Đào Khánh Hiệp: Tham vọng đế chế mỹ phẩm triệu USD từ chocolate |
Anh Hiệp nhận là người sản xuất son chocolate ăn được đầu tiên của Việt Nam. Anh Hiệp còn cho biết son thông thường nếu tăng độ dưỡng sẽ giảm độ bám. Nhưng nếu ứng dụng chocolate làm thành phần thành công, việc tăng dưỡng sẽ càng tăng tính bám cho son. Hiệp "hotboy bán chocolate" năm 2014. Trên giấy công bố sản phẩm do Sở Y tế Hà Nội cấp có tên một mặt hàng lạ: "Son chocolate LYL". LYL hay Lick Your Lipstick, có nghĩa "hãy liếm môi bạn". Tên nhãn hiệu hàm ý mời người dùng "nếm" lớp son trên môi họ. Chủ nhân thương hiệu Đào Khánh Hiệp (35 tuổi) mặc áo đen đóng thùng, tóc rẽ giữa ngôi chải chuốt và đeo kính râm, lấy từ hành lý xách tay ra những thỏi son cũng khoác vỏ đen. Nhìn vẻ ngoài, Anh Hiệp trông khá giống một "thanh niên đa cấp" - kênh bán hàng phổ biến trong thị trường mỹ phẩm. Dựng cặp kính đen lên trán, ông chủ son lộ làn da trắng mịn. Hình ảnh đó không có sự liên hệ nào đến việc anh Hiệp từng là dân lập trình "xịn" 6 năm. Những "đứa con" anh đem khoe hiện tại, gồm cặp son thỏi và son nước từ chocolate, do chính tay anh nghiên cứu chế xuất, hoàn toàn xa vời những dòng code. Anh Hiệp không ngại tô son mình làm khi đứng cạnh một chuyên gia cộng tác. Từ Nama Chocolate đến Mama Chocolate Năm 2012, đi làm về, Hiệp thấy mẹ bày sẵn trên bàn ăn đĩa chocolate kiểu Nhật. Nama Chocolate (dịch từ tiếng Nhật: chocolate tươi) - những thỏi chocolate vuông phủ bột cacao, mềm và tan trong miệng - năm ấy hot. Bốc bỏ miệng, cậu con trai thấy ngon quá, bèn thôi việc lập trình để đi bán chocolate tươi bằng thương hiệu Mama Chocolate, cái tên lấy cảm hứng từ bữa chocolate mẹ làm. Mama Chocolate thành công, Hiệp đứng sau hiện tượng xếp hàng mua chocolate tươi Valentine năm 2014. Nhưng qua lễ Tình nhân 2015, "chocoman" không còn chứng kiến cảnh tượng "rồng rắn" trước cửa hàng mình nữa. Chocolate thoái trào do người tiêu dùng quan tâm hơn đến vấn đề vóc dáng, sức khỏe. Dần dần, anh cũng cảm thấy khó kiểm soát chất lượng chocolate nhập từ đối tác nước ngoài. Chocolate mang nhãn Việt còn ít, chủ yếu xuất thô, chàng trai trẻ từng gây sốt trưởng thành để nhìn nhận đó là cơ hội. "Chocolate của mẹ" sau cùng xác lập định vị thương hiệu Việt rõ hơn bằng bước ngoặt tự sản xuất chocolate từ cacao Đăk Lăk. Chocolate bán chạy chủ yếu các dịp 14/2, 14/3, 8/3 và 20/10, trong khi anh Hiệp không thể chỉ nằm chờ vài ngày đắt hàng mỗi năm. Nama chocolate: Chocolate tươi. Thế giới không ai làm và công dụng ngược của mỹ phẩm Thời điểm tháng 11/2018, Google trả kết quả cho từ khóa "chocolate lipstick" bằng những nhãn lạ, nêu khái niệm "son chocolate" là son giả lập mùi chocolate hoặc màu chocolate. Thế nhưng năm 2015, vào lúc chưa biết làm gì tiếp theo với chocolate, từ đầu tiên hiện lên trong đầu Hiệp không biết tại sao lại là "son". Anh tính tự làm một thỏi son từ chocolate với cơ sở để học hỏi