Cử nhân cắn lưỡi tự tử vì không có việc: Thất nghiệp do mình |
Nữ cử nhân bằng giỏi cắn lưỡi tự tử vì không có việc làm. Những cái tít đại loại như vậy xuất hiện trên nhiều trang báo những ngày qua. Nếu chỉ đọc những cái tít như thế, nhiều người dễ nghĩ rằng thật bất công và vô lý. Cử nhân bằng giỏi mà cũng không xin được việc là không thể chấp nhận, lãng phí lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao do không biết trọng dụng người tài … Nhưng đọc kỹ thông tin về vụ việc này, lại thấy lỗi ở chính nữ cử nhân bằng giỏi. Cô từng được nhận vào làm giáo viên thể dục ở trường nọ, nhưng chỉ vì bị học trò trêu chọc mà cô nghỉ việc. Thôi dạy học, cô đi học nghề may và được nhận vào làm trong một xưởng may. Cô may chậm, đương nhiên bị bà chủ chê và cho lương thấp, thế là cô lại nghỉ. Nếu gia cảnh nhà cô không đến nỗi nào, bố mẹ vẫn có thể nuôi cơm cho đến khi cô tìm được một công việc khác thấy thích hơn, thì chẳng nói làm gì. Nhưng nhà cô lại rất nghèo, bố mẹ đều không có công ăn việc làm ổn định, tiền kiếm được hàng ngày chỉ đủ chi tiêu tằn tiện. Đến khoản tiền vay mượn cho cô đi học đại học, đến giờ vẫn chưa trả được. Lẽ ra, trong hoàn cảnh như thế, khi ra trường đã có công việc dạy học, cô phải biết vượt qua khó khăn, kể cả sự trêu chọc của học trò mà giữ lấy chỗ làm, để có tiền phụ giúp cha mẹ và tính chuyện tương lai lâu dài. Vì tự ái với học trò mà cô bỏ nghề dạy, nên sau này vì tự ái với chủ mà cô bỏ chỗ làm may cũng chẳng có gì lạ. Chỉ lạ ở chỗ trong hoàn cảnh gia đình đang khốn khó như thế, chỉ vì chút tự ái cá nhân, cô lại có thể vứt bỏ công việc một cách dễ dàng. Nữ cử nhân khi được cấp cứu ở bệnh viện. (Ảnh: Lao động) Bố mẹ cô có lẽ cũng có phần lỗi trong cách giáo dục con cái, từ những chuyện cơ bản nhất đến những điều lớn hơn như quy hoạch cuộc sống, bản lĩnh, sự quyết tâm... May mà nữ cử nhân đã được cứu chữa kịp thời. Thôi thì hy vọng cô sẽ sớm bình phục về thể xác và nhất là về tinh thần, để làm lại từ đầu. Cô còn trẻ, còn nhiều cơ hội việc làm nếu cô biết chủ động tìm kiếm và biết trân trọng miếng cơm manh áo của mình. Nhưng bi kịch của nữ cử nhân bằng giỏi, càng cho thấy rõ thêm sự bế tắc trong cuộc sống của rất nhiều cử nhân, thạc sỹ đang thất nghiệp. Tháng 12/2015, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố đến thời điểm đó, cả nước có 225.500 người có bằng đại học trở lên chưa có việc làm (chiếm 20% số người thất nghiệp). Một con số giật mình, nên báo chí sẽ còn phải nói về vấn đề này. Nhưng tôi không muốn phải đọc những cái tít đại loại như có bằng cử nhân không xin được việc làm, có mấy bằng cử nhân vẫn thất nghiệp, tốt nghiệp bằng giỏi không xin được việc, có bằng thạc sỹ xin việc chỗ nào cũng lắc... Bởi thông tin như vậy sẽ khiến cho những cử nhân, thạc sỹ đang thất nghiệp chỉ biết đổ lỗi cho giáo dục, cho xã hội, mà không thấy được rằng có phần lỗi lớn từ những kém cỏi ở chính bản thân họ. Một người bạn của tôi đang chuẩn bị mở thêm một cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch. Anh đăng báo tuyển 1 vị trí cửa hàng trưởng (đã có kinh nghiệm bán hàng) và mấy vị trí nhân viên (không cần kinh nghiệm). Chỉ vài ngày anh đã nhận được 30 hồ sơ dự tuyển, trong đó có tới 29 hồ sơ xin làm cửa hàng trưởng, chỉ 1 người sẵn sàng làm nhân viên. Mà hầu hết các hồ sơ xin tuyển làm cửa hàng trưởng đều thuộc về những người trẻ mới tốt nghiệp đại học, hoặc chưa từng bán hàng. Một ví dụ khác: Công ty thức ăn chăn nuôi nọ vừa tổ chức tuyển nhân viên kinh doanh, làm việc ở tỉnh. Cũng nhiều đơn xin việc của các tân cử nhân, nhưng hầu hết bị loại ngay, do các tân cử nhân chỉ muốn làm ở Sài Gòn. Mà ở Sài Gòn thì bán thức ăn chăn nuôi cho ai? Mới ra trường, khả năng làm việc chưa được chứng thực mà chỉ muốn làm sếp, muốn nhàn hạ, nhưng lương phải cao, thì thất nghiệp là phải. Sinh viên sẽ phải lo lắng trước thông tin này: Cứ 5 cử nhân đại học ra trường, có 1 người thất nghiệp Theo ttvn.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|