Trấn Thành, đạo diễn nghìn tỉ đầu tiên của Việt Nam |
Trấn Thành không có fanclub rầm rộ như các sao showbiz Việt, lại thường xuyên bị công kích trên mạng xã hội. Nhưng anh lại là đạo diễn nghìn tỉ đầu tiên của Việt Nam. .
Đạo diễn kiêm diễn viên Trấn Thành - Ảnh: HỮU HẠNH Khi các phim Tết như Cua lại vợ bầu, Trạng Quỳnh (Trấn Thành làm diễn viên), Bố già, Nhà bà Nữ (Trấn Thành làm đạo diễn kiêm diễn viên) lần lượt lập những mốc kỷ lục phòng vé, vẫn còn những người cho đó là ăn may hoặc do thể loại phim hài gia đình dễ xem, do những tranh cãi bên lề thu hút sự tò mò của khán giả... Nhưng đến Mai, một phim chiếu Tết không hài mà nặng diễn biến khá bi thảm, cũng đang băng băng lập những kỷ lục phòng vé mới thì có lẽ Trấn Thành đang là cái tên đạo diễn mà chỉ cần nghe đến thôi cũng đủ lôi kéo người ta ra rạp xem phim. "Cái mác" Trấn Thành Nếu cộng cả doanh thu phim Mai, tổng doanh thu ba bộ phim do Trấn Thành làm đạo diễn đã đạt hơn 1.180 tỉ đồng (gồm cả phim Bố già và Nhà bà Nữ trước đó). Bà Tường Vi, nhà sản xuất phim của CJ HK Entertainment, nhận định với Tuổi Trẻ: "Sự thật là các phim có mác "Trấn Thành" đã trở thành bảo chứng phòng vé, khiến đông khán giả đặt vé sớm trước Tết cũng như mua vé những ngày đầu năm". Về hoạt động của một ngôi sao showbiz, lâu nay giới truyền thông cũng nhận thấy sự khác biệt của Trấn Thành khi fanclub của anh không hoạt động rầm rộ ngoài đời hay trên mạng xã hội như Mỹ Tâm, Sơn Tùng M-TP, Hồ Ngọc Hà hay Lan Ngọc, Trường Giang... Trong khi với nhiều nghệ sĩ, sự ủng hộ của fanclub rất quan trọng để sản phẩm của họ ra mắt đạt thành tích tốt, có mặt trên các bảng xếp hạng, có doanh thu cao. Nhưng Trấn Thành, dường như fanclub chỉ là một phần trong nhóm khán giả đông đúc tiếp nhận các sản phẩm của anh, từ truyền hình cho đến điện ảnh mà rõ nét nhất là điện ảnh. Nếu nói theo thuật ngữ truyền miệng của giới trẻ thì Trấn Thành là kiểu nghệ sĩ được "công chúng độ". Khán giả ra rạp xem các phim của Trấn Thành không chỉ là fan, mà còn là đa số các khán giả thông thường hoặc những người chẳng mấy quan tâm đến anh, thậm chí còn vốn hơi ác cảm với Trần Thành mà vẫn muốn "xem cho biết", xem để đánh giá. Và với những mức doanh thu kỷ lục và con số hàng triệu vé xem phim bán ra, các bộ phim của Trấn Thành đều "thoát vòng fan", được xem bởi những khán giả từ nhiều tầng lớp, lứa tuổi ở nhiều địa phương khác nhau. Có những khán giả đi xem để rồi được hóa giải định kiến trước đó của mình về Trấn Thành. Sau khi xem Mai, khán giả Nguyễn Vân Anh (Hà Nội) chia sẻ trên trang cá nhân: "Ra khỏi rạp, mình bảo với đứa cùng đi xem: Ôi xem xong phim thấy mình phải hạ ngay cái tôi xuống, và sửa được một chút sự kỳ thị vì mình vốn chả coi Trấn Thành ra cái gì, không bao giờ nhìn luôn, cho là vớ vẩn giải trí linh tinh". Phim Mai của Trấn Thành đang được dự báo đạt doanh thu 500 tỉ đồng - Ảnh: ĐPCC Vẫn đi giữa hai luồng yêu ghét Nói vậy không có nghĩa là tất cả khán giả ra rạp xem Mai đều thấy phim hay, cũng như không phải tất cả đều chuyển sang yêu mến hay công nhận tài năng của Trấn Thành. Bộ phim, cũng như người đạo diễn đứng đằng sau nó, tiếp tục đi giữa hai luồng quan điểm yêu ghét - điều Trấn Thành chẳng xa lạ gì lâu nay. Nhiều khán giả khóc rưng rức vì Mai, ra rạp xem lại lần hai cũng như viết những bài văn dài để phân tích tâm lý các nhân vật trong phim, xem đã lâu vẫn vương vấn không thoát ra được. Nhưng cũng có những khán giả buông câu ngắn gọn: "Phim nhạt, chẳng đọng lại gì". Có người còn bức xúc vì cái kết và viết cả một bài dài để phân tích vì sao nên xử lý khác đi. Có người nói phim "chữa nát" tâm hồn phụ nữ đơn thân. Và cả hai luồng ý kiến này nhà làm phim đều phải đón nhận, bởi cảm nhận phim ảnh là chuyện của cảm xúc và trải nghiệm cá nhân mỗi người, có những thứ không thể gượng ép được. Điều may mắn cho Mai là phim không gặp nhiều bài chê nặng lời như Nhà bà Nữ. Có lẽ bởi Mai không có những màn đấu