'The Black Phone' - nỗi ám ảnh từ kẻ bắt cóc giấu mặt |
Phim điện ảnh 'The Black Phone' mang lại cho khán giả cảm xúc hồi hộp, run sợ khi cùng nhân vật chính thoát khỏi tên sát nhân hàng loạt. The Black Phone (Điện thoại đen) chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên do con trai "ông hoàng tiểu thuyết kinh dị" Stephen King – Joe Hill sáng tác. Phim xoay quanh nhân vật chính là cậu bé nhút nhát Finney và cô em gái Gwen sống cùng bố trong một thị trấn nhỏ thuộc Bắc Denver, Mỹ năm 1978. Lúc này, trong khu vực xảy ra hàng loạt vụ trẻ em mất tích bí ẩn. Giới chức trách cho rằng người đứng sau toàn bộ sự việc là một nhân vật được đặt mật danh Kẻ Bắt Cóc, song vẫn không thể tìm ra danh tính cũng như bước đi của hắn. Sau khi bạn bè xung quanh Finney lần lượt biến mất, cậu chính là nạn nhân tiếp theo của Kẻ Bắt Cóc. Lúc bị nhốt trong căn hầm cách âm của gã, Finney nhận được những cuộc gọi bí ẩn từ các nạn nhân trước của hắn thông qua chiếc điện thoại đen đã đứt cáp trong buồng. Đó là chìa khóa giúp Finney thoát khỏi căn hầm đen tối. Cùng lúc đó, trong thị trấn, bằng năng lực tâm linh của mình, cô em gái Gwen đang phối hợp với cơ quan điều tra để giải cứu anh trai mình. Được định danh là phim kinh dị nhưng The Black Phone lại là tác phẩm tổng hòa của nhiều thể loại. Mở đầu, phim giới thiệu đến khán giả hoàn cảnh sống của các nhân vật và môi trường học đường tại Mỹ những năm 1970, mang đậm màu sắc của các tác phẩm về tuổi trưởng thành (coming-of-age). Sau đó, khi biến cố đầu tiên xảy ra, bộ phim rẽ hướng sang thể loại trinh thám (crime, mystery). Bên cạnh những cuộc gọi mang đậm tính siêu nhiên (supernatural) là hành trình sinh tồn trong căn hầm tối của Finney (survival). Cuối cùng, tinh thần của thể loại giật gân (thriller) bật lên với màn mèo vờn chuột giữa Kẻ Bắt Cóc và Finney khiến người xem nghẹt thở. Dù vậy, bộ phim không bị biến thành một "nồi lẩu thập cẩm" tạp nham và hời hợt. Trong 102 phút, thời gian dành cho từng thể loại được phân bố một cách hợp lý, vừa vặn. The Black Phone khai thác nỗi sợ của khán giả thông qua nội dung câu chuyện và không khí bộ phim hơn là lạm dụng các pha hù dọa. Những màn jump scare được tiết chế nhưng vẫn tạo được hiệu quả. Từ đầu, các nhà làm phim dành phần lớn thời lượng để xây dựng bối cảnh, thiết lập câu chuyện. Cách làm này khiến mạch phim trở nên chậm nhưng lại có tác dụng tích lũy và bồi đắp cảm giác sợ hãi nơi người xem. Ngoài ra, đây cũng là thời lượng đủ để tác phẩm giới thiệu nhân vật chính, tạo nên sự gắn kết giữa nhân vật và khán giả. Khi mối quan hệ đã đủ vững, biến cố xảy ra, bộ phim đạt được hiệu quả cao khi chơi đùa với sự lo lắng của người xem dành cho nhân vật chính. Ở nhiều thời điểm, Finney hành động đúng với suy nghĩ của khán giả nhưng lại thất bại, khiến tia hy vọng vừa lóe lên lại vụt tắt.
