PGS.TS Nguyễn Thị Hòe và niềm đam mê duy nhất |
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Sơn Kova, là minh chứng cho thấy, người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm hàng đầu thế giới. PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sơn Kova. Sinh ra trong một gia đình thuộc diện nghèo nhất nhì tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An song cuộc sống khó khăn không làm bà Hòe nhụt trí. Những tháng ngày miệt mài học tập đã giúp bà đặt chân vào trường đại học có tiếng lúc bấy giờ - Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, bà được giữ lại trường làm giảng viên. Do muốn tiếp tục nâng cao kiến thức nên dù hoàn cảnh gia đình vất vả, nuôi 3 con nhỏ nhưng bà vẫn quyết tâm nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Vào năm 1979, bà chuyển công tác về giảng dạy tại trường Đại học Cần Thơ. Ngay từ những năm tháng giảng dạy tại trường đại học, bà đã ấp ủ ước mơ "làm một cái gì đó" mang dấu ấn của riêng mình. Và, ý tưởng "khoác áo cho ngôi nhà mơ ước" ra đời. Thế là bà nung nấu ý tưởng về một loại sơn đặc biệt vừa đáp ứng yêu cầu khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, lại vừa đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, giúp căn nhà được "khoác" áo mới. Khi tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Đại học Cần Thơ, bà nhận thấy hầu hết các loại sơn đó đều phải nhập ngoại, giá thành rất cao, đặc biệt không phù hợp với khí hậu nước nhà. Từ đó, nữ giảng viên cùng các đồng sự trăn trở suy nghĩ, dành nhiều năm nghiên cứu sản phẩm sơn bằng nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam. Làm khoa học là luôn luôn nghiên cứu - Thưa bà, KOVA mới công bố ba sản phẩm mới là sơn chống đạn, chống thấm và chống cháy, sao bây giờ bà còn vào phòng thí nghiệm? Đó là công việc hàng ngày của tôi. Mỗi ngày làm việc khoảng 14 tiếng thì hầu hết thời gian tôi ở phòng thí nghiệm. Đó cũng là lí do tôi không ở nhà riêng mà sống ngay tại công ty vì ở đây có tận 3 phòng thí nghiệm cho tôi làm việc. Tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu để tìm ra sản phẩm sơn tối ưu nhất. - Bà không có đam mê nào khác ngoài nghiên cứu sao, thưa bà? Vâng! Tôi thuộc số ít người không ham đi mua sắm, không thích du lịch; ăn uống thì kiêng khem, theo chế độ; tôi chỉ ham nghiên cứu, chỉ mê phòng thí nghiệm. - Bà cũng từng nói rằng, chính các nhà khoa học đã góp phần làm cho đất nước nghèo đi? Đúng. Cách đây 20 năm tôi từng nói như thế. Bây giờ điều này vẫn đúng. Tôi thấy nhiều nhà khoa học cứ ôm kinh phí của Nhà nước rót xuống để nghiên cứu những công trình to tát. Đến khi ra thế giới kiểm nghiệm thì không thể ứng dụng được, đề tài coi như vứt mà tiền thì đã tiêu rồi. Riêng với tôi, để thực hiện việc nghiên cứu, tôi tự bỏ tiền túi ra làm, không có tiền thì tôi đi vay. Đây cũng là một trong những lí do thôi thúc tôi phải nghiên cứu nghiêm túc, có tính thực tế cao bởi nếu làm không hiệu quả tôi sẽ không có tiền trả nợ. Làm sơn từ vỏ trấu - Thưa bà, tại sao bà có ý tưởng sản xuất sơn từ vỏ trấu? Sơn nano đã nhiều người làm, nhưng từ nguyên liệu vỏ trấu thì trên thế giới mới chỉ có Việt Nam làm được. Từ những nghiên cứu thực nghiệm trong phòng thí nghiệm và từ những chuyến công tác, tôi thấy trấu là thứ sẵn có ở một nước nông nghiệp như Việt Nam. Trong trấu lại chứa hàm lượng silicat rất cao. Từ trấu có thể