BTC Hoa hậu VN nói gì về việc cho thí sinh nợ bằng tốt nghiệp THPT? |
"Năm nay, từ 20 tỉnh, thành đoàn trên cả nước, đã sơ tuyển đến gần nghìn thí sinh, cộng với thí sinh tự do đăng ký, thì các thí sinh năm nay tham gia hơn một nghìn thí sinh. Cho đến vòng sơ khảo, số lượng thí sinh tham gia vẫn còn là 123 thí sinh. Vì vậy không thể nói là vì thiếu thí sinh mà BTC phải nới lỏng quy chế cuộc thi", ông Lê Xuân Sơn. Ngay sau khi thông tin BTC cuộc thi đã nới lỏng quy chế cho thí sinh Nguyễn Thị Như Thủy khi chưa có bằng tốt nghiệp THPT nhưng vẫn lọt vào vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. PV đã có trao đổi với ông Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong. - Thưa ông, sau thông tin, BTC cho phép thí sinh Nguyễn Thị Như Thủy nợ bằng tốt nghiệp đến cuối tháng 7. Nhiều ý kiến độc giả nói rằng, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam là cuộc thi nhan sắc chuyên nghiệp trên toàn quốc, nhưng vì một thí sinh BTC đã nới lỏng quy chế cuộc thi. Trong khi đã là quy chế thì không nên nới lỏng, bởi như vậy cuộc thi sẽ không còn giá trị. Ông nghĩ sao về những ý kiến này? Ông Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong Tôi nghĩ vòng chung kết mới là vòng quyết định và quan trọng nhất. Vì vậy BTC đưa ra quyết định cho phép thí sinh nợ bằng tốt nghiệp, bởi đầu tháng 7 thí sinh Nguyễn Thị Như Thủy thi tốt nghiệp và giữa tháng 7 là có kết quả. Và lúc đó thí sinh sẽ phải nộp đầy đủ hồ sơ của mình, trong đó có cả bằng tốt nghiệp cho BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. - Đã từng có trường hợp Hoa hậu Thùy Dung, đến phút chót chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, BTC mới tá hỏa biết cô ấy chưa có bằng tốt nghiệp THPT. Vậy BTC có lường cũng đến phút chót mới biết kết quả thi tốt nghiệp của thí sinh này? - Ồ không, khi BTC đã linh động cho phép thí sinh này nợ bằng tốt nghiệp THPT thì BTC cũng sẽ phải sát sao hơn với thí sinh và chắc chắn, đến đầu tháng 8 thí sinh sẽ phải nộp đầy đủ hồ sơ. Nếu thí sinh đến thời điểm đó không có bằng tốt nghiệp, BTC sẽ phải hủy kết quả các vòng thi trước của Nguyễn Thị Như Thủy. Thí sinh Nguyễn Thị Như Thủy đã từng có thành tích giành giải hoa khôi học sinh của Đà Nẵng. Điều đó chứng tỏ, thí sinh này đã được thẩm định từ địa phương. BTC biết chắc chắn đây là thí sinh đạt chất lượng, chứ không chỉ là thí sinh bình thường. - Được biết, không chỉ có trường hợp duy nhất là thí sinh Nguyễn Thị Như Thủy được phép nợ bằng tốt nghiệp, mà còn nhiều thí sinh cũng được phép nợ. Vậy ông có thể cho biết chính xác bao nhiêu thí sinh đã nợ bằng tốt nghiệp THPT? Thí sinh Nguyễn Thị Như Thủy Tôi không phải người trực tiếp làm hồ sơ, nên không nhớ con số chính xác, nhưng đúng là không chỉ có mình thí sinh Nguyễn Thị Như Thủy, mà còn một vài trường hợp nữa, gia đình khi nộp hồ sơ đã tha thiết xin cho các em được phép tham gia thi. Trên tinh thần, BTC thấy các thí sinh đều có tiềm năng. BTC đã quyết định nới lỏng và hy vọng tới đầu tháng 8, tất cả các thí sinh đó sẽ có đầy đủ giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ. Thực ra, tất cả các trường hợp đó, BTC biết rõ lý lịch và sự thẩm định từ thành đoàn Đà Nẵng giới thiệu. Và ngay lập tức chúng tôi đã báo cáo lên Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) về một số trường hợp đó. Và Cục NTBD đã trả lời, xét về văn bản Cục NTBD không thể làm khác với quy định mà Bộ VHTTDL đã ban hành. Tuy nhiên, Cục NTBD sẽ chỉ xét hồ sơ các thí sinh vào chung kết. Trong khi hiện tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam mới đang ở sơ khảo và chung khảo. Cho đến đầu tháng 8 BTC hoàn thiện hồ sơ và nộp lên Cục NTBD để bước vào vòng chung kết. Và trên cơ sở đó, BTC mới quyết định cho phép một số thí sinh nợ bằng tốt nghiệp. Để có sự nới lỏng quy chế, bởi BTC cũng đã suy nghĩ, nếu loại bỏ các thí sinh đó và hai năm sau mới được tham dự, thì sẽ là thiệt thòi cho các thí sinh. - Việc nới lỏng quy chế, BTC có lường đến chuyện mất niềm tin ở một số khán giả, và họ lo ngại liệu sẽ còn có sự nới lỏng nào nữa tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam? BTC xin khẳng định sẽ không còn sự nới lỏng nào khác ngoài chuyện cho thí sinh nợ bằng tốt nghiệp đến cuối tháng 7. Tôi nghĩ việc nới lỏng này cũng giống như tính chất các cuộc thi của công nhân viên chức, cũng cho phép nợ bằng ngoại ngữ hay bằng nào đó. Xin cám ơn ông! Ông Dương Xuân Nam, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong chia sẻ: “Tôi nghĩ đã là quy chế thì nên tuân thủ theo quy chế để tránh làm ảnh hưởng tới giá trị của cuộc thi. Tuy nhiên trên thế giới tại các cuộc thi sắc đẹp không đưa ra quy chế các thí sinh phải có bằng tốt nghiệp PTTH. Mà chỉ đưa ra quy chế, không vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Bản thân tôi ngay từ ngày đầu soạn thảo quy chế cuộc thi Hoa hậu đầu tiên của Tiền Phong cũng đã đề nghị Bộ VHTTDL, không nên đưa quy chế các thí sinh phải có bằng tốt nghiệp PTTH. Bởi đây là cuộc thi sắc đẹp chứ không phải cuộc thi đại học. Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ quan điểm, nên bỏ quy chế các thí sinh phải có bằng tốt nghiệp PTTH”. Theo Danviet.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|