Tài tử Ethan Hawke gieo rắc nỗi sợ trong vai Kẻ Bắt Cóc giấu mặt. The Black Phone đánh dấu sự hợp tác trở lại của bộ ba đã tạo nên thành công cho bộ phim kinh dị Sinister từng nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình: đạo diễn Scott Derrickson, biên kịch C. Robert Cargill và nam diễn viên Ethan Hawke. Ở lần tái hợp này, Ethan Hawke hóa thân thành Kẻ Bắt Cóc. Giấu gương mặt sau lớp mặt nạ xuyên suốt thời lượng phim, nam diễn viên gieo rắc nỗi sợ hãi cho khán giả bằng chuyển động hình thể linh hoạt, uyển chuyển cùng giọng nói man rợ, khiến người xem rợn người mỗi khi nhân vật này xuất hiện. Ethan Hawke đã biến Kẻ Bắt Cóc trở thành một trong những biểu tượng kinh dị mới của điện ảnh thế giới. Cộng hưởng với lối trình diễn của Ethan là màn chào sân điện ảnh ấn tượng của Mason Thames trong vai Finney. Giữ vai trò dẫn dắt bộ phim, Mason thể hiện tròn trịa hình ảnh một cậu bé nhút nhát, thường xuyên bị bạo hành nhưng vẫn mang nội lực phi thường khi chống trả Kẻ Bắt Cóc. Xuyên suốt tác phẩm, đôi mắt cậu luôn toát lên nỗi khát khao vượt lên số phận và khát vọng chiến thắng cái ác. Trong khi đó, Madeleine McGraw tạo được thiện cảm với người xem khi hóa thân thành cô em gái Gwen có cá tính mạnh. Trái với người anh Finney, Gwen bộc trực, luôn nêu lên quan điểm cá nhân và sẵn sàng bảo vệ anh mình trước những tên bắt nạt. Xây dựng nhân vật tốt kết hợp với màn tương tác chân thực giữa hai diễn viên nhí, The Black Phone khiến khán giả tin, yêu mến và lo lắng cho bộ đôi này, kể cả khi cả hai không xuất hiện cùng nhau.
Hai diễn viên nhí Mason Thames và Madeleine McGraw ghi điểm về diễn xuất. Ngoài ra, The Black Phone được đánh giá cao về âm thanh và thiết kế sản xuất. Hình ảnh cổ điển kết hợp với hiệu ứng âm thanh nặng, dồn dập tạo nên bầu không khí rùng rợn cho tác phẩm. Phim gợi nhắc nhiều tác phẩm kinh dị kinh điển của Mỹ ra mắt thập niên 1970. Không chỉ tái hiện chân thực hình ảnh nước Mỹ lên phim, The Black Phone còn kể lại câu chuyện và các vấn đề nhức nhối tồn tại trong lòng xứ sở cờ hoa lúc bấy giờ. Đó là giai đoạn những kẻ bắt cóc và sát nhân hàng loạt trở thành nỗi ám ảnh trong lòng nhiều người dân nước Mỹ. Hillside Strangler hay Son of Sam đều là những cái tên thường xuyên được kể lại và trở thành cảm hứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh, phim tài liệu đến tận ngày nay. Nhân vật Kẻ Bắt Cóc trong The Black Phone cũng mang dáng dấp của John Wayne Gacy, tên sát nhân từng gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nhiều trẻ em và phụ huynh giai đoạn 1972-1978. Dù xuyên suốt The Black Phone tràn ngập hình ảnh bạo lực, đến cuối cùng bộ phim khép lại bằng những thông điệp tích cực, tươi sáng về tình cảm gia đình cũng như nỗ lực tìm kiếm sức mạnh và niềm tin của mỗi cá nhân ngay trong tình huống tuyệt vọng nhất. Phim hiện chiếu rạp toàn quốc. Theo Đỗ Hoàng/ngoisao.net-28/6/2022 Link nguon:https://ngoisao.vnexpress.net/the-black-phone-noi-am-anh-tu-ke-bat-coc-giau-mat-4480709.html Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|