top-banner-2

Chủ nhật, 31/05/2015, 11:14 GMT+7

Những chi tiết vô lý trong phim cổ trang

Có những chi tiết vô lý thường xuyên lặp đi lặp lại trong phim cổ trang mà bạn thường không mấy khi để ý tới.

Thề sống chết cùng nhau nhưng luôn chỉ có 1 người chết

alt

Huynh đệ hảo hán nguyện sống chết có nhau nhưng luôn chỉ có 1 người chết (Ảnh: Phim 14)

Các hảo hán giang hồ trong phim cổ trang thường thề thốt: "Ta và huynh tuy không sinh cùng năm, cùng tháng, cùng ngày, nhưng thề sẽ chết cùng ngày, cùng tháng, cùng năm". Tuy nhiên luôn chỉ có một người chết, và người còn lại sẽ thề trả thù chứ nhất định không chết theo.

Ngã từ trên núi xuống chẳng bao giờ chết...

... Lại còn hay "vô tình" nhặt được bí kíp võ công, mà đặc biệt toàn là bí kíp đã thất truyền. Điều này đặc biệt đúng trong các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.

alt

Toàn ngã từ đỉnh núi thâm sơn cùng cốc nhưng các địa hiệp chẳng bao giờ chết (Ảnh: Forumdas) 

Nhân vật chính vốn yếu đuối sau khi ngã từ trên núi xuống và dùi mài bí kíp võ công thu lượm được sẽ có sức mạnh vô song, từ đó bắt đầu xưng bá giang hồ.

Dân đen nghèo khổ nhưng luôn thừa thức ăn để ném vào tử tù 

Trong phim cổ trang, những tử tù luôn bị giễu giữa phố để người dân ném rác rưởi vào người. Tuy nhiên, những người dân nghèo lại luôn ném thực phẩm như cà chua, trứng, rau... thay vì gạch đá dù vào thời phong kiến, thức ăn thường rất được quý trọng. Người dân sẵn sàng ném đi cái ăn để hạ nhục tử tù trong khi bản thân phải chịu đói.

Nhà nào cũng có rượu quý

alt

Trong phim cổ trang, nhà giàu hay nghèo đều có rượu quý (Ảnh: Yeah1) 

Điển hình là loại rượu Nữ Nhi Hồng. Đây là loại rượu cực quý với công thức chế biến phức tạp, công phu. Những cô gái trẻ chưa lấy chồng sẽ nhai nho, nhả nước ra sau đó bỏ xuống đất chưng cất hàng chục năm để có được rượu Nữ Nhi Hồng. Tuy nhiên trong phim cổ trang, loại rượu này xuất hiện ở tất cả các quán nhậu từ nhỏ tới lớn.

Đại hiệp thì phải ăn thịt bò

alt

Đại hiệp uống rượu luôn có đồ nhắm là thịt bò (Ảnh: Zing)

"Tiểu nhị, cho một đĩa thịt bò và một vò rượu Nữ Nhi Hồng" là câu nói thường nghe từ các đại hiệp trong phim cổ trang. Có vẻ như đã là đại hiệp giang hồ thì luôn có sở thích giống nhau thay vì chọn thịt gà, thịt lợn làm đồ nhắm.

Hàng "đồng giá" 1 lượng bạc 

Các đại hiệp giang hồ thường là những kẻ lang bạt, gia thế nghèo khổ, không nghề ngỗng, giúp người cũng không lấy tiền nhưng luôn hào phóng trong chuyện tiền bạc chẳng kém gì sở thích ăn uống. 

Họ luôn vứt 1 lượng bạc ra trả tiền ăn, mua rượu, kẹo, vải vóc... dù chẳng thấy cảnh họ kiếm tiền ở đâu bao giờ.

Thành thạo khinh công, bay nhảy giỏi nhưng toàn đi bộ...

... hoặc cùng lắm là đi ngựa.

alt

Hảo hán giỏi khinh công nhưng thích dùng ngựa cho... đỡ mệt (Ảnh: Yeah1) 

Các anh hùng hảo hán luôn nói mình là anh hùng trượng nghĩa, cứu người không cần suy nghĩ. Tuy nhiên họ chỉ dùng khinh công, bay nhảy trong lúc đánh nhau trên núi, còn cứu người thì chỉ dùng ngựa.

