top-banner-2

Thứ tư, 04/09/2013, 09:34 GMT+7

Vietnam’s Next Top Model 2013: Nhảm!

Vietnam’s Next Top Model 2013, là cuộc thi tìm kiếm người mẫu Việt. Thật ra, sau cái dạo mấy anh làm thành viên Ban giám khảo của cuộc thi, một hôm đẹp trời mặc váy, ngồi bắt tréo chân, đánh giá các thí sinh vào năm 2012, tôi đã gần như thôi hẳn ý định theo dõi chương trình này.

Một phần là do nệ cổ, không quen được cái kiểu đàn ông mặc váy. Phần còn lại, cách đốp chát của giám khảo đối với thí sinh khiến tôi có cảm giác như phường tôm cá mắng nhau, mà tôi thì không quen kiểu đó.Tất nhiên, lấy cái mình không thích để phản bác một chương trình truyền hình thực tế là không hay, nên tốt nhất là im lặng.

Thế nhưng, với những chiêu nhảm nhí của Vietnam’s Next Top Model 2013 đã tung ra, xuất hiện đầy rẫy trên truyền thông, thì có lẽ, chương trình này đang đùa quá đà. Nhất là khi nhà sản xuất chương trình này, rước sang Việt Nam một anh (mà rất giống chị) người Úc có tên Adam Williams, được giới thiệu là chuyên gia đào tạo catwalk nổi tiếng gì gì đó đảm nhiệm vai trò thành viên giám khảo.

Vị giám khảo nam đầy… nữ tính

Các chương trình giải trí ở nước mình, lẫn người hoạt động trong làng giải trí đều có thói quen "nói một tấc lên trời". Sử dụng ngôn ngữ bình dân, gọi là "nổ bạt mạng". Nổ đến độ, vác tiền sang tận Mỹ, ném cho gã bầu show người Việt lấy một cái danh hiệu ba lăng nhăng về Việt Nam hù… đại gia. Nổ đến mức, sang Thái để cò kè giá cả cuộc vui thì bảo là đọ nhan sắc với hoa hậu này kia kia nọ. Nổ đến độ, một gã tú ông mặt non choẹt giới tính trăm phần trăm là cong (!) suốt ngày được xưng phiên hiệu "ông trùm chân dài".

Adam Williams tạo dáng bên Nam Trung.

Nổ mãi thành thói quen, tay ma cô cũng được tụng là tiến sĩ văn hóa. Anh chàng lạ mặt nào đó ở nước ngoài về, nổ phát thành siêu mẫu. Cậu nhóc đóng vài phim, nổ là có nhà triệu đô, hóa ra là nhà mượn… Cũng không có sao, một cô gái từ chối gốc gác của mình, nói dối cao thủ hơn cả cuội vẫn còn được làm đại sứ… thì chuyện gì lại không thể xảy ra.

Nói vậy để minh chứng cái chuyện, Adam Williams có phải là chuyên gia hàng đầu của Úc về đào tạo catwalk không thì ai mà biết được. Chuyện ngoài biên giới, thấy giới thiệu sao thì tin vậy, như là một cách thể hiện sự lịch sự. Mặc cho, sự tự nhiên thái quá của Adam Williams khi xuất hiện khiến cho tôi cảm thấy rất phản cảm.

Đầu tiên, Adam Williams mặc một bộ đồ màu vàng, đi giày cao gót. Tiếp đến, Adam Williams mặc quần ngố đỏ đi giày bệt màu da beo, từa tựa của phụ nữ… Xong phần ăn mặc, Adam Williams bắt đầu biểu diễn. Adam Williams ưỡn ẹo, Adam Williams bò trên sàn, Adam Williams tạo dáng nũng nịu, Adam Williams giật nón của thí sinh, Adam Williams vẫy tay rất duyên đuổi thí sinh về…

Đại khái, những hành động của Adam Williams phần nhiều đầy nữ tính và vô cùng... mềm mại.

Tất nhiên, tôi không bàn về vấn đề giới tính, bởi đó là chuyện của cá nhân. Và bất cứ trong xã hội nào, thì giới tính là chuyện mà cá nhân hoàn toàn được tự do bày tỏ, luật không cấm điều này còn đám đông có tán thành hay không lại là chuyện khác.

Nếu Adam Williams ở quốc gia, nơi mà anh ấy đang sinh sống, chắn chắn những hành động của anh ấy sẽ trở nên vô cùng duyên với khán giả xem truyền hình. Nhưng, đây là Việt Nam.

Một quốc gia, luôn có những quy chuẩn riêng về mặt đạo đức. Và các phương tiện truyền thông (Đặc biệt, là Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam - VTV) có nhiệm vụ tiên phong trong việc giữ gìn, bảo toàn và phát huy các giá trị tinh thần đậm nét Việt Nam. Trong các giá trị tinh thần của người Việt, chắc chắn không có chỗ cho một gã nửa đàn ông, nửa phụ nữ hợm hĩnh diễn trò. Bất chấp, trò đó có vui hay không(?!). Bạn không thể xồng xộc xông vào nhà người khác, xong ép chủ nhà phải khen ngợi bạn vì "ở nước tôi, dân của tôi khen hành động của tôi dữ lắm". Dân của nước bạn khen, thì bạn về nước bạn mà diễn đi, chứ ở đây mà lảm nhảm mãi để làm gì. Cuộc thi tìm kiếm người mẫu chứ có phải là... xiếc khỉ đâu mà toàn là những trò múa rối.

