Chủ tịch JCI Việt Nam Bích Trâm hạnh phúc vì được 'xả thân' cho công việc |
Theo như Tân Chủ tịch JCI Việt Nam 2018 chia sẻ “JCI không cố tạo ra các màu sắc mới, nhưng sẽ lấp đầy những lỗ đen đang tồn tại trong bức tranh xã hội”. Tân Chủ tịch Lê Thị Bích Trâm tự tin rằng JCI Việt Nam hiện đã có một tập thể những nhân tài, những người lãnh đạo giỏi giang và đặc biệt là những trái tim lớn vì cộng đồng xã hội cũng như nhận được sự hỗ trợ của JCI Thế giới chính vì thế xã hội Việt Nam sẽ nhanh chóng được “lấp đầy” bởi những hành động cụ thể và thiết thực của các nguồn lực. Ấn phẩm Kết nối Doanh nhân đã có cuộc trò chuyện với Nữ doanh nhân Lê Thị Bích Trâm trước thềm diễn ra sự kiện Đại hội đầu năm - JCI Vietnam New Year Convention 2018. Chào chị Bích Trâm, năm 2017 có thể xem là một năm sôi nổi của chị, nhìn lại chặng đường ấy, chị đã hài lòng về những gì mình đã làm? Nhìn lại một năm vừa qua với nhiều hoạt động đã làm được, Trâm không nói là hài lòng (vì mình khó tròn trịa được tất cả các hoạt động đó) nhưng Trâm hạnh phúc vì dù có làm gì thì gia đình vẫn luôn ủng hộ Trâm hết mình. Mỗi ngày Trâm đều được “xả thân” với công việc, khách hàng, các bạn nhân viên. Mỗi cuối tuần lại có thêm nhiều dịp tham gia các dự án xã hội ý nghĩa. Mỗi tối về lại có ông xã và các con luôn làm mình cười và ấm lòng. Chỉ được hết mình mỗi ngày vậy thôi là đã quá đầy đủ với Trâm rồi.
Với vai trò là Chủ tịch JCI nhiệm kỳ 2018, chị sẽ làm gì cho JCI Việt Nam? Một mình Trâm thì khó mà tạo được điều gì lớn lao cho JCI Việt Nam lắm (cười), nhưng Trâm tự tin rằng mình đã có một tập thể những nhân tài, những người lãnh đạo giỏi giang và đặc biệt là những trái tim lớn vì cộng đồng xã hội. Trâm nghĩ điều lớn nhất mình làm được cho JCI sẽ chính là luôn hỗ trợ và tạo động lực cho tập thể này lan tỏa sức mạnh nhiều hơn nữa đến các dự án xã hội mà JCI đang thực hiện, tạo nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng địa phương và cho toàn Việt Nam. Ở một khía cạnh khác, Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé so với tầm cỡ của JCI Thế giới. Các nước bạn, JCI là bộ phận quan trọng trong việc kết nối các nguồn lực kinh tế - xã hội – văn hóa để tạo chuyển biến, điển hình như ở Nhật Bản, Chủ tịch JCI quốc gia cũng có một ghế tương đương Bộ trưởng trong Họp chính phủ. Trâm luôn lấy đó làm động lực để trong nhiệm kỳ của mình, Trâm sẽ nỗ lực hết sức để kết nối và tạo ra một mạng lưới gắn kết giữa doanh nghiệp, các tổ chức NGO, cộng đồng các địa phương, truyền thông và các đơn vị chính quyền sẽ cùng nhau chung tay tạo ra các thay đổi lớn, thực hiện sứ mệnh trao quyền phát triển người trẻ và mang lại thay đổi tích cực cho xã hội. Ở những ngày đầu đảm nhận vai trò mới, sự thay đổi này có gây trở ngại gì cho chị? Vai trò mới này không tạo ra nhiều trở ngại cho Trâm mà có thể nói, nó là một áp lực. Tại JCI, mỗi chức vụ chỉ được đảm nhiệm trong một năm, thành quả hoạt động của cả tổ chức phụ thuộc vào Ban điều hành năm nay làm có tốt không, Chủ tịch có năng lực hay không. Sự tín nhiệm của mọi người là một áp lực khiến Trâm phải kiên quyết hơn nữa trong việc cống hiến và phát triển JCI tốt hơn. Bên cạnh đó, Trâm đã tạm gác lại chuyện lớn của gia đình trong 1 năm để đảm nhận cương vị này nên áp lực sẽ còn từ phía gia đình nữa. Trâm nghĩ rằng áp lực sẽ trở thành động lực nếu chúng ta hành động vì một mục đích tốt đẹp. Vậy nên áp lực kiểu này thì Trâm cũng thích (cười). Gắn bó một thời gian dài với JCI Việt Nam, đồng thời làm việc và giao lưu với JCI thế giới, chị có đánh giá gì về mặt tích cực và hạn chế của JCI Việt Nam? JCI Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, có thể nhìn thấy qua sự chuyển mình mạnh mẽ của