"Nếu để kiếm tiền, tôi không bao giờ xây bệnh viện" |
Khoảng năm 1993-1994, trong giới kinh doanh xe máy tại TP.HCM nổi lên tên tuổi Công ty Hoa Lâm với thị phần khá cao. Thế nhưng, đang vào thời kỳ thương hiệu và kinh doanh phát triển tốt thì đột nhiên Hoa Lâm chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mới: xây dựng bệnh viện và khu y tế kỹ thuật cao mang tên Hoa Lâm - Shangri La. Bỏ qua dư luận và rất nhiều nghi ngờ của nhiều người, suốt tám năm trời theo đuổi dự án, bà Trần Thị Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Lâm, chỉ tâm niệm: "Cứ làm hết sức mình bằng trách nhiệm và cả trái tim, điều lành sẽ đến". Trước khi giải thích vì sao có sự chuyển hướng này, bà Trần Thị Lâm ôn lại ký ức với giọng trầm đều: Sinh ra trong một gia đình nghèo có năm anh chị em, tuổi thơ của tôi trải qua những ngày tháng hết sức nhọc nhằn, thiếu thốn. Năm 1982, tôi lập gia đình và năm đứa con lần lượt ra đời. Cảnh nhà nghèo, con đông luôn là nỗi ám ảnh, nhất là mỗi khi con cái đau ốm, bệnh tật. Khi một trong năm đứa con chào đời oặt ẹo, ốm đau liên miên, tôi càng thấm thía nỗi khổ của các bà mẹ khi phải thường trực nuôi con nằm bệnh viện. Lúc đó, điều tôi mơ ước là có bác sĩ thật giỏi để chữa hết bệnh cho con. Rồi khi mẹ và dì tôi già yếu, phải ra vô bệnh viện thường xuyên, tôi càng nhận thức rõ được khám, chữa bệnh là nhu cầu không thể thiếu của bất cứ ai từ khi mới sinh ra cho đến lúc già yếu. Một người không có điều kiện học hành vẫn có thể sống được, nhưng một người không có sức khỏe thì không thể nuôi sống bản thân, chứ khoan nói đến làm việc có ích cho xã hội. Chính nhu cầu thiết thực của người thân đã tiếp cho tôi động lực, và tôi luôn cầu nguyện kinh doanh xe máy có tiền để có thể thực hiện ngay giấc mơ xây bệnh viện. * Nghe nói, trong lý do này còn có cả một chút tự ái cá nhân khi bà thấy nhiều người Việt Nam "có tiền" ra nước ngoài chữa bệnh mà không được "trọng thị”, và chính bà cũng là một trường hợp như vậy? - Như đã nói, xây bệnh viện là khao khát và ước mơ ấp ủ từ rất lâu của tôi. Còn việc ra nước ngoài chữa bệnh, tôi thấy có quá nhiều bất cập như chi phí điều trị quá cao, việc ăn ở, đi lại cho thân nhân đi theo cũng quá tốn kém, cộng thêm rào cản về ngôn ngữ, chưa kể cha mẹ mình già yếu, gặp lúc bệnh nguy kịch mà mình phải ra nước ngoài thì rất khó khăn. Song, điều đáng tiếc nhất là mỗi năm Việt Nam bị mất khoảng 2 tỷ USD là khoản tiền người dân mang ra nước ngoài chữa bệnh, một phần cũng là do các bệnh viện trong nước quá tải. Vậy tại sao không phát triển bệnh viện chất lượng cao để giữ lại nguồn ngoại tệ này? * Nhưng lại có dư luận cho rằng, việc bà thoái vốn khỏi liên doanh Hoa Lâm - Kymco là do thị trường xe máy đã bão hòa? - Việc chuyển hướng kinh doanh không phải do khách quan mà là do tôi chủ định. Trở lại quá khứ một chút, năm 1993, một buổi chiều trời nắng chói chang, ngồi nhìn ra ngã tư Cao Thắng - Nguyễn Đình Chiểu, tôi thấy trong dòng xe cộ đang lưu thông trên đường có rất nhiều xích lô, xe đạp, ba gác, lúc đó trong đầu