top-banner-2

Thứ năm, 22/09/2016, 08:36 GMT+7

Du lịch Việt Nam từ chỗ bị kìm hãm đến ngành kinh tế mũi nhọn

Một ngành được mệnh danh là công nghiệp không khói, tạo ra 2,8 triệu việc làm và đóng góp khoảng 12,7 tỉ USD vào GDP năm 2015 như du lịch lại không được xem như một ngành kinh tế mũi nhọn trong suốt nhiều năm trước đó, quả thực là một điều khó hiểu.

du-lich-viet-nam-nguoinoitieng

Cuộc cải cách nền kinh tế được chính phủ thực hiện thời gian qua đã mở ra cơ hội cho không ít những ngành có tiềm năng lớn nhất trong nền kinh tế, nhưng vì nhiều lý do đã không được nhận thức đầy đủ, mà du lịch là một ví dụ điển hình. Phải đến giữa tháng 9.2016 Văn phòng Chính phủ mới có thông báo kết luận về dự thảo đề án định hướng phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một ngành được mệnh danh là công nghiệp không khói, tạo ra 2,8 triệu việc làm và đóng góp khoảng 12,7 tỉ USD vào GDP năm 2015 (theo CafeF) như du lịch lại không được xem như một ngành kinh tế mũi nhọn trong nhiều năm trước đó, quả thực là một điều khó hiểu. Càng khó hiểu hơn khi ngành kinh tế đầy tiềm năng này trên thực tế lại ở trong tình trạng bị kìm hãm một cách chặt chẽ suốt một thời gian rất dài, mà kể cả việc đặt mục tiêu đưa nó trở thành ngành mũi nhọn cũng chưa chắc đã phá vỡ được khối xiềng xích ấy trong một sớm một chiều.

Để hình dung ra được tiềm năng thực sự của du lịch Việt Nam, có một cách đơn giản là so sánh với Thái Lan - quốc gia được đánh giá là sở hữu những tiềm năng du lịch tương đương với Việt Nam và đồng thời là nước thành công nhất ASEAN xét về doanh thu từ du lịch. Tính đến thời điểm năm 2015, ngành du lịch Thái Lan đã đón một lượng khách lên tới khoảng gần 30 triệu lượt/năm, và doanh thu từ ngành này đóng góp vào GDP của Thái Lan lên tới khoảng 36,4 tỉ USD, cao nhất trong số các nước ASEAN. So với Thái Lan, lượng khách du lịch đến Việt Nam và doanh thu đóng góp vào GDP của chúng ta đang kém khoảng 3 lần, với chỉ gần 8 triệu lượt khách vào năm 2015 và đóng góp 12,7 tỉ USD vào GDP quốc gia (theo CafeF). Về lý thuyết, du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể đạt giá trị ngang tầm với Thái Lan và điều này đồng nghĩa với việc khoảng trống phát triển của ngành ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Chỉ riêng việc so sánh giữa mức đầu tư và doanh thu đạt được ở thời điểm hiện tại cũng cho thấy tiềm năng của du lịch Việt Nam lớn đến mức nào. Theo thống kê, số tiền mà Việt Nam chi cho các hoạt động quảng bá du lịch hằng năm chỉ đạt khoảng 2 triệu USD, trong khi mức đầu tư của Thái Lan hay Singapore lên tới gần 100 triệu USD hay Malaysia là 80 triệu USD. Ngoài ra cách thức tổ chức hoạt động và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch Việt Nam cũng bị đánh giá thấp hơn các nước trong khu vực, thậm chí thấp hơn Campuchia. Nhưng bất chấp những hạn chế lớn đó, xét về quy mô doanh thu từ ngành du lịch thì Việt Nam hiện vẫn xếp thứ 3 trong ASEAN với 12,7 tỉ USD, chỉ kém Thái Lan (36,4 tỉ USD) và Indonesia (28,2 tỉ USD).