chapter Hà Nội sau 1 năm thành lập. Xã hội Việt Nam còn nhiều khó khăn tồn đọng mà khó có chính quyền địa phương nào có thể đủ nguồn lực để giải quyết triệt để, đây sẽ chính là môi trường để các dự án của JCI được thực hiện sâu sát hơn, thiết thực hơn và cơ hội phát triển lớn hơn cho các lãnh đạo trẻ. Điểm chưa tích cực mà Trâm đang mong muốn cải thiện chính là tâm lý “hoạt động xã hội là hoạt động từ thiện” của đa số mọi người. Trâm xin lỗi bạn đọc nếu có xung đột về quan điểm, nhưng Trâm rất tâm đắc khái niệm “dự án cộng đồng” của JCI – là những hành động mang tính ảnh hưởng lâu dài và sẽ đo đạc được qua các thông số của từng năm, chứ không phải những chương trình đi trao, phát ngắn hạn mà không có theo dõi hỗ trợ sau đó. JCI không cố tạo ra các màu sắc mới, nhưng sẽ lấp đầy những lỗ đen đang tồn tại trong bức tranh xã hội. Trâm nghĩ đây cũng chính là lý do mà JCI thế giới là đối tác chính thức duy nhất của Liên Hợp Quốc trong việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (17SDGs). Và trải qua hơn 100 năm, JCI tại Mỹ, tại Pháp, tại Đài Loan hay Nhật Bản đã chứng tỏ được sức ảnh hưởng của mình qua nhiều kết quả tích cực mà họ có được. Tất cả những tác động ấy đều xuất phát từ khó khăn của chiến tranh thế giới, nạn đói, nạn mù chữ… và những tác động ấy đã tạo nên quốc gia lớn hơn, giàu hơn, đoàn kết hơn, khiến cho JCI tại quốc gia đó cũng vì thế mà được ủng hộ và có nhiều nguồn lực để tạo ra các dự án tuyệt vời. Trâm hy vọng là Việt Nam cũng đang khó khăn, đang nghèo, đang cần được “lấp đầy” bởi những hành động cụ thể và thiết thực của các nguồn lực. Tin rằng với sự hỗ trợ của JCI Thế giới thì JCI Việt Nam sẽ hoạt động hiệu quả hơn và cống hiến được cho đất nước mình nhiều hơn. Là một phụ nữ, khi đảm nhận vai trò lãnh đạo, chị gặp phải những khó khăn gì? Phụ nữ làm lãnh đạo thì đã không còn quá xa lạ hay khác thường nữa, nên những khó khăn theo đó cũng sẽ không còn quá nhiều nữa. Tuy nhiên, là phụ nữ thì chữ “Lễ” luôn được đặt lên hàng đầu, với Trâm thì nó đã trở thành một bản năng và phong cách sống: từ lễ nghi với gia đình, nhà chồng, từ cách đối xử hài hòa với người khác. Có một đặc điểm mà phụ nữ sẽ luôn gặp phải: cho dù có lý trí đến mức nào, xử lý công việc chuyên nghiệp bao nhiêu, thì chúng ta cũng luôn đặt cảm xúc làm quan trọng. Chúng ta sẽ cần rất bình tĩnh để vừa tập trung vào thông tin, vừa hài hòa trong cảm xúc. Chữ “Lễ” sẽ ít khi nào cho phép phụ nữ quát tháo những người ngang bằng và lớn tuổi hơn mình, thậm chí với các em nhỏ hơn, mình cũng thường nghĩ là “thương” thế nào để các bạn cảm nhận được mà đảm bảo cả công việc lẫn đời sống mối quan hệ. Tính của Trâm thì rất rõ ràng dứt khoát và đôi khi quyết liệt trong công việc, nhưng trong hành xử lại mềm mỏng, cảm xúc thì cũng có khi vui khi buồn, khi bực bội hoặc căng thẳng, lúc đó mình luôn có ông xã để tâm sự chia sẻ nhiều. Trâm nghĩ là phụ nữ làm lãnh đạo thì cũng vẫn cần có bên cạnh mình những người thân người thương để tâm sự, những căng thẳng sẽ được giải tỏa nhiều. Trong kinh doanh, chắc hẳn đã có những tình huống chị phải vào cuộc thương thuyết với đối tác. Theo chị, sức mạnh của nữ doanh nhân trong thương thuyết có khác với nam doanh nhân không? Liệu đó có phải là lợi thế của phụ nữ? Nếu Trâm nói là phụ nữ có nhiều thế mạnh hơn đàn ông trong thương thuyết thì có đi ngược với giá trị về Bình đẳng giới không (cười). Tất nhiên là mỗi giới tính đều có điểm mạnh riêng để làm “vũ khí” trong đàm phán, người thương thuyết giỏi sẽ là người biết tạo ra win-win cho cả 2 bên, hoặc chúng ta “win” sao cho đối phương cũng không cảm giác bị “lose”. Vì vậy phụ nữ có một số lợi thế rất lớn. Thứ nhất, phụ nữ đã quen với phong cách sống