top-banner-2

Thứ sáu, 03/05/2013, 15:15 GMT+7

Thành đạt không hẳn là nhiều tiền

Sau 8 năm gặp lại “Vua tàu” trẻ nhất nước (sinh sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đúng một tuần), mừng vì Nguyễn Đức Phùng không những vượt qua cú “thập tử nhất sinh” của nghề đóng tàu và thử thách của thời kỳ suy thoái kinh tế, mà còn phát triển không chỉ trên quê hương Nam Định.
 
 
Kinh doanh từ lúc học phổ thông

Ông Nguyễn Cao Phong, bố của doanh nhân Nguyễn Đức Phùng cho biết, gia đình ông có nghề cơ khí gia truyền tại huyện Xuân Trường, Nam Định.

Trong 6 anh chị em, thì ngay từ khi còn nhỏ, Phùng đã tỏ ra năng động, say mê tìm tòi nghề cơ khí. Một buổi đi học, một buổi tham gia lao động và đến khi học cấp 2, Phùng đã như một thợ cơ khí thuần thục.

Ông Phong còn nhớ, khi vào học cấp 3, Phùng xin bố mẹ một vài chiếc máy, thuê hơn một chục công nhân và thành lập một tổ cơ khí chuyên sửa chữa, sản xuất các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng. Cảm mến ý chí của một cậu bé, nhiều bác thợ già tay nghề nổi tiếng đã về làm cho cậu.

Buổi sáng trước khi đi học, cậu trao đổi công việc với thợ, trưa về kiểm tra, buổi chiều khi thì tham gia sản xuất, khi thì đi hợp đồng bán sản phẩm, mua nguyên vật liệu. Bài vở chỉ được học vào buổi tối, nhưng Phùng vẫn là một học sinh khá, giỏi.

Ngoài sửa chữa, tổ cơ khí của Phùng dần dần sản xuất hàng trăm chiếc máy tuốt lúa, máy xay sát gạo phục vụ bà con nông dân của nhiều địa phương. Ngay từ lúc ấy, Phùng đã có những suy nghĩ rất mới trong quản lý nhân công, như tạo không khí làm việc thoải mái hiệu quả, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của người lao động, sẵn sàng trả lương cao, tiền thưởng đột xuất cho những người có sáng tạo, tiết kiệm trong lao động.

Hỏi cơ duyên khiến anh rẽ sang làm cơ khí tàu thuyền - một nghề chưa từng có trên vùng đất có nghề truyền thống cơ khí, Nguyễn Đức Phùng chia sẻ, một đất nước có hệ thống sông ngòi chằng chịt, biển rộng bao la, thì nhất định phải phát triển dịch vụ vận tải thủy, nghề đóng tàu thuyền. Từ quan điểm nhìn xa trông rộng đó, năm 19 tuổi, Phùng quyết định chuyển xưởng cơ khí ra khu vực cầu Lạc Quần, ven sông Ninh Cơ - một nhánh lớn của sông Hồng, vừa làm vừa học thêm nghề cơ khí tàu thuyền.

Thời gian đầu, những con tàu nhỏ chở cát đá trong vùng đã tìm đến xưởng của Phùng, vì địa điểm gần, đội ngũ thợ lành nghề, giải phóng tàu nhanh, có chất lượng, giá cả hợp lý. Tiếng lành theo những con tàu đi xa, xưởng sửa chữa tàu của Phùng hoạt động ngày đêm không hết việc.

Bước trưởng thành đột phá

Trước đà phát triển đó, Phùng mạnh dạn đóng những con tàu nhỏ 30-40 tấn. Đây là một bước trưởng thành đột phá, nhưng cũng lắm gian nan, bởi sửa chữa tàu đã khó, mà đóng mới một con tàu còn khó gấp nhiều lần.

Thế nhưng, ngay trong năm đầu tiên, xưởng của Phùng đã đóng được gần 30 con tàu nhỏ “cá mương”. “Nhìn những con tàu hạ thủy, nhẹ nhàng lướt trên dòng sông Ninh Cơ đến với những dòng sông lớn mà cảm thấy như mình đang bay trên mặt sóng sông quê”, đến giờ, Phùng vẫn chưa quên cảm xúc tuyệt vời lúc đó.

Không dừng lại, năm 1997, anh quyết định xây dựng một xưởng cơ khí tàu thuyền thứ hai có quy mô lớn gấp đôi và mở thêm một xưởng cơ khí tại nhà. Một mặt, Phùng theo học Khoa Thiết kế tàu của Trường đại học Hàng Hải. Mặt khác, anh tiếp tục chiêu hiền đãi sỹ, đón những kỹ sư máy, kỹ sư vỏ tài ba của Đại học Hàng Hải về đầu quân để đóng mới và sửa chữa những con tàu lớn hơn, từ 100 đến 500 tấn.

Cũng trong giai đoạn này, xưởng cơ khí của Phùng là cơ sở đầu tiên đã sản xuất thành công các chi tiết cơ khí phục vụ tàu thủy như chân vịt, bánh lái, tời mỏ quạ, tời bánh răng, tời máy và đỉnh cao là tời điện cung cấp cho nhiều xí nghiệp đóng tàu.

