Hồi ức về phố đèn đỏ nổi tiếng thị phị tại Mỹ |
Lần đầu tiên sau 3 thập niên, nghệ sĩ gạo cội John Goodman tiết lộ đến công chúng series ảnh đặc biệt ông thực hiện xoay quanh ‘Combat Zone’. Khu đèn đỏ náo nhiệt dẫu cũng lắm tai tiếng từng là một trong những chốn giải trí người lớn nổi danh nhất ở thành phố hoa lệ Boston, thủ phủ bang Massachusetts, Mỹ.
Đầu thập niên 1970, John Goodman, một người con của đô thị Boston cổ kính, dựng studio chụp ảnh đầu tiên trong sự nghiệp tại cuối phố đèn đỏ Combat Zone. Cái tên nghe có vẻ kỳ lạ, ‘Combat Zone’ hay ‘Vùng chiến sự’, ám chỉ sự nhiễu nhương phức tạp ở khu vực vốn tiềm ẩn đầy rẫy tệ nạn, bạo lực. Đây từng là chốn lui tới ‘giải khuây’ của giới thủy thủ, quân binh, với hàng loạt nhà thổ, câu lạc bộ thoát y vũ, và rạp chiếu phim người lớn. “Khu dân cư khi ấy rất chật chội, những con đường luôn đông người”, Goodman hồi tưởng. “Mọi thứ thật gai góc, khó đoán. Liên tục được thắp sáng bằng những bảng đèn quảng cáo 18+, ở Combat Zone, bạn luôn có cảm giác như trời đang vào buổi đêm. Là một nhiếp ảnh gia trẻ hằng ngày đi lại quanh những góc phố, tôi dần thích nghi với lối sống nơi đây, kiểu văn hóa sống tôi đã có dịp quan sát, tìm hiểu”. Combat Zone đem lại nhiều cơ hội luyện tập công việc cầm máy. Và Goodman, một nghệ sĩ bấy giờ chỉ vừa chập chững vào nghề, nhanh chóng mê đắm việc ‘nắm bắt’ dấu ấn thô ráp, chân thật ở khu phố đèn đỏ. Window #4. 1978. Quincy Gas. 1973. Siegel Eggs / Haymarket. 1973. Từng theo học bậc thầy nhiếp ảnh người Mỹ Minor White, Goodman sớm hiểu về sức mạnh của tồn tại và nhận thức. “Tôi đến lớp nhiếp ảnh, rồi tham gia một khóa đào tạo 9 tháng tổ chức tại nhà thầy mỗi ngày thứ bảy, ở Arlington”, ông kể. “Tại nhà thầy tôi, tất cả đều diễn ra trong quy củ, nghiêm khắc và tĩnh lặng. Nếu hôm đó đến lượt bạn phụ việc nhà, bạn sẽ phải tập trung hoàn tất việc được giao. Chúng tôi cũng kiệm lời khi dùng bữa”. White truyền dạy cho những nhiếp ảnh gia trẻ như Goodman cách tìm kiếm giá trị tĩnh tại giữa một thế giới không ngừng biến đổi, lẫn phương thức cho phép sự tĩnh mịch trong tâm hồn trở thành ‘người dẫn lối’ trên con đường nghệ thuật. “Minor hướng dẫn tôi làm thế nào để nhận ra những thứ đang tồn tại bên ngoài ống kính máy ảnh”, Goodman chia sẻ. Stuart and Tremont Streets. 1974. Phone Booth. 1980. Thời trai trẻ, là một nghệ sĩ bắt đầu hành trình đi tìm ‘tiếng nói’ cá nhân, Combat Zone chứa đựng môi trường sáng tạo hoàn hảo dành cho Goodman. Ông nói, “Tôi bị hấp dẫn trước nét rực rỡ, rung động của thành phố”. Từ thập niên 1980, Goodman chuyển studio đến một gác xép rộng lớn, đủ không gian để lưu giữ toàn bộ tác phẩm của ông. Series ảnh đặc biệt về Combat Zone, cùng với đó, đã bị lãng quên trong kệ lưu trữ suốt 30 năm tiếp theo. Mãi đến năm 2009, khi phải soạn lại những tập ảnh cũ, Goodman “ngỡ ngàng” nhận ra đã bỏ quên bộ sưu tập ảnh từng giúp ông định hình sự nghiệp. Nhiếp ảnh gia gạo cội nói về khoảnh khắc được lần nữa ‘nhìn ngắm’ Combat Zone sau hàng thập niên: “Ký ức của tôi như được đánh thức. Thật nhiều câu chuyện quá khứ đã ùa về”. General Cinema. 1980. Shop. 1973. “Có điều gì đó thật riêng biệt ở những góc phố ấy, và những gương mặt với tôi vẫn gợi nét tương đồng dù đã qua bao năm tháng.” Goodman nói. “Vẻ ngoài, sắc diện hào nhoáng của Boston nay đã đổi khác. Nhưng con người vẫn thế. Sự gian khó, gai góc trong cuộc sống vẫn hiện diện”. Giờ đây, công chúng có thể chiêm ngưỡng series ảnh hiếm có kể trên qua sự kiện triển lãm “John Goodman: not recent colour” hiện tổ chức tại gallery nghệ thuật Addison, Andover, Massachusetts, sẽ kéo dài đến hết ngày 31.7.2019. Theo Như Ý (tin, ảnh: HuckMag)-motthegioi.vn-02.06.2019 Link nguồn: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/hoi-uc-ve-pho-den-do-noi-tieng-thi-phi-tai-my-qua-goc-may-mot-nhiep-anh-gia-ky-cuu-114327.html Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|