Đường làm sếp của con đại gia |
Với ưu thế lớn do cha mẹ là lãnh đạo doanh nghiệp, có doanh nhân trẻ nhanh chóng được bổ nhiệm vào vị trí cao. Tuy nhiên, cũng có nhiều người khác phải trải qua các vị trí khác nhau trong công ty, hoặc chọn con đường riêng cho mình. Trường hợp doanh nhân trẻ tuổi Phạm Đỗ Diễm Hương được bổ nhiệm để thay cha cô là ông Phạm Trung Cang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng đang làm dài thêm danh sách những "đại gia" bổ nhiệm con cái lên nắm quyền. Doanh nhân trẻ nhất sàn chứng khoán - Phạm Đỗ Diễm Hương sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách sau khi tiếp quản chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nhựa Tân Đại Hưng từ tay cha cô là ông Phạm Trung Cang. Ảnh: PV Sinh năm 1989, Phạm Đỗ Diễm Hương là doanh nhân trẻ nhất trên sàn chứng khoán. Cô đã tốt nghiệp đại học, nhưng mới làm chuyên viên tài chính một thời gian ngắn và chưa có kinh nghiệm về quản lý tại bất kỳ một công ty nào. Chưa thể đánh giá được khả năng của doanh nhân 24 tuổi này, nhưng núi công việc mà cô sẽ phải đối mặt khi lãnh đạo Nhựa Tân Đại Hưng là dễ thấy. Đó là quản lý khối tài sản trên 600 tỷ đồng, tiếp tục vận hành bộ máy đã có mặt trên thị trường gần 30 năm, và vực dậy kết quả kinh doanh, từ mức lãi quý I giảm gần 70% so với cùng kỳ, còn 3,4 tỷ đồng. Giống như Phạm Đỗ Diễm Hương, ông Nguyễn Quốc Cường - con bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai cũng là một trong những doanh nhân trẻ bị nghi ngờ khá nhiều về khả năng lãnh đạo. Trong bản cáo bạch của Quốc Cường Gia Lai, ông Cường được giới thiệu có trình độ chuyên môn là kinh doanh và không có quá trình công tác trước đó. Năm 2004, ông được bổ nhiệm là Phó giám đốc doanh nghiệp tự doanh Quốc Cường. Sau khi đơn vị này niêm yết vào năm 2010, ông giữ chức doanh Phó tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT công ty. Điều hành Quốc Cường Gia Lai có số vốn hơn nghìn tỷ đồng với chức danh là Phó tổng giám đốc và người công bố thông tin, nhưng ông Cường hầu như không đăng đàn phát biểu mỗi khi công ty "có chuyện". Hiện, Quốc Cường Gia Lai cũng đang gặp khá nhiều khó khăn từ mảng kinh doanh chính là địa ốc. Vừa qua, đơn vị này cũng thua kiện tại một dự án chung cư ở quận 7 vì giao nhà chậm tiến độ. Ông Nguyễn Quốc Cường được biết đến nhiều hơn bởi danh hiệu Cường đô la và sở thích sưu tập siêu xe. Ảnh: PV Ngoài ông Nguyễn Quốc Cường và Phạm Đỗ Diễm Hương, con cái nhiều doanh nhân khác hiện cũng nắm giữ những vị trí quan trọng tại các công ty do cha mẹ họ đứng đầu. Trong đó, có một loạt những "tên tuổi" như ông Trần Hùng Huy - con ông Trần Mộng Hùng, cựu chủ tịch nhà băng này; hay bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh và ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) - con ông Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch Sacombank. Danh sách còn rất dài nếu kể đến những cái tên như Nguyễn Ngọc Thái Bình - con Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE); ông Lê Trí Thông, bà Lê Diệp Kiều Trang - con Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Miền Nam (Casumina), Nguyễn Minh Nhật - con Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam, Đặng Thành Duy - con Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun). Hay gia đình ông Trầm Bê với các con Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều và Trầm Khải Hòa.... Tuy nhiên, khác với trường hợp của Nhựa Tân Đại Hưng, trong danh sách con đại gia đang ngồi "ghế nóng" của những doanh nghiệp lớn, có nhiều trường hợp được chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ trước. Trong đó, điển hình như trường hợp ông Trần Hùng Huy và ông Nguyễn Ngọc Thái Bình. Chủ tịch HĐQT ACB - Trần Hùng Huy đang ngồi một trong những vị trí nóng nhất ngành ngân hàng. Ảnh: PV Ông Huy hiện là Chủ tịch HĐQT ACB. Trước khi ngồi vào vị trí trên, ông Huy