top-banner-2

Thứ ba, 03/07/2018, 14:22 GMT+7

Hành trình trở thành ứng dụng 1 tỷ người dùng của Instagram

Từ ý tưởng chỉ tập trung vào việc chia sẻ ảnh tức thì, Instagram giờ trị giá 100 tỷ USD và có tốc độ hút người dùng nhanh hơn Facebook.

Chỉ có tại thung lũng Silicon và trong thời đại công nghệ, người ta mới chứng kiến chuyện một đôi bạn ngoài 20 biến thành quả của 78 tuần làm việc thành sản phẩm 1 tỷ USD.

Đó là điều xảy ra với Kevin Systrom và Mike Krieger năm 2012, khi ứng dụng Instagram họ ra mắt chưa đến 2 năm trước, chưa từng kiếm một xu doanh thu và với nhân sự 13 người, được Facebook mua lại với giá kỷ lục.

Mike Krieger (trái) và Kevin Systrom, hai cựu sinh viên ĐH Stanford, sáng lập Instagram năm 2010. Ảnh: TechCrunch.

Mike Krieger (trái) và Kevin Systrom, hai cựu sinh viên ĐH Stanford, sáng lập Instagram năm 2010. Ảnh: TechCrunch.

Kevin Systrom học chuyên ngành kỹ sư tại ĐH Stanford, Mỹ. Là fan nhiếp ảnh, anh luôn tìm kiếm giải pháp kết nối thông qua những bức hình trên mạng. Chàng sinh viên còn từng thực hiện một dự án chia sẻ ảnh tại chính lớp học của mình.

Tuy nhiên, tốt nghiệp Stanford năm 2006, chàng trai 23 tuổi nguội bớt động lực khi phải kiếm việc làm. Anh cập bến Google, tại bộ phận Phát triển sản phẩm và doanh nghiệp. Systrom gắn bó với gã khổng lồ công nghệ trong vòng 2 năm trước khi chuyển đến một công ty khác có tên Nextstop, chuyên gợi ý các chuyến đi.

Sau quãng thời gian đó, Systrom thôi việc và sáng lập ứng dụng Burbn, lấy tên loại rượu ưa thích. Dịch vụ có tính năng chia sẻ ảnh và check-in địa điểm nhưng còn khá rối rắm.

Cùng với một sinh viên khác cũng tốt nghiệp Stanford là Mike Krieger, anh thảo luận về việc thu hẹp phạm vi ý tưởng và cố gắng làm tốt nhất chỉ một thứ.

Systrom kể lại: "Chúng tôi nhận ra ảnh chụp bằng di động là mảnh đất màu mỡ để thử nghiệm những ý tưởng mới. Tôi và Mike bỏ ra một tuần xây dựng mô hình chỉ tập trung vào những bức ảnh. Nó khá tệ. Nên hai người quay về với Burbn. Đó vốn đã là một ứng dụng iPhone hoàn chỉnh nhưng vấn đề ở chỗ nó cồng kềnh với quá nhiều tính năng".

Hai chàng trai quyết định cắt bỏ toàn bộ những gì thừa thãi trong Burbn, chỉ để ảnh chụp, bình luận và tính năng thích. Những gì còn lại đó chính là Instagram (Instant camera + telegram: ám chỉ việc chụp và chia sẻ ảnh tức thì).

Instagram thay logo cũ (trái) năm 2016 và logo hiện tại (phải) mất 9 tháng để hoàn thành. Ảnh: Tech Insider.

Instagram thay logo cũ (trái) năm 2016 và logo hiện tại (phải) mất 9 tháng để hoàn thành. Ảnh: Tech Insider.

Hai cựu sinh viên Stanford ra mắt Instagram tháng 10/2010, chỉ trên nền tảng hệ điều hành iOS. Thời điểm đó không lâu sau khi iPhone 4 "chào sân", với camera đáp ứng nhu cầu chụp ảnh di động đẹp và nhanh gọn.