vì người khác: từ nhỏ làm việc nhà và chăm sóc người thân, lớn lên lại chăm sóc cho chồng, giáo dục con cái. Chúng ta đối xử với anh em bạn bè bằng sự cảm nhận họ đang buồn hay vui, có cần tâm sự không. Vậy nên phụ nữ rất nhạy bén trong việc bắt được cảm xúc của đối phương khi đàm phán, là cơ sở để đẩy cuộc thương thuyết theo chiều hướng “hai bên cùng vui”. Thứ hai, bộ não của phụ nữ được lập trình để đa nhiệm. Vừa nói, chúng ta vừa nhìn thấy được cảm xúc, động tác tay, dáng ngồi, cái gật gù… của những người xung quanh. Vừa nói, chúng ta có thể vừa kiểm tra thông tin qua điện thoại. Đàn ông thường tập trung trực diện vào một mục tiêu hoặc thông tin, trong khi phụ nữ được sinh ra với cái đầu có thể xử lý nhiều thông tin cùng lúc. Do đó nếu biết dùng đúng cách thì gần như chúng ta không chỉ kiểm soát được lập luận của mình, thái độ cảm xúc của đối phương, mà còn là môi trường xung quanh – yếu tố cũng rất quan trọng ảnh hưởng đến kết quả đàm phán. Thứ ba, đây là điều chủ quan của Trâm thôi là nếu có đàm phán diễn ra giữa nam doanh nhân và nữ doanh nhân thì tâm lý các anh sẽ “hơi sợ” chúng ta hơn là chúng ta sợ họ. Tâm lý này Trâm thấy ở Việt Nam khá nhiều, và Trâm đoán là do chị em phụ nữ đã quen với việc “nhõng nhẽo” khéo léo với người yêu hoặc chồng, còn các anh nam thì cũng quen với việc chiều chuộng vợ hay bạn gái rồi. Gì chứ nếu đã là một chút “tiềm thức” thì không cần giải thích nhiều, nó vẫn là như thế thôi (cười). Liệu công việc có làm chi bỏ quên vai trò của người mẹ, người vợ? Nhìn lại toàn bộ quãng đường đã đi được, điều Trâm tự hào nhất không phải vì thứ hạng của công ty, số tài sản mình có hay địa vị xã hội của mình. Trâm tự hào nhất chính là việc trên cả đoạn đường đó, Trâm vẫn là một người vợ, người mẹ hạnh phúc trong gia đình nhỏ của mình. Giữ được hạnh phúc gia đình không phải là chuyện dễ dàng, nhất là khi cả vợ và chồng đều bận rộn. Xã hội ngày nay đã phức tạp hơn, phẳng hơn. Có nhiều gia đình xuất hiện người thứ ba, hay không có ai can thiệp nhưng vẫn lạnh nhạt trong quan hệ vợ chồng, xa cách trong giáo dục con cái. Nhiều người phụ nữ vẫn có thể vượt qua được cảm giác đau đớn và tủi hổ khi chồng ngoại tình, hoặc đôi lúc hối hận khi thấy con mình tự dưng lớn quá nhanh mà mình không hay biết. Nhưng họ vẫn kiên trì sống vì gia đình của họ. Trâm tâm đắc một câu nói, “Nếu có thước đo cho thành công của một người phụ nữ thì đó sẽ là khả năng gìn giữ gia đình nhỏ của mình”. Và Trâm rõ ràng là một phụ nữ thành công với góc nhìn trên. Khi đã đạt được kết nối hoàn mỹ giữa công việc và cuộc sống, điều gì cho bản thân mà chị khao khát muốn thực hiện nhất ở thời điểm hiện tại? Được tiếp xúc với nhiều tấm gương thành công khác, Trâm thấy rằng khi đã tạm gọi là đủ đầy giữa gia đình và cuộc sống, người ta sẽ hướng về lý tưởng. Những người thành công thường hay viết sách để truyền lại tư duy cho nhiều thế hệ, hoặc tạo ra các quỹ từ thiện, quỹ hỗ trợ thế hệ sau. Lý tưởng trong việc thúc đẩy một thế hệ kế thừa có được nền tảng tốt hơn chúng ta ngày xưa chính là động lực thúc đẩy Trâm cống hiến cho xã hội. Có thể vì thế mà Trâm yêu và cháy hết mình với JCI, vì sứ mệnh của JCI là “tạo ra cơ hội phát triển thông qua việc trao quyền cho người trẻ thực hiện thay đổi tích cực cho cộng đồng”. Nếu có khao khát, Trâm chỉ muốn mình có nhiều thời gian hơn nữa dành cho các bạn trẻ, để với sức sáng tạo và nguồn năng lượng tuyệt vời đó thì xã hội sẽ ngày càng có nhiều người sẽ sớm có hạnh phúc như Trâm. Cảm ơn những chia sẻ của chị! Thực hiện: Lê Linh - Ảnh: Phú Trần - Trang điểm: Tony Tường Hỗ trợ: Ekip Trường Sơn Media Theo Ấn phẩm Kết nối Doanh nhân T1/2018 Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|