Chuyện tình đặc biệt của Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn |
Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung vừa là bạn bè, học trò - người thầy, ca sĩ - nhạc sĩ. Họ quá thân thiết, quá gần gũi để không biết gọi nhau thế nào cho đúng. Nhắc đến Trịnh Công Sơn là không thể không nhắc đến những bóng hồng, những người phụ nữ luôn được ông ưu ái trong mỗi tác phẩm. Khi nhạc Trịnh vang lên, bóng hồng nào từng đi ngang qua đời người nhạc sĩ tài hoa của âm nhạc Việt Nam vẫn thường cảm nhận rằng, giai điệu ấy Trịnh viết cho mình, và chỉ có mình mới hiểu hết được các tầng lớp ngữ nghĩa của ca từ, của những câu hát đong đầy những nỗi niềm riêng… Với công chúng nhạc Việt, Hồng Nhung là diva suất sắc, là ca sĩ nhạc nhẹ hàng đầu. Nhưng đối với Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung luôn là cô Bống nhỏ bé. Với ba ca khúc Bống Bồng ơi (1993), Bống không là Bống (1995) và Thuở Bống là người (1998), thì dường như người ta càng thêm khẳng định vị trí của Hồng Nhung trong lòng Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung Hồng Nhung sinh năm 1970 tại Hà Nội, năm 14 tuổi đã hát nhạc Trịnh và thành công với ca khúc “Em là hoa hồng nhỏ”. Năm 1991, Hồng Nhung lần đầu gặp Trịnh Công Sơn tại nhà nhạc sĩ Thanh Tùng khi cô vào Nam sống để có điều kiện gần gũi, chăm sóc cha. Khi đấy, cô Bống chỉ mới 22 tuổi, đang ở tuổi đẹp nhất của đời người, còn vị nhạc sĩ tài hoa của làng nhạc Việt đã bước sang những năm tháng xế chiều.“Lần đầu tiên gặp anh, người đàn ông nhỏ bé, gầy guộc bước vào qua chiếc cổng sắt lớn. Anh đội chiếc mũ bạc màu vừa đi vừa đá nhẹ mấy hòn sỏi dưới sân. Và nụ cười của anh, tươi thế, trong sáng thế, hiền hậu thế, làm sao mà không cảm thấy thân thương ngay được”, cô vẫn còn nhớ về lần đầu tiên gặp gỡ ấy. Kể từ lần đầu gặp gỡ ấy, nhạc Trịnh bước vào cuộc đời Hồng Nhung và tạo nên một mối nhân duyên tuyệt đẹp của âm nhạc Việt. Khi đó, Trịnh Công Sơn bước vào đúng lúc Hồng Nhung đang ngân nga ca khúc “Lặng lẽ nơi này”: “Tình yêu mật ngọt, mật ngọt trên môi/ Tình yêu mật đắng, mật đắng trong đời/ Tình yêu như biển, biển rộng hai vai…”. Cách biệt tuổi tác rất lớn nhưng tình yêu âm nhạc và tâm hồn đồng điệu đã đưa Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn đến với nhau, nắm tay nhau qua nhiều thăng trầm trong đời sống âm nhạc trong vòng hơn 10 năm. Thân thiết và đồng cảm đủ để người nhạc sĩ chia sẻ cả về những mối tình đã qua trong đời mình. Còn cô gái trẻ thả hồn hồi tưởng về tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm gắn bó với Hà Nội mà cô đã bỏ lại sau lưng. Chia sẻ từ những ký ức ngọt ngào của độ tuổi đầy mơ mộng, cho đến cái nguyên cớ ngập tràn yêu thương của cái tên gọi thân mật trong nhà… Để người nhạc sĩ tha thiết thốt lên Bống Bồng ơi khi cô gái trẻ dỗi hờn vu vơ bỏ về Hà Nội: “Nắng vàng em đi đâu mà vội… Mà vội mà vội nắng vàng ơi… Mà vội mà vội gió vàng gió vàng ơi…”. Nếu như Khánh Ly, người được sinh ra để hát nhạc Trịnh với những giai điệu trầm buồn, thì chính sự trẻ trung, phong cách hiện đại của Hồng Nhung đã trẻ hóa những ca khúc của Trịnh Công Sơn với phong cách mới mẻ hơn. Niềm say mê lớn nhất trong những tháng năm cuối cùng "ở trọ trần gian" ấy Trịnh Công Sơn dành hết cho Hồng Nhung. Ông dành tâm sức viết nên những ca khúc Bống bồng ơi, Bống không là bống, Thuở bống là người... để dành tặng cô Bống nhỏ Hồng Nhung. Năm 1993, album “Bống bồng ơi” do Hồng Nhung thể hiện ra mắt là một sự kiện, một bước ngoặt mới trong sự nghiệp Hồng Nhung. Song, nhiều người yêu nhạc Trịnh đã quen với cái khàn, cái thư thả, dửng dung, nhẹ như bấc mà nặng như chì trong cách hát của giọng ca Khánh Ly, nên họ không mở lòng với cách hát của Hồng Nhung. Nhiều ý kiến cho rằng, cô đã phá hỏng nhạc Trịnh. Nhưng