top-banner-2

Thứ sáu, 29/07/2016, 16:47 GMT+7

'Đội' giá thực phẩm sau ngày mưa bão

Do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 1 (có tên Mirinae), tại nhiều chợ trên địa bàn giá các loại rau xanh tăng nhẹ. Trong khi mặt hàng thực phẩm tưới sống không có biến động về giá bán nhưng nguồn cung giảm so với ngày thường.

Rau xanh tăng giá tại chợ truyền thống

Tại các chợ Kim Liên, Trung Tự, Nam Đồng, Thành Công... sáng 28/7, nhiều loại rau xanh đã tăng giá từ 1.000 - 2.000 đồng/mớ so với ngày 27/7. Cụ thể: rau ngót, mồng tơi, rau đay giá từ 5.000 – 6.000 đồng/mớ. Đặc biệt rau muống dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/mớ trong khi ngày trước đó chỉ 7.000 - 8.000 đồng/mớ. Sau khi đi chợ Kim Liên mua rau, chị Nguyễn Thị Phương Thảo ở nhà B9 tập thể Kim Liên than phiền: Hôm 27/7 bí xanh chỉ có giá 12.000 - 15.000 đồng/kg, hôm nay đã lên đến 20.000 đồng/kg.

Người tiêu dùng mua rau tại ngõ 53, Quan Nhân. Ảnh: Khắc Kiên

Người tiêu dùng mua rau tại ngõ 53, Quan Nhân. Ảnh: Khắc Kiên

Lý giải giá các loại rau quả tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhiều tiểu thương cho biết, ngày nay mưa bão nên thiếu nguồn cung. Chị Ngọc, một người chuyên bán rau tại chợ Nam Đồng cho hay: Do trời mưa chị phải dậy sớm hơn ngày thường để đi lấy hàng, giành giật mãi mới buôn được ít rau cải và mướp hương, bắp cải… mà giá lại cao nên đành phải tăng giá bán lẻ.

Trong khi mặt hàng rau xanh tăng giá thì thực phẩm tươi sống không có nhiều biến động. Tuy nhiên, nguồn cung không nhiều như ngày thường. Cụ thể, thịt lợn thăn 100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 90.000 đồng/kg, thịt vai 90.000 đồng/kg, sườn thăn 100.000 đồng/kg, xương cục 60.000 đồng/kg... Thịt bò vẫn giữ giá, thịt thăn 270.000 - 300.000 đồng/kg, thịt mông 250.000 - 270.000 đồng/kg, thịt dẻ sườn 180.000 - 200.000 đồng/kg… Các loại cá tươi: Cá chép 60.000 - 70.000 đồng/kg, cá rô phi 45.000 - 50.000 đồng/kg, cá quả 120.000 đồng/kg... Tuy nhiên, nhiều tiểu thương dự báo, thực phẩm thường đội giá sau bão. Trong khi đó, giá các loại rau xanh có thể tiếp tục tăng mạnh do các ruộng rau xanh bị ngập úng dẫn đến nguồn cung giảm.

Siêu thị đủ nguồn cung

thuc-pham-tang-sau-bao-nguoinoitieng

Nhiều người chọn mua hàng tại các siêu thị với mức giá niêm yết rõ ràng

Trong khi tiểu thương tại các chợ lấy lý do thiếu nguồn cung để tăng giá bán thì tại các siêu thị trong ngày đầu tiên bị ảnh hưởng của bão vẫn đảm bảo nguồn cung hàng hóa, giữ giá ổn định. Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, DN sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho biết: Trước khi bão số 1 vào Hà Nội, mỗi ngày Fivimart chỉ nhập rau, thực phẩm tươi sống 1 lần vào buổi sáng, nhưng ngày 28/7 đã tăng lên 2 lần qua đó đáp ứng được nhu cầu dự trữ lương thực, thực phẩm của người dân. Hệ thống siêu thị Hapro Mart cũng đã xây dựng phương án dự trữ hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mùa mưa bão. Trả lời báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề: Sau khi bão tan, các loại thực phẩm tươi sống, rau xanh liệu có tăng giá? Đại diện Hapro Mart khẳng định: Ngay từ đầu năm, đơn vị đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị cung cấp hàng hóa nên nguồn cung và giá cả ổn định. Vì thế, thị trường trong những ngày mưa bão có biến động thì hệ thống siêu thị Hapro Mart vẫn không điều chỉnh giá bán. Thông tin từ nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Big C, Vinmart, Coop Mart, Unimar… cho thấy, các siêu thị đã cấp tập bổ sung thêm nguồn hàng. Trong đó tập trung vào mặt hàng tiêu dùng thiết yếu là lương thực - thực phẩm.

Mặc dù đã đẩy mạnh dự trữ hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh nhưng lượng dự trữ tại các siêu thị này chỉ hơn ngày thường 10 - 15% nên khó có thể đảm bảo cung ứng một thời gian dài. Nhằm hỗ trợ người dân đối phó với  thiên tai, trong phương án dự trữ hàng hóa phục vụ đời sống Nhân dân mùa mưa bão, UBND TP yêu cầu các DN bán lẻ phải dự trữ 9 mặt hàng thiếu yếu gồm: Gạo tẻ, thực phẩm chế biến ngũ cốc, nước sạch đóng chai, nến thắp sáng, áo, bạt che mưa, đèn pin, đèn bão, phèn chua…Tuy nhiên, các siêu thị  lấy lý do những năm trước TP có dành một khoản kinh phí hỗ trợ DN vay vốn không lãi suất dự trữ hàng hóa nhưng năm 2016 lại thực hiện xã hội hóa hoạt động này nên DN khó đáp ứng yêu cầu. Đây là những lý do khó có thể chấp nhận bởi 9 mặt hàng nằm trong danh mục dự trữ là những mặt hàng thiết yếu. Và nếu không được triển khai nghiêm túc, việc hỗ trợ đời sống Nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão trên địa bàn TP rất khó đạt được những yêu cầu đã đề ra.

Theo kinhtedothi.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

'Đội' giá thực phẩm sau ngày mưa bão

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn