'Tuổi trẻ tài cao' và sớm được làm sếp, bạn phải biết những điều này |
Làm quản lý là một thách thức đối với mọi người. Nếu bạn còn trẻ và đây là lần đầu tiên bạn giữ vai trò quản lý cấp cao, điều này thậm chí còn thách thức bạn nhiều hơn. Bạn có thể sẽ phụ trách những người có nhiều kỹ năng khác nhau, cá tính và độ tuổi khác nhau... Đôi khi, nhân viên lại là những người lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm hơn bạn. Theo Juliet Hailstone, giám đốc tiếp thị sản phẩm cao cấp tại công ty MHR, Mỹ, quản lý những nhân viên lớn tuổi có thể khiến bạn gặp khó khăn bởi họ có thể nhiều kinh nghiệm, kiến thức và tự tin hơn bạn. Nếu là một sếp trẻ tuổi, bạn nhất định phải biết các quy tắc này trong công việc để khai thác tối đa lợi thế của đội mình: 1. Hãy nghĩ đến lý do bạn được bổ nhiệm Theo Hailstone, là một lãnh đạo trẻ tuổi, bạn cần suy nghĩ về lý do bạn được bổ nhiệm còn những người khác thì không. Dù lý do là gì, bạn cũng đang sở hữu những thế mạnh nhất định, nhưng điều đó không đồng nghĩa là người khác không xuất sắc. Bạn cần nhận thức được đâu là thế mạnh của mình và chứng minh điều đó đúng lúc, phù hợp. Hãy kiên nhẫn và quyết đoán về những gì bạn muốn đạt được và bạn muốn đồng nghiệp hỗ trợ như thế nào, nhưng đừng tự cao. Thực tế, những quản lý thường xuyên tuyên bố về việc trở thành một lãnh đạo tốt thường không làm được điều họ nói. 2. Tập trung vào nhiệm vụ chung để giảm va chạm Một trong những vai trò quan trọng của người quản lý là làm rõ những mục tiêu bạn muốn đạt được cho đội nhóm của mình. Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên áp dụng cách lãnh đạo dân chủ, công minh đã giảm va chạm tối đa giữa các thành viên trong nhóm. Bằng cách tập trung vào nhiệm vụ của đội, nhóm chứ không phải vị trí quản lý của mình, bạn có thể loại bỏ tình trạng lộn xộn và cảm xúc tiêu cực dẫn đến các phiền toái không đáng. Định hướng rõ ràng, hành động dứt khoát là điều quan trọng nhất. Khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, hãy nêu rõ các lý do và yêu cầu của bạn. Nếu mọi người cùng đi theo một hướng, môi trường làm việc sẽ thân thiện hơn, hiệu quả công việc sẽ tốt nhiều. 3. Đừng đánh giá thấp sức mạnh của các "trưởng lão" Điều quan trọng bạn cần nhớ là kinh nghiệm của những vị tiền bối đều có giá trị đối với bạn, dù họ vẫn là cấp dưới của bạn. Những người lớn tuổi hơn có nhiều trải nghiệm, kiến thức đa dạng, vì thế đừng bỏ lỡ họ. Các buổi họp, thảo luận nhóm là cơ hội để bạn khuyến khích các thành viên thể hiện khả năng của họ, một lãnh đạo giỏi sẽ biết các "bắt" được những thứ có giá trị. Tổng hợp ý kiến của các thành viên để góp phần đạt được mục tiêu chung, đảm bảo rằng những ý kiến giá trị không bị lãng phí, bạn có thể khiến mọi người làm việc với nhau một cách thoải mái và phát huy tối đa năng lực. 4. Hiểu được điều gì thúc đẩy các thành viên trong nhóm của bạn Là lãnh đạo trẻ, bạn phải biết được điều gì là động lực làm việc của các thành viên. Mỗi người có một động lực khác nhau, vì vậy bạn cần hiểu được họ muốn được quản lý như thế nào, điều gì khiến họ hài lòng và làm việc chăm chỉ. Một số nhà quản lý đánh giá thấp động lực của các nhân viên lớn tuổi hơn. Nhân viên lớn tuổi có thể đề cao tính linh hoạt trong công việc, nhưng nhân viên trẻ thì mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn. Là lãnh đạo, dù bạn còn trẻ hay không, việc biết được những điều quan trọng với các thành viên trong nhóm giúp bạn hỗ trợ họ kịp thời, phù hợp. 5. Lên kế hoạch hoàn hảo cho đội nhóm Không có gì chứng minh kinh nghiệm, năng lực và sự tự tin của bạn trong công việc tốt hơn hiệu quả công việc. Với những sáng kiến rõ ràng, kế hoạch chi tiết, bạn chắc chắn sẽ tự tin với vai trò lãnh đạo của mình, dù tuổi còn trẻ. Các nhà lãnh đạo giỏi có thể tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, thân thiện để thành viên sẵn sàng đóng góp vào công việc chung. Và đừng quên, lãnh đạo cũng là một phần của đội nhóm. Nếu không có điều này làm nền tảng, lãnh đạo giỏi đến đâu cũng "không có nghĩa lý gì". Theo ttvn.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|