Thị trường Việt mở ngõ với phim nghệ thuật 18+ |
Không khó để nhận ra, thị trường phát hành & phổ biến phim tại Việt Nam gần đây bỗng trở nên sôi động hẳn lên với các phim được phân loại ở cấp độ C18. Ngoài các phim giải trí thông thường, phim nghệ thuật với “nhãn 18+” cũng lần lượt xuất hiện, “đổi gió” cho thị hiếu quen thuộc của khán giả trong nước. Từ sự đổi mới của thị trường phim chiếu rạp... Luồng gió mới này đã được các phương tiện truyền thông cùng công chúng đồng loạt ghi nhận, kể từ khi Bộ Văn hóa, Thể Thao Du lịch và Cục Điện ảnh Việt Nam thông qua bảng tiêu chí phân loại phim theo phương cách mới, chính thức có hiệu lực từ 01/01/2017. Đặc biệt là với việc bổ sung cấp độ C18 (cấm phổ biến đến khán giả dưới 18), thị trường phát hành & phổ biến phim tại Việt Nam cũng liên tục “chào sân” với các bộ phim ngoại nhập “nhãn 18+”. Điều thú vị là cùng với các phim “bom tấn 18+” vì có các yếu tố liên quan bạo lực hoặc tính dục, vốn dĩ luôn là dòng phim quen thuộc ở thị trường Việt đến từ Hollywood, mới gần đây các rạp chiếu Việt bắt đầu có thêm dòng phim nghệ thuật “nhãn 18+” đến từ các Liên hoan phim danh tiếng trên thế giới, với ngôn ngữ điện ảnh chuyên ngành xem chừng rất “hack não” với khán giả đại chúng trong nước. Bộ phim “Personal Shopper” (tựa tiếng Việt: “Trợ lý thời trang”) là một phim tiêu biểu như thế, trong dòng phim nghệ thuật hiếm hoi được trình chiếu chính thức tại thị trường Việt, nhất là với “nhãn 18+”. Đây là một phim được hợp tác sản xuất từ Pháp & Đức, có ngôn ngữ thoại bao gồm 3 thứ tiếng là Anh- Pháp- Thụy Điển. Phim “Personal Shopper” đã được đề cử cành Cọ Vàng danh giá, chiến thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2016. “Personal Shopper” cũng được xem như là phim Cannes nhãn 18+ đầu tiên đến Việt Nam, đồng thời cũng chính là phim 18+ đầu tiên không cắt bất kỳ cảnh nào khi phát hành & phổ biến tại các rạp chiếu Việt, do BHD phụ trách phát hành (khởi chiếu tại Việt Nam từ 24/02/2017, trước thị trường Mỹ, với lịch công chiếu chính thức từ 10/03/2017). Hẳn nhiên, với đề tài cốt lõi là những phân vân tự vấn trong hành trình kiếm tìm về tâm linh, đạo diễn Olivier Assayas dường như cũng đã ít nhiều gây khó cho việc tiếp cận và giải mã tác phẩm điện ảnh được bảo chứng từ Cannes này, bất kể là bộ phim có sự tham gia diễn xuất của ngôi sao nữ Kristen Stewart, vốn dĩ cũng khá quen thuộc với khán giả Việt thông qua loạt phim “Twilight” đình đám với tuổi teen khắp thế giới, thuộc dòng phim Chick Flick (phim dành cho phụ nữ). Ngay cả với các cảnh khỏa thân đầy táo bạo của Kristen Stewart được giữ nguyên không cắt trong phim này, khi phát hành & phổ biến tại Việt Nam với nhãn 18+, có thể thấy người xem trong nước vẫn không dễ dàng “chạm” vào được ngôn ngữ điện ảnh đích thực của tác phẩm lớn này, dưới lớp áo “che thân” thường thức đã được những người làm phim “lột bỏ” một cách biểu trưng, nhằm dẫn dắt người xem mở lòng tìm hiểu và tiệm cận với thế giới tâm linh trong câu chuyện phim. …đến thị trường xem phim theo yêu cầu Cho dẫu khán giả đại chúng tại Việt Nam vẫn chưa thực sự sẵn sàng tiếp nhận các phim “khó xem”, trong cùng thời điểm này, các kênh xem phim theo yêu cầu (Video on demand/ VOD) tại Việt Nam như Danet của BHD cũng đã mạnh dạn thể nghiệm việc