Công Tố: Hành trình từ cậu bé Gia Lai đến MC Ấn tượng VTV |
MC của Ghế không tựa chia sẻ, tai nạn hè năm lớp 11 là bước ngoặt lớn, góp phần tạo nên một Công Tố của ngày hôm nay. Ngược lại dòng thời gian cách đây 9 năm, trở lại khi tôi còn là cậu học sinh lớp 10. Tôi hộ tống một người bạn rất thân tên là Phi đi thi diễn viên. Mọi người nhìn thấy tôi thì nhận xét gương mặt sáng và yêu cầu diễn thử đi. Hồi đó tôi còn gày gò và bị gù do cao hơn các bạn nên thường xuyên cúi xuống cho bằng. Việc diễn xuất ngôn ngữ cơ thể khác nhiều so với việc ngồi dẫn nên có bao nhiêu nhược điểm lộ hết ra. Diễn không được nhưng mọi người bảo giọng nói tốt, gương mặt sáng, thử dẫn chương trình xem sao. Sau đó, tôi đứng lên dẫn và bất ngờ, lại được lựa chọn. Lúc đó tôi nghĩ, vì chẳng còn ai dẫn nên mọi người chọn mình. Mà đúng thật như thế. Con trai tuổi đó thường chỉ tập trung vào việc quậy phá, bộc lộ cái tôi của mình, để ý các bạn nữ. Tôi thì không có niềm đam mê gì. Lúc đó, dẫn chương trình với tôi cũng chưa thể gọi làm đam mê. Chỉ là sự tự mãn, kiêu căng của một đứa trẻ hiếu thắng khi thấy mình được lên tivi, khác với các bạn ở trường, dành được một số “đặc ân” của nhà trường như để tóc dài, nghỉ học đi quay, tới lớp muộn... Cái sự tự mãn đó làm tôi thích công việc MC một cách rất trẻ con.
Hình ảnh MC Công Tố hồi nhỏ. Trước khi chuyển ra Hà Nội sinh sống và làm việc, Công Tố có 17 năm gắn bó với mảnh đất Gia Lai. Bước ngoặt lớn xảy ra vào cuối năm lớp 11. Bố mẹ tôi làm việc ở Gia Lai nhưng là người gốc Bắc. Cả hai nuôi giấc mơ trở về ngoài Bắc sau 30 năm chuyển vào đây công tác. Khi đó, tôi ở lại Gia Lai một mình để hoàn thành việc học cấp ba. Rồi vì nghịch quá cộng với việc bị tai nạn giao thông khá nặng và phải nằm trên giường suốt 3 tháng mà chẳng có ai chăm sóc, Tôi bị bố mẹ chuyển ra Hà Nội. Sau này nhìn lại, tôi nhận ra, tai nạn đó là một bước ngoặt lớn nhất để cho tôi có được thành quả sau đó. Ví dụ như đỗ đại học hay thi Cầu Vồng. Ở Gia Lai, tôi chưa có định hướng cho bản thân và chưa có phương pháp học. Năm lớp 11, tôi đã rất thành công trong mắt mọi người khi là người dẫn chương trình truyền hình ở Gia Lai, làm liên đội trưởng, sau đó là bí thư đoàn trường. Nhưng bản thân tôi mù mịt, không có một chút định hướng nào cho bản thân, thậm chí không biết mình sẽ học khối gì và thi đại học trường nào. Khi ra Hà Nội, vào trường cấp 3 Nguyễn Thị Minh Khai và gặp cô giáo chủ nhiệm Mai Anh – một trong những người tôi luôn luôn biết ơn vì đã thay đổi hệ tư tưởng trong tôi - lúc đó, tôi thấy mình lớn lên khoảng 5 tuổi. Trước đó, dù học xong lớp 11 nhưng tôi chỉ như cậu bé, rất tự mãn và tự cao. Nhờ cô, tôi mới thực sự trở thành cậu bé học lớp 12. Cô bảo tôi lúc nào cũng phải xác định vòng tròn giới hạn của mình ở đâu. Dù có muốn vùng vẫy như thế nào đi chăng nữa, cũng luôn phải có giới hạn. Tôi càng có thêm định hướng và tâm tưởng sống tốt đẹp. Từ đó, tôi cứ thế đi trên con đường đã chọn khi xác định được bản thân là ai. Điều quan trọng nhất lúc đó tôi giành được là đặt ra cho mình mục tiêu. Đó là một việc rất đơn giản nhưng trước đó, không được ai hướng dẫn. Và mục tiêu lúc đó của tôi là đỗ đại học. Tôi học ngày, học đêm. Nhà tôi, mọi người rất cởi mở trong việc lựa chọn cuộc sống của con cái, đặc biệt là trường học nhưng đồng thời, bố mẹ luôn có định hướng. Lúc đó, mọi người thấy là thi vào trường báo có thể trở thành MC nên bố đã lựa. Bố chọn trường, còn tôi chọn khoa. Tôi tuyên bố sẽ thi đỗ khoa cao điểm nhất của trường dù chẳng biết nó là khoa gì, sau này là khoa quan hệ công chúng và quảng cáo. Cuối cùng, tôi thừa điểm đỗ, với 8,5 điểm môn Toán. Bây giờ lớn hơn, nghĩ khác đi, tôi lại thấy, giá như có định hướng hơn ở quá khứ, có lẽ bản thân còn phát triển hơn nữa. Thêm một thay đổi rất lớn nữa là giọng nói của tôi, trước đó, tôi nói giọng lơ lớ vì ở trong Gia Lai nhưng bố mẹ là người Bắc. Hai bước ngoặt chuyển nhà và đổi giọng đã tạo nên tôi ở hiện tại.
