Phim có 'cảnh nóng', dán mác 18+ sẽ không bị cắt xén khi ra rạp |
Ngay sau khi thông tư 12/2015/TT-BVHTTDL sửa đổi Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim kèm theo Quyết định 49/2008/QĐ-BVHTTDL được công chúng bày tỏ sự hoan nghênh trước dự thảo này. Kèm theo Thông tư này là Phụ lục tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi để các khán giả được thưởng thức những bộ phim hay một cách trọn vẹn hơn. Lâu nay, phim Việt chỉ cho ra rạp 2 mức đó là phim dành cho mọi lứa tuổi và phim không dành cho trẻ em dưới 16 tuổi. Việc này gây khó khăn không chỉ cho các nhà kiểm duyệt mà còn cho giới sản xuất và phát hành phim. Cũng bởi quy định cũ thiếu rõ ràng, các nhà làm phim không biết họ được thể hiện tới đâu đối với các yếu tố bạo lực, khỏa thân hay tình dục. Tuy nhiên, kể từ ngày 1.1.2017 Việt Nam áp dụng Bảng tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi mới gồm bốn mức: P - là loại phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng, C13 - là loại phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13, C16 - là phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16 và C18 - phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18. Việc phân loại phim dựa trên các tiêu chí về chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, khỏa thân, tình dục, ma túy, ngôn ngữ tục và tính chất kinh dị có trong tác phẩm điện ảnh. Đáng chú ý là ở hạng mục C18 thì chủ đề phải phù hợp với khán giả ở lứa tuổi trên 18, nội dung phim phản ánh những vấn đề của người trưởng thành, như các vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội, tâm lý, tội phạm tình dục nhưng phù hợp với nhận thức, tâm lý, sinh lý của khán giả trên 18 tuổi. Cảnh khỏa thân và cảnh bạo lực tình dục trong phim C18 phải phù hợp với nội dung tác phẩm, không được kéo dài hoặc lặp lại quá đà. Phim cấm trẻ em dưới 18 tuổi đã quy định rõ ràng là không chấp nhận hình ảnh khỏa thân hoàn toàn và nếu có thì phải phù hợp với tác phẩm, không được kéo dài hay lặp lại nhiều lần. Phim C18 chấp nhận các cảnh tả thực về bạo lực và đổ máu nhưng phải phù hợp ngữ cảnh tác phẩm. Ngoài ra, ngôn ngữ thô tục, ngôn ngữ nhạy cảm về văn hóa như lời chửi, câu rủa hoặc tiếng lóng, từ đệm gây phản cảm cho người xem có thể xuất hiện. Chính điều này đã gây chú ý cho dư luận vì lâu nay chủ đề về khỏa thân, tình dục là vấn đề nhạy cảm trong lĩnh vực điện ảnh và khi phải đối mặt với nó thì chúng ta phải có một quy chế rõ ràng. Cùng tiêu chí trên, các phim C16, C13 và P có mức độ mô tả bạo lực, tình dục, kinh dị, chất kích thích và gây nghiện, và ngôn ngữ tục tĩu phản cảm giảm dần, phù hợp với lứa tuổi. Riêng phim P (dành cho mọi lứa tuổi) không có cảnh bạo lực, cảnh khỏa thân, quan hệ tình dục, cảnh về sử dụng hoặc sản xuất chất kích thích, ma túy hoặc cảnh kinh dị gây sợ hãi cho trẻ em. Với những tiêu chí đã đề ra, có thể nhận thấy rằng công chúng ngày nay đang khá khoan dung đối với những bộ phim có chứa nhiều cảnh nóng. Thậm chí, có một nhà đạo diễn phim đã cho rằng chúng ta đang ở trong thời đại mà những hình ảnh khiêu dâm có thể dễ dàng tiếp cận hơn với công chúng và nó ảnh hưởng trực tiếp đến những gì mà khán giả muốn thấy. Ranh giới của những hình ảnh khiêu dâm và hình ảnh “nóng” gần hơn bao giờ hết. Vì vậy, việc đưa ra quy định một cách rõ ràng vừa để khuyến khích khán giả ủng hộ những bộ phim chất lượng, đồng thời cũng để các nhà quản lý dễ hơn trong việc quản lý hình ảnh một cách thuận tiện hơn trong những bộ phim đang rầm rộ được khai thác ở đề tài “nhạy cảm” như hiện nay. Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục điện ảnh đã cho biết: "Bảng phân loại phim này được làm dựa trên Bảng phân loại phim của Singapore. Mô hình phân loại phim của Singapore vừa cặn kẽ, vừa nghiêm, vừa mang tính chất Á Đông mà lại phù hợp với văn hóa Việt Nam". Ngoài dựa trên Bảng phân loại phim của Singapore, Cục điện ảnh cũng tham khảo các bảng phân loại của Mỹ, Anh và Australia để hoàn thiện. Theo Motthegioi.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|