tách chiết và biến nó thành nano silicat. Nếu dùng vỏ trấu làm sơn thì vừa nhẹ, vừa rẻ lại giảm được tình trạng ô nhiễm môi trường. Được biết sản phẩm sơn chống đạn của bà đã được thử nghiệm bằng súng thật ở Campuchia. Tại sao bà không thử nghiệm tại Việt Nam? Tôi rất muốn được thử nghiệm ở Việt Nam nhưng thủ tục nhiêu khê quá! - Tổ chức nào đã kiểm định và chứng nhận chất lượng của 3 dòng sơn mới của bà? Với dòng sơn chống đạn, quân đội Campuchia đã bắn thử nghiệm và cho kết quả tốt. Sắp tới, KOVA sẽ nhắm tới kết hợp với các cơ quan quân sự ở Mỹ để kết hợp thử nghiệm và phát triển sản phẩm này. Riêng sản phẩm sơn chống cháy thì KOVA sẽ cho gửi đi chứng nhận ở Malaysia vì hiện tại thị trường Việt Nam vẫn chưa có một tiêu chuẩn nào chứng nhận thông dụng cho sản phẩm sơn chống cháy trong khi nhu cầu sản phẩm thực sự rất cao. Ngay sau khi công bố những sản phẩm này, chúng tôi đã nhận được yêu cầu cung cấp khoảng 1,5 triệu lít sơn chống cháy. - Được biết đến như một nhà khoa học khá liều lĩnh, bà có thể kể về một số cái liều trong đời mình? Tôi lập gia đình sớm. 21 tuổi bước chân vào giảng đường Đại học Bách khoa TP.HCM và lúc đó đã có 3 con nhỏ. Có lẽ đó là cái liều đầu tiên và lớn nhất trong cuộc đời tôi. Cái liều tiếp theo là tôi từng qua Mỹ chỉ với 500 USD trong túi và vali hành lí nặng 20 kg mì gói để xem người ta nghiên cứu về sơn thế nào. Thiếu tiền, tôi ngủ ở chân cầu thang và ăn mì gói suốt 2 tháng ròng. Một cái liều nữa là tôi dám mang sơn của Việt Nam sang Singapore để dự đấu thầu. Tận mắt chứng kiến các công trình được sơn bằng sơn Kova, phía đối tác đã hoàn toàn bị thuyết phục. - Tại sao bà đem sơn sang Singapore mà không phải một quốc gia nào khác? Việc mở nhà máy ở một thị trường, phụ thuộc vào tiềm năng của nước đó cũng như các thị trường lân cận. Ngoài ra, Singapore cũng được coi như là một cái “cổng” để chuyển hàng đi các nước dễ hơn, bởi theo cách nhìn nào đó thì hàng “Made in Singapore” hoặc “Made in Malaysia” sẽ dễ được chấp nhận bởi người tiêu dùng các nước tiên tiến. - Từ một nhà khoa học, không biết làm đại lý phân phối, đến nay hệ thống đại lý sơn Kova đã rộng khắp cả nước. Kova ít đầu tư cho truyền thông, ít chạy quảng cáo. Vậy kênh tiếp thị sản phẩm chủ yếu mà công ty áp dụng là gì? Nếu xét về các công cụ để marketing thì văn hóa truyền miệng có sức lan tỏa ít, nhưng thực ra sức ảnh hưởng khá lớn. Điều này thể hiện khá rõ ở sự khác biệt giữa KOVA phía Bắc và KOVA phía Nam. Ở phía Bắc, vì khí hậu bốn mùa khá là khắc nghiệt so với miền Nam nên khi xây nhà họ thường tìm đến những loại sơn và chất chống thấm tốt nhất có thể. Chất lượng sản phẩm được chứng minh, hình ảnh KOVA được xây dựng từ đó. Ở phía Nam, người dân thường đầu tư vừa phải, không quá kén chọn về chất lượng sơn. Khi đó những hãng sơn có chất lượng cao như KOVA lại không phát huy được thế mạnh. Và một khi KOVA không có những cách quảng bá để khuếch trương hình ảnh thì việc nhận biết và tiêu thụ có thấp hơn là điều tất yếu. - Bà có tính đem sáng chế của mình đi dự giải thưởng quốc tế không? Không. Nếu tôi đi dự giải thì ai cũng biết đến sáng chế của tôi. Như thế sẽ lộ hết bí mật kinh doanh. Tôi không ham danh tiếng cho riêng mình. Tôi chỉ muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm hàng đầu thế giới. - Xin cảm ơn bà! Người đăng: BL Nguyễn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|