top-banner-2

Thứ hai, 30/07/2018, 16:38 GMT+7

Thêm nhiều đại gia FDI dính nghi án chuyển giá

Theo VCCI, mỗi năm có khoảng 40 - 50% doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kê khai lỗ, trong đó, rất nhiều DN lỗ liên tục trong nhiều năm.

Không chỉ có những ông lớn Coca Cola, Metro... dính nghi án chuyển giá, hàng loạt các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khác như: Adidas, Keangnam Vina, BigC, Pepsi Co VN, Nestlé VN, Sumitomo Bakelite VN, điện tử Meiko VN... đều nằm trong diện nghi vấn chuyển giá.

lotteria-tgnnt

Chuỗi thức ăn nhanh Lotteria cũng dính nghi án chuyển giá. (Ảnh: Ngọc Dương)

Sau thanh tra hết lỗ

Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), mỗi năm có khoảng 40 - 50% doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kê khai lỗ. Trong đó, rất nhiều DN lỗ liên tục trong nhiều năm, âm vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động và kể cả việc mở rộng quy mô kinh doanh.

Keangnam Vina, một công ty bất động sản 100% vốn của Hàn Quốc vào VN tháng 7.2007, lại ký hợp đồng giao cho công ty con của tập đoàn là Keangnam Enterprise làm tổng thầu với tổng giá trị hợp đồng lên đến 871 triệu USD. Keangnam Enterprise không chỉ khảo sát, thiết kế, cung cấp thiết bị máy móc, thi công xây dựng dự án mà còn cung cấp cả dịch vụ tư vấn tài chính, dàn xếp vốn vay cho Keangnam Vina. Các chi phí này lên đến hàng trăm triệu USD nên 5 năm sau đó, Keangnam Vina liên tục báo lỗ và không phải nộp thuế thu nhập DN cho VN. Việc thanh tra thuế sau đó khiến DN thừa nhận hành vi chuyển giá và điều chỉnh lại lợi nhuận, thuế sau đó.

Khác với Coca Cola, Keangnam Vina, Pepsi... sau thanh tra cơ quan thuế đã xác định được hành vi chuyển giá và truy thu thuế, một vài trường hợp đến nay việc xác định hành vi chuyển giá còn khá “tù mù”. Adidas vào VN từ năm 1993 và báo lỗ liên tục. Vào VN trong vai trò nhà phân phối bán buôn song nhiều chi phí của họ lại phát sinh theo mô hình của nhà bán lẻ. Chính vì phát sinh quá nhiều chi phí trung gian đầu vào đã khiến cho giá thành nhập khẩu các sản phẩm Adidas tại thị trường VN bị đội lên một cách vô lý, khiến DN luôn rơi vào tình trạng thua lỗ và không phải nộp thuế thu nhập.

Không chỉ với các ông lớn, trong 50% DN FDI đang báo lỗ, có sự “đóng góp” rất lớn của các DN vừa và nhỏ ngoại. Đơn cử, trong 3 năm đầu tư tại VN, Công ty TNHH Sumitomo Bakelite VN (100% từ Nhật Bản) tại Hà Nội đã báo lỗ lũy kế đến 777 tỉ đồng. Công ty TNHH điện tử Meiko VN cũng báo lỗ 3 năm 300 triệu đồng. Trong khi số liệu cho thấy, Nhà máy điện tử Meiko tại Hà Nội là một trong 10 dự án FDI lớn nhất tại thời điểm cấp phép năm 2006.

Tại Đồng Nai, Công ty TNHH sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia báo lỗ lũy kế trong 3 năm hơn 430 tỉ đồng, Fujitsu VN với số lỗ lũy kế 2 năm là hơn 292 tỉ đồng, Kureha VN với mức lỗ lũy kế 3 năm là 264 tỉ đồng, Olympus VN với mức lỗ lũy kế 2 năm là 256 tỉ đồng. Tại TP.HCM và Bình Dương, Freetrend Industriala VN lỗ 2 năm liên tiếp trên 222 tỉ đồng, Saigon Stec cũng lỗ lũy kế 3 năm trên 218 tỉ đồng.

Trong ngành ẩm thực, các công ty bán thức ăn nhanh như KFC VN và Lotteria VN và gần đây là Jollibee cũng liên tục báo lỗ. Nếu xét theo báo cáo tài chính, Lotteria đang là công ty đứng đầu về doanh thu, gần 1.500 tỉ đồng vào năm 2015 và 1.300 tỉ đồng vào 2016.

Tuy nhiên, tổng lỗ của DN trong 2 năm này cũng rất lớn, lỗ lũy kế đến hết 2016 của Lotteria lên hơn 413 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ hơn 433 tỉ đồng. KFC trong năm 2015 lỗ 25 tỉ đồng, còn tiền lãi chỉ mang tính tượng trưng. Lỗ liên tục, nhưng đến nay, Lotteria đã mở hơn 200 cửa hàng tại VN còn KFC hơn 140 cửa hàng.

Cần đội ngũ “tinh nhuệ” để chống chuyển giá

Điều đáng nói là sau hàng loạt thanh tra của cơ quan thuế các địa phương, các công ty FDI từng báo lỗ triền miên đều “chịu” có lãi những năm sau đó.

Một thống kê của cơ quan thuế trong khoảng thời gian 5 - 6 năm gần đây được chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường đại học Fulbright VN, đưa ra là đã có khoảng 1,5 tỉ USD giảm lỗ sau thanh tra và truy thu thuế được 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số đó được đánh giá là còn thấp so với thực tế.

Theo ông Tuấn, hành vi chuyển giá là tránh thuế, lợi dụng kẽ hở trong luật để khỏi đóng thuế chứ không phải trốn thuế. Hành vi được coi là chuyển giá khá phổ biến là khai khống vốn đầu tư vào VN ban đầu. Tuy nhiên, số vốn này lại được “quy” thành máy móc, thiết bị và công nghệ được nhà đầu tư đưa vào VN sau đó. Việc phải khấu hao giá trị tài sản của nhà đầu tư sau đó liên tục nhiều năm chính là “lá chắn” hữu hiệu giúp nhà đầu tư né thuế. Hình thức thứ 2 là vay chính công ty mẹ và trả lãi vay cao.

Chuyên gia tư vấn Vũ Quốc Tuấn (Eurocham) nhận xét chính môi trường thuế của VN đang dung dưỡng cho hành vi không tuân thủ thuế của một số nhà đầu tư. VN thiếu bộ phận tư vấn giám sát đủ “tinh nhuệ” để định giá được các công nghệ, thiết bị mà DN FDI đưa vào tính bằng giá trị tài sản đầu tư lên đến tiền triệu đô.

"Singapore là quốc gia có DN FDI rất lớn và đây cũng là quốc gia ít xảy ra trường hợp chuyển giá bởi chính sách giám sát thuế, giám sát đầu tư rất tốt. VN nên tham khảo quốc đảo này trong chiến lược chống chuyển giá", ông Tuấn nhận xét.

Theo Nguyên Nga - vov.vn - 30/07/2018

Link nguồn: https://vov.vn/kinh-te/them-nhieu-dai-gia-fdi-dinh-nghi-an-chuyen-gia-793778.vov


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Thêm nhiều đại gia FDI dính nghi án chuyển giá

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3