"Có đam mê, hãy đi đến cùng" |
Gia nhập Intel Việt Nam năm 29 tuổi khi đạt học vị tiến sĩ ngành công nghệ bán dẫn, đó là việc làm đầu tiên của ông Thiều Phương Nam. Sau Intel, ông về IBM và từ cuối năm 2012 đến nay, ông làm việc ở Qualcomm khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia. Người đàn ông có vẻ ngoài thư sinh này chưa bao giờ thôi khát khao làm thế nào để càng nhiều người dân tiếp cận được với công nghệ, với internet càng tốt. Ảnh: Quý Hòa * Khi ông làm ở Intel, nhiều người đã gọi ông là "người của Intel". Vậy giờ chuyển sang Tập đoàn Qualcomm, chắc người ta sẽ gọi ông là "người của Qualcomm", ông có thích những "nickname" này không? - Theo tôi nhớ thì có một nhà báo đã dùng cụm từ "người của Intel" để nói về tôi trong một bài báo. Sau đó, nhiều người "bắt chước" gọi theo. Nếu để nói vui, tôi thích được gọi là "người của công nghệ” vì nghe có vẻ hợp lý hơn. (Cười). * Tốt nghiệp đại học và sau đó lấy bằng tiến sĩ ngành công nghệ bán dẫn ở Nga, dường như chiếc máy tính có sức hút rất lớn với ông? - Năm 1989, tôi thi đậu Đại học Bách Khoa TP.HCM, sau đó được chọn đi Nga (lúc đó là Liên Xô) để học đại học theo chương trình hợp tác giáo dục của hai Chính phủ Việt Nam - Liên Xô. Khi đó, tôi học ngành công nghệ bán dẫn Trường Đại học Điện tử Leningrad (tên cũ của thành phố Saint Petersburg). Năm 1995, tôi tốt nghiệp kỹ sư trường này và tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ. Luận án tiến sĩ của tôi nói về đề tài Network Protocols - giao thức mạng. Tôi mê toán và tin học từ khi còn học phổ thông. Tuy nhiên, kiến thức mình tiếp nhận lúc đó chủ yếu là từ thầy cô, qua sách vở và những bài báo, các tài liệu thu thập được nên không nhiều và đầy đủ như bây giờ. Thời đó, ở Việt Nam chưa có máy tính, mãi đến vài năm sau mới có và một chiếc máy tính có giá bằng một căn nhà ở thành phố. Khi sang Nga, tôi được tiếp xúc với máy tính và không thể nào quên cảm giác của mình lúc đó. Những chiếc máy tính rất to với đĩa mềm quay vù vù cùng với hệ điều hành DOS đã làm tôi say mê. Và tôi quyết tâm phải học bằng được. * Ông học chuyên về kỹ thuật, vậy điều này có là trở ngại khi làm kinh doanh, cho dù là kinh doanh đúng lĩnh vực mình đã học? - Để thành công, tôi phải học tiếp. Với những tập đoàn đa quốc gia, họ luôn có những khóa huấn luyện, đào tạo nhân sự. Sau hơn 10 năm sử dụng tiếng Nga, tôi lại phải đi học thêm tiếng Anh. Ngoại ngữ rất quan trọng, không thông thạo ngoại ngữ thì khó lòng hòa nhập trong một thế giới phẳng. * Giả sử sau khi lấy bằng tiến sĩ ở Nga, được đề nghị ở lại Nga làm việc với mức lương rất cao, ông có chấp nhận hay vẫn muốn về Việt Nam? - Tôi chọn về Việt Nam và đó là điều tôi đã xác định ngay từ ngày đầu bước chân du học. Tôi luôn có tâm nguyện được đóng góp cho nước nhà trong mọi vai trò. Với tôi, không đâu bằng quê hương mình. Nếu quay trở lại mười mấy năm về trước, tôi cũng vẫn chọn lựa như vậy. * Và ông đã thực hiện tâm nguyện ấy như thế nào? - Vào khoảng năm 1997-1998, intenet đã xuất hiện ở Nga và tôi nghĩ ngay đến chuyện internet sẽ làm thay đổi mọi thứ. Việt Nam có internet, mọi