Lùm xùm triển lãm tranh giả: Có hay không trò 'rửa tranh'? |
Giới chuyên môn đang đặt nghi ngờ vụ triển lãm tranh “Những bức tranh trở về từ châu Âu” bị cho là giả có thể là một vụ “rửa tranh” mà mắt xích câu chuyện này là nhà sưu tập Hà Thúc Cần nhưng ông đã không còn nữa để hóa giải. Theo các họa sĩ, ông Hà Thúc Cần là người chơi đồ cổ, từng về Việt Nam xin tranh, mua tranh mang ra nước ngoài, trong đó có nhiều tranh giả. Những bức tranh giả được buôn đi bán lại lòng vòng. Mỗi lần như vậy là có người thu lợi. Sau cùng, vì chúng là giả nên lại bị “hắt” trở lại Việt Nam. “Người Việt Nam tự làm hàng giả của chính mình. Người nước ngoài chỉ giúp sức, cộng tác ở cái khâu “chứng nhận hộ”, quảng cáo, bán hàng hộ. Vậy là nỗi nhục lại quay trở về Việt Nam. Thật ê chề” - nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương thốt lên cay đắng. Theo họa sĩ Ngô Đồng, nếu việc “rửa tranh” thành công ở nơi có uy tín như Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM thì những bức tranh (nghi) giả sẽ nghiễm nhiên trở thành tranh thật. “Vong linh của các danh họa sẽ bẽ bàng vì họ bị cho là làm ra những tác phẩm không xứng đáng là danh họa. Những nhà sưu tập tử tế đang sở hữu các tranh thật sẽ đau đớn vì thật - giả “lộn sòng”; trong khi đó, những kẻ làm tranh giả thì hả hê vì lừa được mọi người mà không ai làm gì! Ung dung cất tiền vào túi và chuẩn bị cho ra lò các tranh giả khác” - họa sĩ Ngô Đồng bức xúc nói. Bức "Cô gái" của Nguyễn Sáng tại triển lãm bị cho là tranh giả TS Nguyễn Đình Đăng - chuyên gia ngành vật lý hạt nhân, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam - cho biết muốn xác định tranh thật hay giả không khó. Ở Việt Nam, nếu chưa có công nghệ thẩm định tranh giả mà không gây hư hỏng cho tranh thì có thể đem ra nước ngoài nhờ kiểm tra. “Nếu thực sự ông Vũ Xuân Chung đã bỏ một số tiền lớn mua tranh mà giá trị của nó có thể lên tới cả triệu USD, thậm chí chục triệu USD thì nhằm nhò gì vài ngàn hay vài chục ngàn USD chi phí để thử tại một trong những trung tâm tiên tiến trên thế giới?” - họa sĩ Đình Đăng nêu ý kiến. Giới chuyên môn cho rằng có thể ông Vũ Xuân Chung là nạn nhân của nạn buôn bán tranh giả vì nạn tranh giả phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau: người thân, con cái, nhà sưu tập, phòng trưng bày. Có tranh thật chép lại, cất bản gốc, bán bản sao. Có bản nét bằng giấy chuyển thành sơn mài, sơn dầu tay nghề cao vẽ hao hao giống phong cách của họa sĩ, ký tên họa sĩ Nghiêm, Liên, Sáng, Phái... Đa phần các nhà sưu tập mới đụng vào là dính tranh giả, người nào thận trọng, nhờ chuyên gia, họa sĩ hiểu biết thẩm định từ các hướng may ra không bị mua tranh giả. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ông Chung không phải là nhà sưu tập “mới đụng vào”, càng không dễ dàng bỏ ra số tiền lớn để mua tranh của Nghiêm, Liên, Sáng, Phái mà không thẩm định thật giả. Bức tranh "Trước giờ biểu diễn" của Nguyễn Xuân Phài treo tại Bảo tàng Mỹ Thuật TP HCM nhưng bức tranh giả đã từng được Sotheby's đem bán đấu giá Ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, cũng cho rằng: “Trong vụ này, có khả năng ông Vũ Xuân Chung cũng là nạn nhân. Bởi theo tôi, ông ấy đã bỏ ra một số tiền rất lớn để mua các bức tranh này, có sự bảo đảm từ một chuyên gia người Pháp (ông Jean-François Hubert là cộng tác viên của nhà đấu giá Christie’s)” - ông Yên nói. Theo ông Yên, do đang chờ kết luận từ cơ quan điều tra nên chưa thể nói vụ này là “rửa tranh”. Theo thông tin từ giới chuyên môn, ông Jean-François Hubert (vốn là một chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á) đã chứng thực rất nhiều tranh giả mạo của Việt Nam cho nhà đấu giá Christie’s. Tuy nhiên, khi các họa sĩ Việt nhờ phía Christie’s xác nhận về ông Hubert thì nhà đấu giá này cho hay đã chấm dứt công việc với ông Hubert từ năm 2013. Hội đồng thẩm định từ Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cũng nêu ra ý kiến cần có hành động để ngăn chặn việc chứng nhận giả mạo trên của ông Hubert, tránh tiếp diễn những trường hợp khác. Có ý kiến cho rằng sự việc nêu trên xuất phát từ sự thiếu chuyên nghiệp, nghiệp vụ kém và sự vô trách nhiệm trong công tác thẩm định tranh triển lãm. TS Nguyễn Đình Đăng kể: Năm 2006, họa sĩ Yoshihiko Wada (66 tuổi) được tặng thưởng Giải thưởng Nghệ thuật của Bộ Văn hóa Nhật Bản nhờ các tác phẩm phản ánh cuộc sống đô thị ở Ý. Tuy nhiên, Bộ Văn hóa Nhật Bản đã quyết định thu hồi giải thưởng này ngay sau khi ông Wada bị tố cáo là đã sao chép các tác phẩm của họa sĩ Alberto Sughi, người Ý, 77 tuổi. Đồng thời với việc tước giải thưởng của Wada, Bộ Văn hóa Nhật còn sa thải toàn bộ các ủy viên hội đồng giải thưởng, thay thế bằng các chuyên gia mới. Theo Danviet.vn (Người Lao Động) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|