top-banner-2

Thứ tư, 10/07/2024, 16:52 GMT+7

EVN phải trả hơn 50 tỉ đồng tiền lãi vay mỗi ngày, lỗ trên 1 tỉ USD

Một số tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cơ quan vẫn được ví như siêu ủy ban - vẫn còn gánh khoản lỗ lũy kế rất lớn.

evn-phai-tra-hon-50-ti-dong-tien-lai-vay-moi-ngay-lo-tren-1-ti-usd

Mỗi ngày EVN phải trả hơn 50 tỉ đồng lãi vay - Ảnh: EVN

Một đơn vị thuộc siêu ủy ban lỗ lũy kế hàng tỉ USD

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) được Chính phủ giao quản lý, kinh doanh vốn, tài sản tại 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Thông tin từ tài liệu hội nghị tổng kết năm 2023 của CMSC, điểm tích cực năm ngoái có tới 15/19 đơn vị hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế.

Tuy nhiên, một số tập đoàn, tổng công ty thuộc lĩnh vực điện, hàng không... do siêu ủy ban quản lý vẫn gặp khó khăn cùng khoản lỗ lũy kế rất lớn.

Như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố cho thấy lỗ sau thuế cả năm 2023 lên tới hơn 26.770 tỉ đồng, tăng 29% so với mức lỗ 20.747 tỉ đồng năm trước.

Giá vốn hàng bán cao, chi phí quản lý doanh nghiệp lớn cùng khoản chi phí lãi vay tăng mạnh… là một vài yếu tố bào mòn lợi nhuận của tập đoàn ngành điện.

Cụ thể, báo cáo cho thấy tổng doanh thu hợp nhất EVN năm ngoái vẫn tăng trưởng 8%, đạt 500.719 tỉ đồng. Giá vốn ở mức 487.677 tỉ đồng, tương đương 97,4% doanh thu.

Sau đợt điều chỉnh giá, lợi nhuận gộp của EVN cải thiện hơn khi ghi nhận hơn 13.041 tỉ đồng, tăng hơn 23%. Song con số này không thể bù đắp được chi phí lãi vay cùng loạt chi phí khác.

Năm ngoái, EVN phải chi 18.985 tỉ đồng cho lãi vay, tăng hơn 30% (tương đương hơn 4.480 tỉ đồng) so với năm 2022. Như vậy, bình quân mỗi ngày Tập đoàn Điện lực phải trả hơn 50 tỉ đồng tiền lãi vay.

Chưa kể chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của tập đoàn lần lượt ở mức 6.600 tỉ đồng và 14.799 tỉ đồng, đều tăng nhẹ so với năm trước. Sau trừ chi phí, EVN chịu mức lỗ thuần 25.969 tỉ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2023 của tập đoàn này lên tới 41.824 tỉ đồng (hơn 1,6 tỉ USD), gấp hơn 3 lần mức cuối năm trước.

Ngoài EVN, doanh nghiệp nào khác thuộc siêu ủy ban vẫn nặng gánh lỗ lũy kế?

Theo thông tin từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan này vừa có buổi làm việc với EVN về quỹ tiền lương thực hiện năm 2023 và kế hoạch lao động, tiền lương năm 2024.

Tại cuộc làm việc, đại diện EVN dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục phải đối mặt hàng loạt khó khăn, thử thách.

Do đó, tập đoàn xây dựng kế hoạch năm 2024 với nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6-6,5%. Đồng thời EVN cho biết sẽ cân bằng tài chính...

Còn tại quyết định giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp năm 2024 của công ty mẹ EVN, ủy ban đã giao tập đoàn này đạt tổng doanh thu 469.441 tỉ đồng. Với lợi nhuận sau thuế, quyết định nêu: "Phấn đấu đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh, bảo toàn vốn nhà nước đầu tư tại EVN".

Một doanh nghiệp khác nằm trong số tập đoàn, tổng công ty do CMSC làm đại diện vốn nhà nước là Vietnam Airlines cũng ghi nhận khoản lỗ lũy kế lớn. Tính đến cuối năm 2023, lỗ lũy kế hãng hàng không quốc gia là 41.057 tỉ đồng.

Trong bối cảnh thị trường hàng không dần phục hồi, kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines đã tích cực hơn trong quý đầu năm nay.

Theo đó, lãi ròng hợp nhất Vietnam Airlines đạt 4.441 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn còn lỗ 37 tỉ đồng. Nhờ vậy, lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 3-2024 cũng giảm còn hơn 36.700 tỉ đồng (hơn 1,4 tỉ USD).

Ngoài ra, trong số các doanh nghiệp thuộc diện CMSC quản lý vẫn còn lỗ lũy kế như: Vinacafe (lỗ lũy kế 1.090 tỉ đồng tại thời điểm cuối 2023), Vinafood 2 (lỗ lũy kế 2.777 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 3-2024)…

(nguồn: tuoitre.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

EVN phải trả hơn 50 tỉ đồng tiền lãi vay mỗi ngày, lỗ trên 1 tỉ USD

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3