top-banner-2

Thứ năm, 07/05/2015, 09:10 GMT+7

VTV liên tục sai phạm do lỗi kiểm duyệt hay đối tác 'giở chiêu'?

Rất nhiều những sai phạm gần đây của VTV gây bức xúc dư luận là do khách quan nhưng có những sai phạm thuộc về khâu kiểm duyệt không chặt chẽ của nhà đài.

Chương trình Điệp vụ tuyệt mật, do Công ty TNHH Quảng cáo - Tư vấn và Tổ chức biểu diễn Cát Tiên Sa (Công ty Cát Tiên Sa) liên kết với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) sản xuất, vừa lên sóng tập 1 trong tổng số 14 tập, vào tối 2-5 trên kênh VTV3, đã vấp phải phản ứng của công luận. Nguyên nhân là đoạn trailer giới thiệu đầu chương trình đã có hình ảnh đồ họa bản đồ Việt Nam nhưng không có các đảo và đặt nhầm địa điểm Hà Nội nằm trên địa phận Trung Quốc. Sai phạm này dẫn đến chương trình phải tạm ngưng phát sóng và Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) yêu cầu VTV giải trình.

Không phải đến chương trình Điệp vụ tuyệt mật công luận mới đặt câu hỏi vì sao VTV lại liên tục xảy ra sai phạm trong các chương trình liên kết của mình? Một câu hỏi không khó tìm lời đáp nhưng để giải quyết rốt ráo vấn đề thì không dễ.

Nguồn thu sống còn

Không thể kể hết những chương trình truyền hình liên kết ra đời ở Việt Nam thời gian qua. Đây hoàn toàn là sự phát triển tất yếu khi giải trí truyền hình là thị trường kinh doanh mới đầy tiềm năng. Yếu tố mới lạ và những giá trị tích cực mà một số chương trình giải trí của truyền hình liên kết mang lại đã thu hút lượng lớn khán giả, kéo theo các nhà tài trợ, quảng cáo đua nhau đổ tiền đầu tư cho dù tài trợ mua bản quyền cho mỗi chương trình ăn khách được tính bằng con số triệu USD, còn giá spot quảng cáo (30s) trong những chương trình ăn khách (có chỉ số người xem cao) phát sóng trên VTV3 có khi lên đến 350 triệu đồng. Chỉ tính riêng doanh thu quảng cáo, có những chương trình liên kết đạt đến hàng trăm tỉ đồng.

Điệp vụ tuyệt mật ngừng phát sóng do đặt sai vị trí thủ đô Hà Nội qua Trung Quốc và bản đồ thiếu hình 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Vì nguồn lợi khổng lồ mang lại cho các đơn vị liên kết sản xuất và nhà đài giữ bản quyền phát sóng nên nhiều công ty đua nhau nhập bản quyền chương trình nước ngoài về sản xuất, “mua sóng” để kinh doanh.

Trong cuộc đua giành thị phần luôn có hai mặt: được - mất. Và khi cuộc đua cạnh tranh của các nhà sản xuất bị đẩy lên cao trào, khốc liệt, thậm chí sống còn mà không được kiểm soát, tất yếu nảy sinh nhiều hệ lụy.

Bùng nổ không kiểm soát

Được biết từ năm 2013 đến tháng 3-2015, Bộ TT-TT đã cấp 118 Giấy chứng nhận đăng ký chương trình liên kết cho VTV. Trong đó, năm 2013 là 36 giấy chứng nhận, năm 2014 là 76 giấy chứng nhận. Các chương trình liên kết này được VTV phát sóng trên 6 kênh quảng bá, gồm kênh VTV1: 14 chương trình; kênh VTV2: 11 chương trình; kênh VTV4: 3 chương trình; kênh VTV6: 12 chương trình; kênh VTV9: 2 chương trình và kênh có số lượng chương trình liên kết nhiều nhất là VTV3 với 49 chương trình (chủ yếu là các chương trình truyền hình thực tế, game show giải trí). Tính đến nay, số lượng đối tác liên kết với VTV để sản xuất các chương trình truyền hình là 36 đơn vị. Trong đó, Công ty Cát Tiên Sa, Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD), Công ty CP Phát triển Truyền thông Việt Ba (Vietba Media)… là những đối tác có số lượng chương trình đăng ký liên kết nhiều nhất.

Chương trình “Quà tặng cuộc sống” (phát sóng trên kênh VTV3; đối tác liên kết là Công ty CP Truyền thông Sunrise) phát sóng tập phim hoạt hình Nhặt xương cho thầy VTV3 gây phản cảm, bức xúc cho khán giả, xúc phạm danh dự các thầy cô giáo (phát sóng đúng dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11).

Bùng nổ về số lượng chương trình nhưng chỉ tập trung ở một vài kênh truyền hình ăn khách khiến cuộc cạnh tranh giữa các chương trình thêm khốc liệt. Nếu không đạt rating (lượng người xem) cao, không thu hút nhiều quảng cáo, chương trình mất giờ vàng, thậm chí dời kênh để nhường sóng cho chương trình khác. Để vượt qua áp lực sống còn này, nhà sản xuất phải vận dụng mọi bài tính kinh doanh, kể cả chơi “chiêu”.