Công Tố chia sẻ, bản thân thay đổi rất nhiều qua thời gian, kể cả vẻ bề ngoài và suy nghĩ. Hình ảnh được chụp năm 2013 bên đồng nghiệp của chàng MC VTV. May mắn một lần nữa mỉm cười với tôi khi đi thi Cầu Vồng. Tôi không phải là người làm tốt nhất nhưng khi một người rời cuộc thi sau mỗi tập thì chắc chắn có một bạn làm kém hơn tôi. Kỳ lạ là thế. Dù giành được giải Thí sinh được khán giả bình chọn nhiều nhất qua website VTV6 nhưng sau cuộc thi, tôi rẽ hướng làm truyền thông, lăn lộn bên ngoài đi tổ chức sự kiện, đảm nhận vai trò gọi MC tới dẫn chương trình mình đã làm ra. Mỗi lần đứng dưới làm trợ lý cho MC, tôi chỉ nghĩ một điều duy nhất là nếu dẫn dắt chương trình này, mình sẽ làm tốt hơn nhưng sếp không bao giờ chọn mình vì mình chẳng là ai cả. Trong khi người MC đó được chọn vì họ đã xuất hiện trên truyền hình nhiều và được nhiều người biết tới. Cùng lúc đó, tôi nhận được lời mời về VTV6 rồi bắt đầu sự nghiệp MC với những chương trình âm nhạc nhỏ. Chương trình đầu tiên là Mbox Ising – âm nhạc quốc tế. Mọi người lựa chọn tôi dẫn chương trình thay cho Nguyên Khang. Có một điều may mắn nữa là ở VTV6, mọi người chấp nhận để cho tôi thử dù khi đó, tôi không chỉ xấu và còn có kỹ năng dẫn rất tệ. Sau đó, tôi tiếp tục dẫn chương trình Mảnh ghép tiếng. Đó là chương trình đầu tiên mà tôi nghĩ mình được bung xoã, thả lỏng bản thân. Việc đùa giỡn, tất nhiên là có chừng mực trên sóng truyền hình, khiến tôi cảm thấy, đây mới là mình khi xem lại. Tôi nghĩ, từ trước tới giờ, ít có ai có nhiều cơ hội được thể hiện mình trên sóng như thế. Người ta hay tự gò mình vào: “kính thưa quý vị, các bạn thân mến”, còn ở chương trình này thì tôi sẽ “Ôi các bạn ơi” – một cách nói có phần suồng sã bên ngoài. Thật bất ngờ khi được người lớn đón nhận mà không chỉ là các bạn trẻ. Sau mảnh ghép tiếng Anh, tôi có rào cản rất lớn là tôi không phải là người của đám đông. Tôi cũng không phải là người của sự vui vẻ. Bên ngoài mọi người thấy tôi là người vui vẻ, thoải mái, cởi mở nhưng bên trong, tôi lại là người ngồi im và nhìn mọi thứ xung quanh. Đó là một rào cản tâm lý rất lớn khiến tôi thực sự khủng khoảng.
Công Tố ghi dấu ấn đẹp trong lòng khán giả khi gắn bó với nhà hàng Bữa trưa vui vẻ. Rồi mọi người đẩy tôi vào chương trình Bữa trưa vui vẻ. Lúc đó, áp lực lớn nhất của tôi là tên chương trình là vui vẻ, mình cứ diễn vui mãi sao? Chẳng lẽ 365 ngày là 365 số mình ở vai trò người dẫn hoặc người đọc lời bình? Nhưng khi làm một chương trình đem tới niềm vui cho mọi người, tôi mới phát hiện ra một điều. Sự tỉnh táo là điều rất cần thiết của một người đem niềm vui tới cho người khác. Những diễn viên hài không bao giờ được cảm thấy mắc cười với những gì mà họ nói, họ mới làm mọi người cười được. Và tôi cũng như vậy. Một người dẫn chương trình không bao giờ cảm thấy bị cuốn vào một câu chuyện nào đó quá vui vẻ để đánh mất vai trò người dẫn dắt. Trêu mọi người tôi cũng rất tỉnh để suy xét xem cái trêu đó có bị vô duyên không, liệu câu nói đó có bị cắt khi lên sóng không. Tôi luôn luôn phải suy nghĩ và tỉnh táo trước những lời bông đùa hay câu chuyện vui của chính mình. Sau khi chia tay Bữa trưa vui vẻ, tôi gắn bó với Chung cư. Hiện tại, tôi tiếp tục đảm nhận vai trò “chủ xị” của Ghế không tựa và sẽ dẫn dắt chương trình này tới hết năm. Công Tố giành giải MC Ấn tượng của VTV Awards 2014 và tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng của hạng mục này năm 2015, tính tới thời điểm 20/7. Đôi khi, tôi thấy cuộc sống của mình có rất nhiều điều may mắn. Vì một người thiếu định hướng, thiếu sự nhìn xa trông rộng như tôi mà các thứ tốt đẹp cứ lần lượt tới. Nhưng cũng không vì thế mà tôi dửng dưng. Thay vào đó, tôi sẽ nỗ lực hoàn thiện bản thân từng ngày, để không phụ lòng những người đã tin yêu mình. Nguồn: baodoi.com Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|