tôi nảy ra ý tưởng kinh doanh xe. Nhưng buôn bán xe Nhật thì cần nhiều vốn trong khi mình lại eo hẹp, hơn nữa, tuy nhu cầu của người đi xe đạp, chạy xe ôm, xe xích lô và dân nhập cư rất nhiều nhưng họ làm sao mua nổi một chiếc xe đắt tiền, thế nên tôi không chọn kinh doanh xe Nhật. Khi mua thử một chiếc SangYang cũ của Hàn Quốc về nâng cấp lên rồi bán thấy lời, tôi thử mua chiếc mới, cũng bán được. Vốn một chiếc SangYang chỉ có 6 triệu đồng, bán ra 10 triệu, mà có bán 8 triệu vẫn lời nên tôi chọn kinh doanh dòng xe này để phục vụ những người ít tiền. Trong vòng sáu tháng, tôi đã mua cùng lúc 1.000 chiếc. Khi thấy nhu cầu thị trường có thể phát triển, tôi sang Hàn Quốc mua xe cũ, đem tân trang rồi đưa về Việt Nam bán. Lúc đó tất cả thương lái ở miền Tây, miền Trung biết tôi bán xe cũ nhưng đẹp, tốt, giá vừa phải, mua về bán lại có lời nên ai cũng thích mua xe của tôi, từ đó số lượng xe bán ra tăng vùn vụt, lên đến 10.000 chiếc/tháng. Thấy vậy, Hãng Daelim bỏ qua 40 doanh nghiệp khác để mời tôi làm đại lý độc quyền, lý do là tôi kinh doanh nghiêm túc và có uy tín. Cũng nhờ vậy mà sau đó đối tác Kymco cũng hợp tác với tôi. Việc thoái vốn khỏi liên doanh Hoa Lâm - Kymco là do tôi đã có đủ cơ hội và điều kiện để đầu tư vào bệnh viện. Hơn nữa, quan điểm kinh doanh của tôi là "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", chỉ nên làm một việc, xong việc này mới tính đến việc khác, thà làm một việc mà thành công còn hơn làm mười việc mà không việc nào ra việc nào. * Theo chia sẻ của bà: "Tám năm theo đuổi dự án chưa hề có được một đồng lợi nhuận", vậy đến bây giờ bà có thấy mình "đi sai" nước cờ khi chọn kinh doanh ở lĩnh vực được cho là mang lại lợi nhuận nhanh hơn và cũng đỡ mệt hơn kinh doanh xe máy nhiều? - Đúng là tám năm qua tôi đã đổ rất nhiều mồ hôi và nước mắt, gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí phải chịu đựng búa rìu dư luận mới hoàn thành dự án xây dựng Khu Y tế Kỹ thuật cao và đưa Bệnh viện Quốc tế Thành Đô vào hoạt động. Dù tám năm qua tôi chỉ biết chi ra chứ chưa hề thu về một đồng lợi nhuận nào, và trước mắt vẫn còn nhiều thách thức, có thể phải mất nhiều năm nữa mới thu hồi vốn, nhưng tôi rất mãn nguyện và hạnh phúc. Bởi nếu chỉ vì mục đích kiếm tiền thì tôi không bao giờ theo đuổi việc xây bệnh viện. Dự án này là tâm nguyện của tôi và bằng mọi giá tôi phải hoàn thành. * Không có kinh nghiệm gì về ngành y mà lại thực hiện dự án quá lớn về Khu Y tế Kỹ thuật cao gồm 6 bệnh viện và 20 dự án thành phần, bà có thấy mình liều lĩnh và có dự đoán được áp lực sẽ rất lớn? - Năm 2005, khi tôi được lãnh đạo thành phố giao thực hiện dự án xây dựng Khu Y tế Kỹ thuật cao, dư luận bàn tán rất nhiều, ngay cả Sở Y tế TP.HCM và các ngành trực thuộc cũng hoài nghi về năng lực đầu tư của tôi. Nhất là khi dự án khởi công chậm trễ do thủ tục xin giấy phép, bởi mỗi dự án thành phần phải tách ra xin một giấy phép, rồi phải qua nhiều cấp, gõ cửa hết cơ quan này đến cơ quan khác. Gian truân và áp lực như vậy nhưng tôi vẫn bình tĩnh, không