiên. Nếu như trước đây, Trường Giang từng bực tức bỏ vào trong không diễn tiếp vì bị ném chai nước, Hoài Linh phải đứng ra xin lỗi khán giả trên trang cá nhân, thì lần sau, gặp sự cố tương tự, anh vẫn bình tĩnh xử lý tình huống. Anh hài hước nói với khán giả nhí: “Trời đất ơi, nó coi nghệ sĩ không ra giống ôn gì hết” rồi tiếp tục phần diễn của mình. Là bởi, trước đó, anh từng bị chỉ trích là coi thường khán giả khi bỏ diễn, nên khi sự cố lặp lại, Trường Giang phải giả lơ để tránh scandal không 
đáng có.

Với một người nhanh nhạy như Phương Thanh, cô gắng nghĩ tích cực cho khán giả. Trả lời khán giả trên trang cá nhân, Phương Thanh cho rằng người ném không có mục đích xấu: “Lúc ấy tôi xin uống nước, ban tổ chức lấy nước hơi chậm nên ở dưới họ ném lên cho tôi uống, nhưng ném hơi mạnh. Có lẽ là hơi xa nên bay vào người tôi. Không sao, vì cố tình ném là chắc có chuyện rồi”.

Còn Only C sau sự cố đã đứng lại hỏi những người có mặt xem ai đã ném dưa hấu nhưng tất cả đều im lặng. Chỉ đến khi nghe lời xin lỗi của khán giả, anh mới tiếp tục hát. Qua trao đổi với đại diện quán bar, anh được biết vị khán giả bất lịch sự đó đã bị bảo vệ mời ra ngoài.

Nhiều người cho rằng hành động ném đồ lên sân khấu đáng lên án, và một lớp người trẻ cần học lại cách để làm khán giả văn minh. Tuy nhiên, điều này còn xa lắm, vì càng ngày mức độ hung hãn của vụ việc càng tăng. Dường như khán giả trẻ thích phản ứng bằng cách ném đồ, thay cho việc hò hét hay ra hiệu bằng tay.

Trước đây, khi đi diễn ở miền Tây, Cẩm Ly cũng từng bị khán giả quăng cả rắn vào người, và tiếng cười khoái trá trong khi cô run lên vì sợ, ám ảnh cô nhiều năm sau đó. Hay Bùi Anh Tuấn bị ném đồ vào chân bị thương, Duy Mạnh bị ném ghế vào lưng, Tuấn Hưng bị ném ly vào người…

Làm khán giả cũng phải học

Đi xem ca nhạc, diễn kịch bây giờ, ngoài việc chịu trận một số khán giả hung hãn, quá khích, người ta còn khổ sở khi chứng kiến cảnh người xem mở chuông điện thoại inh ỏi, thản nhiên không tắt mà còn vô tư… nói chuyện, hoặc trả lời điện thoại quá to.

Từ xưa đến nay, hình ảnh teen lên tặng hoa, gấu bông cho thần tượng, thậm chí sờ mó, ôm hôn nghệ sĩ là chuyện thường ngày. Tặng hoa xong còn nán lại trên sân khấu, bắt tay, chào hỏi, chụp ảnh chung rất mất thời gian và làm chương trình gián đoạn. Có nơi, khán giả mang thức ăn, nước uống vào khán phòng, vừa ăn vừa cười nói trong khi chương trình đang diễn ra và khi ra về để lại một đống rác bề bộn.

Ngoài ra, tình trạng mất trộm trong khán phòng xảy ra khá phổ biến. Đặc biệt, các ca sĩ, diễn viên, người mẫu thường điêu đứng vì bị mất túi xách, điện thoại… ở cánh gà. Nhiều fan hâm mộ chờ sẵn đó, hoặc cầm hộ túi xách, hoặc tranh thủ “xoáy” mất điện thoại và nhanh chóng biến mất không dấu vết.

Khi khán giả không tôn trọng nghệ sĩ, có nhiều lý do. Thứ nhất, sao bây giờ cũng “kiến tạo” xung quanh mình quá nhiều scandal, nên có cả fan hâm mộ và cả anti-fan khá đông. Thứ hai, thói hung bạo, khi không vừa lòng thì phản ứng ra mặt cũng là một tâm lý đám đông khá phổ biến. Thứ ba, đó là cách một số khán giả thiếu văn hóa tìm cách gây chú ý với đám đông, với nghệ sĩ, hoặc là trẻ con đi theo người lớn nghịch ngợm trêu đùa không phải lúc, thiếu sự chỉ dẫn của cha mẹ. Và thiếu tôn trọng nghệ sĩ cũng là thiếu tôn trọng mình.

Nhưng không phủ nhận rằng khán giả thời nay không còn là đối tượng thưởng thức nghệ thuật như trước đây, chủ yếu đến để giải trí. Không vui thì họ phá bĩnh, trêu tức chơi. Trước tình trạng báo động về văn hóa của khán giả, ban tổ chức chương trình cũng nên cắt cử người bảo vệ giám sát thật kỹ, để hễ có phản ứng thô bạo nào thì xử lý ngay lập tức, tránh tình trạng nghệ sĩ kêu mãi mà không thấy bảo vệ, an ninh đến tiếp sức...

Theo laodong.com.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Sao Việt bị ném đồ lên sân khấu: Văn hóa nghe nhìn là số 0?

 

bhql

kndn

dai-lam-moc

hoa-moc-thien