bằng 0. "Tôi làm những thứ không ai làm, chưa cần biết có bán được hay không, nên bị cho là lý tưởng hóa và kém tư duy kinh doanh", Đào Khánh Hiệp kể, đề cập thất bại mở cửa hàng tự phục vụ năm 2016. Doanh nhân chocolate chia sẻ kim chỉ nam cho mình bấy giờ là luật hấp dẫn: "Khi bạn tập trung nghĩ về một điều gì, điều đó sẽ đến với bạn". Coder ngày nào giờ vùi mình nghiên cứu son và chocolate: hai thứ tưởng chừng chẳng liên quan gì đến nhau, vậy làm thế nào lắp ghép lại? Son làm từ 25% chocolate đen của Mama Beauty. Giải thích những công dụng bất ngờ của chocolate, chủ nhân ý tưởng nhiệt huyết: "Chocolate đen (thành phần 70% cacao trở lên) chứa chất chống oxy hóa, dưỡng và tăng lưu thông máu đến da, đồng thời kích thích cảm xúc tích cực". Vì thế, trái ngược với lo ngại gây hại của các loại mỹ phẩm, son từ chocolate nếu làm được sẽ còn có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, chocolate đem đến hương thơm riêng biệt cho son. Anh Hiệp còn cho biết son thông thường nếu tăng độ dưỡng sẽ giảm độ bám. Nhưng nếu ứng dụng chocolate làm thành phần thành công, việc tăng dưỡng sẽ càng tăng tính bám cho son. Khoảnh khắc 'Eureka' của người đàn ông tô son Giữa mùa hè oi bức được định nghĩa là ác mộng của ngành chocolate, vì vừa không có dịp lễ vừa lo chocolate chảy, Hiệp quay sang để hết tâm trí vào trò làm son từ chúng. Nơi nhân viên có thể tìm thấy sếp nằm ngủ bất cứ lúc nào là trên tủ lạnh và sàn nhà. Nhiều lần thử nghiệm son trên môi, anh quên tẩy, để nguyên ra đường. Người đàn ông môi đỏ bắt gặp những cái nhìn dị nghị về giới tính, lại còn liên tục liếm vị chocolate ở đó. "100 triệu đồng là con số đã bỏ ra mà chưa có thỏi nào vừa ý. Nhưng tôi muốn mình 'đau đớn' hơn nữa", anh nhớ lại. Những mẻ son chocolate sơ khai ra lò nhiều lỗ, dễ gãy và bị chấm li ti. Nguyên nhân chính là chưa tìm ra tỷ lệ thành phần hợp lý, đồng thời các thiết bị có sẵn trên thị trường chưa đáp ứng yếu tố vật lý để kết hợp chocolate vào son. Ngoài ra, để son mịn mà không dùng hóa chất, đòi hỏi quy trình làm kỹ hơn nhiều lần. Người nhà Hiệp bắt đầu xua tay: "Thôi bỏ đi, không làm được đâu". Còn trên mạng, anh Hiệp tìm ra duy nhất lời khuyên thêm vào phụ gia này, hương liệu nọ: những đường tắt mà theo anh sẽ đưa đến đích trong một nốt nhạc. Nhưng kiên định với giá trị riêng, "chocoman" bắt tay tự thiết kế máy vì có gốc gác kỹ thuật và bám trụ hành trình tìm kiếm tỷ lệ thành phần vàng. CEO Hiệp (bìa trái) tại nơi làm son chocolate của mình. Tháng 1/2016, sau bao nỗ lực đổ vào, sản phẩm son kết hợp 25% chocolate đen với các thành phần vegan (thuần chay) đầu tay được hoàn chỉnh. Nó ăn được, theo lời anh Hiệp. Anh Hiệp, trong khoảnh khắc "Eureka!" (tìm ra rồi!) của mình, mừng quá đi bộ thẳng về nhà, bỏ quên chiếc xe máy trước cửa hàng suốt đêm. Năm đó, Mama Chocolate tung mặt hàng chủ chốt không phải là chocolate mà là son làm từ chúng. 