chút dao động hay cảm thấy mình liều lĩnh. Ngược lại, lúc nào tôi cũng nghĩ mình sẽ thành công, ngay khi đang xin đất tôi đã thấy bệnh viện hiện ra trước mắt rồi. Hoàn thành dự án này, đến lúc nhắm mắt, tôi sẽ rất mãn nguyện. Và những người đầu tiên tôi đưa đến điều trị khi bệnh viện hoàn thành là mẹ tôi, dì tôi và nhân viên của Công ty. Tất nhiên một mình tôi không thể làm mọi việc, mà phải có sự hợp tác của nhiều người, nhiều đối tác, và phải chia ra làm từng giai đoạn. May mắn là khi bắt tay vào thực hiện dự án, tôi đã được hai đối tác lớn là Quỹ Đầu tư Asean Properties và Tập đoàn Ireka Berhad cùng góp vốn và Tập đoàn Parkway Health đảm nhận quản lý dịch vụ. Nhiều người hỏi tôi sao không mời các nhà đầu tư trong nước mà lại kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài? Thật lòng, khi nhận dự án, tôi cũng muốn để các doanh nghiệp trong nước thực hiện nên đã mời nhiều đối tác tham gia nhưng không ai muốn đi cùng tôi trong dự án này. Và lợi thế của tôi khi hợp tác với các đối tác nước ngoài là tính toán được tài chính cũng như có thêm vốn, học hỏi được nhiều kiến thức về xây dựng bệnh viện. * Nhiều người cho rằng rủi ro trong ngành y khá cao, nhiều bệnh viện tư nhân đã phải bán lại vì lỗ, hoặc bệnh viện tư thường hay bị "soi" nhiều hơn khi gặp sự cố. Bà có lo lắng về điều này? - Được làm trong ngành y tôi thấy rất tự hào và yêu thích nên ai muốn nghĩ sao cũng được và cũng không ngại bất trắc, vì nếu cứ sợ như vậy thì còn ai dám làm. Quan trọng là đội ngũ bác sĩ của mình phải nhiệt tâm, có tinh thần trách nhiệm, có tay nghề và thương bệnh nhân như người thân của mình. Hơn nữa, mỗi người đều có cách kinh doanh riêng và hướng đi của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu. Thế nên đừng bao giờ thấy người ta thành công mình cũng nhảy vào làm, còn khi thấy người ta khó khăn, thất bại thì lại sợ, muốn rút lui. Tôi rất cảm ơn những bác sĩ, y tá đã về làm với tôi, nhưng ngược lại họ cũng phải cám ơn tôi vì tôi mang đến cho họ nhiều cơ hội được đào tạo, nâng cao tay nghề. Người dân ở khu vực đó cũng thương tôi vì nhờ dự án này mà họ có công ăn việc làm, đau ốm được vào bệnh viện chữa trị. Về mặt phát triển đô thị, từ khi có bệnh viện, đất ở đó cũng tăng giá, buôn bán sầm uất, các tập đoàn trên thế giới từ Nhật, Mỹ, Pháp, Đức... cũng liên tục đến đây tham quan. * Nhưng bất cập hiện nay là các bệnh viện tư đều theo mô hình chất lượng cao, chi phí cũng cao nên người dân có thu nhập trung bình và thấp làm sao vào được các bệnh viện này, thưa bà? - Xã hội có nhiều thành phần nên Nhà nước muốn mở rộng hệ thống bệnh viện phục vụ cho nhiều đối tượng người dân thì phải giúp chúng tôi một tay. Tôi đầu tư cao thì tất nhiên phải thu cao. Nghịch lý là lãi suất cho vay đầu tư vào y tế ở Việt Nam còn rất cao, tôi chưa nhận được sự ưu đãi nào về lãi suất vay từ thành phố, Chính phủ, mà chỉ được hỗ trợ về tinh thần. Tôi rất mong được Nhà nước ưu tiên quan tâm nhưng phải quan tâm chi tiết, cụ thể, phải có nơi chốn để chúng tôi đến đặt vấn đề, chứ không