9 hành động có giá trị hơn mọi lời nói của các nhà lãnh đạo thành công |
Lãnh đạo không phải là vị thế hay tước danh mà là sự sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm và tạo dựng niềm tin. Như chuyên gia cao cấp Eric Sheninger thuộc Trung tâm Quốc tế về Lãnh đạo trong Giáo dục (ICLE) chia sẻ trên tờ báo Huffington Post (Anh): "Một tước danh không thể phù phép ngay một người thành nhà lãnh đạo. Lãnh đạo là tổng hoà của các hành vi, lối tư duy và các kỹ năng được sử dụng nhằm thúc đẩy mọi người khi nhà lãnh đạo muốn để kiện toàn một tổ chức". Hay nói cách khác, hành động chứ không phải chức danh làm nên người lãnh đạo. Vậy đó là những hành động gì? Dưới đây là 9 hành động mà các nhà lãnh đạo thành công làm mỗi ngày. 1. Họ truyền đạt rõ ràng tầm nhìn và những kỳ vọng về hoàn thành công việc Các nhà lãnh đạo thường là những người truyền đạt giỏi. Bởi, đây là tố chất cần thiết. Làm thế nào bạn có thể chuyển tải tầm nhìn của mình cho người khác và giải thích những bước cần thiết để đạt được mục tiêu đề ra? Điều này được bắt đầu từ việc làm đầu tiên: nhà lãnh đạo phải chuẩn mực. Điều đó có nghĩa là họ biết họ là ai và giá trị của mình là gì cũng như các kế hoạch của mình trong tương lai. Phấn khích hướng về tương lai là dấu hiệu chắc chắn để giúp nhóm làm việc của bạn lĩnh hội được tầm nhìn của bạn. Song bạn cũng cần có khả năng giải thích rõ ràng những kỳ vọng về thành tích cho nhân viên của mình để họ có cái nhìn tổng thể hơn. Hầu hết những dự kiến về hoàn thành công việc bao gồm: - Quy trình lập kế hoạch chiến lược xác định định hướng đi và các mục tiêu. - Chiến lược truyền thông bao gồm việc thông tin cho các thành viên trong nhóm vị trí thích hợp cho họ trong một bức tranh tổng thể. - Quy trình đề ra mục tiêu, đánh giá và trách nhiệm. - Hỗ trợ về mặt tổ chức. 2. Quyết đoán đưa ra các quyết định nhanh Trong bài phát biểu chia tay của mình, Tổng thống thứ 33 của Mỹ Harry Truman đã nói: "Dù là ai chăng nữa, tổng thống là người phải ra quyết định. Anh không thể đẩy trách nhiệm sang người khác. Không ai khác có thể quyết định hộ anh. Bởi, đó là công việc của tổng thống". Ra quyết định nhanh còn là điều kiện cần không chỉ của tổng thống mà còn của các nhà lãnh đạo thành công. Một số người cho biết họ có thể đưa ra 30 quyết định trong vòng 30'. Song làm sao họ có thể đưa ra quyết định đúng đắn mà nhanh đến vậy? Nick Tasler, CEO Công ty Decision Pulse và là tác giả cuốn sách "Domino: The Simplest Way to Inspire Change," (Domino: Cách đơn giản nhất để thôi thúc thay đổi) đã viết rằng đó là bởi "một công thức Biết-Tư duy- Hành động linh hoạt hoạt và đơn giản”, bao gồm: - Biết mục tiêu chiến lược cuối cùng hay biết đến điều gì sẽ có ảnh hưởng lớn nhất. - Tư duy thấu đáo làm thế nào để có những sự lựa chọn của bạn phù hợp với mục tiêu cuối. - Chủ động vận dụng kiến thức và ý tưởng bạn đã có. 3. Họ làm nổi bật người khác Các nhà lãnh đạo giỏi hiếm khi muốn đưa mình vào tâm điểm của sự chú ý. Họ ghi nhận, cảm kích các thành viên trong nhóm vì lao động chăm chỉ, vì sự cống hiến và những nỗ lực khác thông qua các bản tin hàng tháng, các cuộc họp hàng tuần, trên các phương tiện thông tin đại chúng hay tại các buổi trao tặng giải thưởng, bằng khen. Họ còn biết khuyến khích cấp dưới chia sẻ ý tưởng và phát biểu ý kiến, quan điểm của mình. 4. Họ đặt mình ở vị trí cuối cùng Trong cuốn sách "Leaders Eat Last: Why Some Teams Pull Toghether and Others Don't”, tác giả Simon Sinek đã viết: "Các nhà lãnh đạo là những người sắn sàng từ bỏ điều gì đó của mình vì người khác. Thời gian, năng lượng, tiền tài, thậm chí có thể là miếng ăn của mình. Khi cần thiết, nhà lãnh đạo chọn ăn cuối cùng". Sinek đã chứng kiến điều này trong Công ty Marine nơi các "tân binh" ăn trước và người có thâm niên nhất ăn sau. Đây không phải là quy định mà được xem là trách nhiệm và sự quan tâm của người lãnh đạo đối với những người khác. Tóm lại, các nhà lãnh đạo thành công thường đặt người khác lên trước thậm chí nếu cần phải hy sinh điều gì đó. Kết quả mà nhà lãnh đạo sẽ nhận được như Sinek viết: "Khi một nhà lãnh đạo quan tâm tới mọi người thay vì các con số, thì mọi người sẽ theo họ...". 