top-banner-2

Thứ sáu, 12/02/2016, 08:55 GMT+7

Rộ trào lưu xin đi nhờ xe Tết: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Đặc điểm chung của những tài khoản xin đi nhờ xe dịp Tết là có ảnh đại diện rất xinh đẹp và nói sẵn sàng chia sẻ tiền xăng với các anh lái xe.

Dịp Tết Nguyên Đán, nhu cầu đi lại tăng cao, nhiều “mạnh thường quân” của các nhóm chơi xe trên Facebook đã mạnh dạn sử dụng xe cá nhân của mình, cho nhiều người dân thiếu may mắn không bắt được xe khách đi nhờ, nếu cùng chung tuyến đường.

Ngược lại, nhiều người cũng chủ động đăng tin, bài trên Facebook đề nghị những người có xe, cho đi chung và sẵn sàng mời cơm nước, cafe, nhiều đề nghị kiểu này lại đến từ các cô gái.

Đình đám nhất là bài viết của tài khoản mang tên Nguyệt Vân trên nhóm Otofun, xin đi nhờ xe từ Thái Bình, lên trung tâm Hà Nội, sau đó lại ra sân bay Nội Bài và từ Nội Bài về Hà Nội trong các ngày mùng 6, mùng 8 và... mùng 10 Tết, với điều kiện “chỉ cần xe không có mùi” và tài xế... chưa có người yêu”.

Chỉ trong vòng 30 phút, bài viết này đã nhận được xuýt xoát hàng nghìn lần bình luận, phần lớn là “ném đá” cô gái, trước khi bài viết bị xoá bỏ.

Đăng ảnh đại diện xinh đẹp và xin đi nhờ xe. ảnh chụp màn hình: Facebook

“Đi nhờ là phụ, up ảnh câu trai, câu like là chính Cứ phải lí do là chật chội, nhồi nhét các kiểu, bình thường mọi năm không có trò đi nhờ chắc các mợ ý chịu chết nhỉ”, Phạm Phương Dung, một người dùng Facebook nhận xét.

“Hình thức đi nhờ xe này có từ lâu rồi, nhưng hình như đang bị biến tướng thì phải”, một người dùng Facebook khác cho ý kiến bên cạnh những bình luận khá yếu ớt bênh vực cô gái.

Đi nhờ xe không phải là một việc mới mẻ, thậm chí, trên thế giới có những trào lưu được gọi là Hitchhike hay Hitchhiking, đi “phượt” khắp nơi chỉ bằng phương pháp đi nhờ xe, thường là các xe tải đường dài tại các nước như Úc, Mỹ... nhưng tại Việt Nam, đi nhờ xe có kèm theo khá nhiều rủi ro, đến từ hai phía.

Tranh cãi về việc đi nhờ xe là tốt hay xấu. ảnh chụp màn hình: Facebook

Có một vài động cơ để một người xin đi nhờ xe như sau: khó khăn về mặt di chuyển, có nhu cầu cần phải đi nhờ xe người khác; cướp; lừa đảo; mơ mộng về một mối tình đi nhờ xe mà nên duyên kiểu... Hàn Quốc, lợi dụng để chở hàng cấm và “câu like” để bán hàng qua mạng.

Ví dụ, ngày mùng 3 Tết, trên nhóm Otofun, thành viên có tên Hà Linh đăng bài viết: “mùng 6 Tết có bác nào chạy từ Kim Sơn – Ninh Bình ra Hà Nội không, cho em đi cùng với ạ, em gửi tiền xăng xe, em không dám đi xe khách ngày đó”, bấm vào tài khoản Facebook có avatar rất bắt mắt này, bạn sẽ thấy hàng loạt rao vặt trên dòng thời gian của trang cá nhân.

Anh Trần Duy Thái, một người dân thường xuyên phải di chuyển tuyến Sơn La – Hà Nội cho biết, dọc đường mà thấy người khác vẫy đi nhờ xe, nghĩ cũng tội, nhưng phải can đảm lắm mới cho đi nhờ vì đây là tuyến đường nóng về vận chuyển ma tuý khá nổi tiếng trong giới tội phạm. “Cho đi nhờ xe, chỉ sợ gặp em anh Tàng (Tàng Keangnam, trùm ma tuý Sơn La, đã bị bắt) thì tạch”.

Mới đây, ngày 7/1/2016, TAND tỉnh TT-Huế mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và tuyên 7 năm, 6 tháng tù giam đối với bị cáo Trần Văn Tuấn (SN 1997, huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế) về tội “Hiếp dâm trẻ em”, do trước đó, với thủ đoạn cho đi nhờ xe, Tuấn đã lợi dụng để hiếp dâm em Đ.T.H (sn 2001) ở cùng xã. Ngoài vụ này, những vụ cướp, giết nạn nhân nữ một mình xin đi nhờ xe cũng không hề hiếm.

Riêng đối với các chủ xe 4 – 7 chỗ, xe là một tài sản quý giá và có thể là mục tiêu hướng tới của tội phạm, nên cho dù có lòng tốt cũng phải cân nhắc kỹ càng khi cho người lạ đi nhờ xe.

Theo Lê Nam (Itcnews.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Rộ trào lưu xin đi nhờ xe Tết: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

 

bhql

kndn

hoa-moc-thien-2

dai-lam-moc

hoa-moc-thien

tieng-hat-viet-toan-cau-3