Trang Mỹ Dung tiết lộ sự thật tính cách cố nhạc sĩ Minh Kỳ |
Trang Mỹ Dung nghẹn ngào hát “Chuyện ba mùa mưa” tặng người thầy quá cố Minh Kỳ, NSƯT Vân Khánh than phiền tính cách “khó đỡ” của Thái Châu trong chương trình Hãy Nghe Tôi Hát – Nhạc sĩ chủ đề. Là nữ danh ca của dòng nhạc trữ tình, nổi tiếng với những ca khúc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Trúc Phương, Lam Phương, Nguyễn Văn Tý..., Trang Mỹ Dung rất ít nhận lời tham gia các show ca nhạc. Song, bà luôn đồng hành với những chương trình thiện nguyện mang ý nghĩa cộng đồng hay làm giám khảo khách mời cho các cuộc thi âm nhạc như Hãy Nghe Tôi Hát – Nhạc sĩ chủ đề. Với vai trò giám khảo khách mời, bà xúc động chia sẻ những kỷ niệm về người thầy Minh Kỳ. Theo như trí nhớ của bà, ông là người vui vẻ, dễ tính, rất thương học trò. “Những ngày tôi đi học trong lớp nhạc của bộ ba nhạc sĩ Lê Minh Bằng, thầy Minh Kỳ lúc nào cũng cười vui, không bao giờ la học trò của mình. Ba người thầy từng viết cho tôi ca khúc “Chuyện ba mùa mưa” có âm điệu trữ tình hòa với lời bài hát mang đầy tính tự sự, êm dịu một nỗi buồn man mác, nhạc phẩm nhanh chóng được thính giả đón nhận. Tôi đã trình bày rất nhiều nhạc phẩm với nhiều chủ đề khác nhau, của nhiều nhạc sĩ tài danh, nhưng khán thính giả vẫn luôn nhắc đến Trang Mỹ Dung với nhạc phẩm Chuyện ba mùa mưa”, Trang Mỹ Dung nói. Với cảm xúc lâng lâng xúc động, nữ ca sĩ hát “mộc” ca khúc Chuyện ba mùa mưa để tặng người thầy quá cố Minh Kỳ. Bà tâm sự ngoài lượng khán giả trung niên biết đến thế hệ ca sĩ trước đây, bà khá bất ngờ và hạnh phúc khi có rất nhiều khán giả trẻ yêu mến mình. Họ am hiểu và có tinh thần gìn giữ nhạc xưa. Đó cũng là động lực để bà mang tiếng hát đến với khán giả hàng đêm. Từ lúc đi hát đến nay đã 50 năm, có thời điểm trăn trở ngày nào đó sẽ rời xa sân khấu nhưng với sự thương mến của mọi người, hiện tại bà sẽ cố gắng gìn giữ giọng hát trời cho để phục vụ khán giả. Ca sĩ Trang Mỹ Dung tên thật là Trương Thị Mỹ Dung, sinh năm 1951 tại Phan Thiết, trong một gia đình công chức theo đạo Phật. Tên tuổi Trang Mỹ Dung gắn liền với ca khúc Chuyện ba mùa mưa. Bà được mệnh danh là giọng ca Giọt buồn trong mưa bởi hàng loạt sáng tác về mưa thuộc dòng nhạc Bolero. Sau 1975, Trang Mỹ Dung nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả cho các ca khúc trữ tình cách mạng như: Câu hò bên bến Hiền Lương, Anh ở đầu sông em cuối sông... Trong đêm thi thứ 5 của Hãy Nghe Tôi Hát – Nhạc sĩ Minh Kỳ, các thí sinh Đào Ngọc Sang, Triệu Long, Tuấn Nghĩa, Hà Thúy Anh, Ngọc Trâm, Bảo Hân không chỉ trình bày lại các sáng tác của Minh Kỳ mà còn thực hiện thử thách từ ca sĩ Trang Mỹ Dung đặt ra: “kể câu chuyện gắn liền với hình ảnh người phụ nữ trong âm nhạc của Minh Kỳ”. Trailer Hãy Nghe Tôi Hát – Nhạc sĩ chủ đề (Minh Kỳ) Một khách mời đặc biệt xuất hiện