đẩy mạnh giới thiệu dòng phim nghệ thuật, chủ yếu đến từ các Liên hoan phim nghệ thuật thuộc hàng danh tiếng xưa giờ trên thế giới. Cùng với thuộc tính khám phá tận cùng ngôn ngữ nghệ thuật điện ảnh và đời sống, các bộ phim nghệ thuật được Danet chọn lọc này hầu hết đều được các tổ chức lớn trên thế giới như Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (Motion Picture Association of America/ MPAA) xếp loại R. Nhãn R (Restricted) theo MPAA là Phim có giới hạn người xem, mức phân loại phim này được xem như là tương đương với “nhãn 18+” tại Việt Nam. Nocturnal Animals Khởi chiếu trên Danet từ 22/02/2017 Diễn viên: Amy Adams, Jake Gyllenhaal, Michael Shannon… Quốc gia sản xuất: Mỹ Thời lượng: 116 phút Phân loại phim: 18+ Được đạo diễn bởi Tom Ford, cựu giám đốc sáng tạo của hai thương hiệu thời trang lớn Gucci và Yves Saint Laurent, bộ phim “Nocturnal Animals” có một mỹ cảm riêng biệt hiếm thấy trên màn ảnh thế giới, như với cảnh khỏa thân gây sốc ngay từ đầu phim. Ngoài sự trau chuốt cho phục trang của các nhân vật trong câu chuyện phim theo cách thức tinh tế hết mức có thể, Tom Ford còn có đội ngũ cộng sự thân thuộc từ hồi làm phim đầu tay “A Single Man” năm 2009, cũng thuộc hàng danh tiếng trong nghề ở Hollywood: Nhà thiết kế trang phục Arianne Phillips đã từng 2 lần được đề cử Oscar, nhà soạn nhạc Abel Korzeniowski người Ba Lan cũng đã nhận được 2 đề cử Quả Cầu Vàng. Điều thú vị là tính đến hiện nay thì Tom Ford mới chỉ thực hiện vỏn vẹn 2 phim, nhưng cả 2 phim đều nhận được đề cử Sư Tử Vàng tại LHP Venice. Ngoài vai trò đạo diễn, Tom Ford cũng tự tay viết kịch bản và phụ trách sản xuất cho 2 phim này của mình, ngay từ lúc vừa đặt bước chân vào “ngôi đền thiêng” của điện ảnh. Đây cũng là một hiện tượng khá kỳ lạ và gây ấn tượng mạnh với các tín đồ điện ảnh trên thế giới, với chân dung có phần “dị giáo” tại các LHP quốc tế, được khắc họa nên bởi một nhà thiết kế thời trang với danh vọng lừng lẫy sẵn có và đồng tính công khai. “Nocturnal Animals” được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết “Tony and Susan” (1993) của Austin Wright, phim đã nhận được đề cử Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất; trước đó cũng đã có 2 đề cử Quả Cầu Vàng trong hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản xuất sắc nhất. The Birth of a Nation Khởi chiếu trên Danet từ 22/02/2017 Diễn viên: Nate Parker, Armie Hammer, Penelope Ann Miller… Quốc gia sản xuất: Mỹ Thời lượng: 120 phút Phân loại phim: 18+ Là câu chuyện đầy tính sử thi về Nat Turner, một người nô lệ biết chữ đã dẫn đầu một cuộc nổi loạn phá bỏ xiềng xích nô lệ ở bang Virginia (Mỹ) vào năm 1831. Bộ phim cũng đồng thời chạm đến vấn đề phân biệt chủng tộc cố hữu của nước Mỹ, liên quan đến những thành viên của đảng Ku Klux Klan (KKK) một thời, vốn dĩ là hội kín với tôn chỉ khủng bố người da màu tại Mỹ. Khi trình chiếu ra mắt tại Liên hoan phim Sundance 2016, bộ phim “The Birth of a Nation” đã được hãng Fox Searchlight Pictures mua bản quyền phát hành trên toàn thế giới với mức thỏa thuận 17,5 triệu USD, được xem là thỏa thuận thương mại lớn nhất từng có trong lịch sử của Liên hoan phim Độc lập này cho đến nay. “The Birth of a Nation” (2016) này cũng chính là bản phim làm lại (remake) của bản phim kinh điển