thứ sẽ phát triển và chúng ta cũng không thể nằm ngoài sự phát triển của công nghệ. Đó cũng là điều thôi thúc tôi về Việt Nam. Tôi rất vui vì đã góp phần phát triển nền công nghệ tại nước nhà với những dự án về máy tính, điện thoại giá rẻ, phát triển internet rộng khắp. Việt Nam là một trong những quốc gia có độ phủ 3G lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Người dân ở nông thôn cũng cần được tiếp cận intenet như người ở thành thị. Và những thiết bị giá rẻ sẽ giúp họ dễ tiếp cận internet hơn. * Ông từng nói Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất smartphone? - Đúng vậy, nhân lực Việt Nam với trình độ công nghệ như hiện nay thì hoàn toàn có thể làm được điều đó. Viettel, VNPT, Q-Mobile, MobiStar và FPT đã làm ra một số sản phẩm, đó là sản phẩm của người Việt. Và tôi nghĩ sẽ còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được smartphone. * Nhiều người lại muốn phân định rạch ròi: một sản phẩm "Made in Vietnam" phải là do Việt Nam chế tạo ra chứ không phải mua linh kiện ở nước ngoài về lắp ráp rồi gắn thương hiệu Việt Nam vào... - Như bạn biết, trên thế giới chỉ có vài công ty sản xuất chip, hệ điều hành cho máy tính, điện thoại. Ngoài Apple, Samsung tự sản xuất chip cho những sản phẩm công nghệ của họ thì phần lớn các hãng sản xuất thiết bị khác đều sử dụng chip của Qualcomm và một số nhà sản xuất chip khác. Có sự khác nhau giữa sản xuất và lắp ráp một chiếc điện thoại. Một sản phẩm của Apple được lắp ráp tại Trung Quốc, sau đó bán khắp nơi trên thế giới và người tiêu dùng vẫn thừa nhận sản phẩm đó là của Apple chứ không phải của Trung Quốc. Thế giới bây giờ đã "phẳng" và công nghệ đã làm điều đó. Một sản phẩm công nghệ giờ đây được xem là sản phẩm toàn cầu. Bạn không thể đòi hỏi một sản phẩm được gọi là sản phẩm của Việt Nam chỉ khi nào nó do người Việt làm ra toàn bộ. * Vậy theo ông, nước ta cần gì để có nền công nghiệp sản xuất thiết bị di động phát triển? - Phải có chiến lược xây dựng nền công nghiệp sản xuất các thiết bị di động. Chúng ta cần có quyền sử dụng các sáng chế do các hãng hàng đầu thế giới phát minh trong lĩnh vực di động. Ví dụ, Qualcomm có hàng ngàn sáng chế liên quan đến lĩnh vực này và Qualcomm có thể chia sẻ cho các quốc gia để phát triển nền công nghiệp sản xuất các thiết bị di động. Để sử dụng những sáng chế này, Việt Nam chỉ cần ký hợp đồng bản quyền với Qualcomm. Qualcomm sáng chế ra chip, còn cách sử dụng chip thế nào là tùy Việt Nam. * Nhưng nền công nghiệp phụ trợ trong ngành sản xuất điện thoại di động nước ta chưa thể gọi là mạnh,ông có thấy thế không? - Hiện những hãng điện thoại lớn trên thế giới như Nokia, Samsung... đã có nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Một khi họ đặt nhà máy tại nước ta thì hàng loạt các doanh nghiệp phụ trợ sẽ đi cùng. Đây sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp của Việt Nam. Một khi ngành công nghiệp phụ trợ đã phát triển đầy đủ thì chúng ta hoàn toàn có thể cho ra đời những chiếc smartphone giá thấp. Tất nhiên, chất lượng sản phẩm vẫn phải được đảm bảo. * Nghĩa là ông cho rằng sản phẩm "Made in