trong Hãy Nghe Tôi Hát – Nhạc sĩ chủ đề, NSƯT Vân Khánh với gần hai mươi năm tham gia hoạt động ca hát chuyên nghiệp. Vân Khánh ghi dấu ấn trong lòng công chúng những album về Huế: Huế ngày trở về, Nhớ Vỹ Dạ đò trăng, Thương mãi câu hò, Thương Huế mùa đông, Huế xưa, Huế bây chừ... Trong đêm thi, cô chia sẻ bất ngờ về danh ca Thái Châu. Là ca sĩ đàn anh của thế hệ trước, Vân Khánh ngưỡng mộ giọng hát của anh nhưng sau này anh trở về nước cô mới có dịp được đứng cùng anh trên một sân khấu. “Vân Khánh và Thái Châu có một lần song ca trong một sự kiện tại Nhà hát lớn Hà Nội. Anh thân thiện nhưng hay đùa giỡn khiến tôi khá bất ngờ. Lần đầu tiên tiếp xúc, tính tôi khá e dè nhưng anh lại đùa giỡn rất nhiều. Khi hai anh em đã làm việc thân thiết, tôi khám phá ra Thái Châu là một con người vui tính, thích trêu đùa mọi người”, Vân Khánh nói. Vân Khánh quý Thái Châu vì sự hòa đồng, đầy trách nhiệm trong công việc. Mỗi lần ca sĩ đàn em hay thí sinh hát, anh đều nhắc nhở họ phải chăm chút tỉ mỉ cho ca khúc, phải tìm được điểm chính để truyền cảm xúc. Đây là điều cô nể phục, đáng học hỏi từ đàn anh và cũng rút ra cho bản thân những kinh nghiệm khi hát. NSƯT Vân Khánh than phiền tính cách “khó đỡ” của Thái Châu Đi hát, gặp được nhiều đàn em và khán giả, đôi lúc nhiều khán giả hỏi cô hiện đang ở Huế hay Sài Gòn. Nữ ca sĩ thổ lộ cô buồn vì câu hỏi vì đã Nam tiến từ năm 1998 nhưng cô phải xem lại bản thân bởi thời đại công nghệ bùng nổ mà vẫn có nhiều khán giả hỏi “Vân Khánh đang ở Huế hay ở Sài Gòn?” “Thời mà chương trình truyền hình còn thống trị cả làng giải trí, gameshow hay chương trình thực tế chưa bùng nổ, Vân Khánh xuất hiện khá nhiều. Sau này, Vân Khánh ít xuất hiện hơn cộng với bản thân không ồn ào, hay thường xuyên đưa hình ảnh cá nhân lên trang mạng để mọi người bàn luận nên thế hệ trẻ hay một vài ca sĩ trẻ ngày nay không biết Vân Khánh là ai?, Vân Khánh ngậm ngùi nói. Nữ ca sĩ một lần nữa nhấn mạnh cô sinh ra ở Huế, gốc cha mẹ ở Quảng Trị và đến mảnh đất miền Nam lập nghiệp đã được 21 năm. Nơi đây chắp cánh cho cô phát triển niềm đam mê ca hát, cho cô cuộc sống ổn định, sung túc bên cạnh gia đình nhỏ và lớn. NSƯT Vân Khánh buồn lòng khi khán giả không biết “Vân Khánh là ai?” Tiết lộ về cuộc sống thường ngày, nếu một ngày không có chương trình, Vân Khánh dành hầu hết thời gian thu âm tại phòng thu của cô. Việc đi hát, thu âm bền bĩ ngày ngày qua ngày khác giúp cô có công việc và thu nhập ổn định. Cô cố gắng giữ vững phong độ, vóc dáng và không ngừng đầu tư vào giọng để bản thân không thụt lùi, rơi vào quên lãng. Hãy Nghe Tôi Hát tập 5 - Nhạc sĩ Minh Kỳ sẽ phát sóng vào lúc 21 giờ thứ tư ngày 31/7/2019 trên kênh THVL1. Chương trình do Đài Truyền hình Vĩnh Long phối hợp cùng Jet Studio thực hiện. Ảnh: Hoàng Khôi * Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|