top-banner-2

Thứ năm, 27/12/2012, 10:47 GMT+7

Hồi ức về những ngày tháng khởi nghiệp đầy lận đận và gian khó của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (phần 1)

Chỉ mục bài viết
Hồi ức về những ngày tháng khởi nghiệp đầy lận đận và gian khó của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (phần 1)
Hồi ức về những ngày tháng khởi nghiệp đầy lận đận và gian khó của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (phần 2)
Hồi ức về những ngày tháng khởi nghiệp đầy lận đận và gian khó của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (phần 3 - hết)
Tất cả các trang

Hồi ức về những ngày tháng khởi nghiệp đầy lận đận và gian khó của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên.

"Tôi có thể nói không sợ quá lời rằng sự xuất hiện của Trung Nguyên đã mang lại một không khí thưởng thức cà phê mới tại Việt Nam, và ở nhiều nơi trên thế giới giờ đây nói đến cà phê Việt Nam là người ta đều biết tới thương hiệu Trung Nguyên.”

Tuổi thơ thời đi học của tôi là cảnh lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km trong suốt chín năm, ngày nắng cũng như mưa. Niềm vui trên con đường dài đến trường và về nhà là khi đi ngang qua trạm thuế vụ, thỉnh thoảng có được quả chuối chín hoặc vài củ khoai lang ăn sống của những người buôn bán tốt bụng cho. Vui nhất là khi có thể quá giang phía sau chiếc xe chở gạch về nhà khi đôi chân đã muốn quị vì lội bộ. Năm tôi vào lớp 10, gia đình mua cho chiếc xe đạp cũ để lên Buôn Ma Thuột đi học.

Năm 1990, tôi thi đậu Đại học Y khoa Tây nguyên; từ xã Madrăk hẻo lánh, mẹ tôi phải bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ khác trong nhà để tôi lên Buôn Ma Thuột nhập học. Những ngày học ở trường y, lúc nào tôi cũng trăn trở về công việc và cuộc sống của người thầy thuốc. Càng học lên, điều đó càng bứt rứt trong lòng tôi. Muốn có cuộc sống khấm khá hơn, phần nhiều những người học y chúng tôi đã quên lời thề Hippocrate. Xót xa quá! Và với tôi, cách tốt nhất không vi phạm lời thề là... bỏ nó luôn, làm việc khác. Nhưng làm gì đây?

Làm gì ở tuổi 22 tôi chưa biết được. Nhưng luôn thiêu đốt tôi là phải làm được điều gì đó để đổi đời, không thể nghèo mãi được. Mẹ tôi lam lũ quanh năm đầu tắt mặt tối, suốt ngày mặt người lẫn trong ruộng rau lang, chiếc nón cũ hiếm khi rời khỏi đầu. Tôi luôn hình dung lại được cảnh mẹ tôi nặng nhọc bưng từng chồng gạch, hay tất tả chạy ra ruộng rau lang hái đọt non đem bán kiếm miếng ăn cho cả nhà.

Mẹ tôi nghĩ cuộc sống nghèo khổ của gia đình chúng tôi là số mệnh ở trời. Mỗi lần tôi về thăm nhà thì mẹ tôi vừa vui vừa lo. Vui vì có con trai về thăm nhà và lo vì khi tôi rời nhà, bà cụ phải chạy vạy một hai trăm ngàn cho tôi làm lộ phí đến trường. Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh!

Tôi ở trọ tại Buôn Ma Thuột và làm công luôn cho nhà trọ này: làm cỏ, hái cà phê, đem cơm nước cho nhân công ở rẫy... Ngày còn bé ở làng, tôi đã thạo hết những việc này.

Tôi luôn nghĩ về những người trồng cà phê, làm vườn lam lũ như bố mẹ tôi. Tôi biết cà phê rất có giá nhưng không biết vì sao người trồng cà phê lại rất nghèo. Nhưng người trồng cà phê vẫn nhẫn nại mỗi ngày cháy da trên nương rẫy, như mẹ tôi, không lời thở than. Tôi không chịu được vậy. Nghĩ tới sự cam chịu là huyết quản tôi sôi sùng sục. Miếng ăn lúc đó đối với tôi không quan trọng bằng suy nghĩ phải sống như thế nào.

Mẹ tôi đã khóc gần như hết nước mắt khi tôi quyết định dứt áo ra đi. Nhiều bạn trong lớp bảo tôi... không bình thường, chỉ có ba người bạn có thể hiểu và chia sẻ được những điều tôi nghĩ – đó là không chấp nhận “ngủ trong giường chiếu hẹp, mơ những giấc mơ con”. Đám bạn vét hết tiền trong túi nhét cho tôi được gần 100.000 đồng.

Tôi ra bến xe đi vào Sài Gòn với một mảnh giấy nhỏ ba tôi ghi tên người chú và địa chỉ nhà ở khu vực Tạ Thu Thâu. 6 giờ sáng, đến bến xe miền Đông, trong túi tôi còn đúng 20.000 đồng. Gọi một ly cà phê vỉa hè 2.000 đồng, tôi ngồi nhâm nhi và mở to mắt nhìn Sài Gòn cho biết. Thành phố to quá, ngoài sự tưởng tượng của tôi. Tôi có cảm giác mình đã bước sang một thế giới hoàn toàn khác...

Chú tôi người Đà Nẵng, vào sống ở Sài Gòn đã lâu. Tôi chưa từng gặp mặt ông và dĩ nhiên ông cũng không thể biết có một đứa cháu là tôi. Mãi đến trưa chú tôi vẫn chưa về. Mệt, đói và buồn ngủ khủng khiếp. Tôi chỉ còn hơn 10.000 đồng, không thể phung phí được. Sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn tìm lại cái góc nhà nơi mình đã ngồi lần đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn.

May sao quá trưa thì có người bà con từ Đà Nẵng vào. Thím tôi báo vụ việc với người bà con và tôi được gọi vào nhà. Việc đầu tiên là đánh một giấc tới xế chiều. Mở mắt ra đã thấy chú tôi đợi sẵn. Hai chú cháu hàn huyên tâm sự. Tôi bày tỏ nỗi lòng của mình: một, quyết đi không trở lại; hai, việc gì cũng làm; ba, phải đổi đời. Tôi kể với chú những điều tôi nung nấu. Về chuyện nghèo là nhục. Về chuyện ba tôi bệnh mà cả dòng tộc không thể đào đâu ra đủ 2 triệu đồng…

Chú tôi nghe tất cả nhưng rồi “gút”: “Tất cả những điều cháu nung nấu đều đúng nhưng không phải lúc này. Việc lúc này là học cho xong cái đã”. Cuối cùng ông hứa: học cho xong đi rồi xuống Sài Gòn ông giúp cho làm ăn. Còn trước mắt cứ ở chơi, chừng nào chán thì về. Tôi ở đúng 10 ngày thì đầu óc dịu lại, nghĩ đến việc phải về tiếp tục học.

Hôm về, chú mua cho vé máy bay. Lần đầu tiên bay lên bầu trời, tôi đã sớm có mơ ước được bay đi khắp thế giới. Từ trên cao nhìn xuống mới thấy chuyện trần gian khổ nhọc sao mà nhỏ bé, tôi thấy bình tâm hơn trước dù những khao khát vẫn đang sùng sục trong huyết quản. Tôi trở lại giảng đường đại học để bắt đầu con đường riêng.

(Theo Làng cà phê)




Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hồi ức về những ngày tháng khởi nghiệp đầy lận đận và gian khó của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (phần 1)

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn