Nhà máy đóng tàu Dung Quất ôm nợ gần 7.000 tỉ, xử lý ra sao? |
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã có kiến nghị về phương án xử lý việc tái cơ cấu Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS). Nhà máy đóng tàu Dung Quất được chuyển giao từ Vinashin về PVN vào năm 2010, nhưng vẫn chưa có hướng xử lý hiệu quả - Ảnh: TRẦN MAI Theo nghị quyết Chính phủ thường kỳ tháng 11, Chính phủ giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái trong năm 2023 phải xử lý xong ít nhất 2-3 ngân hàng, dự án yếu kém. Nhà máy đóng tàu Dung Quất là một trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém mà ngành công thương được Chính phủ chỉ đạo tích cực tháo gỡ. Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, mới đây Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã trình phương án xử lý trên cơ sở đề xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ ngành liên quan có ý kiến để thống nhất biện pháp xử lý dứt điểm dự án này. Đã có phương án mới để tái cơ cấu, xin ý kiến các bộ Với các phương án cũ không khả thi và nhiều rủi ro, từ năm 2022, Chính phủ đã liên tục có các chỉ đạo để hoàn thiện phương án tiếp tục tái cơ cấu DQS. Nhiều cuộc họp được tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng, phó thủ tướng. Ngoài ra, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng trực tiếp vào Quảng Ngãi để khảo sát thực tế tại DQS. Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn, phương án mới nhất được PVN đề xuất để tái cơ cấu DQS là sẽ thực hiện tái cơ cấu các khoản vay, xử lý các tồn tại tài chính, tài sản…; không đưa vào báo cáo tài chính DQS một số khoản tài chính còn tồn đọng. Đồng thời thực hiện thanh lý hàng tồn kho, xóa nợ cho các nhà thầu không còn hoạt động; thanh lý tài sản cố định để tái cơ cấu trả nợ gốc, xóa lãi vay, xóa nợ; đề nghị thêm một số cơ chế đặc thù khác… Bao gồm việc PVN sẽ đầu tư thêm 928 tỉ đồng để đầu tư các hạng mục tàu, phụ trợ và phá dỡ tàu cũ để tái cơ cấu và duy trì hoạt động. Tuy nhiên, do việc "bơm" thêm tiền đễ hỗ trợ DQS là không phù hợp với quy định, nên cần xin ý kiến Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương, Quốc hội cho phép để thực hiện. Trên thực tế, việc phải sớm có phương án xử lý dứt điểm DQS trên cơ sở tái cơ cấu là yêu cầu cấp thiết, khi phương án cũ theo đề án 1468 đưa ra từ năm 2017 vẫn chưa mang lại hiệu quả. Cũng bởi DQS hiện vẫn chưa thực hiện xong việc xác định giá trị và quyết toán tài sản, đặc biệt là việc bàn giao con tàu 104.000 DWT. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của DQS về cơ bản rất khó khăn. Giá trị ước tính có thể thu hồi được khi phá sản là 4.072 tỉ đồng, khiến cho DQS bị thiếu hụt khoảng 2.904 tỉ đồng để bù đắp vào các khoản vay. Cho phá sản sẽ có nhiều hệ lụy Trường hợp nếu công ty phá sản, các chủ nợ sẽ không thu được lãi vay. Dẫn tới PVN có thể tổn thất 1.098 tỉ đồng do trước đó đã trả nợ thay cho DQS. Cùng đó là tổn thất toàn bộ vốn góp của PVN và vốn ngân sách nhà nước đã cấp. Tổng cộng giá trị tổn thất các bên phải chịu nếu phá sản DQS là 4.455 tỉ đồng, chưa kể 680 lao động bị mất việc làm, không có thu nhập. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước dẫn ra đánh giá của PVN cho hay nếu DQS phá sản có thể để lại hệ lụy. Đó là việc PVN có thể sẽ không thu được các khoản vốn đã đầu tư và làm mất đi vai trò của đơn vị sửa chữa, đóng mới tàu trong chuỗi liên kết giá trị của PVN... Trong khi đó, theo một lãnh đạo của DQS, mặc dù bức tranh tài chính khá "xấu" do những khoản nợ cũ là gánh nặng để lại. Tuy nhiên, hiện nhà máy có cơ hội phục hồi do nhận được các đơn hàng đóng mới và sửa chữa tàu. Vì vậy, trong trường hợp có cơ chế tài chính để khoanh nợ, xóa nợ và hỗ trợ thêm dòng tiền, sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội thị trường để hồi phục. PVN cũng cho rằng do thiếu cơ chế để xử lý các tồn tại, nên chưa tạo điều kiện cho DQS mở rộng sản xuất kinh doanh, trả nợ gốc vay tồn đọng. Như vậy, kể từ ngày chuyển giao (năm 2010) từ Vinashin, mặc dù PVN đã chi 5.385 tỉ đồng cho DQS, song chỉ ghi nhận 5 năm lợi nhuận với tổng lãi là 165,49 tỉ đồng. Các năm còn lại, DQS đều lỗ và lợi nhuận cả giai đoạn âm 2.543,77 tỉ. Ghi nhận đến cuối năm 2022, DQS có tổng tài sản là 5.763 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.213 tỉ đồng và nợ phải trả lên tới 6.976 tỉ đồng. Doanh nghiệp này đang lỗ lũy kế tới 3.780 tỉ đồng, với nhiều tài sản, dự án xây dựng dở dang chưa hoàn thành, chưa quyết toán và tồn tại các khoản nợ lớn. Tháo gỡ khó khăn thêm cho ba dự án phân bón Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa ban hành, đối với ba dự án phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Chính phủ đã thống nhất giao Thủ tướng phê duyệt, ban hành quyết định cá biệt về phương án kéo dài thời hạn vay vốn, xóa nợ lãi vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam với 3 dự án phân bón của tập đoàn này. Đây được xem là bước đi mới nhất để tháo gớ vướng mắc, tạo cơ hội cho ba dự án này hồi sinh. (Nguon: Tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|