top-banner-2

Thứ bảy, 11/05/2013, 10:38 GMT+7

Niềm tự hào của ông Phúc Metran

Ông Trần Ngọc Phúc, cha đẻ của chiếc máy trợ thở nổi tiếng, đã viết lên câu chuyện về ý chí và nghị lực của một Việt kiều dựng nghiệp trên đất Nhật.

Năm 2012, doanh nghiệp Metran của ông Trần Ngọc Phúc được lựa chọn là một trong 3 doanh nghiệp được đón tiếp Nhật Hoàng Akihito đến thăm. Đây là vinh dự rất lớn, bởi Nhật Hoàng chỉ viếng thăm duy nhất một lần trong năm một doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật.

altÔng Trần Ngọc Phúc xúc động chia sẻ: “Được gặp Nhật Hoàng là ước mơ của người dân Nhật. Với tôi, được hướng dẫn ông tham quan nhà máy trong hơn một tiếng đồng hồ quả là vinh dự quá lớn. Có thể nói, đó là ngày đáng nhớ nhất trong lịch sử phát triển của Metran”.
Người mang lại sự sống

Ông Trần Ngọc Phúc là người con của cố đô Huế và có hơn 40 năm sống tại Nhật. Năm 1968, ông sang Nhật du học ở Đại học Tokai, ngành hóa công nghiệp. Tốt nghiệp năm 1974, ông làm việc cho một công ty nghiên cứu thiết bị y tế trong 10 năm, trước khi cùng người bạn thành lập công ty Metran tại thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama vào năm 1984.

Sản phẩm đầu tiên công ty nghiên cứu được là chiếc máy hô hấp tần số cao Humming Bir và đã giành giải nhất tại cuộc thi máy hô hấp nhân tạo do Viện Y tế quốc gia Mỹ tổ chức.

Một đứa trẻ sinh non, phổi thường chưa hoàn thiện vì chưa nở ra hết. Nếu áp dụng máy thở thông thường là bơm o-xy vào phổi, không khí không vào được các phế nang của phổi mà lại làm khí quản phình ra gây nguy hại đến tính mạng.

Ông Phúc đã dùng 30 năm làm việc của mình để sáng tạo và hoàn thiện thiết bị giúp thở mới, gọi là máy thở rung cao tần HFO (High Frequency Oscillatory Ventilation).

Nguyên tắc của máy không phải là bơm không khí vào mà là rung từ từ cho oxy thấm và tan vào buồng phổi yếu ớt của trẻ. Nếu dùng phương pháp bơm thở theo nhịp 15-20 lần/ phút thì máy thở HFO rung nhẹ 900-1.500 lần/ phút.

Hiện đã có hơn 1.400 chiếc máy HFO được trang bị tại 90% bệnh viện, phòng chăm sóc trẻ sơ sinh trên toàn nước Nhật. Hơn 200 máy đã được xuất khẩu đến 12 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chiếc máy tần số cao đầu tiên được Metran tặng cho Bệnh viện Nhi Hà Nội cách đây 6 năm.

altĐến nay, một số bệnh viện phụ sản cũng đã đặt mua. Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, chỉ riêng trong năm 2011, nhờ chiếc máy trợ thở tần số cao của Metran, bệnh viện đã cứu sống được 120 bé sinh non nặng dưới 1kg.
Đại học Oxford (Anh), hiện cũng đang tiến hành thử nghiệm thiết bị của Metran cho 800 bệnh nhân mắc hội chứng suy giảm hô hấp cấp. Dự kiến sau hai năm theo dõi, Oxford sẽ công bố kết quả. Và nếu thành công, phương pháp sẽ được công nhận rộng rãi toàn cầu.

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Ông Phúc cho biết: “Tôi muốn dành năng lượng còn lại của đời mình cho niềm đam mê nghiên cứu. Và Metran chỉ tập trung cho nghiên cứu, còn về thương mại, một đối tác ở Nhật đảm nhận”.

Với ông, đã dấn thân vào làm khoa học, phải nghiên cứu cái gì mà người ta chưa làm. Chiếc máy trợ thở tần số cao này là câu trả lời cho nỗ lực và cũng là triết lý sống của nhà khoa học này.

Có người cho rằng, ông Phúc chính là hiện thân của sự kết hợp tinh tế của hai nền văn hóa Việt – Nhật. Người Nhật ngày nay nổi tiếng là những người có tư duy làm việc “hitech” nhất, song thực chất đó là độ tinh tế như nghệ thuật sống của con người xứ Phù tang này.

Ông Trần Ngọc Phúc đã dành gần 30 năm để đạt đến thành công cho ra đời chiếc máy trợ thở tần số cao này. Nhớ lại những ngày đầu du học sang Nhật, ông Phúc bộc bạch: “Học ở Nhật khó nhất là ngôn ngữ, nhưng chúng tôi tìm thấy ở quốc gia này một tinh thần kiên cường, khả năng vượt qua các tai biến để vươn lên rất tuyệt vời”.

Không ngừng vươn tới

Hiện Metran đã có công ty tại Việt Nam, tập trung nghiên cứu và sản xuất một số thiết bị dùng cho chiếc máy trợ thở tần số cao này. Sản phẩm cũng đã được Bộ Y tế Nhật Bản đồng ý cho nhập khẩu để lắp ráp tại Nhật Bản.
Theo nhận xét của giới kinh doanh, điều này quả không dễ chút nào, bởi Nhật là quốc gia khắt khe trong vấn đề y tế, đặc biệt liên quan đến mạng sống con người.

Trong chuyến thăm của Nhật Hoàng đến với Metran, ông Phúc đã được Nhật Hoàng “đặt hàng” làm sao để chiếc máy này có thể giúp những người lớn tuổi bị hội chứng suy giảm hô hấp cấp. Nhật Hoàng cũng đưa ra ý kiến, có thể dùng thiết bị này làm quà tặng đặc biệt cho các hoàng tộc khác trên thế giới.

Theo ông Phúc, công ty đang có 3 bộ phận nghiên cứu và sản xuất 3 dòng sản phẩm chính được dùng cho bệnh viện (các loại máy hô hấp nhân tạo), dùng tại nhà và sản phẩm dùng một lần rồi bỏ (ống thở). Hiện một chiếc máy trợ thở tần số cao của Metran có giá khoảng 400-800 triệu đồng.

Nhiệm vụ của bộ phận nghiên cứu là làm thế nào để cho ra giá thành sản phẩm thấp nhất ở mức có thể để sản phẩm được phổ biến rộng rãi hơn.

“Trong lĩnh vực y khoa, không nên quá coi trọng lợi ích kinh tế nhất thời mà phải tính chuyện phát triển lâu dài. Và điều cần nhất là trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, con người”, ông Phúc tâm sự.

Câu chuyện gây dựng sự nghiệp từ nghiên cứu có giá trị đóng góp cho cộng đồng cũng như những trăn trở về hướng phát triển của ông Phúc và Metran đã trở thành câu chuyện được cộng đồng ở Nhật quan tâm, nhất là khi truyền hình Nhật Bản cũng đã cùng ông Phúc về Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu về cuộc đời ông hồi tháng 8 năm trước.

(Theo Vanhoadoanhnhan.vn)

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Niềm tự hào của ông Phúc Metran

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3