top-banner-2

Thứ sáu, 28/12/2012, 10:31 GMT+7

Chủ tịch HĐQT Vina Giầy - Bốn lần khởi nghiệp vẫn bền chí

Đã trải qua bao nhiêu chìm nổi trên thương trường, từng bốn lần khởi nghiệp nhưng doanh nhân ấy chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc, mà luôn vững niềm tin tiến lên phía trước.

Doanh nhân đó chính là nghệ nhân Vũ Văn Chầm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Giầy Việt (Vina Giầy).

Đã trải qua bao nhiêu chìm nổi trên thương trường, từng bốn lần khởi nghiệp nhưng doanh nhân ấy chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc, mà luôn vững niềm tin tiến lên phía trước. Nhờ nỗ lực vượt khó cùng tài năng và đạo đức trong kinh doanh, ông đã gầy dựng nên một thương hiệu có tên tuổi. Bây giờ, khi lên tới đỉnh cao sự nghiệp, ông vẫn mê mải với kinh doanh. Doanh nhân đó chính là nghệ nhân Vũ Văn Chầm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Giầy Việt (Vina Giầy).

Là hậu duệ đời thứ 18 của một dòng họ có nghề làm giầy truyền thống ở làng Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, cậu bé Chầm đã làm quen với nghề đo ni đóng giầy ngay từ khi còn nhỏ. Trong những năm 1950, ông đã lặn lội lên Hà Nội học hỏi, trực tiếp làm thợ giầy để quyết tâm phát triển nghề của gia đình.

Ông học tất cả các công đoạn của nghề đóng giầy cũng như việc chào hàng, bỏ mối. Chỉ trong ba năm, ông đã thành thạo mọi ngõ ngách của nghề này.

60 tuổi vẫn chưa muộn để lại bắt đầu

alt

Sau một thời gian, ông rủ hai người anh em xuống Hải Phòng mở xưởng sản xuất vì nhận thấy thị trường nơi đây đầy tiềm năng. Nhưng chỉ một năm sau, gia đình ông quyết định rẽ sang bước ngoặt khác: vào Sài Gòn để lập nghiệp!

Vùng đất này chính là nơi tài năng của ông được thăng hoa và cũng ghi dấu nhiều thăng trầm trong đời kinh doanh. Dù đã vững tay nghề, khi vào đến Sài Gòn, Vũ Văn Chầm vẫn tìm đến các cơ sở làm giầy để xin làm thợ.

Nhờ khéo tay, ông đã nhanh chóng nổi danh, là một trong những thợ đóng giầy giỏi của Sài Sòn trước năm 1975. Khi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và có ít vốn, ông quyết định mở cơ sở riêng.

Những đôi giầy do ông làm ra được khách hàng rất ưa chuộng bởi chúng vừa bền, vừa đẹp. Do đó, cơ sở của ông ngày càng thu hút được nhiều khách hàng, thậm chí có thời gian ông phải thu dụng đến 200 công nhân mới đáp ứng được các đơn hàng. Công việc thuận buồm xuôi gió đến năm 1975.

Sau giải phóng, theo chính sách cải tạo công thương nghiệp thời bấy giờ, cơ sở của ông được chuyển hình thức, trở thành hợp tác xã và ông chỉ là một tổ viên. Nghề đóng giầy không giúp có đủ thu nhập để trang trải chi tiêu cho một gia đình đông con, vợ chồng ông phải làm thêm nghề tay trái là xay rau má bán để có đủ tiền nuôi tám đứa con ăn học.

Phải đối mặt với rất nhiều thử thách, ông thợ giầy Vũ Văn Chầm chưa bao giờ nản chí, mà vẫn cần mẫn, gắn bó với nghề. Nhờ vậy, tài năng của ông ngày càng được khẳng định. Ông đã được nhiều vị lãnh đạo Nhà nước như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười… mời đóng giầy.

Theo lẽ thường, khi đã nếm trải nhiều thăng trầm, người ta cảm thấy mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi sớm, nhưng với Vũ Văn Chầm thì ngược lại, luôn nỗ lực vươn lên bất kể tuổi tác. Bằng chứng là năm 1990, khi đất nước bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới, ông lại quyết định khởi nghiệp lần nữa bằng việc thành lập công ty.