Vietnam" vẫn có cơ hội cạnh tranh với những sản phẩm của nhiều hãng lớn trên thế giới? - Có thể nói, những nhà sản xuất hàng đầu thế giới thường sản xuất thiết bị cao cấp. Do đó, vẫn còn cơ hội cho nhà sản xuất trong nước. Họ có thể sản xuất thiết bị có tính năng phù hợp và có mức giá vừa phải với mức sống của số đông người tiêu dùng trong nước. Có smartphone chất lượng tốt, giá thấp, người dùng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đến với internet. Đó cũng là quyền lợi chính đáng của mọi người. Tôi nghĩ, rồi đây trên thị trường sẽ xuất hiện những chiếc smartphone giá 50USD. Đến nay, tuy chưa có sản phẩm có mức giá đó nhưng khoảng 80 - 90 USD/chiếc thì đã có và theo tôi, chắc chắn giá còn giảm nữa. * Cho đến thời điểm này, ông có thể chia sẻ gì về chiến lược phát triển của Qualcomm tại Việt Nam? - Trước hết, tại Việt Nam, Qualcomm tập trung vào bốn mục tiêu: Góp phần xây dựng chính sách về công nghệ, xây dựng hạ tầng mạng 3G, phát triển các thiết bị đầu cuối, tăng cường nội dung số. Như tôi đã nói, Qualcomm có hàng ngàn sáng chế và doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể được chia sẻ những sáng chế này. Song song đó, Qualcomm cũng có hàng trăm thiết kế smartphone và có thể cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam. Điều còn lại là doanh nghiệp Việt sử dụng thiết kế đó, con chíp đó như thế nào, họ sẽ phát triển ứng dụng gì để cung cấp cho người dùng. * Chia sẻ một chút về chuyện gia đình, ông có muốn sau này con cái sẽ kế nghiệp mình? - Tôi có hai con và chưa bao giờ nghĩ rằng các cháu sẽ làm nghề giống mình. Tôi quan niệm tạo cơ nghiệp cho con là nuôi dạy con tốt, tạo điều kiện để con học hành, có một nền tảng kiến thức tốt. Con cái thích học ngành gì, làm nghề gì sau này là tùy con chọn lựa. Vì vậy, sau này các cháu có theo ngành của tôi hay theo lĩnh vực khác là do khả năng và sự yêu thích của chúng. Tôi nghĩ mình cần tôn trọng điều đó. * Giả sử có một bạn trẻ gặp ông và nói rằng anh ta ước mơ tương lai sẽ được như Thiều Phương Nam thì ông sẽ nhắn nhủ bạn trẻ đó điều gì? - Nếu có trường hợp đó, tôi sẽ nói với bạn ấy rằng: "Bạn phải giỏi hơn Thiều Phương Nam gấp nhiều lần". Tôi nói vậy vì các bạn trẻ ngày nay được học hành bài bản, được tiếp cận công nghệ một cách thuận lợi và đó là thời cơ cho các bạn chứng minh năng lực bản thân. Các bạn có thể đọc sách, tìm hiểu và trao đổi thông tin, tiếp cận tài liệu khoa học kỹ thuật... mọi lúc mọi nơi. Internet giúp ích rất nhiều cho chúng ta, nó là một thư viện khổng lồ, vấn đề là cách tiếp cận và tận dụng internet của mỗi người như thế nào mà thôi. Không có câu hỏi nào là hỏi sai, hỏi "dốt". Không biết thì hỏi và khi bạn hỏi tức là bạn đang học, vì không ai có thể biết hết mọi thứ trên đời. Với tôi, khi có đam mê thì hãy đi đến cùng sự đam mê đó. Làm điều mình thích thì có khả năng thành người giỏi. Nếu làm điều mình không đam mê thì chỉ là làm việc và không đánh thức được những giá trị còn tiềm ẩn trong bản thân. * Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
NAM HƯNG thực hiện Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|