5.000 thỏi handmade "bay" trong tháng đầu ra mắt. 98% khách hàng đánh giá sản phẩm tốt và dùng từ "sướng" để tả nụ hôn lên lớp son chứa chocolate. Khẳng định son của mình ăn được, anh Hiệp đưa khuyến cáo "để xa tầm tay trẻ em" nếu muốn còn son để bôi. Mặc dù vậy, việc ăn được là muốn nói lên chúng không gây hại chứ không hàm ý khuyến khích người dùng son sai mục đích. Người mua son chocolate ban đầu thắc mắc có cảm giác "sạn" trên môi. Người bán giải thích lý do là xung đột với lớp hóa chất các son trước để lại, nhưng đó chính là quá trình chocolate tẩy da chết. Tham vọng đế chế mỹ phẩm triệu USD từ chocolate Từ lúc có sản phẩm mẫu, mất một năm để doanh nhân Hiệp có thể đưa vào sản xuất dây chuyền ý tưởng riêng. Mùa Valentine 2017 được coi là mốc sáng lập nhãn son LYL. Trên các diễn đàn, người ta bắt đầu rao bán bản sao từ nhiều nguồn chocolate khác nhau. Anh Hiệp tò mò mua về dùng thử, thấy không bám, không lì, phải bôi nhiều khiến dày và nặng môi. Anh tin mình đang sở hữu công nghệ và máy móc độc quyền, cùng bề dày làm chocolate bản địa. Son chocolate nước lên môi. Son LYL của anh Hiệp dùng nguyên liệu dị biệt, không rẻ, làm sản phẩm chay nên bị đội chi phí lên cao. Việc làm son từ chocolate khiến tiến độ sản xuất giảm 14 lần. Công ty đang trong quá trình xây dựng nền móng nhãn hiệu cho son lạ và còn chủ yếu bán trực tiếp, chưa qua kênh phân phối nên chưa khai thác triệt để sức bán. Giá hiện giữ ngang mặt bằng son nội, giám đốc Hiệp chấp nhận lợi nhuận ban đầu hẹp để thích nghi thị trường với sản phẩm. Công suất đến nay có thể sản xuất 60.000 thỏi son mỗi tháng, Mama Beauty mới bán 7.000 thỏi lấy nguyên liệu chocolate hàng tháng. Chúng đóng góp một nửa trong doanh thu tháng cao nhất - 1,3 tỷ đồng - của toàn thương hiệu Mama Chocolate. Để giải quyết bài toán chưa chạy hết công suất trên, CEO Hiệp tìm đường không chỉ bán buôn, bán lẻ mà còn trở thành nhà gia công son vegan cho các hãng khác, theo đuổi mục tiêu tổng doanh thu 100 tỷ mỗi tháng. Son LYL hiện đã có khách nước ngoài đặt. Ông chủ hiện tại "ôm" thêm nghiên cứu, thiết kế và thử nghiệm sản phẩm. Anh Hiệp cho rằng cần có những người kinh doanh tài ba hơn ngồi vào ghế CEO thay anh, mới mong đưa công ty vươn tới con số trên. Còn bản thân anh ấp ủ lùi về vai trò sáng tạo, như ngày nào lao vào chế sản phẩm mới: mặt nạ chocolate và kem dưỡng trắng da chocolate. Luật hấp dẫn giờ không còn là thứ duy nhất làm bàn đạp cho anh. Dù vậy, người đàn ông "lý tưởng hóa" hiểu không thể chỉ tô hồng môi mình hay những bản kế hoạch. Đeo vào đôi găng tay và mũ trùm đầu y tế, anh tập trung làm cho tốt mẻ son chocolate trước mắt cho những khách ngoại quốc đầu tiên đặt từ Hàn Quốc và Malaysia. Với anh, đó là phép thử liệu có thể mang cả chocolate và son Việt ra nước ngoài. Theo Thanh Tùng - Ảnh: NVCC * Nội dung được Trường Sơn Media thực hiện theo GPKD Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|