khẩu, chửi bới với ngôn từ chát chúa như trong Nhà bà Nữ, phim vẫn xây dựng nhân vật tốt đủ để khiến số đông khán giả đồng cảm. Đây là điểm đáng ghi nhận ở Trấn Thành. Anh vẫn tiếp tục quan sát cuộc sống, quan sát những con người xung quanh mình và đưa họ vào phim ảnh, theo cách để người ta không thể không xem và sẽ bàn luận. Phòng vé Tết: Kỷ lục và ồn ào Diễn viên Anh Tú (phim Gặp lại chị bầu) giao lưu với khán giả - Ảnh: ĐPCC Tính đến 6h sáng 19-2, phim Mai của Trấn Thành thu được 336 tỉ đồng chỉ sau chín ngày ra rạp. Trước đó, Mai lập kỷ lục là phim Việt đạt mốc doanh thu 100 tỉ, 200 tỉ và 300 tỉ nhanh nhất. Mai được dự báo sẽ còn chinh phục nhiều kỷ lục sắp tới. Cũng do tốc độ tăng doanh thu và số suất chiếu tăng lên từng ngày, Mai cũng đang bị chỉ trích vì cho rằng chèn ép suất chiếu các phim khác dù đại diện rạp và các nhà phát hành đã lên tiếng cho biết suất chiếu được phân chia theo nhu cầu thị trường. Theo số liệu do Box Office Vietnam cung cấp cho Tuổi Trẻ, năm nay, tính từ mùng 1 đến mùng 8 tháng giêng Giáp Thìn, Mai có trung bình 4.414 suất chiếu mỗi ngày. Tương tự, cùng thời gian này năm ngoái, Nhà bà Nữ có số suất chiếu trung bình là 4.361 suất mỗi ngày. Còn khi Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh ra rạp vào dịp 30-4 năm ngoái (chiếu sớm vài ngày) thì trong tám ngày kể từ ngày chiếu chính thức 30-4-2023, phim có số suất chiếu trung bình là 3.122 suất, trong đó cũng có những ngày suất chiếu lên xấp xỉ 4.000. Như vậy, chiếu vào dịp Tết là dịp cao điểm của phòng vé, Mai và Nhà bà Nữ (hay những phim áp đảo doanh thu phòng vé Tết khác trong tương lai) đều được hưởng lợi về suất chiếu so với dịp khác trong năm nhưng cũng không quá cao đến mức đột biến. Do tỉ lệ lấp đầy của phim rất cao (lên đến 58,22%), Mai vẫn sẽ được chia nhiều suất chiếu trong thời gian tới và trụ rạp lâu dài. Bên cạnh đó, thị trường Tết cũng tạo điều kiện cho Gặp lại chị bầu - phim đứng thứ hai - thu 58 tỉ đồng tính đến chiều 18-2. Tốc độ tăng doanh thu này dù lép vế so với Mai nhưng đã là tốt bởi Gặp lại chị bầu không được đánh giá quá cao. Dự báo với tốc độ này, phim có thể hòa vốn. Do thị trường phim Tết đào thải quá khắc nghiệt, hai phim Sáng đèn và Trà sớm rút khỏi rạp sau vài ngày chiếu vì không cạnh tranh được với Mai và Gặp lại chị bầu. Như Tuổi Trẻ đã dự báo, phim hoạt hình Nhật Bản Gia đình x Điệp viên mã: Trắng (Spy x Family Code: White) chứng minh được sức hút dịp Tết khi đứng thứ ba phòng vé và thu 20 tỉ đồng. Phim là minh chứng mới nhất cho tiềm năng của dòng phim anime tại rạp Việt. Phim Nhà nước cũng ra rạp Tết Trần Lực trong phim Đào, phở và piano (đạo diễn Phi Tiến Sơn) Thuộc dòng phim Nhà nước đặt hàng, Đào, phở và piano gây bất ngờ khi vài ngày qua lượng khán giả đặt vé tăng đột biến, khiến trang web của Trung tâm chiếu phim quốc gia sập. Cùng với Hồng Hà nữ sĩ, đây là hai phim Nhà nước nằm trong kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành. Hiện Trung tâm chiếu phim quốc gia (Hà Nội) là địa điểm duy nhất trên cả nước chiếu hai phim trên. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đức Tùng - quyền giám đốc trung tâm - cho hay từ mùng 1 tới mùng 3 Tết, đơn vị này chỉ xếp ba suất chiếu. "Tuy nhiên, so với Hồng Hà nữ sĩ, vài ngày qua, phim Đào, phở và piano lại đắt khách một cách đột biến. Các bộ phận của trung tâm phải hội ý để tăng suất chiếu lên 11 suất. Ngày 19-2 sẽ mở 15 suất", ông nói. Trung tâm chiếu phim quốc gia thông tin, từ trưa 17-2, toàn bộ vé phim Đào, phở và piano ngày 19, 20-2 đã hết. Tới thời điểm hiện tại, Đào, phở và piano đã bán được 5.162 vé, thu gần 300 triệu đồng. Trong khi đó, Hồng Hà nữ sĩ đã bán 699 vé, thu 41,2 triệu đồng. Dự đoán số vé phim Đào, phở và piano sẽ còn tăng trong mấy ngày tới. Ông Tùng cũng thông tin, với phim Nhà nước, rạp sẽ chiếu tới khi nào phim hết khán giả, ít nhất là một tháng. (Nguồn:tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|