phải nói là ủng hộ nhưng khi chúng tôi gặp khó khăn thì lại không biết đến gặp ai nhờ giúp đỡ. Ở các nước, lãi suất cho vay chỉ 2% người ta mới phát triển y tế được, mà giá dịch vụ họ thu lại cao, còn Việt Nam cho vay lãi suất cao mà bắt thu phí thấp thì làm sao chấp nhận được? Nếu Nhà nước cho vay lãi suất thấp, tôi sẽ tính giá thấp. Đừng nghĩ nhà đầu tư thu cao sẽ lời nhiều vì phải có lời thì họ mới duy trì được chất lượng dịch vụ, phát triển được thêm nhiều dịch vụ mới, nhưng hiện nay đầu tư cho y tế rất khó lời, phải khấu hao trong 30 năm. Tôi cho rằng, đầu tư vào y tế là cống hiến cho xã hội và muốn tham gia vào lĩnh vực này thì không chỉ phải có tiền mà còn phải có trái tim và trí tuệ. Nếu cứ nghĩ đầu tư vào đây sẽ thu được lợi nhuận cao thì tôi khuyên đừng nên đầu tư. Trong kinh doanh, tôi thấy hạnh phúc nhất là tuân thủ luật pháp và đạt được thành công, riêng thời kỳ kinh doanh xe máy tôi đã đóng góp rất nhiều cho Nhà nước, bốn năm liền nhận bằng khen của Bộ Tài chính về hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế. * Cái khó nhất trong đầu tư cho y tế là thiếu đội ngũ bác sĩ giỏi, bà giải quyết khó khăn này như thế nào? - Tám năm làm việc trong lĩnh vực y tế và hết lòng với công việc, tôi nhận ra, bác sĩ chưa hẳn mình thiếu nhưng chưa đồng bộ thì đúng hơn. Vì vậy, khi đủ lực tôi sẽ tổ chức đào tạo chuyên sâu cho bác sĩ, có chế độ bài bản vì ngành y đòi hỏi sự chính xác, sai một ly đi một dặm, ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng con người. Song, muốn làm được điều này thì phải có sự hỗ trợ, chung tay của nhiều ban, ngành. * Được tôn vinh là nữ doanh nhân thành đạt, chắc hẳn bà rất tự hào và mãn nguyện? - Tôi sợ tiếng "doanh nhân", nghe to lớn quá, cứ là chủ một doanh nghiệp thành đạt cũng thấy vui rồi. Điều tôi mãn nguyện nhất là các con tôi đều trưởng thành, học hành thành tài và sống có đạo đức. Tôi thường nói với các con: "Gia đình mình ngày xưa rất nghèo khổ, má tạo dựng được sự nghiệp như ngày nay cũng là nhờ biết sống đạo đức và cần kiệm. Vậy nên má mong các con làm gì cũng phải giữ cái tâm trong sáng, đặt đạo đức lên hàng đầu và dù có dư dả cũng không nên phung phí, phải luôn nghĩ tới người nghèo". Điều quan trọng khác tôi cũng thường răn dạy các con là đừng quá quan tâm đến dư luận, nếu thấy việc mình làm là đúng thì cứ yên tâm làm, chứ đừng nghe bàn ra tán vào rồi nản lòng, có như vậy mới làm được việc lớn. Bên cạnh đó là phải có lòng bao dung để tạo dựng và duy trì được quan hệ tốt đẹp với bạn bè và nhân viên. * Hình như bà đang chuẩn bị cho các con kế thừa sự nghiệp? - Việc quan trọng nhất tôi muốn làm cho các con là dạy dỗ chúng nên người chứ không phải gắng sức gầy dựng sự nghiệp cho chúng thừa hưởng. Tôi chỉ muốn truyền lại kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc cho các con và muốn chúng phải biết tự lập, phải có ý chí và đam mê công việc thì mới thành công. * Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện này. Nguồn: DNSG Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|