Thế nên, theo cá nhân tôi thì đã đến lúc lãnh đạo của Đài Truyền hình Việt Nam nên cân nhắc lại một cách nghiêm túc việc cho phát sóng chương trình Vietnam’s Next Top Model 2013, với sự xuất hiện của Adam Williams, là có phù hợp với đời sống văn hóa của Việt Nam. Không ai có thể chối bỏ được sự ảnh hưởng của các nhân vật hợm hĩnh trên sóng truyền hình. Một dạo, các cô nàng mới lớn nhuộm tóc nâu, đánh môi son bầm đen... Các anh chàng uốn tóc quăn, đeo kính cận… rập khuôn các diễn viên Hàn Quốc ít nhiều đã cho thấy sự thiếu chủ động trong việc giữ gìn nét văn hóa riêng của các đài truyền hình. Và nếu Vietnam’s Next Top Model được lên sóng của VTV đúng dự kiến vào tháng 10 này, lồng trong chương trình ấy là những màn nhố nhăng của  Adam Williams, tôi thật sự không hiểu cảm giác của những khán giả xem đài sẽ ra sao(?!).

Tất cả các chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam, đều được mua phiên bản từ nước ngoài. Để phù hợp hơn với các quy chuẩn đạo đức riêng biệt của mỗi quốc gia, những chương trình này sẽ được thương thảo giữa bên mua và bên bán, để cân đối về nội dung sao cho hợp lý nhất. Ở Vietnam’s Next Top Model 2013, hình như người ta "kém tắm" đến độ không quan tâm đến điều này, họ chỉ chăm chăm vào những trò gây sốc miễn sao câu được sự quan tâm của đám đông.

Hẳn nhiên, đám đông có quan tâm thì người làm chương trình mới có thể thu hút được quảng cáo, tài trợ... từ đó tính đến chuyện lợi nhuận. Đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào, người đầu tư cũng đều muốn sinh lợi nhanh và nhiều. Đó là quan điểm hết sức thông thường. Tuy nhiên, trục lợi nhân danh một cuộc thi tạm gọi là liên quan đến văn hóa giải trí bằng cách bất chấp thủ đoạn thì không xứng đáng nhận được sự tiếp tay của các đơn vị truyền thông chân chính.

Một thí sinh trình diễn trước các thành viên giám khảo của cuộc thi.

Bài học nào cho sự xúc phạm?

Ngoài Adam Williams, Ban giám khảo năm nay còn có các thành viên khác gồm, siêu mẫu Thanh Hằng, nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường và tay đánh phấn kẻ mắt cho nghệ sĩ là Nam Trung.

Đánh phấn kẻ mắt cho nghệ sĩ, cũng là một cái nghề tốt, đầy lương thiện. Chính từ cái nghề này, người ta nâng cấp cho Nam Trung thành chuyên gia trang điểm. (Nước mình có lắm chuyên gia, nghe đến cái chức danh chuyên gia trang điểm là cực buồn cười - PV). Chuyên gia trang điểm thì liên quan gì đến sàn catwalk mà xắn tay áo, mặc váy đen đi tìm người mẫu (?!). Ai mà biết được, khi nào các cô nàng lẫn những anh chàng mới lớn còn háo danh, thì đám lăng nhăng còn có cơ hội để hoạnh họe.

Nam Trung là một gã đánh phấn kẻ mày được may mắn ngồi vào vị trí thành viên Ban giám khảo cuộc thi, vậy nên, khi Nam Trung xúc phạm một thí sinh khác cũng là người kẻ mày đánh phấn thì quái đản quá.

Nam Trung hỏi thí sinh đó: "Làm make-up (trang điểm - PV) nhục lắm hay sao mà đi làm người mẫu?". Thí sinh trả lời: "Em nghĩ mỗi người ai cũng có nhiều đam mê". Nam Trung nói tiếp: "Mỗi người chỉ cần một đam mê là đủ".

Vậy đó, tôi không thể hiểu được tại sao một gã ăn nói như phường vô học, luận điểm đầy vô trí lại có thể hiện hữu trên chiếc ghế thành viên Ban giám khảo Vietnam’s Next Top Model từ mùa này qua mùa khác. Có lẽ, nhìn giám khảo là biết chất lượng của cuộc thi này đến đâu.

