Hành trình Hạnh phúc: Mẹ tôi gánh mắm đường xa |
"Tuổi thơ tôi nằm trong gánh mắm của mẹ, và những chiều mẹ đi mắm về tức là mẹ gánh cả tuổi thơ về trao cho con: những món đồ chơi, đồ ăn, thức uống". Cuộc thi viết “Hành trình Hạnh phúc” được tổ chức bởi Liên đoàn Lãnh đạo và Doanh nhân trẻ Hà Nội – JCI Hanoi, cùng với Dự án Sách và Hành động. Cuộc thi diễn ra từ ngày 20/3/2017 đến ngày 31/8/2017 với gần 30 giải thưởng, tổng giá trị lên tới 145 triệu VNĐ tiền mặt. Cuộc thi là nơi để mọi người dân Việt Nam sẻ chia những khoảnh khắc, kể lại những cảm nhận, hoặc đưa ra những quan điểm, góc nhìn đóng góp vì một cộng đồng hạnh phúc hơn! Thông tin cuộc thi xem thêm tại Website: www.hanhtrinhhanhphuc.org, hoặc trang Facebook: www.facebook.com/hanhtrinhhanhphuc.org. Dưới đây là một bài viết dự thi có tên “Mẹ tôi gánh mắm đường xa” được gửi bởi bạn Lê Văn Bầu, tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. “Mẹ tôi bây giờ đã về hưu!” Khi nghe tôi nói như vậy có anh bạn quan tâm chợt hỏi: “Mẹ cậu trước đây làm cơ quan nào thế? Tôi cười thầm, một nụ cười lặng sâu vào lòng đầy nỗi trăn trở khi nhìn sang phía anh bạn. “Mẹ mình làm cơ quan nào ư…? Mẹ mình cũng có một cơ quan bao la rộng lớn lắm bạn à, cơ mà quan của mẹ mình là Quan… g… Gánh. Mẹ mình trước đây thường gánh nước mắm đi bộ đến nhiều nơi để bán, bây giờ mẹ tuổi già lưng còng chân cóng nên phải… về hưu thôi”. Đi bán mắm là công việc của nhiều người phụ nữ ở quê tôi, vì vùng tôi ở là vùng biển, vốn có Làng Nghề Nước Mắm Cửa Khe nổi tiếng. “Nhất mắm Cửa Khe, nhì chè An Thái” - câu ca này đã có từ bao đời. Và những người đi bán mắm dạo như mẹ tôi chính là những người góp phần đưa danh tiếng và hương thơm của vị mắm quê mình len lỏi vào trong các xó xỉnh của những vùng quê khác. Hầu như các cô các chị quê tôi ai cũng trải qua cái nghề này. Ngày nay người ta chở mắm bằng xe máy hay thậm chí xe tải, nhưng ở thời của mẹ tôi thì đa số mọi người đều gánh bộ đi đến nhiều nơi để bán. Mà đâu phải đi gần đâu, từ quê các bà, các cô phải băng rừng vượt sông đi bộ mấy chục cây số mới đến những thị trường tiêu thụ nước mắm mạnh như Việt An, Hiệp Đức, Quế Sơn, Núi Rướn, Đại Lộc, hay Đà Nẵng. Mẹ tôi hành nghề bán mắm từ thuở còn trẻ, cho đến tận lúc nghỉ ngơi ngót nghét mấy chục năm. Cho tới bây giờ ngay cả xe đạp bả cũng không biết đi, và ngày xưa làm gì có xe cộ, phương tiện lúc đó là đôi chân. Làng tôi, bất cứ nhà nào cũng muối trữ vài chum mắm sau hè. Mùa biển, cá được chuyển ngoài ghe về, rồi được dầm muối trong các chum lớn để làm mắm. Thời gian để cá ăn muối trở thành mắm là khoảng một năm. Trước khi bắt đầu lấy mắm đi bán, mẹ tôi