Như chia sẻ của các đơn vị sản xuất, họ là người làm chương trình theo đơn đặt hàng của đài và nhà đài - đơn vị giữ bản quyền phát sóng phải chịu trách nhiệm về nội dung. Khi công việc sản xuất hầu như giao khoán cho các công ty sản xuất theo hợp đồng đặt hàng thì khâu kiểm duyệt của nhà đài cũng không thể rốt ráo 100% được. Theo một chuyên gia, quy trình duyệt nội dung các chương trình liên kết ở VTV là rất chặt chẽ. Để chương trình có thể phát sóng, các đối tác liên kết sẽ phải gửi nội dung chương trình cho các phòng nội dung của VTV thẩm định (ví dụ chương trình ca nhạc phát trên sóng VTV3 phải được Phòng Ca nhạc của Ban Thể thao giải trí và Thông tin kinh tế VTV3 thẩm định), sau đó gửi đến Ban Thư ký Biên tập thẩm định thêm một lần nữa.

Những thông tin sai sự thật được phát sóng trong chương trình “Điều ước thứ 7” trên kênh VTV3 ngày 10/1 là nhân vật Nguyễn Nhật Thanh đã có vợ hợp pháp và 2 con tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, chưa từng học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia...

Vậy việc để xảy ra sai sót nằm ở đâu? Một chuyên gia khác cho rằng chính vì áp lực phải có một chương trình hấp dẫn, câu khách mà các đối tác liên kết sẵn sàng “qua mặt” VTV. Trong khi các chương trình liên kết quá nhiều, nhân sự của nhà đài lại không phải lúc nào cũng đủ để theo suốt khâu sản xuất các chương trình của đối tác liên kết vì còn bận sản xuất các chương trình của chính mình. Ngoài những chương trình quay hình phát sóng có thời gian để biên tập cắt cúp, với những chương trình truyền hình trực tiếp, công việc của các biên tập theo dõi chương trình chủ yếu là kiểm soát vấn đề ca khúc có vi phạm; trang phục, động tác có phản cảm hay không là chính. Còn những câu chuyện khác gần như là bất khả thi và được liệt vào danh sách “sự cố truyền hình”.

Đài đã phát sóng chương trình liên kết "Tìm kiếm tài năng châu Á” trong các ngày 22 và 23/3 trên kênh VTV6 khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép

Về phía các đơn vị liên kết sản xuất, khi có quá nhiều chương trình phải gối đầu lên sóng, vì sóng đã “xí phần”, nguồn nhân lực tham gia sản xuất cũng phân tán, yếu đi, khả năng biên tập, kiểm soát nội dung chương trình từ khâu đầu vào đã có sự cố. Đầu vào ngày càng trở nên dễ dãi trong khi khả năng kiểm soát nội dung trước khi lên sóng của nhà đài không còn chặt chẽ, thậm chí khoán trắng cho nhà sản xuất, nhất là những nhà sản xuất có năng lực. Sự cố sai phạm có khi diễn ra ngoài tầm kiểm soát của nhà đài (khi đang truyền hình trực tiếp) nhưng có những sai phạm như trong chương trình Điệp vụ tuyệt mật, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về khâu kiểm duyệt của nhà đài.

Nhiều bức xúc trong dư luận

Theo thống kê của Bộ TT-TT, có ít nhất 10 trường hợp sai phạm khi lên sóng. Chương trình Nhân tố bí ẩn, do Công ty Cát Tiên Sa liên kết sản xuất, đã gây nhiều bức xúc trong dư luận khi để ca sĩ Anh Thúy cải trang thành thí sinh Huyền Minh. Chương trình này còn phát tiết mục Mashup các ca khúc Tây Nguyên của nhóm F-Band, sử dụng chiếc khăn Piêu (biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, thường dùng để đội đầu) làm khố khiến dư luận dậy sóng.

Nhóm hát sử dụng chiếc khăn Piêu (biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, thường dùng để đội đầu) làm khố trong chương trình 'Nhân tố bí ẩn'

Trong chương trình Người giấu mặt - do Công ty BHD, đối tác lớn khác của VTV liên kết sản xuất - cũng không ít lần để xảy ra các sai phạm khi đưa lên sóng những hình ảnh phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục. Chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam 2015 để xảy ra sự cố thí sinh uống nhầm axít trong khi truyền hình trực tiếp, gây phản ứng trong dư luận xã hội.

Chương trình Quà tặng cuộc sống phát trên sóng VTV3 đã đưa lên tập phim hoạt hình Nhặt xương cho thầy ngay trước ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, xúc phạm các thầy cô giáo… Ngày 10-3, Bộ TT-TT đã có văn bản đề nghị VTV3 chấn chỉnh, tăng cường công tác kiểm soát nội dung các chương trình liên kết thì ngày 2-5 lại xảy ra sai phạm trong chương trình Điệp vụ tuyệt mật.

PV - Tổng hợp


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

VTV liên tục sai phạm do lỗi kiểm duyệt hay đối tác 'giở chiêu'?

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3