Một ngọn nến nhỏ chiếu sáng cả căn phòng lớn

alt

Một ngọn nến nhỏ là bừng sáng (Ảnh: Yeah1) 

Phim cổ trang thường chỉ sử dụng nến để chiếu sáng thay vì đèn dầu. Tuy vậy, cả căn phòng lớn có thể bừng sáng chỉ với một ngọn nến, và ánh sáng lại rất... ổn như đèn điện chứ không leo lét như ánh nến. Khi nến tắt, mọi người vẫn nhìn rõ nhau, thậm chí nếu thích khách xuất hiện thì kiểu gì cũng bị lộ mặt.

Cao thủ không cần tắm, khỏi cần đánh răng

alt

Anh hùng, nam nhi từ đầu tới cuối chỉ mặc một bộ quần áo (Ảnh: VnExpress) 

Trong phim cổ trang, các cao thủ thường lang bạt tứ xứ giang hồ, đánh nhau từ trên núi xuống đồng bằng, từ rừng rậm tới phố chợ, thậm chí chui vào hang núi bế quan luyện công nhiều tháng trời nhưng không bao giờ tắm rửa, giặt giũ. Thậm chí nhiều anh hùng còn mặc nguyên bộ quần áo rách rưới suốt nhiều năm liền. Sáng ngủ dậy họ cũng không bao giờ đánh răng.

Nữ nhi thay đồ xoành xoạch dù chỉ có một tay nải hành lý

alt

Nữ nhi trong phim cổ trang thay đồ xoành xoạch (Ảnh: Zing) 

Nam nhi phim cổ trang thường mặc một bộ quần áo từ đầu tới cuối phim, còn nữ nhi thì hoàn toàn ngược lại. Họ thường xuyên thay nhiều bộ đồ khác nhau qua từng ngày và bộ nào cũng sặc sỡ.

Cứ bị bắt là "mất hết sức lực"

Các đại hiệp sở hữu nội lực, sức mạnh vô song, đánh nhau phóng chưởng đổ nhà vỡ núi... nhưng cứ bị xích lại nhốt vào nhà giam là không cách nào thoát ra được.

Tự nhận mình là quân tử nhưng ích kỷ, thù rất dai

alt

"Quân tử trả thù, 10 năm chưa muộn" 

Các bậc quân tử hảo hán trong phim cổ trang có câu nói cửa miệng "Quân tử trả thù, 10 năm chưa muộn", chứng tỏ hảo hán Trung Quốc ngày xưa... thù rất dai. Thậm chí họ còn có những mối thù theo kiểu "cha truyền con nối", giết những kẻ thực chất chẳng thù oán gì với mình.

Không chỉ thù dai, quân tử trong phim cổ trang còn rất ích kỷ, thể hiện qua câu nói "Người không vì mình, trời tru đất diệt".

Đánh vào đâu cũng thấy hộc máu mồm

alt

Đánh nhau chỉ hộc máu mồm (Ảnh: Yeah1) 

Đánh vào bụng, bụng không bị thương nhưng hộc máu mồm. Đánh vào chân, chân không gãy nhưng hộc máu mồm. Đánh vào tay, tay không gãy nhưng hộc máu mồm. Các anh hùng trong phim cổ trang bị đả thương luôn chỉ hộc máu mồm.

Đao phủ chưa bao giờ "lỡ tay" chém nhầm người

Dường như mỗi đao phủ trong phim cổ trang đều có đôi tay mang bộ "thắng gấp" tức thì. Họ cứ vung đao xuống kề cổ tử tù mà nghe câu "Đao hạ lưu nhân" là ngay lập tức dừng lại được, chưa từng thấy ai quay lại hối tiếc nói câu "Tiểu nhân lỡ chém mất rồi" cả.

Theo Depplus.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Những chi tiết vô lý trong phim cổ trang

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3