top-banner-2

Thứ ba, 17/10/2023, 14:49 GMT+7

Đề xuất cơ chế đặc thù làm cao tốc tỉ đô Gia Nghĩa - Chơn Thành

Tỉnh Bình Phước đang đề xuất Quốc hội 4 nhóm cơ chế đặc thù để làm cao tốc tỉ đô Gia Nghĩa - Chơn Thành trong giai đoạn từ nay đến năm 2026. 

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, một dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: ĐỨC TRONG

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, một dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: ĐỨC TRONG

Đây là dự án quan trọng quốc gia do liên danh Vingroup - Techcombank đề xuất đầu tư, quy mô dự án 4 làn xe cao tốc, chiều dài toàn tuyến 128,8km, tốc độ thiết kế chạy xe từ 100-120km/h. 

Tổng vốn đầu tư cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) khoảng 25.540 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 12.770 tỉ đồng.

Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, UBND tỉnh Bình Phước (cơ quan nhà nước có thẩm quyền đầu tư dự án) đề xuất Quốc hội thông qua 4 nhóm cơ chế chính sách đặc biệt đối với dự án.

Cụ thể, về vốn đầu tư, tỉnh Bình Phước đề xuất chấp thuận bố trí 8.770 tỉ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và bố trí 1.500 tỉ đồng dự phòng ngân sách trung ương cho dự án.

Đồng thời cho phép tạm ứng từ nguồn vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 bố trí tham gia dự án thành phần 1 để thực hiện các dự án thành phần còn lại thuộc tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Về tổ chức thực hiện dự án, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất Quốc hội giao tỉnh là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án. 

Cho phép tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 1 - xây dựng toàn tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành (không bao gồm hạng mục cầu, đường tránh trên tuyến).

Cho phép UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án.

Đáng lưu ý, tỉnh Bình Phước đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu di dời cơ sở hạ tầng kỹ thuật, gói thầu bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư thuộc dự án.

Để giải quyết bài toán vật liệu làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đề xuất cho phép nhà thầu thi công dự án không phải thực hiện thủ tục cấp phép mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường để làm dự án.

Về phương án đầu tư dự án, UBND tỉnh Bình Phước đã chia dự án thành 5 dự án thành phần, tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ năm 2023-2026, theo đó dự án sẽ được thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11-2023, hoàn thành lập dự án vào tháng 3-2024, thẩm định, phê duyệt dự án vào tháng 6-2024, xây dựng dự án từ tháng 10-2024 đến hết năm 2026, đưa vào vận hành khai thác từ tháng 1-2027.

Các dự án thành phần của cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Dự án thành phần 1 - đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành theo phương thức đối tác công tư;

Dự án thành phần 2 - đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang (35,6km);

Dự án thành phần 3 - đầu tư xây dựng đường gom, cầu ngang vượt cao tốc (98km);

Dự án thành phần 4 - bồi thường, hỗ trợ tái định cư đoạn qua tỉnh Đắk Nông;

Dự án thành phần 5 - bồi thường, hỗ trợ tái định cư đoạn qua tỉnh Bình Phước.

(Nguồn: tuoitre.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đề xuất cơ chế đặc thù làm cao tốc tỉ đô Gia Nghĩa - Chơn Thành

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3