Instagram nhanh chóng trở thành hiện tượng, ghi nhận 200.000 người dùng trong tuần đầu tiên được giới thiệu. Sau 2 tháng, cộng đồng Instagram đã có 1 triệu người và nửa năm sau, con số tăng gấp 5 lần. Bấy giờ khoảng 150 triệu bức ảnh được chia sẻ trên nền tảng.

Tính năng Hashtag được bổ sung năm 2011, giúp người dùng khám phá ảnh theo chủ đề dễ dàng hơn. Cuối năm đó, phiên bản Instagram 2.0 ra đời, thêm các bộ lọc và chức năng xoay ảnh.

Sự lan truyền chóng mặt của Instagram có sự góp sức của các ngôi sao. Chẳng hạn, khi Justin Bieber "nhập hội", hàng nghìn cô gái phản hồi mọi bức ảnh anh chia sẻ. Thậm chí, quản lý của Bieber khi ấy gọi điện đòi Systrom một khoản hoa hồng nhưng không thành.

Nhiều người dùng dần lựa chọn đăng ảnh của họ lên Instagram thay vì Facebook, Mark Zuckerberg bắt đầu dòm ngó. Tháng 4/2012, Facebook thâu tóm hiện tượng Instagram với giá 1 tỷ USD, gấp đôi mức startup được định giá ngay trước đó. Systrom, 29 tuổi, lập tức nắm trong tay tài sản 400 triệu USD. Mike Krieger cũng sở hữu 100 triệu USD ở tuổi 25.

Thời điểm đó, đã có khoảng 30 triệu lượt tải về ứng dụng. Phiên bản Android ra mắt bấy giờ cũng thu hút 1 triệu download chỉ trong 12 tiếng. Instagram dần được nhìn nhận là một mạng xã hội hơn là nền tảng chia sẻ ảnh đơn thuần.

Vốn đặc trưng chỉ cho phép đăng những bức ảnh vuông, đến tận năm 2015, Instagram mới gỡ bỏ giới hạn này.

Một năm sau, hãng giới thiệu tính năng Instagram Stories, cho phép chia sẻ tạm thời nhiều bức ảnh và video dưới dạng slide. Chúng biến mất sau 24 giờ, người dùng nhờ thế có thể chia sẻ loạt trải nghiệm mọi lúc mà không lo "tạo rác" cho tài khoản.

instagram-ketnoidoanhnhan

Giao diện hiện tại của ứng dụng 1 tỷ người dùng. Ảnh:TechCrunch.

Trong tháng 6, Instagram thông báo đạt 1 tỷ người dùng. Tháng 9 năm ngoái, con số này là 800 triệu, nhiều hơn cùng thời điểm năm trước đó 200 triệu người. Như vậy, cộng đồng Instagram tăng đều đặn 200 triệu người mỗi năm gần đây. Năm ngoái, tăng trưởng người dùng được lý giải do sự ra đời của tính năng Stories.

Theo dữ liệu phân tích của Bloomberg, Instagram hiện trị giá khoảng 100 tỷ USD, gấp 100 lần kể từ khi được mua lại cách đây 6 năm và có tốc độ hút người dùng mới nhanh hơn cả Facebook. Nền tảng này dự đoán đóng góp 16% doanh thu trong vòng một năm tới cho Facebook.

Gần nhất, công ty vừa cho ra đời thêm Truyền hình Instagram (IGTV), ứng dụng độc lập giúp chia sẻ và theo dõi những video kéo dài. IGTV trình chiếu tự động video của người dùng, như cách một chiếc TV hoạt động, thay vì việc người xem phải tìm kiếm từ khóa như trên nhiều trang video khác. Ứng dụng được đánh giá sẽ cạnh tranh với nền tảng video phổ biến nhất là Youtube.

Theo Quốc Việt - ngoisao.net - 03/07/2018

Link nguồn: https://ngoisao.net/tin-tuc/thuong-truong/hanh-trinh-tro-thanh-ung-dung-1-ty-nguoi-dung-cua-instagram-3770902.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hành trình trở thành ứng dụng 1 tỷ người dùng của Instagram

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3