Cấp phép ca khúc trước năm 1975: Lỗ hổng ngoài tầm quản lý của Cục NTBD |
Đó là lỗ hổng từ khâu xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong khâu quản lý nhà nước. Xét mặt nào đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng là nạn nhân. Công chúng phẫn nộ, công luận chỉ trích, phê phán mạnh mẽ, thậm chí gay gắt về việc làm gọi là "không thể hiểu nổi" của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) khi không chỉ cấp phép phổ biến ca khúc sáng tác trước năm 1975, trong đó có ca khúc cách mạng, mà còn "đòi cấp phép" phổ biến cho cả "Tiến quân ca" (Quốc ca). Tuy nhiên, nếu xem xét thấu đáo, sẽ thấy có lỗ hổng rất lớn từ quy phạm pháp luật, nằm ngoài tầm quản lý của Cục NTBD. Bất cập từ nghị định Trong mắt công chúng, Cục NTBD là cơ quan quản lý nhà nước thiếu năng lực, không những không làm được việc mà còn gây ra nhiều bức xúc cho xã hội qua việc cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975. Ông Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương nhận đủ mọi búa rìu của công luận, thậm chí bị kết tội phá hoại, phạm pháp và yêu cầu từ chức. Ông Chương đã công khai xin lỗi và nhận trách nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng vì áp lực công luận và theo chỉ đạo của cấp trên nhưng công bằng xem xét, Cục NTBD đã làm đúng quy định của pháp luật. Nếu máy móc áp dụng quy định trong Nghị định 15/2016/NĐ-CP thì các ca khúc truyền thống cách mạng sáng tác trước năm 1975 đều phải xin Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến. Trong ảnh: NSND Quang Thọ trình bày ca khúc “Người là niềm tin tất thắng” (Chu Minh) trong chương trình “Giai điệu tự hào”. (Ảnh do chương trình cung cấp) Khoản 3, điều 29 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 của Chính phủ "Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu" nêu rõ: "Tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục NTBD" để xin phép phổ biến. Nghị định 15/2016/NĐ-CP ngày 15-3-2016 của Chính phủ về "Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP" sửa lại khoản 3, điều 29 như sau: "Tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục NTBD" để xin phép. Như vậy, Nghị định 15/2016/NĐ-CP đã cắt mất cụm từ "tại các tỉnh phía Nam", mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh. Nghĩa là tất cả các ca khúc sáng tác trước năm 1975, bất kể nhạc gì, đều phải xin Cục NTBD cấp phép phổ biến, nếu chưa có tên trong danh sách đã được cục này cấp phép phổ biến. Về lý, Cục NTBD không sai. Nếu sai là quy định trong các nghị định nêu trên sai. Ở đây cho thấy lỗ hổng trong hoạch định chính sách, ban hành văn bản pháp quy của bộ, ngành. Cụm từ "ca khúc sáng tác trước năm 1975" trong Nghị định 15/2016/NĐ-CP được hiểu là tất cả các bản nhạc sáng tác ở Việt Nam từ trước năm 1975, bao gồm nhạc cách mạng, đều phải xin phép phổ biến ở Cục NTBD. Ngay cả cụm từ "ca khúc sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam" trong Nghị định 79/ 2012 cũng không ổn vì ở miền Nam trước năm 1975 không chỉ có nhạc của chế độ cũ mà còn có những sáng tác của các tác giả trong phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh ở đô thị miền Nam như "Hát cho đồng bào tôi nghe" hoặc ca khúc ra đời trong chiến khu, vùng giải phóng ở miền Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Rõ ràng Cục NTBD không làm sai luật pháp, chỉ là thực hiện một cách máy móc khi đòi cấp phép cho cả ca khúc đã phổ biến rộng rãi trong công chúng từ lâu nay, trong đó có ca khúc cách mạng. Sai thì phải sửa Theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ nay bỏ cấp phép phổ biến ca khúc. Ông Nguyễn Đăng Chương cho hay thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Cục NTBD sẽ không cấp phép phổ biến cho ca khúc (không phân biệt sáng tác ở thời nào, ở đâu, thời gian nào) đã phổ biến rộng rãi, có nội dung tốt, không trái thuần phong mỹ tục, không đi ngược lợi ích... Cục cũng sẽ có văn bản yêu cầu các Sở VH-TT-DL nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thẩm định tác phẩm khi cho phép tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật. Ca khúc nào có nội dung trái thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, đi ngược lại chủ trương chính sách nhà nước, đơn vị cấp phép biểu diễn phải rà soát để loại bỏ khỏi chương trình được cấp phép đó. Đây hoàn toàn là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Tuy nhiên, để thực hiện đúng như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ VH-TT-DL mà không vi phạm pháp luật thì phải sửa điều 29 Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP. Chính những quy định trong 2 nghị định này là căn cứ pháp lý để Cục NTBD thực hiện việc cấp phép phổ biến ca khúc trong thời gian qua.
Theo ttvn.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|