5. Chấp nhận chịu trách nhiệm hoàn toàn và chia sẻ công trạng Các nhà lãnh đạo xuất sắc không đổ lỗi hay "đàn áp” nhân viên của mình khi mọi việc diễn ra không suôn sẻ. Họ không làm bẽ mặt nhân viên trước đám đông. Họ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nếu họ cảm thấy một nhân viên nào đó phạm sai lầm, họ sẽ góp ý riêng. Đồng thời, khi mọi việc diễn ra đúng như dự kiến hoặc hơn mong chờ, họ không nhận hết công về mình. Họ chia sẻ thành công với các cộng sự. 6. Có óc quan sát bao quát Một trong những đặc điểm thú vị đó là các nhà lãnh đạo thành công có khả năng nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của mình cũng như các cấp dưới. Họ biết cách để nhân viên toàn tâm toàn ý đối với công việc mình đang làm và sẵn sàng đón nhận điều kế tiếp. Thay vì để mình và nhân viên tự mãn hay chỉ trích họ vì thất bại, các nhà lãnh đạo tuyệt vời cổ vũ xây dựng một môi trường làm việc, trong đó họ có thể khuyến khích hay yêu cầu "quân” của mình học hỏi và phát triển cả về cá nhân và chuyên môn. Cho dù là việc mời một huấn luyện viên yoga, trang trải chi phí tham dự hội thảo, mở một cuộc thi về lập trình (hack-a-thon) hay nắm bắt công nghệ mới để thuận lợi hoá hoá quá trình làm việc, các nhà lãnh đạo xuất sắc đều nhận thấy rằng để đội ngũ của mình phát triển, họ cần học hỏi những kinh nghiệm mới và nâng cao những kỹ năng hiện có. 7. Họ chú trọng đến 2 câu hỏi "Thế nào” và "Tại sao” Các nhà lãnh đạo hiệu quả không chú ý đến con số và nhiệm vụ nào được hoàn thành. Thật tuyệt nếu bạn vừa có được năm khách hàng mới. Song câu hỏi được đặt ra là "làm thế nào” bạn có những khách hàng đó? Từng thành viên trong nhóm đã đóng vai trò như thế nào đạt được kết quả đó? Khi người lãnh đạo chúc mừng một thành viên là lúc thích hợp giải thích "vì sao” họ đã làm được một việc tốt. Nêu bật hai điểm "Thế nào” và "Tại sao” khuyến khích phát triển các phẩm chất tốt cũng như đưa ra sự công nhận hơn nữa. Cách làm này còn cho phép người lãnh đạo và nhóm làm việc nhận thấy rằng điều gì hiệu quả để có thể phát huy. 8. Họ chấp nhận rủi ro song không liều lĩnh Mọi việc đáng giá đều chứa rủi ro. Như Wayne Gretzky, người được mệnh danh là cầu thủ chơi khúc côn cầu vĩ đại nhất mọi thời đại, từng nói: "Bạn sẽ trượt cả 100% bàn thắng nếu không bao sút". Trên thực tế, các nhà lãnh đạo thành công không phải những người chấp nhận rủi ro một cách liều lĩnh mà có suy tính thấu đáo. Họ nhận ra tầm quan trọng của việc đương đầu với rủi ro và sắn sàng thử làm một cái gì đó thậm chí ngay cả khi có thể thất bạin song họ sẽ không làm phương hại đến tương lai đồng nghiệp của mình. Họ sẽ vận dụng kiến thức, chuyên môn, các nguồn lực và trực quan của mình để xét đoán có đáng chấp nhận rủi ro hay không. 9. Họ lãnh đạo theo lối làm gương (lead by example) Câu nói này nghe có vẻ sáo rỗng song hoàn toàn đúng và đây là một nguyên tắc quan trọng ở Tây Âu. Các nhà lãnh đạo tuyệt vời nhất là những người "walk the talk” (làm đến nơi đến chốn). Họ không rời văn phòng trước bất cứ ai để đi đánh gôn. Họ không đàm tiếu hay nói xấu với người khác. Họ không huỷ hoại công sức của người khác. Họ không đưa ra những thoả thuận khả nghi. Họ làm việc miệt mài, đáng tin cậy, minh bạch, hành xử đúng và tôn trọng mọi người. Để tạo dựng niềm tin và được kính trọng, họ lãnh đạo theo lối làm gương. Nếu không có điều này làm nền tảng, lãnh đạo giỏi đến đâu cũng "không có nghĩa lý gì" Theo ttvn.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|