top-banner-2

Thứ sáu, 26/07/2024, 17:18 GMT+7

Sự bùng nổ của các nhạc sĩ AI và những bản cover giả giọng

Sự phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất âm nhạc mang đến nhiều cơ hội mới mẻ, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức gay gắt về bảo vệ bản quyền âm nhạc và đạo đức nghệ sĩ.

su-bung-no-cua-cac-nhac-si-ai-va-nhung-ban-cover-gia-giong

Taylor Swift là nạn nhân của công nghệ AI bắt chước giọng hát - Ảnh: The Ringer

Trong hai năm trở lại đây, sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) đang len lỏi vào mọi khía cạnh của đời sống và ngành âm nhạc cũng không ngoại lệ.

Việc ứng dụng AI vào sản xuất âm nhạc mở ra nhiều tiềm năng, nhưng đồng thời cũng dẫn đến những tranh cãi gay gắt, khiến nhiều người e ngại về việc xung đột bản quyền dựa trên sự sáng tạo của con người.

Xung đột bảo vệ bản quyền âm nhạc AI

Hiện nay công nghệ AI có khả năng phân tích dữ liệu âm nhạc khổng lồ, bao gồm giai điệu, hòa âm, phong cách khác nhau của các nghệ sĩ.

Nhờ vậy, AI có thể tạo ra nhạc với nhiều thể loại, phong cách đa dạng. Một số công cụ AI phổ biến như: Amped Studio, Beepster, Mubert Studio, MuseNet, Soundraw…

Chúng cho phép cả người nghiệp dư cũng có thể sáng tác nhạc và lời bài hát trong vòng 10 giây bằng cách thu thập dữ liệu, sắp xếp nốt nhạc ngẫu nhiên, đưa ra hướng dẫn hoặc chọn từ các mẫu có sẵn.

Sự bùng nổ của các nhạc sĩ AI và những bản cover giả giọng- Ảnh 2.

Amped Studio cho phép người dùng sáng tác, sản xuất và thu âm ngay trên trình duyệt web - Ảnh: LDPlayer

Điển hình là Lee Bom - nhạc sĩ AI do Viện Khoa học và Công nghệ Gwangju phát triển. Theo The Korea Times, nhạc sĩ này có khả năng tiếp thu lý thuyết âm nhạc và sáng tác giai điệu chỉ trong vài giây.

Trong 6 năm, Lee Bom đã sáng tác 300.000 bài hát, bán được 30.000 bài và thu về 600 triệu won. Tuy nhiên, Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc (KOMCA) - nơi chi trả bản quyền cho 6 bài hát của Lee Bom - đã tuyên bố ngừng chi trả cho nhạc sĩ AI này.

Ngay tại Việt Nam, AI cũng đang xâm nhập vào lĩnh vực biểu diễn giọng hát của con người. Gần đây các bài hát “cover” do AI bắt chước giọng hát của các ca sĩ đã trở nên phổ biến trên TikTok và YouTube, thu hút hàng triệu lượt xem.

Đơn cử là vào tháng 3-2024, NSND Lệ Thủy đã bày tỏ sự bức xúc trước truyền thông khi một số người dùng sử dụng công nghệ AI bắt chước giọng bà để hát nhạc BlackPink, nhạc phim Thái Lan, Đại minh tinh của Văn Mai Hương… nhằm mục đích “câu view, câu like”.

Các nghệ sĩ Kpop như Jungkook (BTS), Baekhyun (EXO), Hanni (NewJeans)... cũng thể hiện thái độ bối rối trước làn sóng này.

Trả lời The Korea Times, luật sư Han Sang Eun nhận định: “Các bài hát cover do AI tạo ra không sao chép trực tiếp giọng hát của ca sĩ. Thay vào đó, chúng sử dụng công nghệ học sâu để tạo ra bản thu với độ tương đồng cao. Điều này khiến việc tranh luận về vi phạm theo luật hiện hành trở nên khó khăn”.

Nghệ sĩ phản đối AI bắt chước giọng hát

Sự phát triển của nội dung do AI tạo ra đã dấy lên nhiều lo ngại về vấn đề bảo vệ bản quyền. Các nghệ sĩ ngày càng lo lắng và có động thái phản đối về việc AI xâm phạm vào lĩnh vực sáng tạo của họ.

Vào tháng 3-2024, trên kênh YouTube cá nhân, ca sĩ Jang Yoon Jeong thất vọng chia sẻ: “Nếu AI có thể cover các bài hát, tại sao chúng ta còn cần phải thu âm? Họ chỉ cần bán các bản nhạc do AI tạo ra bằng giọng hát của chúng ta”.

Sự bùng nổ của các nhạc sĩ AI và những bản cover giả giọng- Ảnh 4.

Từ trái qua: Billie Eilish, Katy Perry và hơn 200 nghệ sĩ ký phản đối chỉ trích AI deepfake - Ảnh: Guardian

Theo The Guardian, vào tháng 4-2024, hơn 200 nghệ sĩ nổi tiếng trên toàn cầu (Billie Eilish, Nicki Minaj, Katy Perry, Smokey Robinson…) đã ký một bức thư từ Liên minh Quyền nghệ sĩ (Artist Rights Alliance).

Họ kêu gọi các công ty công nghệ cam kết không phát triển các công cụ AI có khả năng bắt chước hình dáng, giọng nói và âm nhạc của các nghệ sĩ.

Theo The Korea Times, Luật Bản quyền Hàn Quốc quy định rằng một tác phẩm được định nghĩa là một sản phẩm sáng tạo thể hiện tư tưởng và cảm xúc của con người.

Đối với các bài hát, bản quyền chỉ được cấp nếu bản thu âm được công nhận là tác phẩm và chỉ khi đó nó mới có thể được đăng ký với KOMCA. 

Âm nhạc do AI tạo ra không được công nhận là tác phẩm vì chủ thể sáng tác không phải “con người”.

Ngoài ra, việc sao chép và sử dụng trái phép giọng hát của ca sĩ cho mục đích thương mại có thể bị coi là hành vi xâm phạm các quyền này.

Hiện Việt Nam chưa có các điều luật riêng về bản quyền âm nhạc AI. Việc áp dụng luật vẫn còn nhiều thách thức, bao gồm việc xác định chủ sở hữu quyền tác giả, phân chia quyền lợi giữa con người và AI, đồng thời đảm bảo việc sử dụng tác phẩm AI một cách hợp lý và đạo đức.

Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI, việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi cho các nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc là điều cần thiết để khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực này.

(nguồn: tuoitre.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Sự bùng nổ của các nhạc sĩ AI và những bản cover giả giọng

 

hoa-moc-thien-2

miss-charm-2023

metro-sai-gon

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

bia-kndn