Lúc ấy, ông đã gần 60 tuổi và lại hăm hở khởi nghiệp lần thứ tư. Vẫn miệt mài làm việc và tìm cơ hội đưa sản phẩm chiếm cho được thị phần tương xứng, doanh nhân Vũ Văn Chầm lại thu được nhiều thành công mới và đến tận hôm nay, ông vẫn say mê, vẫn trăn trở với nghề.

Ông tâm sự: “Những thăng trầm, thịnh suy không làm tôi nản chí, mà càng thúc giục tôi phải giữ vững niềm tin. Tôi luôn tin rằng mình sẽ vượt qua được mọi thử thách”.

Với ông, niềm tin phải được xây dựng trên nền tảng gồm hai yếu tố là đạo đức và trí tuệ. “Làm việc gì cũng có đạo đức, trí tuệ thì khi thất bại sẽ có bạn bè hay người thân quen giúp đỡ hoặc thời cơ đến sẽ tạo duyên may để thành công” - ông nói.

Chữ tâm đi với chữ tài

Không chỉ có tài, ở ông còn có một sức hút mãnh liệt đối với mọi người thợ học nghề. Đó chính là những bài học đã đúc kết về đạo đức nghề nghiệp mà ông sẵn sàng truyền lại cho họ.

Ông Nguyễn Hữu Hoàn, chủ cơ sở sản xuất giầy Hoàng Anh (tỉnh Hải Dương) thán phục: “Bác Chầm là con người tuyệt vời. Tôi học ở bác ấy nhiều lắm. Bác giỏi kinh doanh và cũng rất có đạo đức”.

Học nghề ở nghệ nhân Vũ Văn Chầm gần 20 năm trước, ông Nguyễn Quý Đạo, chủ của một chuỗi cửa hàng giầy có tiếng ở tỉnh Thái Bình cũng chia sẻ những gì anh đã nhận từ người thầy đáng kính: “Bác Chầm là người rất tốt. Bác vừa dạy nghề, vừa dạy đạo đức. Bác để lại ấn tượng nhất cho chúng tôi là tình cảm thầy - thợ, đạo đức. Tôi còn học ở bác đức tính cần cù, chịu khó. Làm chủ công ty đã lâu năm nhưng bác ấy vẫn trực tiếp làm việc. Gặp bao nhiêu khó khăn nhưng bác luôn kiên trì vượt qua”.

Được ông dạy dỗ hằng ngày, hơn ai hết, các con ông luôn khắc ghi và thực hiện đúng những gì mà cha mình đã truyền cho. Doanh nhân Vũ Văn Lân, con trai thứ của ông, hiện là giám đốc sản xuất của công ty, suy nghĩ chẳng khác gì người cha: “Nghề nuôi sống mình nhưng khi đã làm thì phải hết sức chăm chút cho sản phẩm”.

Tạo dựng được thương hiệu đã khó nhưng để gìn giữ nó còn khó hơn. Với doanh nhân Vũ Văn Chầm, quan trọng nhất là phải biết giữ chữ tín với khách hàng. “Sản phẩm có tốt, thương hiệu mới bền”, với quan điểm đó, Công ty Vina Giầy của ông luôn có được vị thế vững chắc, cho dù trên thị trường đã xuất hiện khá nhiều thương hiệu và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Để bắt kịp thời đại, ông cho con trai út sang Mỹ học thiết kế sản phẩm, điều hành doanh nghiệp, marketing… để kế nghiệp, đưa các sản phẩm Vina Giầy vươn xa ra thế giới. Ông chia sẻ quan điểm của mình: “Một doanh nhân thành công không phải chỉ đơn giản là làm được nhiều tiền, mà là tạo được những giá trị đích thực để cống hiến cho cuộc sống”.

Từ một người thợ đóng giầy đến một nghệ nhân, doanh nhân, từng qua “ba chìm bảy nổi” để tạo dựng nên thương hiệu có tầm cỡ cũng là một hành trình đầy gian khó của doanh nhân Vũ Văn Chầm. Trong hành trình ấy, ông đã rèn giũa được những tố chất đặc biệt là cần cù lao động, kiên trì và luôn có đủ nghị lực để vượt qua mọi gian khó. Đây cũng chính là chìa khóa thành công mà những ai theo nghiệp kinh doanh nên học hỏi.

Tú Anh

( Theo DNCT)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Chủ tịch HĐQT Vina Giầy - Bốn lần khởi nghiệp vẫn bền chí

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3