đã tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman (Mỹ) năm 2002 và bảo vệ xong luận án tiến sĩ kinh tế tại Đại học Golden Gate (Mỹ) năm 2011. Khởi đầu, ông Huy vào làm việc tại ACB với chức danh chuyên viên nghiên cứu thị trường, khi đó, cha ông là Trần Mộng Hùng vẫn là Chủ tịch HĐQT. Hai năm sau, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Marketing. Giữ cương vị này 4 năm, ông Huy được giao vị trí phó tổng giám đốc. Từ năm 2006 đến nay, ông là thành viên Hội đồng Quản trị ACB. Năm nay 35 tuổi, với 11 năm kinh nghiệm làm việc tại ACB, ông Huy đã trải qua nhiều biến động lớn ở nhà băng này. Trong đó, có việc cha ông rời vị trí Chủ tịch HĐQT năm 2008 hay sự góp mặt của bầu Kiên trong việc quản lý và cuộc khủng hoảng tin đồn trước đó. Còn ông Nguyễn Ngọc Thái Bình, con bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) hiện là giám đốc tài chính và thành viên HĐQT công ty này. Trước khi giữ vị trí trên vào năm 2009, ông Bình tốt nghiệp Đại học Virginia (Mỹ) và từng làm tại bộ phận dịch vụ tài chính doanh nghiệp của Ngân hàng HSBC Việt Nam tại TP HCM với cương vị giám đốc quan hệ khách hàng. Ngoài REE, tháng 5/2012, doanh nhân sinh năm 1982 này được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Ngoài số đông doanh nhân hướng cho con cái vào những đơn vị mà mình đã hoặc đang nắm trọng trách, có những người lại để cho thế hệ sau của họ tự chọn con đường đi riêng. Trong đó, gia đình doanh nhân Lê Văn Trí là một ví dụ tiêu biểu. Ông Trí có hai người con là Lê Trí Thông và Lê Diệp Kiều Trang. Công tác tại Công ty cổ phần Casumina khoảng 37 năm, nhưng cho đến khi nghỉ hưu, ông Trí không giúp các con giữ bất cứ chức vụ nào tại công ty này Con cả của ông Lê Văn Trí - ông Lê Trí Thông hiện là Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, Chủ tịch HĐQT Công ty Kiều hối Đông Á và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thẻ thông minh Vina (VNBC, công ty chuyên cung cấp giải pháp cho ngân hàng). Theo giới thiệu, trước khi về Đông Á, ông Trí từng tốt nghiệp thủ khoa ngành công nghệ hóa của trường Đại học Bách Khoa TP HCM. Sau đó, ông nhận học bổng của Đại học Oxford, Anh và tốt nghiệp MBA ở đây năm 2005 với tấm bằng xuất sắc. Ông Lê Trí Thông cũng từng được bầu chọn là gương mặt doanh nhân tiêu biểu của TP HCM. Lê Diệp Kiều Trang hiện là giám đốc chiến lược tại công ty do cựu CEO của Apple đồng sáng lập cùng với chồng cô - Sony Vũ. Ảnh: PV Còn người con thứ hai của ông Trí - Lê Diệp Kiều Trang, năm nay năm nay 33 tuổi, hiện làm Giám đốc Chiến lược tại Công ty Misfit Wearables. Đây là doanh nghiệp do chồng cô - ông Sony Vũ và John Sculley - cựu CEO Apple đồng sáng lập. Thuở còn đi học, Lê Diệp Kiều Trang sở hữu bảng thành tích học tập đáng nể với kết quả thủ khoa tuyển sinh đầu vào PTTH chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), đồng thời cũng là thủ khoa tốt nghiệp lớp 12 của trường. Cô giành học bổng tại các trường đại học danh tiếng thế giới như Oxford (Anh), Học viện Công nghệ Massachusettes, Mỹ (MIT). Kiều Trang đã làm việc 3 năm tại Ngân hàng HSBC và hai năm tại Công ty tư vấn McKinsey ở vị trí chuyên gia tài chính. Theo đánh giá của một chuyên gia quản trị nhân lực, con cái những doanh nhân thành đạt có nhiều điều kiện tốt hơn để phát triển toàn diện. Trong đó, ưu thế về vật chất, quan hệ xã hội và kinh nghiệm mà cha mẹ họ truyền lại là thế mạnh lớn nhất so với những người khác. "Tuy nhiên điều này không bảo đảm sự thành công về lâu dài. Bởi kinh doanh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ đam mê, sự nỗ lực, kinh nghiệm thực tế, sự nhạy bén với thị trường và cả may mắn... Những điều này, không phải ai cũng có, nhất là kinh nghiệm thực tế và sự nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh kể cả khi thất bại", vị này nói. Theo VnEconomy Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|