top-banner-2

Thứ bảy, 02/06/2018, 09:07 GMT+7

Cuộc đời ẩn dật của người đàn ông giàu nhất châu Á

Là tỷ phú châu Á với khối tài sản ròng 53,4 tỷ USD nhưng Mã Hóa Đằng có lối sống kín đáo, luôn dè dặt xuất hiện trước truyền thông.

Năm 2017, Mã Hóa Đằng (Pony Ma) vượt mặt tỷ phú Jack Ma và trở thành người đàn ông giàu nhất châu Á. Ngoài ra, ông cũng được Forbes bình chọn là một trong 10 CEO quyền lực nhất thế giới nhiều năm liên tiếp.

ma-hoa-dang-vhdn

Mã Hóa Đằng (47 tuổi) là người sáng lập và CEO của Công ty Công nghệ Tencent Holdings. Ảnh: CNBC.

Cùng là tỷ phú công nghệ Trung Quốc, cùng họ Mã nhưng khác với Jack Ma (Mã Vân), Mã Hóa Đằng rất ít khi xuất hiện trước công chúng. Với lối sống giản dị, cái tên Mã Hóa Đằng vẫn còn là "ẩn số" với nhiều người.

Mã Hóa Đằng sinh ngày 29/10/1971 trong một gia đình bình dân tại thành phố Thâm Quyến. Từ nhỏ ông có niềm đam mê với khoa học tự nhiên. Năm 1989, Mã Hóa Đằng theo học chuyên ngành máy tính tại ĐH Thâm Quyến.

Năm 1993, tốt nghiệp với thành tích xuất sắc, Mã Hóa Đằng nhanh chóng tìm được công việc lập trình viên phần mềm. Thời điểm đó tại Trung Quốc, công nghệ vẫn còn xa lạ với mọi người, và máy tính lại càng hiếm. Khoảng 100 người Trung Quốc mới có một cá nhân biết sử dụng máy tính. Mã Hóa Đằng kiếm được 176 USD mỗi tháng từ công việc đầu tiên và đây là khoản thu không nhỏ với người Trung Quốc bấy giờ.

alt

Hình ảnh hiếm hoi của Mã Hóa Đằng trước khi khởi nghiệp. Ảnh: The Time.

Ở thập niên 90, Trung Quốc dần thoát khỏi nền kinh tế quốc doanh và công nghệ thông tin bắt đầu được ứng dụng trong sản xuất kinh doanh. Nhìn thấy cơ hội phát triển, Mã Hóa Đằng cùng 4 người bạn thành lập Công ty Công nghệ Tencent Holdings. Năm đó, ông mới 27 tuổi.

Mã Hóa Đằng cùng các đồng sự tạo ra phần mềm nhắn tin QQ và ứng dụng này nhanh chóng trở thành nền tảng chat lớn nhất Trung Quốc. Ứng dụng QQ "hái ra tiền" tại quốc gia đông dân nhất thế giới nhờ bán quảng cáo và thu phí từ tài khoản người dùng cao cấp.

Năm 2001, Tencent Holdings nhận được hơn 32 triệu USD vốn đầu tư và tiếp tục mở rộng tại thị trường Trung Quốc. Năm 2004, lần đầu tiên Công ty Công nghệ Trung Quốc niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong và được định giá 130 triệu USD.

Cùng năm đó, thành công thần tốc của Tencent Holdings giúp Mã Hóa Đằng đoạt giải Nhân vật kinh tế Trung Quốc; tạp chí Time và hãng CNN cũng bình chọn ông là một trong 25 doanh nhân có ảnh hưởng nhất thế giới.

Bước ngoặt đưa Tencent Holdings trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới là nhờ sự ra đời của ứng dụng nhắn tin trên di động WeChat năm 2011. Với bước đi đúng đắn, Mã Hóa Đằng đã tách ứng dụng WeChat độc lập với QQ. WeChat sau đó phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc.

alt

Wechat hiện là mạng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc. Ảnh: The Time.

WeChat là ứng dụng mạng xã hội đầu tiên và mạnh nhất tại Trung Quốc cho đến nay. Ứng dụng hiện có trên 1 tỷ người dùng mỗi tháng với hệ sinh thái gồm: nhắn tin, gọi điện, chơi game, gửi tiền, mua hàng, gọi xe, thanh toán hóa đơn và hẹn hò online.

