Tỷ phú người Việt thâu tóm Dell của Mỹ |
Ông Chính Chu, một tỷ phú người việt, em rể ca sỹ Cẩm Ly chỉ đạo vụ thâu tóm tập đoàn máy tính Dell. Ảnh minh họa
Chính Chu được Blackstone giao phụ trách vụ mua lại Dell. Chưa rõ nhà sáng lập Michael Dell có giữ được ghế CEO sau thương vụ này hay không.
Mấy tháng nay, nước Mỹ xôn xao với vụ giới đầu cơ tranh nhau quyền kiểm soát tập đoàn máy tính Dell. Một trong những đấu thủ tham gia trận chiến này là tập đoàn tài chính Blackstone Group.
Em rể của ca sỹ Cẩm Ly, ông Chính E. Chu, chính là một trong hai viên tướng chỉ huy cánh quân của tập đoàn Blackstone. Chính Chu hiện giữ chức Giám đốc điều hành cao cấp (Senior Managing Director), và là đồng Chủ tịch Ủy ban đầu tư vốn cổ phần của Blackstone.
"Viên tướng" còn lại là ông David Johnson, trước là Giám đốc Mua bán và Sáp nhập tại chính tập đoàn máy tính Dell. Ông Johnson vừa mới sang đầu quân cho Blackstone từ tháng 1 năm nay.
Năm 2002, Chính Chu kết hôn với ca sỹ Hà Phương, em gái nữ ca sỹ Cẩm Ly. Chính Chu còn được biết đến với tư cách một trong những người gốc Việt hiếm hoi có tài sản trên 1 tỷ đôla Mỹ.
Blackstone Group là tập đoàn tài chính chuyên đầu tư vốn cổ phần tại Mỹ. Tập đoàn này do cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Pete Peterson và thuộc cấp Stephen Schwarzman thành lập năm 1985. Tới cuối năm 2012, tổng tài sản do Blackstone quản lý là 210 tỷ USD.
Chính Chu làm việc cho Blackstone từ năm 1990 sau khi rời bộ phận mua bán và sáp nhập của Salomon Brothers.
Ông tâm sự do tốt nghiệp trường không mấy danh tiếng (University of Buffalo, New York) nên ban đầu rất khó xin việc. Cả 15 bộ hồ sơ ông gửi tới các công ty trên Phố Wall đều bị lịch sự từ chối. Nhưng chính thất bại ban đầu ấy lại khiến ông “hứng thú hơn” và quyết tâm theo đuổi ngành đầu tư.
Tại Blackstone, Chính Chu đã “đạo diễn” nhiều vụ đầu tư trong ngành y tế như vụ ReAble Therapeutics mua lại DJ Orthopedics (trị giá 1,6 tỷ USD), vụ hợp vốn mua lại hãng dược Nycomed (2002) và hãng dược Catalent Pharma Solutions (3,3 tỷ USD); hay trong ngành hóa chất và xử lý nước như hai vụ đầu tư vào Celanese (trị giá 3,5 tỷ USD) và Nalco.
Cuối năm 2007, Chính Chu được nhiều tờ báo chú ý sau khi bỏ 33,6 triệu USD để mua lại toàn bộ tầng 89 và một nửa tầng 90 của tòa tháp Trump World Tower. Căn penthouse rộng gần 1.400 m2 này gồm 34 phòng trong đó có 12 phòng ngủ và 16,5 phòng tắm. Chính Chu đã cố gắng mua lại nốt nửa còn lại của tầng 90 nhưng không được.
Vợ chồng Chính Chu – Hà Phương đang điều hành hai quỹ từ thiện Vietnam Relief Effort và Hà Phương Foundation.
Dù chưa chốt giá cuối cùng, nhưng mua lại tập đoàn máy tính Dell chắc chắn sẽ là thương vụ đắt giá nhất mà Chính Chu từng thực hiện (trên 25 tỷ USD).
Em rể ca sỹ Cẩm Ly chỉ đạo vụ thâu tóm tập đoàn máy tính Dell (1). Mọi sự bắt đầu khi nhà sáng lập kiêm C.E.O Michael Dell tính chuyện mua lại toàn bộ cổ phần của tập đoàn máy tính Dell cùng quỹ đầu tư Silver Lake.
Michael Dell tuyên bố nếu tập đoàn Dell không còn là công ty đại chúng, ông sẽ không phải chạy theo các mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn và tập trung hơn cho các chiến lược dài hơi nhằm cạnh tranh với các công ty công nghệ khác như Apple hay Amazon.
Tuy vậy, các cổ đông lớn của Dell như South Eastern Asset Management hay T. Rowe Price Group lại lo ngại họ sẽ bị thiệt hại nặng vì cổ phiếu Dell đang ở mức thấp và cái giá Michael Dell và Silver Lake đưa ra cách quá xa so với giá trị thực (ban đầu Silver Lake chỉ chào mua có 11,22-12,16 USD/cp, hiện giá cp Dell đã lên 14,26 USD/cp).
Đánh hơi thấy mùi máu, giới đầu cơ ngay lập tức nhảy vào cuộc. “Kẻ cướp công ty” Carl Icahn gom cổ phiếu Dell rồi tuyên bố Dell phải đáng giá tới 25 USD/cp. Ông này còn gây áp lực đòi Dell phải trả cổ tức đặc biệt bằng tiền mặt trị giá 9 USD/cp và cho mình một ghế trong hội đồng quản trị.
Nhưng Icahn chỉ là một tay đầu cơ, có lợi thì nhảy vào chứ về cơ bản, ông này không đủ tiềm lực tài chính để một mình nuốt trọn Dell và cũng không đủ khả năng điều hành trong trường hợp một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới rơi vào tay mình.
Trong các vụ thâu tóm trước đây, Icahn thường xé công ty thành nhiều mảnh rồi bán lại kiếm lời, chính vì thế mới bị gắn cái mác “kẻ cướp công ty” và từ lâu vẫn là một nhân vật nhiều thị phi trên Phố Wall.
Nhưng Blackstone của Chính Chu thì khác, vừa danh giá, vừa nhiều tiền lại đầy kinh nghiệm.
Khi Blackstone nhảy vào, ván bài ngay lập tức đảo ngược và Michael Dell có nguy cơ mất quyền kiểm soát công ty mình đã lập ra cách nay 29 năm trong ký túc xá một trường đại học.
Biết ở thế yếu, từ cuối tháng 3 Michael Dell đã bí mật gặp Chính Chu xin thỏa hiệp. Michael Dell sẽ không bán số cổ phần ông này đang nắm giữ và giúp Blackstone bớt số vốn huy động đi 4,5 tỷ USD nhưng điều kiện là Michael Dell phải giữ được ghế Tổng giám đốc.
Đối tác của Michael Dell trong liên danh là Silver Lake không được thông báo gì về cuộc gặp kể trên.
Hiện cả hai bên liên quan đều từ chối bình luận nhưng có thể cả Carl Icahn, South Eastern Asset Management và T. Rowe Price Group đều sẽ không thoái vốn. Ba cổ đông này đang nắm giữ số cổ phần gần tương đương với Michael Dell, tức phía Blackstone đã có nguồn vốn bù đắp nếu thương thảo với Michael Dell không thành.
Có tin cho biết, Blackstone đã liên hệ mời Chủ tịch Oracle Mark Hurd về thay Michael Dell ngồi ghế CEO trong trường hợp ông này “bất hợp tác”.
Theo TTVN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|