7 kinh nghiệm hữu ích khi đi du lịch Phượng Hoàng cổ trấn |
Thẻ thanh toán quốc tế trở nên vô dụng khi mua sắm, ăn uống ở Phượng Hoàng nên bạn cần chuẩn bị đầy đủ tiền mặt. Ngôi làng nhỏ cổ kính soi bóng xuống dòng Đà giang tại huyện Phượng Hoàng, Châu tự trị người Thổ Gia, người Miêu Tương Tây ở phía Tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc khá nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới, mê hoặc nhiều du khách. Các tour du lịch Phượng Hoàng từ TP HCM hoặc Hà Nội có giá khoảng 15-18 triệu đồng một người lớn cho 6 ngày 5 đêm. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể du lịch tự túc, và cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng bởi vị trí của Phượng Hoàng không thuận tiện trong việc đi lại, phải di chuyển nhiều chặng. Visa Cách Hà Nội hơn 1.000 km, Phượng Hoàng cổ trấn nằm sâu trong lục địa Trung Quốc. Chính vì vậy mà thông tin người Việt Nam có thể sử dụng giấy thông hành để đi Phượng Hoàng cổ trấn bằng tàu hỏa như một vài chỉ dẫn là hoàn toàn sai. Giấy thông hành chỉ cho phép du khách đi lại thời gian ngắn ở các tỉnh giáp biên giới phía Bắc. Bạn buộc phải xin visa Trung Quốc để đi Phượng Hoàng. Giá visa dịch vụ dịp bình thường (từ tháng 6 đến tháng 9) khoảng 70-85 USD mỗi người (khoảng 1,5-1,9 triệu đồng), cao điểm (từ tháng 10 đến tháng 5) khoảng 130-190 USD mỗi người (khoảng 3 - 4,2 triệu đồng) tùy thời gian làm nhanh hay chậm. Ngoài ra, bạn có thể tự xin visa theo hướng dẫn của đại sứ quán hay lãnh sự quán tại TP HCM nhưng khá tốn thời gian. Di chuyển Để tiết kiệm, bạn có thể bắt tàu từ ga Gia Lâm (Hà Nội), chuyển nhiều trạm đến ga Cát Thủ (Jishou). Thời gian ngồi tàu khá lâu, chỉ phù hợp với những ai dư giả thời gian. Còn cách nhanh nhất để đi Phượng Hoàng cổ trấn là bay đến Trương Gia Giới (tỉnh Hồ Nam), quá cảnh tại Quảng Châu, sau đó đi xe buýt hoặc tàu để đến trấn nhỏ. Giá vé máy bay giá tốt khá hiếm. Xe buýt từ Trương Gia Giới đến cổ trấn: Có khoảng 2-3 chuyến một ngày, mua tại bến xe Trương Gia Giới. Vé chỉ bán trước ngày khởi hành 24 tiếng, giá khoảng 80 tệ một người (khoảng 290.000 đồng). Đi tàu: Mất 2 tiếng đi tàu từ ga Trương Gia Giới đến ga Cát Thủ, giá khoảng 20 tệ một người (khoảng 72.000 đồng) rồi tiếp tục bắt xe buýt, đi thêm một tiếng để đến Phượng Hoàng, giá 25 tệ một người (khoảng 90.000 đồng). Bạn có thể mua vé tàu sớm qua các trang bán vé online để tránh trường hợp hết vé. Khách sạn So với những cổ trấn khác ở Trung Quốc thì khách sạn ở Phượng Hoàng cổ trấn chỉ đẹp bên ngoài, nội thất cũ kỹ, không được sạch sẽ, chủ yếu là các hostel. Vài khách sạn lớn thì giá cả rất đắt, nhanh hết phòng. Bạn phải canh trước rất lâu và đặt phòng qua một số trang web, ứng dụng của Trung Quốc như Ctrip, Qunar, Meituan... sẽ có giá rẻ hơn. Ăn uống Các món ăn ngon ở cổ trấn. Ảnh: thenextexcursion. Bánh tôm và bánh cua lăn bột chiên là hai món ăn vặt phải thử khi đến Phượng Hoàng, giá khoảng 5 tệ một cái (khoảng 18.000 đồng). Lẩu cá, bún bò cũng là hai món ăn trứ danh ở đây, thích hợp ăn vào mùa đông, khi trời đổ tuyết lạnh buốt bởi đồ ăn ở Phượng Hoàng khá cay và nóng. Nên dặn đầu bếp trước khi ăn nếu bạn không ăn cay được. Để biết chất lượng món ăn, bạn có thể sử dụng app meituan để kiểm tra trước khi đến. Đặc biệt, trái cây ở đây rất tươi và ngon. Mua đồ lưu niệm và ngôn ngữ Đừng quên mặc cả khi mua hàng hay thuê thuyền đi dạo trên sông ở Phượng Hoàng bởi chủ tiệm, dịch vụ luôn hét giá cao đối với du khách. Có nhiều khách quốc tế ghé thăm nhưng hầu hết người ở đây không rành tiếng Anh. Nên chuẩn bị sẵn vài phần mềm phiên dịch như Pleco, Google Translate... để có thể giao tiếp khi gọi đồ ăn, mua hàng hoặc cần giúp đỡ... Vị trí chụp ảnh đẹp Phượng Hoàng cổ trần về đêm lung linh ánh đèn. Ảnh: Thiết Nguyễn. Nếu muốn chụp ảnh toàn cảnh, thay vì đứng trên chiếc cầu Hồng Kiều bắt ngang qua sông xây theo kiến trúc Trung Hoa xưa, bạn có thể tìm căn nhà 4 tầng bỏ hoang nằm gần cuối trấn, tọa lạc ở vị trí khá cao, đủ để bao quát khung cảnh. Bên cạnh đó, ngắm cảnh từ đây cũng khá thú vị bởi bạn có thể tách khỏi sự đông đúc của hàng nghìn du khách mỗi ngày, trốn cái ồn ào của những quán bar xập xình bên dưới vào ban đêm, tận hưởng sự yên tĩnh của riêng mình. Tiền tệ Thẻ thanh toán quốc tế trở nên vô dụng khi mua sắm, ăn uống ở Phượng Hoàng. Ở đây cũng hiếm cây ATM, ngân hàng nên rất bất tiện trong việc đổi ngoại tệ dù là tiền USD. Chỉ có một hoặc hai nơi có dịch vụ đổi tiền với tỷ giá khá cao và phải cần nhiều thủ tục, chờ đợi khá lâu. Vì vậy, tốt nhất bạn nên chuẩn bị đầy đủ tiền mặt trước khi đi để chủ động hơn. Theo Vi Yến - ngoisao.net - 20/32018 Link nguồn: https://ngoisao.net/tin-tuc/an-choi/choi-dau/7-luu-y-huu-ich-khi-di-du-lich-tu-tuc-phuong-hoang-co-tran-3724595.html Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|