phải trải qua công đoạn gọi là “gạn mắm”. Gạn mắm có lẽ là việc tỉ mẩn công phu nhất trong quá trình sản xuất nước mắm. Ở những cơ sở lớn, người ta muối cá trong các bồn gỗ to lớn rồi tới lúc cá chín, họ tiến hành “rút lù” để nước mắm “nhĩ” ra từng giọt, từng giọt… từ đó có được loại mắm nhĩ thơm ngon tinh khiết nhất. Riêng mẹ tôi, bả hay dùng những chiếc giuộc lớn bằng tre để gạn mắm. Kích cỡ của những chiếc giuộc thường lớn hơn chiếc nón lá một chút. Để có được chục lít mắm cho một chuyến đi bán, mẹ tôi phải lo gạn mắm từ trước đó cả nửa tháng. Quá trình nhỏ giọt của mắm càng lâu thì mắm thu được sẽ càng ngon. Mẹ tôi cả đời lam lũ, bươn chải nhiều nghề để nuôi bốn đứa con từng ngày khôn lớn sau khi bố tôi không may qua đời sớm. Nghề mắm tuy cơ cực nhưng nếu không có nó thì không biết chúng tôi sẽ lớn lên thế nào, bởi mọi nhu cầu cho cuộc sống của bầy con được chất chứa trong gánh mắm của mẹ. Nhìn những giọt mắm được gạn ra từ bầu giuộc tôi không khỏi liên tưởng tới từng giọt sữa được nặn ra từ bầu vú mẹ để mớm cho con trong những ngày đói ăn khát sữa. Những ngày tháng chiến tranh bao cấp nghèo đói khi xưa, ngay cả bản thân người mẹ phải ăn bo bo, ăn sắn, ăn khoai khô, ăn cơm trắng với muối mặn nhưng phải cấp sữa cho một bầy con dại thật tội nghiệp. Có những đêm khuya, nghe âm thanh từng giọt mắm rớt xuống mà tôi thấy giật mình. Không biết ý tưởng để người ta sáng chế ra chiếc giuộc gạn mắm bắt đầu từ đâu, phải chăng là xuất phát từ hình ảnh bầu vú mẹ. Bởi đã có đôi lần, tôi thấy hình ảnh những đứa trẻ nhà quê nằm há hốc miệng ở phía dưới bầu vú mẹ để chờ hứng lấy từng giọt sữa rơi xuống. Và chính tôi và những anh chị em tôi cũng đã trải qua thời sơ sinh như vậy. Ôi, một hình ảnh quá đỗi thiêng liêng. Để bắt đầu cho một chuyến đi mắm, mẹ tôi thường thức dậy giữa đêm khuya. Nếu đi Quế Sơn, Đại Lộc thì mẹ thường dậy tầm 2 giờ sáng, còn đi bán ở Đà Nẵng thì phải tranh thủ cuốc bộ sớm hơn. Tôi thường thức dậy học bài trong những đêm khuya mẹ lục đục chuẩn bị gồng gánh đi bán mắm. Khi đó, các bà các cô kéo nhau đi mắm giữa đêm khuya rộn rịp như đi trẩy hội. Chừng 3 giờ sáng, ngoài đường văng vẳng lên những tiếng nhắc gọi của đồng nghiệp khi họ gánh mắm đi ngang qua nhà tôi: “Dậy chưa bà Bảy? Đi mệ Bảy ơi”… Tôi thấy cả một đoàn người phụ nữ khom lưng kẽo kịt quang gánh lấp ló trong màn sương đêm, họ vừa đi vừa trò chuyện để quên bớt nỗi nhọc nhằn đường xa. Những bàn chân, những tiếng dép lê của các cô nện xuống đường bặt bặt gióng vào đêm khuya như những hồi trống thúc giục của cuộc đời mưu sinh đầy bon chen trắc trở gập ghềnh. Và… mẹ tôi, cũng đang hòa vào dòng người đó… “Đi bộ đường