cùng tên, vào năm 1915, từ đạo diễn D.W. Griffith (1875–1948), người từng thực hiện 520 phim trong suốt sự nghiệp làm nghề của mình (trong đó có khoảng 500 phim ngắn). “The Birth of a Nation” (1915) dù là bản phim câm (Silent) và là bản phim Đen- Trắng (Black and White), thế nhưng đấy cũng chính là một trong những bộ phim quan trọng hàng đầu của lịch sử điện ảnh thế giới khi tạo nên nhiều cột mốc về kỹ thuật làm phim, là bộ phim tiên phong trong việc ứng dụng các động tác máy và những kĩ thuật dựng phim vẫn còn được sử dụng đến ngày nay. American Honey Khởi chiếu trên Danet từ 01/03/2017 Diễn viên: Sasha Lane, Shia LaBeouf, Riley Keough… Quốc gia sản xuất: Anh & Mỹ Thời lượng: 163 phút Phân loại phim: 18+ Từng được biết đến với tác phẩm “Đồi gió hú” (Wuthering Heights, đề cử giải Sư Tử Vàng tại LHP Venice 2011), vốn dĩ là tiểu thuyết duy nhất của nữ nhà văn Emily Brontë và được xuất bản lần đầu năm 1847, nữ đạo diễn Andrea Arnold người Anh lại tiếp tục nhận được đề cử Cành Cọ Vàng và đồng thời chiến thắng Giải Thưởng Lớn của Ban giám khảo tại LHP Cannes 2016, cùng bộ phim mới nhất của mình: “American Honey”. Trước đó, Andrea Arnold đã từng 2 lần nhận được đề cử Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes với 2 phim liên tiếp của mình, ngay từ lúc vừa gia nhập làng điện ảnh, sau khi đã thực hiện các phim ngắn và phim truyền hình 1 tập. “American Honey” là phim điện ảnh thứ 4 của người nữ đạo diễn 55 tuổi này, được bà lấy cảm hứng khi đọc một bài viết trên báo New York Times về những thanh niên bụi đời đi khắp nước Mỹ để rao bán tạp chí dạo. Nhân vật chính của câu chuyện phim là Star, cô gái nhỏ sống ở Oklahoma trong cảnh nghèo khó. Một ngày, cô nhập bọn với một nhóm thanh niên bụi đời, cùng rong ruổi với nhau ở khắp nước Mỹ trong một hành trình vô định. Họ chung sống như bầy đàn nguyên thủy, hoan lạc bất tận cùng thuốc lá, rượu và tình dục. Một tuổi trẻ nổi loạn đã được Andrea Arnold khắc họa đậm nét, hoang hoải, khắc khoải và đầy sức ám ảnh, với cách thức ghi hình chân thực gần như tài liệu về đời sống thật. Christine Khởi chiếu trên Danet từ 01/03/2017 Diễn viên: Rebecca Hall, Michael C. Hall, Tracy Letts… Quốc gia sản xuất: Anh & Mỹ Thời lượng: 119 phút Phân loại phim: 18+ Là câu chuyện người thật việc thật về cuộc đời Christine Chubbuck (1944–1974), một nữ phóng viên truyền hình hồi năm 1970 đã phải vật lộn với chứng trầm cảm cùng nỗi thất vọng nghề nghiệp, khi cô cố gắng thúc đẩy sự nghiệp của mình. Đạo diễn trẻ Antonio Campos sinh năm 1983 đã cho thấy sức thấu cảm mãnh liệt của mình với đời sống, trong chỉ vài bộ phim điện ảnh đã được thực hiện. Từng 2 lần nhận được đề cử Giải Thưởng Lớn của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Độc lập Sundance, 3 lần tranh giải Phim truyện dài xuất sắc nhất tại Giải thưởng Tinh thần Phim Độc lập, và cũng đã từng nhận được 4 đề cử ở 4 hạng mục khác nhau tại Liên hoan phim Cannes, đạo diễn Antonio Campos hẳn nhiên sẽ còn tiếp tục khiến cho các Liên hoan phim quốc tế phải để ý trong nhiều năm sắp tới. Bộ phim “Christine” là một dấu ấn khắc họa khá rõ nét về cá tính sáng tạo của người đạo diễn gốc New York này. Mai Ngọc * Nội dung được Trường Sơn Media thực hiện theo GPKD Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|