Những tỷ phú gốc Việt khiến giới kinh doanh Mỹ 'phải kiêng dè' |
Bằng trí tuệ, sự nhạy bén trong kinh doanh và đặc biệt là khả năng quyết đoán, những tỷ phú gốc Việt này đã khiến giới kinh doanh Mỹ “phải kiêng dè”. Hoàng Kiều: Tuổi thơ khốn khó đến top 400 người giàu nhất nước Mỹ Ông Hoàng Kiều sinh ra tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình có truyền thống Nho giáo. Ông đã từng trải qua tuổi thơ nghèo khó vì mồ côi cả cha lẫn mẹ. Năm 1975, ông tay trắng ra nước ngoài kiếm sống khi đã có vợ và 5 người con. Vì gánh nặng gia đình, lối thoát duy nhất của Hoàng Kiều khi đó là buộc phải lăn xả kiếm tiền. Giỏi tiếng Anh và cũng nhờ có nhiều mối quan hệ, ông “chen chân” được vào phòng thí nghiệm của hãng Abbott trong lĩnh vực điều trị bệnh viêm gan. 5 năm sau, từ một nhân viên, ông đã bước lên vị trí giám đốc của bộ phận thử nghiệm và sản xuất sản phẩm làm từ huyết tương. Năm 1980, Hoàng Kiều đã mua lại một phần cơ sở thí nghiệm của Abbott và thành lập RAAS (Rare Antibody Antigen Supply). Ban đầu, RAAS chỉ tập trung thu gom huyết thanh chuyên dụng cung cấp cho ngành công nghiệp phân tách mà chưa ra sản phẩm cuối cùng. Sau khi đi vào hoạt động, RAAS đã xây dựng được hàng loạt trung tâm tách hồng huyết cầu ra khỏi dịch tương ở khắp vùng phía Tây của Hoa Kỳ. Những năm cuối thập kỷ 80, khi nguồn nguyên liệu huyết tương trở nên khan hiếm, ông nghĩ ngay đến việc chuyển công ty đến Trung Quốc. Năm 1988, công ty của ông đặt tại Thượng Hải và lấy tên Shanghai RAAS. Năm 2014, Shanghai RAAS thực hiện IPO và ông Hoàng Kiều ngay lập tức lọt vào danh sách tỷ phú thế giới do Tạp chí Forbes bình chọn. Hiện ông Hoàng Kiều là một trong 400 người giàu nhất nước Mỹ và là một trong 1.000 người giàu nhất thế giới với tổng tài sản khoảng 3,8 tỷ USD. Chính Chu: Từng 15 lần xin việc thất bại đến tỷ phú khiến phố Wall phải “kiêng dè” Chính E. Chu (Chính Chu) sinh năm 1966 tại Việt Nam. Năm 1975, cha mẹ ông cùng 6 người con di cư sang đất Mỹ với vốn liếng chỉ vài trăm USD. Cuộc sống khó khăn đã khiến Chính Chu có thêm quyết tâm và nỗ lực để thành công. Vừa đi học, Chính Chu vừa bán sách lẻ và giao đến tận nhà để kiếm tiền. Sau khi nhận bằng Cử nhân Tài chính Đại học Buffalo và 15 lần xin việc thất bại, ông được nhận vào làm tại bộ phận mua bán và sáp nhập của công ty Salomon Brothers năm 1988. Năm 1990, cơ hội đã đưa Chính Chu đến với lĩnh vực tài chính, ông “đầu quân” cho tập đoàn tài chính Blackstone. Với khả năng phân tích sâu sắc và nhạy bén, sau hơn 20 năm làm việc tại Blackstone, Chính Chu không chỉ là một trong những người Việt có thành công nổi bật nhất tại Mỹ mà còn khiến phố Wall phải “kiêng dè”. Hiện tại, Chính Chu là giám đốc cấp cao của Tập đoàn Đầu tư Tài chính Blackstone. Ông sở hữu khối tài sản lên tới 1,1 tỷ USD. Ông còn khiến phố Wall phải kiêng nể khi trở thành "đạo diễn" cho kế hoạch thu mua lại Tập đoàn máy tính Dell với giá khoảng 25 tỷ USD. Bài học thành công của Chính E.Chu chính là sự kiên trì theo đuổi mục tiêu. Theo ông, chỉ cần bạn có mục tiêu và kiên trì theo đuổi nó thì thành công sẽ không quay lưng lại với bạn. Bằng khả năng của mình, Chính Chu đã lần lượt "thu mua" rất nhiều tập đoàn, công ty... thu lại khoản lợi nhuận vô cùng béo bở. Chính Chu là chồng của ca sĩ Hà Phương. Ngoài công việc kinh doanh, hai vợ chồng Chính Chu còn tổ chức và điều hành một số hoạt động từ thiện và có 2 quỹ riêng: Vietnam Relief Effort và Ha Phuong Foundation. Cả hai vợ chồng thường xuyên về Việt Nam tham gia các hoạt động từ thiện ở nhiều vùng quê nghèo. Triệu Như Phát: Tỷ phú nghèo biến giấc mơ Mỹ thành hiện thực Sinh ra tại Hải Phòng, năm 7 tuổi, Triệu Như Phát theo gia đình vào Sài Gòn. Lớn lên trong gia đình có đến 10 anh chị em, ông phải vất vả lắm mới tốt nghiệp đại học ngành văn và ngoại ngữ. Năm 1975, ông cùng vợ sang Mỹ định cư. Nhờ vào vốn tiếng Anh nên ông dễ dàng tìm được công việc bán máy hút bụi tại California. Thế nhưng, với đam mê làm giàu sẵn có, ông quyết tâm khởi sự kinh doanh cho riêng mình. Khi đó, chàng trai trẻ Triệu Như Phát không vội vã làm giàu mà muốn có trước hết một nền tảng kiến thức vững chắc. Vì thế, ông chấp nhận làm công việc bảo vệ để đi học thêm. Ông nói: “Tôi không quan tâm việc lấy bằng cấp. Tôi chỉ muốn có kiến thức để có thể phát triển trong lĩnh vực bất động sản”. Ông học các chương trình về bất động sản, tài chính doanh nghiệp, luật kinh doanh, kế toán, thiết kế và xây dựng. Năm 1978, ông Triệu Như Phát chính thức khởi sự kinh doanh ngành bất động sản tại California khi thành lập Công ty Bridgecreek. Dồn hết tâm huyết vào đây, suốt 10 năm trời gần như tuần nào ông cũng làm việc 7 ngày với hơn 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Từ khi thành lập đến nay, Bridgecreek đã đầu tư các dự án bất động sản với tổng trị giá lên đến 400 triệu USD. Trong đó, có Khu thương mại Phước Lộc Thọ (còn có tên tiếng Anh là Asian Garden Mall) đóng vai trò trung tâm thương mại quan trọng của người châu Á tại Mỹ. Năm 2002, Tổng thống Mỹ khi đó là George Bush chỉ định doanh nhân Triệu Như Phát vào Ban giám đốc Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF). Đây là một quỹ trực thuộc Nhà Trắng chuyên hỗ trợ trao đổi giáo dục Việt - Mỹ, từng cấp học bổng cho hàng trăm trí thức Việt Nam sang Mỹ để tu nghiệp, học thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ. Sau đó, ông trở thành Giám đốc của VEF. Theo doanhnhansaigon.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|