Thuyền trưởng ca cao Việt và chiến lược tăng 300% giá trị |
Không chọn cách làm an toàn với việc xuất khẩu nông sản thô, ông Trần Văn Liêng, TGĐ Vietnamcacao đã cùng với các đồng sự mạnh dạn chọn cách nâng giá trị cộng thêm cho ca cao Việt lên đến hơn 300%! Trần Văn Liêng - Tổng giám đốc Công ty CP Ca cao Việt Nam. Con đường này giúp Vietnamcacao tiên phong trong lĩnh vực sản xuất, phân phối ca cao và các sản phẩm làm từ ca cao tại Việt Nam. Vietnamcacao được thành lập từ năm 2007 nên nếu xét về tuổi đời thì còn khá non trẻ để có thể chinh phục các đối tác ngoại. Song, sự non trẻ này được bù đắp bằng thâm niên và kinh nghiệm của vị "thuyền trưởng" Trần Văn Liêng trong các lĩnh vực lương thực, thực phẩm và đầu tư. Tính ra, ông đã có 25 năm kinh nghiệm, kể từ khi làm việc cho Tổng công ty Lương thực Miền Nam đến vị trí Tổng giám đốc Công ty American Rice (liên doanh giữa Tổng công ty Lương thực Miền Nam và Công ty American Rice), cũng như các vị trí điều hành trong ngành tài chính, chứng khoán, bảo hiểm... Kinh nghiệm này đã giúp ích rất nhiều cho Vietnamcacao trong những quyết sách có tính chất quyết định ở nhiều thời điểm. * Ở giai đoạn đất nước đổi mới, nhiều bộ đội phục viên rất chật vật khi xin việc tại các cơ quan, xí nghiệp nhà nước. Nhưng dường như ông đã có khởi đầu khá dễ dàng tại Tổng Công ty Lương thực Miền Nam? - Giai đoạn 1989 - 1991, ngoại thương vẫn còn là độc quyền của Nhà nước. Khi đó, các cơ quan, xí nghiệp đang rất cần những người giỏi ngoại ngữ để soạn thảo hợp đồng cũng như giao dịch với các tổ chức nước ngoài như: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc... Lợi thế của tôi là tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ, với vốn tiếng Anh tốt nên tôi nhanh chóng được chọn. Sau khi vào làm việc tại Công ty, tôi tiếp tục học thêm về ngoại thương để đảm nhận việc xuất khẩu gạo cho Chính phủ. Trong quá trình làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi cũng được đi nhiều nơi trong các Ủy ban Liên chính phủ mà Việt Nam muốn mở rộng về thị trường như: Ấn Độ, Iran, Iraq, Ả Rập... nhằm giúp nông dân Việt Nam có thể tiêu thụ lúa gạo tốt hơn. Đây vừa là công việc và cũng là cơ hội giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm làm việc với đối tác quốc tế. * Việc ông được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc Công ty American Rice khi mới 27 tuổi cũng là một sự "dễ dàng" khác? - Thực ra, thời điểm được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc Công ty American Rice, tôi đã có thâm niên 5 năm kinh nghiệm trong hoạt động xuất khẩu gạo cũng như làm việc với các tổ chức, đối tác quốc tế. Việc Công ty American Rice ra đời có cái hay là mang lại một khái niệm mới về chất lượng hạt gạo Việt Nam, cải thiện hoàn toàn tình trạng xuất khẩu gạo cào bằng trước đó do không có máy móc sàng lọc. Cụ thể, trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu duy nhất một loại gạo 35% tấm, thì nay đã có các loại gạo từ 5% đến 10% hay 20% tấm với nhiều mức giá khác nhau, hạn chế được tình trạng hưởng chênh lệch tỷ lệ tấm của các đối tác ngoại khi bán ở thị trường nước ngoài. * Công việc tốt như vậy, tại sao ông không tiếp tục mà lại chuyển sang lĩnh vực tài chính? - American Rice hoạt động được 5 năm thì ngành xuất khẩu lúa gạo bắt đầu phát triển, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Giá gạo thế giới tăng nên Nhà nước áp dụng cơ chế kiểm soát hạn ngạch (quota) chặt chẽ hơn. American Rice bắt đầu gặp khó khăn về quota vì dù sao cũng "mang tiếng" là công ty nước ngoài. Năng suất nhà máy của chúng tôi là 150.000 tấn/năm nhưng quota chỉ lấy được 30.000 tấn/năm, nên American Rice quyết định rút khỏi Việt Nam và đầu tư vào quốc gia khác. Khi đó, tôi phải lựa chọn tiếp tục theo họ hay ở lại Việt Nam, và cuối cùng tôi đã ở lại vì có con gái chỉ mới 9 tháng tuổi. Đó là lý do tôi chuyển sang làm việc cho Công ty Colonial Mutual Group của Úc với vị trí Giám đốc chi nhánh tại TP.HCM. Mãi tới năm 2007 tôi mới nghĩ đến việc quay lại với nông nghiệp do kinh tế thế giới gặp khủng hoảng. * Thế sao ông lại chọn ca cao, một lĩnh vực hầu như ông chưa có kinh nghiệm? - Khi quay lại với nông nghiệp thì gạo, cà phê Việt Nam đã phát triển rồi, duy chỉ có ngành ca cao là gần như chưa có gì. Thị trường châu Âu và Bắc Mỹ tiêu thụ 3 - 4 triệu tấn ca cao/năm nhưng họ không trồng được cây này do thổ nhưỡng và khí hậu không thích hợp. Đông