dài mệt lắm con, mẹ đi quen rồi, con nhỏ không đủ sức theo đâu”- mẹ nói. Có hôm, mẹ đi về tôi thấy đôi chân mẹ rớm máu. Hỏi thì mẹ nói không sao con, chắc do đá phải hòn đá nào trên đường vào đêm khuya tối tăm, ai cũng bị vậy, lúc đầu nghe cũng rát nhưng cứ bước đi mãi thì cái gì cũng lướt qua. Có hôm đi về cả ống quần và đôi dép mẹ lấm lem bùn lầy. Hỏi ra mới biết là mẹ phải băng qua một vũng bùn rộng lớn mới vào được trong xóm dân cư để bán mắm cho họ. Rồi vẫn có những chuyến mắm đi 2, 3 ngày mới về vì đi bán những nơi quá xa hàng trăm cây số. Những đêm ở lại như thế, thỉnh thoảng mẹ ngủ nhờ nhà khách hàng, nhiều khi ngủ ngoài chợ, ngủ ven đường gốc cây, rồi sáng mai lại quẩy gánh đi bán tiếp. Còn nhiều điều cơ cực khác nữa trong suốt hành trình của mẹ nhưng có đời nào mẹ kể hết cho tôi nghe đâu, mẹ sợ con nghe khổ rồi lo lắng không tập trung vào việc học được, mẹ sợ con tủi thân xấu hổ với bè bạn…mẹ không than không kể hết những nhọc nhằn bởi đơn giản, mẹ là MẸ. Lúc còn nhỏ, tôi đâu hình dung hết được công việc gian truân của mẹ đâu. Mẹ đi mắm, tôi ở nhà chỉ trông chờ mỗi cái giờ phút buổi chiều chạy ra ngõ hí hoáy đón mẹ về. Nói cho phũ phàng hơn là chạy ra đón đầu lục tìm những món hàng đơn sơ mẹ mua về cho con cái được cất trong đôi gánh sau một chuyến đi mắm. Nếu có một khoảnh khắc nào đó khiến cho con người ta khắc khoải bùi ngùi mãi cho đến tận cuối đời thì chắc đó là những buổi chiều trông ngóng mẹ về. Ít ra, đó là khoảnh khắc của cuộc đời tôi. Ngày đó, mẹ đi mắm hay mua về những thứ kẹo rẻ tiền nhưng dư vị của nó ngọt ngào hơn cả trăm thứ bánh kẹo bây giờ. Đó là những viên kẹo chanh nhỏ dẹp ngậm vào nghe the the, màu xanh lấp lánh như những viên bi xanh. Đó là kẹo mè thơm ngon giòn rụm. Nhưng đặc biệt hơn cả là kẹo ú. Đây là một loại kẹo điển hình của tuổi thơ ngày xưa, không biết bây giờ giống kẹo này có còn không hay đã tiệt chủng rồi. Kẹo ú, đó không đơn thuần là một thứ kẹo, đó là hình tượng, một nét văn hóa kẹo đã ăn ngọt vào đời mỗi đứa trẻ. Kẹo ú có hình tam giác, vừa giống hình dạng của Kim tự tháp, vừa giống viên kim cương. Phía trong là hỗn hợp đường đã được chưng cất xoăn lại, phía ngoài phủ một lớp bột nhìn trông cổ kính bí ẩn sao ấy. Mẹ tôi thường lùi chúng trong thẩu gạo khi đi mắm về. Có lẽ, chất bột của kẹo khi được chôn trong lòng bột gạo thì sẽ ngon hơn. Tôi đã từng nhiều ngày mò lấy kẹo ú trong những chiếc thẩu như thế. Cầm viên kẹo lên, thổi một hơi thật nhẹ rồi bỏ vô miệng lủm, vị ngọt của đường trôi qua cổ họng tan ra khắp người làm cho một đứa trẻ sướng đê mê. Ngoài bánh kẹo ra thì mẹ còn mua thêm trái cây. Sắn dây là một loại củ quả mà hễ ta