Tuy nhiên, tiềm năng thì vẫn sẽ chỉ là tiềm năng nếu không được khai thác một cách triệt để và hiệu quả. So với các nước trong khu vực, mức tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam về các chỉ số cơ bản như lượt khách ghé thăm hằng năm thấp hơn khá nhiều. Điều này diễn ra ngay cả với các nước có ngành du lịch bị đánh giá thấp hơn Việt Nam như Campuchia. Theo thống kê, tính đến năm 2015, lượng khách du lịch đến Campuchia đạt 4,7 triệu lượt, gấp 22 lần so với năm 1995; trong khi đó Việt Nam chỉ tăng gấp 5,8 lần, đạt 8 triệu lượt trong cùng thời kỳ. Ngành du lịch của Campuchia cũng đang tạo ra khoảng 1 triệu việc làm trực tiếp trong khi ngành du lịch Việt Nam có quy mô lớn gấp 5 lần lại chỉ tạo ra được 2,8 triệu việc làm (theo CafeF). Nếu cứ tiếp tục đà tăng trưởng đáng thất vọng như những năm gần đây, không những Việt Nam không có cơ hội thu hẹp khoảng cách với Thái Lan hay các nước như Malaysia và Singapore, mà thậm chí còn có thể bị Campuchia hay Lào qua mặt.

Nguyên nhân chủ yếu cho sự tăng trưởng kém cỏi của ngành du lịch Việt Nam, bất chấp những tiềm năng to lớn mà chúng ta đang sở hữu, nằm ở việc ngành kinh tế đầy hứa hẹn này không những không được tạo điều kiện phát triển, mà thậm chí còn bị kìm hãm. Số tiền đầu tư cho quảng bá du lịch vỏn vẹn 2 triệu USD mỗi năm của Việt Nam không khác gì số lẻ so với những con số lên tới 80-100 triệu USD đầu tư của Thái Lan, Singapore, Malaysia. Mặc dù những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam cho rằng số tiền đầu tư cho quảng bá du lịch không quan trọng bằng việc tháo gỡ những rào cản hoạt động, nhưng việc chi một số tiền đầu tư quá ít ỏi cho hoạt động quảng bá so với các nước trong khu vực cũng đang cho thấy một thực tế: tầm quan trọng của ngành du lịch chưa được nhìn nhận một cách đúng mức, dẫn đến sự thờ ơ và thiếu quan tâm.

Những chia sẻ của người đứng đầu Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn, trong cuộc tọa đàm bàn giải pháp phát triển ngành du lịch tổ chức tuần trước tại TP.HCM, cũng đang hé mở cho chúng ta thấy những bất cập khá sâu sắc đang tồn tại trong ngành này nhiều năm qua. Trước hết là sự thiếu liên kết giữa các bộ ngành, vì du lịch liên quan đến nhiều ngành trong nhiều vấn đề chứ không gói gọn trong phạm vi quyền hạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, vấn đề liên quan đến bộ nào là bộ đó lại đưa ra những chính sách khác, chủ yếu là rào cản, nên không thể có một chính sách đồng bộ cho du lịch phát triển. Ông Tuấn cho biết: “Các bộ ngành luôn đưa ra những bộ luật hiện hành để nói không và chúng tôi cũng không biết trước những quy định mới, có thể gây tác động đến ngành để có ý kiến” (theo The Saigon Times).

Thậm chí, ngay cả những yêu cầu thông thường nhất của ngành du lịch cũng bị bác bỏ, điển hình là việc mở văn phòng đại diện ở nước ngoài. Có lẽ Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới không cho ngành du lịch thành lập văn phòng đại diện ở nước ngoài để quảng bá. Đầu tư ít ỏi gấp hàng chục lần so với các nước trong khu vực, hạn chế và không cho phép lập văn phòng đại diện quảng bá ở nước ngoài, cơ chế chính sách cồng kềnh thiếu linh hoạt thậm chí có xu hướng kìm hãm, là những lý do giải thích vì sao ngành du lịch Việt Nam dù rất tiềm năng nhưng lại có tốc độ tăng trưởng chậm chạp nhất trong khu vực.

Để đưa ngành công nghiệp không khói này trở thành ngành mũi nhọn trong nền kinh tế như mục tiêu mà chính phủ đã đặt ra, trước hết phải cắt đứt và loại bỏ tất cả những rào cản, dây trói đang kìm hãm khả năng phát triển với du lịch Việt Nam trước đã. Còn nếu không, thì cũng chỉ là hô hào suông mà thôi.

Theo Motthegioi.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Du lịch Việt Nam từ chỗ bị kìm hãm đến ngành kinh tế mũi nhọn

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3