Làm make-up (tức trang điểm), chắc chắn là phải nhục rồi. Mà Nam Trung còn là chuyên gia make-up nên gọi Nam Trung là "Chuyên gia chịu nhục" cũng không có gì sai, tam đoạn luận thì ra thôi. Chính vì hiểu rõ nghề make-up nhục, nên Nam Trung mới bỏ nghề đánh phấn kẻ mắt sang làm giám khảo. Mà Nam Trung lại là người có lòng tốt, không muốn em út chịu nhục như mình, nên thực tâm chặn đứng giấc mơ trở thành người mẫu của đàn em đồng nghiệp. Đại khái, thì có bao nhiêu cái nhục cứ để mình Nam Trung lãnh hết. Đàn ông mặc váy còn dám mặc, thì có cái nhục nào lại ngại ngần để không đưa mặt ra hứng.

Các giám khảo của cuộc thi Vietnam’s Next Top Model 2013.

Sau cái sự nhục này, bị cư dân mạng phản ứng dữ dội, "chuyên gia chịu nhục" Nam Trung có nói với đại ý, là vì tính chất bí mật của cuộc thi nên sự thật chưa được phơi bày. Với lại, thí sinh đó trình bày trên facebook cá nhân, báo mạng loan tin, mọi thứ trở nên ầm ĩ. "Chuyên gia chịu nhục" Nam Trung đúng là có nói với thí sinh như vậy. Nhưng ý của "chuyên gia chịu nhục" khác, ý của "chuyên gia chịu nhục" là muốn thí sinh tập làm quen với… cái nhục, để rèn luyện bản lĩnh trong nghề người mẫu. Nếu nói theo ý của "chuyên gia chịu nhục" Nam Trung thì có thể tóm lại ngắn gọn là, muốn làm người mẫu phải biết cách chịu nhục(!?). Tất nhiên là mỗi nghề đều có mặt trái của nó, đối với một vài cá nhân khác biệt. Nhưng, hạ nhục người khác trước mặt đám đông với nguyên cớ là nghề nghiệp mà người đó đang mưu sinh là hành vi kém tử tế.

Tôi thấy sau khi mắng thí sinh này, "chuyên gia chịu nhục" còn mắng nhiều thí sinh khác trong phần thi bikini. Làm sao có bài học hay trong sự nhục mạ người khác được, theo tôi nghĩ là như vậy(!).

Buồn, nhỉ(?!). Vì ước mơ, nên đi thi với hy vọng được làm người mẫu. Chưa kịp thực hiện ước mơ thì đã đưa mặt ra cho một gã lạ hoắc nào đó quát mắng. Có lẽ, "chuyên gia chịu nhục" Nam Trung nên nhớ, khi anh quát mắng thí sinh của Vietnam’s Next Top Model, anh tưởng là anh chỉ quát họ, thật ra, anh đang quát cả bố mẹ lẫn người thân của họ. Chắc rằng, anh không thể hiểu được cảm giác khi người thân của các thí sinh xem truyền hình và thấy cảnh anh mắng con họ như "địa chủ mắng tá điền" là phức tạp ra sao đâu(?).

Còn các em thí sinh của Vietnam’s Next Top Model, các em có biết làm người mẫu thì sẽ thu về được gì không(?), tôi không chắc lắm chuyện ai làm người mẫu cũng sẽ có cuộc sống hào nhoáng nhờ nghề. Bởi tôi toàn thấy cô người mẫu này dính vào vụ buôn bán này, anh người mẫu kia dính vào vụ phi pháp nọ... mà họ đều là người mẫu nổi tiếng cả. Các em cứ nhìn gương anh siêu mẫu Vũ Hoàng Việt yêu người tình tuổi 60, các em sẽ thấy rõ hơn về ước mơ mà các em đang theo đuổi.

Một thành viên Ban giám khảo khác là nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, bênh "chuyên gia chịu nhục" Nam Trung chằm chặp. Nhắc đến Đỗ Mạnh Cường mới nhớ, hình như, Đỗ Mạnh Cường đang theo chân trùm Vũ Khắc Tiệp, dắt một dàn người đẹp từ già đến trẻ sang Thái Lan để thực hiện phi vụ nào đó. Lẽ nào, Đỗ Mạnh Cường cũng bắt đầu thấy nghề thiết kế nhục, nên quyết chí theo Vũ Khắc Tiệp học cái nghề sở trường là "trùm chân dài" của Vũ Khắc Tiệp nhằm tính cách cho đỡ nhục hay sao. Đáng nhẽ, tôi bàn thêm chút về "kẻ đu dây" Đỗ Mạnh Cường này, nhưng cứ nghĩ về khuôn mặt của Đỗ Mạnh Cường là tôi lại bối rối, đành thôi vậy.

Cần nhắc để hiểu thêm, bài bình luận này tôi sử dụng ngôn ngữ khắt khe, để "chuyên gia chịu nhục" Nam Trung và "kẻ đu dây" Đỗ Mạnh Cường hiểu rằng, bị người khác mắng không hề dễ chịu chút nào đâu. Chỉ là hy vọng họ hiểu ra, chứ thực tế thì rất khó. Bởi họ diễn một vai cố tỏ ra nguy hiểm lâu dần hóa nhập tâm mất rồi, lộng giả mãi thì thành chân thôi.

Theo CAND


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Vietnam’s Next Top Model 2013: Nhảm!

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3