Bí quyết thành công của Tencent Holdings là thiết kế ứng dụng nhắn tin tích hợp các chức năng giải trí và tiện ích đời sống. Tại Trung Quốc, Mã Hóa Đằng được xem là người mở ra thời kỳ mạng xã hội khi cung cấp công cụ nhắn tin bằng bộ mã hóa tiếng Trung đầu tiên với logo chim cánh cụt. QQ và WeChat đã làm thay đổi toàn bộ thói quen liên lạc của người dân Trung Quốc.

Ngoài ra mắt WeChat, Mã Hóa Đằng tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực game online và sở hữu 4 trong 5 game được chơi nhiều nhất ở các tiệm Internet Trung Quốc. Công ty này đã bỏ túi một khoản tiền khổng lồ từ việc bán lại những vật phẩm trong game.

alt

Trụ sở chính của Công ty Tencent đặt tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Technews.

Tiếp đến, Tencent Holdings mua lại Công ty Riot Games của Mỹ và Công ty Supercell của Phần Lan rồi chiếm lĩnh thị trường game online toàn cầu. Tencent Holdings hiện đầu tư vào nhiều lĩnh vực từ điện toán đám mây đến trí tuệ nhân tạo, ngân hàng, bất động sản…

Để mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài, những năm gần đây Tencent liên tục đầu tư vào các công ty Mỹ như Tesla, Snap hay ứng dụng nghe nhạc trực tuyến Spotify…

Bứt phá ngoạn mục

Ngày 21/11/2017, cổ phiếu Tencent Holdings ở mức 56 USD và công ty đạt giá trị vốn hóa 531 tỷ USD. Tencent vượt qua Facebook (519 tỷ USD) để trở thành công ty có giá trị lớn thứ 5 thế giới. Đây là công ty đầu tiên của châu Á được định giá trên 500 tỷ USD.

Hiện nay, Tencent Holdings là hãng công nghệ lớn thứ 5 thế giới và nhà sáng lập, CEO của hãng, ông Mã Hóa Đằng, sở hữu 8% cổ phần. Theo bảng xếp hạng mới đây của Forbes, Mã Hóa Đằng hiện sở hữu khối tài sản lên đến 53,4 tỷ USD và là người châu Á đầu tiên lọt vào top 10 người giàu nhất thế giới.

alt

Ba CEO công nghệ quyền lực nhất Trung Quốc (từ trái sang): Mã Hóa Đằng, Công ty Tencent; Jack Ma, Công ty Alibaba và Lý Ngạn Hoành, Công ty Baidu, tại Ngày hội công nghệ Trung Quốc năm 2017. Ảnh: CNBC.

Điều đáng nói là sự bứt phá về thứ hạng của tỷ phú này diễn ra trong thời gian ngắn. Tháng 7/2017, Mã Hóa Đằng mới sở hữu 30,7 tỷ USD. Một tháng sau, ông vượt qua Jack Ma, người giàu nhất Trung Quốc khi ấy, với con số 37 tỷ USD. Tài sản của Mã Hóa Đằng tiếp tục tăng mạnh khi cổ phiếu của Tencent Holdings tăng 57% nhờ lợi nhuận vượt kỳ vọng.

Thận trọng và dè dặt khi xuất hiện trước báo chí, truyền thông nhưng Mã Hóa Đằng là một trong những nhà từ thiện lớn nhất Trung Quốc. Ông đặc biệt quan tâm đến các vấn đề giáo dục và sức khỏe. Năm 2016, ông quyên góp 2 tỷ USD cho nhiều tổ chức từ thiện tại Trung Quốc để cải thiện nền giáo dục và các cơ sở y tế địa phương.

Theo Thảo Nguyên - ngoisao.net - 01/06/2018

Link nguồn: https://ngoisao.net/tin-tuc/thuong-truong/cuoc-doi-an-dat-cua-nguoi-dan-ong-giau-nhat-chau-a-3756063.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cuộc đời ẩn dật của người đàn ông giàu nhất châu Á

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3