Nam Á có Malaysia và Indonesia phát triển cây ca cao khá thuận lợi. Tuy nhiên, người trẻ Malaysia không thích ra nông trường, còn cây ca cao ở Indonesia đang bị lão hóa về gen. Ở bối cảnh thiên thời địa lợi đó, Việt Nam nổi lên như một quốc gia tiềm năng để phát triển loại cây này. Mục tiêu đến năm 2015, diện tích ca cao cả nước sẽ đạt 60.000 ha và được nâng lên 80.000 ha vào năm 2020. Vấn đề đặt ra là làm sao để tiêu thụ? Nếu Ủy ban Ca cao Việt Nam và Chính phủ nghĩ rằng chỉ trồng ca cao và đem bán giống như cà phê hay gạo thì lợi nhuận chẳng là bao, chỉ nuôi các nhà máy châu Âu và thương lái ăn chênh lệch. Vì thế, chúng tôi đã thành lập công ty với mong muốn cùng Chính phủ chứng minh cho người nông dân thấy rằng ca cao không tiêu thụ bấp bênh, trái lại có thể sản xuất những mặt hàng có giá trị cao hơn như sôcôla, bột ca cao, thức uống liền từ ca cao... * Tiên phong trong lĩnh vực còn khá non trẻ ở Việt Nam, Vietnamcacao có gặp khó khăn gì cho đến thời điểm này không, thưa ông? - Chúng tôi đang gặp hai trở ngại. Thứ nhất, do là ngành non trẻ nên cây ca cao chưa được xếp vào những mặt hàng được hỗ trợ về giá và lãi suất. Thứ hai, yếu tố khách quan từ sức mua thị trường yếu do kinh tế thế giới còn bất ổn. Bên cạnh đó, sản phẩm của Vietnamcacao không phải là sản phẩm thiết yếu, nên thị trường tiêu thụ trong nước còn hạn chế. Tình thế này buộc chúng tôi phải nghĩ cách để vượt khó. Do đó, ngoài ca cao bột, Vietnamcacao còn sản xuất ca cao uống liền với nhiều hương vị khác nhau, dành cho lứa tuổi từ 6 - 16. Đến nay, sản phẩm của Vietnamcacao (mang thương hiệu Vinacacao) đã có mặt ở các siêu thị lớn trên toàn quốc.. * Nhưng Vietnamcacao vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu ngoại nhập. Liệu đây có là trở ngại lớn khi hàng rào thuế quan sắp được loại bỏ, thưa ông? - Điều chúng tôi e ngại nhiều nhất là nguồn thành phẩm từ ca cao ở các nước cung cấp nguyên liệu như Malaysia và Indonesia sẽ tràn vào Việt Nam. Họ có lợi thế về thương hiệu và người tiêu dùng Việt vẫn còn rất sính ngoại. Thách thức của Vinacacao là đẩy mạnh marketing nhiều hơn để chứng tỏ Việt Nam cũng có mặt hàng tương tự như hàng ngoại. Chúng tôi vẫn kỳ vọng ca cao sẽ làm được kỳ tích giống như cà phê, vì rõ ràng cà phê ngoại không lấn lướt được cà phê Việt Nam, do nhận thức của người tiêu dùng về cà phê Việt Nam rất tốt. Nếu ca cao phát triển tốt, thu hút nhiều nông dân tham gia trồng cây này, đương nhiên thị trường sẽ có sản lượng đủ lớn để tạo được nhận thức trong xã hội. Khi đó, những công ty như Vietnamcacao sẽ nhận được sự hậu thuẫn lớn. Chúng tôi sẽ không còn phải tiếp thị bằng thương hiệu của mình nữa mà sẽ là tiếp thị về nguồn gốc ca cao Việt Nam, giống như Hàn Quốc đã làm với sản phẩm sâm của họ. * Vậy Vietnamcacao đang chú trọng xuất khẩu hay phát triển thị trường nội địa? - Chúng tôi đang giữ tỷ lệ nội địa 40% và 60% là xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu sẽ mau chóng đem lại doanh thu và lợi nhuận hơn, đổi lại, thị trường trong nước cần phải phát triển đồng loạt như chiến lược marketing, hệ thống bán hàng... Với xuất khẩu, ở mỗi thị trường, chúng tôi đều thiết lập trung tâm phân phối để giữ thương hiệu. Cụ thể, tại thị trường Hàn Quốc, thương hiệu Vietnamcacao một bên và một bên là logo của công ty phân phối. Hiện nay, chúng tôi đang đàm phán xây dựng một trung tâm hàng hóa nông sản của Việt Nam, nếu thành công, đây sẽ là đầu mối cho các DN Việt muốn trưng bày, giới thiệu hàng hóa tại thị trường Hàn Quốc. Ngoài ra, chúng tôi vẫn đang mở rộng xuất khẩu sang các nước Ả Rập, Trung Đông. Tại Trung Quốc, chúng tôi đã phân phối được sản phẩm ở Thượng Hải và Bắc Kinh. * Từ trải nghiệm này, ông nghĩ gì về bài toán nhân sự? - Việt Nam hiện nay có chất lượng lao động không cao. Khi đặt câu hỏi với số đông sinh viên mới ra trường: "Tại sao em làm việc này", tôi đều nhận được câu trả lời: "Tại em thích". Đây là một sai lầm rất lớn trong hệ thống giáo dục hướng nghiệp. Bởi vì một công việc cần phải được hoàn thành, bất chấp bạn thích hay không và khi đã để cảm xúc chi phối công việc thì có thể có kết quả thật tốt, nhưng cũng có lúc như bong bóng hết hơi, và đây chính là thảm họa cho các doanh nghiệp. Khi không thích là nhảy việc liền sẽ dần phát triển thói quen chấp nhận thất bại. Tôi sợ nhất người lao động như vậy! Theo Doanh nhân Sài Gòn
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|