VN có số người tử vong vì đột quỵ rất cao: Làm ngay những điều này |
Thống kê cho thấy, trong số hơn 200 nghìn trường hợp bị đột quỵ não hằng năm, có tới 50% số ca diễn biến xấu và tử vong. Không giữ ở nhà cạo gió Đột quỵ não bao gồm chảy máu não và nhồi máu não. Trong đó, nhồi máu não chiếm từ 80 đến 85% số trường hợp. Đây là tình trạng bệnh lý thường gặp ở người trên 40 tuổi, phổ biến nhất là những người có tiền sử bệnh lý tiểu đường, tim mạch, huyết áp, hay tăng cholesterol máu, hút thuốc lá... Theo báo cáo năm 2016 của tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), hiện có tới 17 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm, với khoảng 6 triệu trường hợp tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng gây tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 6 người thì có 1 người tiểm ẩn nguy cơ bị đột quỵ. Trong đó, tỷ lệ đột quỵ não được dự báo sẽ tăng nhanh và đạt 1,2 triệu người mắc mới mỗi năm trên thế giới vào năm 2025. Giáo sư Michael Brainin, Chủ tịch đắc cử Tổ chức Đột quỵ Thế giới. Tại buổi ra mắt chương trình AVANT (Austrian Vietnamese Advancement Neurorehabilitation Treatment) - chương trình Phục hồi chức năng (PHCN) thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ, phối hợp giữa Việt Nam và Cộng hòa Áo, phóng viên đã có cuộc trao đổi Giáo sư Michael Brainin, Chủ tịch đắc cử Tổ chức Đột quỵ Thế giới. Ông cho rằng đột quỵ là bệnh có mức độ phá hủy nhanh chóng các tế bào thần kinh. Dù là xuất huyết hoặc nhồi máu não thì các tổn thương tiến triển rất nhanh theo thời gian. Cứ một giây là có 32.000 tế bào thần kinh bị phá hủy và trong 1 phút có 1,9 triệu tế bào thần kinh chết đi. Hậu quả là dẫn đến phù não và nguy hiểm hơn là gây tụt não. Mức độ già hóa tăng nhanh. Trong một giờ bị nhồi máu não cấp thì tỷ lệ già hóa là 3,6 năm. Chính vì thế, đột quỵ phải được coi là một trường hợp cấp cứu. Nếu bị nhồi máu não mà giữ bệnh nhân ở nhà để cạo gió và chỉ vài giờ sau nếu không được xử lý đúng các triệu chứng lâm sàng, tổn thương của não sẽ diễn biến phức tạp. Việt Nam có tỷ lệ cao GS. Michael Brainin cho rằng ở Châu Á, số lượng người bị đột quỵ là cao nhất thế giới và Việt Nam cũng nằm trong số những nước có bệnh nhân đột quỵ dẫn đến tử vong và tàn tật cao. Do mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, lối sống thay đổi theo hướng giảm vận động, tuổi thọ tăng thì nguy cơ xuất hiện các bệnh lý đột quỵ não, nhất là nhồi máu não cũng gia tăng. GS Michael Brainin đưa ra lời khuyên đối với người Việt Nam để phòng ngừa đột quỵ, cần phải phòng ngừa các yếu tố dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ, có thể kể đến các yếu tố hành vi như hút thuốc, uống nhiều đồ uống có cồn hay các yếu tố liên quan đến rối loạn chuyển hóa như rối loạn mỡ máu, béo phì, tiểu đường, hãy vận động để sống khỏe… GS Michael cho biết nếu kiểm soát tốt các yếu tố này, chúng ta có thể phòng ngừa được hơn 50% nguy cơ bị đột quỵ. Vì vậy, việc kiểm soát các yếu tố dẫn đến nguy cơ đột quỵ là vô cùng quan trọng, ngay cả khi bạn chưa có dấu hiệu đột quỵ nào. "Cá nhân tôi để phòng ngừa đột quỵ, tôi cũng cố gắng để kiểm soát các yếu tố đó bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm. Các kiểm tra, xét nghiệm này giúp tôi kiểm soát hoạt động của tim, máu và thể trạng của mình. Việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên rất quan trọng, bên cạnh việc giữ cho tinh thần và thể chất của mình luôn trong tình trạng hoạt động tích cực" – ông Michael nói. Ngoài ra, GS. Michael Brainin cũng thực hiện những biện pháp phòng ngừa như ông đã chia sẻ ở trên cho mọi người không hút thuốc, hạn chế đồ uống có cồn, đặc biệt luôn giữ cho mình lối sống lạc quan, tránh stress bởi đây chính là thủ phạm của nhiều bệnh khác kèm theo. Giáo sư Michael Brainin cho rằng việc phục hồi chức năng sau đột quỵ cũng rất quan trọng nhưng đa số các bệnh nhân được cứu sống sau cơn đột quỵ đều không được phục hồi chức năng tốt để trở lại cuộc sống bình thường. GS Michael Brainin nhấn mạnh, phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ là một quá trình rất phức tạp và nó đòi hỏi rất nhiều chuyên môn của đội ngũ y tế như bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu… Việc phục hồi chức năng nên được tiến hành sớm nhất có thể sau giai đoạn cấp và bệnh nhân cần phải được lượng giá tình trạng di chứng trước khi bắt đầu các phương pháp phục hồi chức năng cũng như cần đặt ra mục tiêu của việc luyện tập. Theo cafebiz.net Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|