Trịnh Công Sơn lại cho rằng, cách diễn đạt của Hồng Nhung đã làm những ca khúc của ông trẻ hơn và cô Bống có sự đồng cảm với ca khúc của ông. Từ những phản ứng gay gắt, người yêu nhạc Trịnh đã dần chấp nhận và không ít người đã “nghiện” cách thể hiện nhạc Trịnh của Hồng Nhung. Ca sĩ Khánh Ly cũng thừa nhận: “Tiếng hát Hồng Nhung được ông yêu thích là chuyện tự nhiên. Hồng Nhung hát hay và cô còn cả tuổi trẻ trước mặt. Ông Trịnh chọn Hồng Nhung là đúng… Mong Hồng Nhung luôn nhớ tới ông và tiếp tục hát nhạc của ông Trịnh”. Riêng Hồng Nhung vẫn nhớ khi thu âm ca khúc “Bống bồng ơi” mà Trịnh viết tặng Bống, vị nhạc sĩ nắm chặt tay Bống, còn Bống cứ thế khắc khoải, phiêu linh trong những cảm xúc thăng hoa. Ngoài âm nhạc, Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn cũng gắn bó trong đời sống cùng nhau. Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long (người từng sống chung nhà với Trịnh Công Sơn) cho biết có vô số bóng hồng từng đi qua cuộc đời Trịnh Công Sơn, nhưng người khiến ông hạnh phúc nhất và đàn ông nhất là Hồng Nhung. Có những hôm hai người giận nhau, nhạc sĩ sinh năm 1939 tìm đến nhà Hồng Nhung, thấy cô đi vắng ông buồn bã cả ngày. Dương Minh Long bèn “bày kế”, mời Hồng Nhung tới nhà ăn trưa mà không báo cho cô biết. Trịnh Công Sơn dù rất hay trễ hẹn nhưng hôm đó đến sớm hẳn 2 tiếng, khi gặp Hồng Nhung, hai người đã bắt tay, ôm hôn quên cả giận hờn. Hồng Nhung vẫn coi 10 năm gắn bó với Trịnh Công Sơn là những tháng ngày đẹp đẽ. “Đây là khoảng thời gian mà tôi thấy không hề bận rộn và hối thúc, lúc thì quây quần bên những người bạn, đàn hát say sưa, khi thì đi xem tranh ở triển lãm, hay chỉ có hai anh em ngồi ở nhà anh, nơi nhìn ra khu vườn trải sỏi, mà trò chuyện bâng khuâng… Tôi bắt đầu tập những bản tình ca của anh, mở đầu bằng “Em hãy ngủ đi”. Anh hay nhìn tôi cười: Sao người nhỏ mà hát mạnh quá vậy? Những tối cuối tuần, chúng tôi đến hát ở quán Nhạc sĩ. Với tôi, nơi ấy là cả một vườn âm nhạc, của sự đồng cảm và vui thích”, cô Bống bộc bạch. Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung vừa là bạn bè, học trò - người thầy, ca sĩ - nhạc sĩ. Họ quá thân thiết, quá gần gũi để không biết gọi nhau thế nào cho đúng. Nói về mối quan hệ với Hồng Nhung, Trịnh Công Sơn chỉ cười: Hồng Nhung là một người quá gần gũi không biết gọi là ai. Còn Hồng Nhung, cô thấy mình may mắn vì được ở bên cạnh trong 10 năm cuối đời của Trịnh Công Sơn: “Tôi là người may mắn vì được gặp anh, được anh quá ưu ái, được sát cánh cùng anh”. Hồng Nhung cũng khẳng định giữa cô và Trịnh Công Sơn chắc chắn là tình yêu. “Ở giữa hai chúng tôi chắc chắn là có một tình yêu, nhưng tình yêu đó như thế nào thì tôi giữ riêng cho mình”. Tình cảm của Trịnh Công Sơn với người con gái bé nhỏ Hà Nội từng được gói gọn trong câu hát “Ru em ngồi yên đấy, tôi tìm cuộc tình cho”. Vì thế, sự rời bỏ của Hồng Nhung làm Trịnh Công Sơn vô cùng đau đớn. Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Thái, mẹ nuôi của Bống, sự chia tay này lỗi không phải ở Trịnh Công Sơn hay Hồng Nhung mà là “Hồng Nhung không thể không đi lấy chồng vào một lúc nào đó. Ngày Nhung cưới, Sơn ốm nặng không thể đi được”. Ngày Trịnh Công Sơn mất, Hồng Nhung đang dở hợp đồng biểu diễn tại Australia bay về đưa tang rồi lại gạt nước mắt mà đi. Hồng Nhung tâm sự trong lòng cô đã có một khoảng trống không thể lấp đầy. Vào thời gian ấy, Hồng Nhung đang làm dở album “Thủa Bống làm người”. Hồng Nhung muốn ra album này, nhưng ca cô khuyên nên lùi lại đến 2 năm sau. Album sử dụng những bức ảnh của Dương Minh Long chụp, bức màu vàng tượng trưng cho dương, bức đen trắng tượng trưng cho âm, nói về sự chia lìa mãi mãi của đôi tình nhân làng âm nhạc Việt. Theo ttvn.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|