thấy thì liền nắm lấy lột vỏ cắn ngang liền. Nếu có một thứ quả khi xưa không cần bỏ tủ lạnh mà vẫn mát lạnh không kém thì là sắn dây. Dạo ấy, những đứa trẻ hay đi quanh xóm với một củ sắn dây cắn dở trên tay, có đứa ăn sắn dây cả ngày thay cơm. Mẹ cũng hay mua những quả thị về. Ở đời, bất kỳ một món nào đó gọi là ngon và khiến cho con người ta thấy hấp dẫn lâu dài thì là do cách chế biến và cách thưởng thức chúng. Quả thị trước khi ăn được tụi nhỏ cầm vò bóp cho mềm đi. Mùi hương thị rất thơm, có đứa không nỡ ăn liền mà cầm vò cả ngày, vò đến khi nào quả thị nứt ra một khe nhỏ rồi mới chịu cho lên miệng hút. Ăn trái xong, hột thị thì lấy mài đi cho trắng sạch rồi lấy một cây tăm hương đâm xâu qua cái lỗ nhỏ trên hột thị để làm thành cây kẹo mút. Đó là cái thú vừa ăn vừa chơi đầy mê hoặc. Tuổi thơ tôi nằm trong gánh mắm của mẹ, và những chiều mẹ đi mắm về tức là mẹ gánh cả tuổi thơ về trao cho con: những món đồ chơi, đồ ăn, thức uống. Ngày đôi chân của mẹ nứt nẻ, xương vai của mẹ lún sụn, tấm lưng của mẹ bắt đầu cong quèo nhức mỏi thì cũng là lúc hai người chị của tôi chớm lớn. Hai chị gái tiếp nối nghề đi mắm của mẹ từ thuở 13 tuổi. Giai đoạn sau này có phần tiến bộ hơn, các chị đã có xe đạp chứ không phải gánh bộ băng rừng cả đêm như mẹ trước đây. Mẹ – một quãng đời hơn 60 năm nhưng cũng chừng ấy thời gian gồng gánh trên vai biết bao tấn nhọc nhằn. Giờ đây mẹ vẫn còn đó nhưng không còn sức để tiếp tục gánh những chuyến hàng mắm đi đường xa bán buôn nữa. Không còn gánh mắm, nhưng tôi biết ở mọi nơi mọi lúc và trong bất cứ hoàn cảnh nào thì mẹ vẫn đang gánh lấy cuộc đời của những người con như tôi. “Con dù lớn vẫn là con của mẹ Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”. (thơ Chế Lan Viên) Chiều nay, một buổi chiều lại về. Con của mẹ vẫn đang vất vưởng đi tìm kế sinh nhai ở chốn đô thị, con vẫn đang đi tìm một cái nghề cho ổn định để mẹ bớt lo lắng tuổi già. Lúc mệt mỏi, đứng khép nép bên lề phố xa lạ, nhìn về chân trời xa xa, nơi phảng phất những ngụm khói lam chiều bốc lên, con lại nhớ về mẹ. Không ít lần con đã khóc, nhưng không thể thổ lộ cùng ai. Bởi lẽ, những giọt nước mắt của con không là gì so với biển nước mắt và mồ hôi mà mẹ đã đổ xuống dọc đường đời đã qua. Ai đó có thể cho rằng nghề này nghề kia là thực sự cao quý nhưng đối với tôi, nghề đi bán mắm của mẹ tôi là cao quý nhất. Hôm nay và mãi mãi về sau, mẹ đã cho con tất cả từ những ngày cơ cực thức khuya dậy sớm bên gánh mắm ấy. MẸ, MẸ…ƠI! Bài dự thi Hành trình hạnh phúc *Nội dung được thực hiện bởi hoạt động kinh doanh của Trường Sơn Media theo GPKD Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|