Vậy nhưng, đầu tư ở cơ sở mới chưa được 2 năm thì Phùng lại phải dời đi nơi khác. Thế là lãi được đồng nào lại bù vào việc chuyển dời địa điểm hết. Có lẽ vì lẽ đó mà trong câu chuyện ngắn ngủi, Phùng từng nói: “Em phải đóng học phí quá lớn cho sự thành công hôm nay!”.

Năm 1999, Nguyễn Đức Phùng là người đầu tiên xây dựng nhà máy đóng tàu và sửa tàu thuyền tại khu bãi dâu bên dòng sông Ninh Cơ. Trên diện tích 10 ha, một nhà máy đóng tàu tư nhân hiện đại vào bậc nhất khu vực lúc đó đã mọc lên, với nhiều máy móc và hạng mục như máy hàn, cẩu, máy cắt dập, hệ thống triền đà, hệ thống điện.

Trước sự phát triển về quy mô, năm 2002, Nguyễn Đức Phùng thành lập Công ty TNHH Việt Tiến, với chức năng đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, kinh doanh sắt thép phục vụ ngành cơ khí đóng tàu. Công ty tiếp tục mời các kỹ sư giỏi, thợ lành nghề về làm việc, tuyển công nhân đã qua trường lớp và tiến hành đào tạo tại chỗ, đưa số lượng lao động của toàn Công ty lên trên 300 cán bộ, công nhân.

Từ chỗ đóng tàu nhỏ, nay Công ty Việt Tiến đã đóng được các tàu pha sông biển vài ba nghìn tấn. Giám đốc Phùng cho biết, doanh số của Công ty liên tục tăng nhanh qua các năm. Những con tàu mang thương hiệu Việt Tiến đã có mặt trên lộ trình sông biển của nhiều tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Đi bằng cả hai chân

Hàng chục năm gắn bó với nghề đóng tàu, Nguyễn Đức Phùng nhận thấy, thị trường vận tải sông biển còn nhiều tiềm năng. Anh cũng đã nhận rõ con đường đi của doanh nghiệp là phải phát triển theo hướng đa nghề, trong đó phải đi cả bằng hai chân: sản xuất và thương mại.

Trên cơ sở định hướng đó, năm 2005, Công ty cổ phần Vận tải An Lập do Phùng là Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc điều hành đã ra đời. An Lập có đội tàu hàng chục con, với trọng tải từ 1.000 đến 2.000 tấn. Những con tàu này đứng chân ở Quảng Ninh đảm nhiệm chức năng vận tải, nhưng cũng sẵn sàng trở thành tàu thương mại khi có khách cần mua. Ngoài ra, Việt Tiến sẵn sàng đóng những con tàu mới để cung cấp cho An Lập. Hướng đi hai chân này đã mang lại lợi nhuận, thành công cho cả An Lập và Việt Tiến.

Trong lộ trình đầy gian nan, thử thách, năm 2008 tiếp tục là một cột mốc đáng nhớ với Nguyễn Đức Phùng. Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp đóng tàu rơi vào phá sản, Việt Tiến phải chuyển hướng sang một nghề cơ khí mới là sản xuất dòng xe lôi tải nhẹ phục vụ thị trường nông thôn của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Phùng tổ chức sản xuất tại nhà máy ở Xuân Trường, Nam Định rồi chuyển vào nhà máy lắp ráp tại Sài Gòn.

Những chiếc xe lôi trọng tải từ 5 tạ đến 2 tấn, nhưng rất gọn gàng, thuận tiện, giá chỉ 40-50 triệu đồng đã nhanh chóng được người nông dân vùng đất chín rồng đón nhận. Đến nay, xe lôi Việt Tiến đã trở thành xe của nông thôn mới, xe xóa nghèo làm giàu của nông dân Nam Bộ, cũng như một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Câu chuyện của doanh nhân trẻ Nguyễn Đức Phùng càng cuốn hút khi anh cho biết, năm 2010, anh liên kết với Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (Bình Phước) để đầu tư dây chuyền sản xuất đệm và gối. Năm 2011, 2012, sản phẩm của Đồng Phú, với ưu điểm là được sản xuất từ 100% nguyên liệu cao su tự nhiên, giá cả thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại, đã nhanh chóng đi vào thị trường Việt Nam và đang có kế hoạch xuất khẩu, vươn ra thị trường thế giới.

Cùng với đó, doanh nhân trẻ Nguyễn Đức Phùng còn đầu tư xây dựng Trường trung cấp Nghề Xuân Trường, nhằm cung cấp lao động kỹ thuật cho các tập đoàn, tổng công ty, công ty trong và ngoài tỉnh theo hình thức liên kết. Bên cạnh đó, Trường sẽ tổ chức các khóa ôn thi đại học, ôn thi vào THPT theo hình thức trực tuyến với các nhà giáo có kinh nghiệm, tiến tới liên kết để đào tạo trình độ đại học nghề cho các cán bộ cấp xã, phường.
 Theo Đầu tư

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Thành đạt không hẳn là nhiều tiền

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn