Hàng trăm hộ kinh doanh ế ẩm tại phố đi bộ hiện đại nhất Việt Nam |
Chấp nhận bù lỗ suốt hơn 6 tháng để chờ những cơ hội kinh doanh mới từ khi phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) được khánh thành, hàng trăm hộ kinh doanh tại đây giờ tiếp tục than trời vì buôn bán quá ế ẩm. Giá thuê mặt bằng bán lẻ đồng loạt tăng Tiếp xúc với một ông chủ cửa hàng kinh doanh các loại trà tại phố Nguyễn Huệ, được biết trong quá trình dự án phố đi bộ thi công, hàng tháng ông phải bù lỗ trên 20 triệu cho tiền thuê 16m2. Trong nhiều tháng liền do vướng một “rừng” rào chắn, cửa hàng hầu như đóng cửa vì không có lối ra vào. “Tuy nhiên, chỉ sao khi phố Nguyễn Huệ được khánh thành đúng 1 tuần, chủ nhà đã gửi thông báo đòi tăng tiền nhà lên thêm 10 triệu đồng/tháng. Chúng tôi đã thất thu gần 200 triệu trong vòng nửa năm trời, giờ chưa lấy lại sức kinh doanh thì tiền thuê mặt bằng lại tăng, trong khi lượng khách đến quán chủ yếu là vào những buổi tối cuối tuần”, vị này cho biết. Bà Hồ Ngọc Thu, chủ cửa hàng văn phòng phẩm trên đường Nguyễn Huệ, nằm sát khách sạn Rex, tâm sự: “Thuê mặt bằng với diện tích gần 25m2 phải trả hàng tháng là 55 triệu đồng. Nhưng gần một tháng nay doanh thu bán hàng của chúng tôi còn không đủ trả lương nhân viên chứ đừng nói gì đến trả tiền thuê nhà”. Trong vai một khách hàng cần thuê mặt bằng kinh doanh mặt hàng túi xách, chúng tôi gọi điện đến bộ phận kinh doanh của một trung tâm thương mại lớn đóng ngay vị trí đẹp nhất của tuyến đường này, được biết giá thuê gian hàng ở đây cao nhất là 32 USD/m2 và thấp nhất là 25 USD/m2 tùy theo nhu cầu diện tích và vị trí cần thuê. Ngoài ra, khách hàng phải đặt cọc trước 3 tháng, cộng với phí bảo vệ, vệ sinh…là 2 USD/m2. Khi được hỏi mức giá thuê này dược niêm yết cố định từ trước nay hay có sự điều chỉnh nào không, đại diện kinh doanh này cho biết giá thuê này đã tăng thêm 2 USD từ đầu tháng 4-2015. Với lý do cần tham khảo thêm trước khi quyết định, chúng tôi đành cáo từ. Buôn bán ế ẩm, nguyên nhân dân đâu? Có mặt tại tuyến đường Lê Lợi và một phần đường Nguyễn Huệ trong hai ngày 14-15/5, chúng tôi nhận thấy rằng cảnh buôn bán, kinh doanh tại đây hầu như vắng lặng, người bán thì ngồi ngóng ra đường, còn người mua thì chỉ lác đác đến tham quan rồi đi. Suốt một đoạn đường dài từ nhà hát Thành phố đến gần chợ Bến Thành, nhiều hộ kinh doanh ngồi nhìn nhau và than vắn thở dài khi chào mời khách đi ngang qua. Anh Hoàng Long, chủ tiệm kinh doanh máy ảnh trên đường Nguyễn Huệ cho biết: “Bình thường khi chưa có phố đi bộ này, cửa hàng của tôi một ngày đón khoảng hơn 500 khách đến xem sản phẩm và lượng mua hàng rất cao. Nhưng hai tuần nay, một ngày cũng chưa đến 100 người đến mua hàng. Có ngày đông khách thì đó cũng chỉ là những khách hàng quen thuộc từ nhiều năm nay”. Cũng theo anh Long, nhiều khách hàng cho biết họ rất ái ngại khi đến khu vực này vì rất bất tiện cho việc gửi xe để vào mua hàng hay tham quan. Chung cảnh ngộ vắng khách như tiệm anh Long là các cửa hàng bán máy ảnh, đồ lưu niệm, quần áo… dọc theo hai bên đường Lê Lợi, đây là khu phố mua bán sằm uất nhất thành phố. Một chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc cho biết, xây dựng phố đi bộ là một chủ trương đúng đắn để phát triển TP.HCM thành một thành phố du lịch trong tương lai. Nhưng, song song với quá trình đầu tư dự án, thành phố cũng cần tính đến xây dựng những khu gửi xe thuận tiện cho du khách. “Chứ đến đây khách hàng nào cũng lớ ngớ không biết phải gửi xe ở đâu để vào cửa hàng. Nếu đến các trung tâm thương mại gần đấy như Vincom A và B hay Parkson thì khách phải đi bộ khá xa dưới cái nắng nóng gay gắt của miền Nam hiện nay”, bà Dung chủ tiệm cho biết. Một số hộ kinh doanh ở đây cho biết với tình trạng ế ẩm và giá thuê mặt bằng kinh doanh tăng như hiện nay thì nhiều người đã tính đến phương án tạm dời đi nơi khác buôn bán vì giờ họ đang bị thất thu rất lớn, trong khi hàng tháng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng ít nhất cũng hơn 50 triệu đồng/tháng. Theo nld.com Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|