top-banner-2

Thứ hai, 18/06/2018, 12:27 GMT+7

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 liệu có khả thi?

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 cả nước 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, trung bình mỗi năm cần khoảng 150.000 doanh nghiệp.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 5 tháng đầu năm 2018, cả nước đã có 52.322 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 516,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 6,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Mặc dù số DN thành lập mới tăng lên, nhưng cùng với đó, số DN buộc phải rời bỏ thương trường cũng gia tăng đáng kể.

Theo thống kê, số DN tuyên bố giải thể trong 5 tháng đầu năm cũng lên tới gần 27.000 DN. Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự thông thoáng như kỳ vọng của cộng đồng DN. Các động thái của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh vẫn gặp khá nhiều điểm nghẽn.

Trong khi đó, chỉ còn khoảng 18 tháng nữa là hạn chót của mục tiêu đạt 1 triệu DN mà Chính phủ đưa ra (năm 2020). Có nghĩa là từ nay đến năm 2020, mỗi năm cả nước phải có 150.000 DN mới thành lập và phải thực sự “sống” khỏe. Điều này xem ra không hề dễ dàng, bởi theo như thống kê, cùng với số DN khai sinh thì cũng một số lượng không nhỏ DN khai tử.

muc-tieu-1-trieu-doanh-nghiep-vao-nam-2020-lieu-co-kha-thi-tgnguoinoitieng

Mỗi năm Việt Nam cần khoảng 150.000 DN hoạt động hiệu quả để đạt mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020. (Ảnh minh họa: VCCI)

Giới chuyên gia nhận định, từ thực tế này chắc chắn sẽ tác động rất mạnh vào mục tiêu đạt được 1 triệu DN vào năm 2020 của Chính phủ. Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước đang có khoảng hơn 600.000 DN đang hoạt động. Như vậy, trong vòng khoảng gần 2 năm tới, cả nước phải có thêm hơn 300.000 DN thành lập mới, tương đương mỗi năm phải có thêm ít nhất 150.000 DN hoạt động tốt mới đạt được mục tiêu đề ra.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện phát triển Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên thực tế mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 dường như rất khó thành. Bởi để đạt mục tiêu đến năm 2020 cả nước 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như Nghị quyết 35 của Chính phủ đề ra, trung bình mỗi năm cần khoảng gần 150.000 DN mới và phải là DN sống được cùng phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Số DN phá sản ngừng hoạt động vẫn nhiều lên và số DN phá sản gần tương đương với số DN khai sinh. Do đó, con số 1 triệu DN là rất khó khả thi”, bà Hằng nhận định.

Doanh nghiệp còn gặp nhiều điểm nghẽn

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc xóa bỏ rào cản kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư để giảm nhẹ các áp lực thủ tục hành chính cho cộng đồng DN.

Tính đến hết quý I/2018, các bộ ngành đã cắt bỏ, đơn giản hóa được 738 điều kiện kinh doanh. Đây là một sự cố gắng không nhỏ của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý để hiện thực hóa mục tiêu xóa bỏ điều kiện kinh doanh, tạo môi trường hoạt động bình đẳng, thông thoáng cho DN.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, về cơ bản các quá trình cải cách vẫn đang nằm trên phương án hoặc…dự thảo của các Bộ. Ở một khía cạnh nào đó, các cải cách mới chỉ dừng lại ở động thái xóa bỏ các rào cản, chưa tính đến yếu tố thể chế và những chính sách thực sự nhằm thúc đẩy cộng đồng DN phát triển.

Đó còn chưa kể tình trạng “mọc lại” hoặc cho “mọc thêm” giấy phép con mà một số bộ, ngành không biết vô tình hay hữu ý khiến DN thêm khó.

Theo nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – TS. Vũ Tiến Lộc, con số DN từ giã thương trường vẫn cao, điều này cho thấy, các DN đang còn gặp khá nhiều điểm nghẽn trong hoạt động kinh doanh.

“Có đến gần 60% DN không phát sinh thuế thu nhập DN. Điều đó cho thấy hoạt động của cộng đồng DN vẫn gặp nhiều khó khăn. DN tư nhân được xác định là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế và được kỳ vọng là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của năm 2018. Nhưng những bất cập nội tại của cộng đồng DN vẫn chưa giải tỏa được, đơn cử trình độ công nghệ thấp, khả năng quản trị yếu, nguồn vốn, quy mô hoạt động quá nhỏ”, TS. Vũ Tiến Lộc chỉ rõ.

Cũng theo quan điểm của TS. Vũ Tiến Lộc, chỉ khi giải tỏa được những bất cập từ các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cùng với những điểm yếu về công nghệ, quản trị đang tồn tại trong nội tại DN, mới có thể tạo sức bật thực sự cho các DN.

“Chỉ khi giải tỏa được những bất cập đang tồn tại mới hy vọng số DN thành lập mới sẽ tăng nhanh, không kéo theo con số DN phá sản lớn như hiện nay. Khi đó mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020 của Chính phủ mới có cơ hội trở thành hiện thực”, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết.

Theo vov.vn - 18/6/2018

Link nguồn: http://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/muc-tieu-1-trieu-doanh-nghiep-vao-nam-2020-lieu-co-kha-thi-775779.vov


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 liệu có khả thi?

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3